Trước khi trút linh hồn trên thập giá, Chúa Giê-xu đã lớn tiếng rằng,
“mọi việc đã trọn”. Điều này có nghĩa là tất cả những gì
cần phải làm để một người hưởng được ơn cứu rỗi thì Chúa Giê-xu đã làm thay cho
nhân loại cả rồi. Bởi sự chết và sự sống lại của mình Chúa Giê-xu đã cung ứng
cho nhân gian một giải pháp cho sự cứu rối linh hồn. Không những thế, Ngài còn
là Đấng đáp ứng mọi nhu cầu về phần xác của con người chúng ta, trong đó phải
kể đến sự chữa lành thuộc thể và sự cung ứng lương thực hàng ngày. Lẽ thật này
được bày tỏ cách rõ ràng trong Phúc Âm Mathiơ. 14: 13-21. Chúng ta sẽ cùng nhau
khám phá qua phân đoạn Kinh Thánh vừa nêu.
Nghe tin ấy, Đức Chúa Jêsus xuống thuyền,
rời chỗ nầy đi đến nơi hoang vắng. Biết vậy, dân chúng từ các thành đi bộ theo
Ngài. Vừa ra khỏi thuyền,
Đức Chúa Jêsus thấy đoàn dân đông thì cảm thương, và chữa lành cho những người
bệnh. Đến chiều tối, các môn đồ đến thưa với Ngài: “Nơi nầy
hoang vắng, trời tối rồi, xin Thầy cho dân chúng về để họ vào các làng mua thức
ăn.” Đức Chúa
Jêsus phán: “Họ không cần phải đi đâu; chính các con hãy cho họ ăn.” Các môn đồ thưa rằng: “Ở đây, chúng con chỉ
có năm cái bánh và hai con cá.” Ngài phán: “Hãy đem đến đây cho Ta.” Sau khi truyền cho dân chúng ngồi trên bãi
cỏ, Ngài lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời tạ ơn rồi bẻ bánh
ra trao cho môn đồ, họ phân phát cho dân chúng. Mọi người đều ăn no nê. Họ thu lại
được mười hai giỏ đầy những mẩu bánh thừa. Số người
ăn khoảng năm nghìn người, không kể phụ nữ và trẻ em.
I. Chúa Giê-xu là Đấng đáp ứng nhu
cầu của con người (c. 13-16)
A. Ngài chữa lành cho những người bệnh
Bất cứ nơi nào có sự
hiện diện của Chúa Giê-xu nơi đó có người tìm đến. Không phải một vài người mà
là cả đoàn dân đông. Tại sao đoàn dân đông từ các thành phố sẵn lòng đi bộ vào
đồng hoang? – Vì tại đó có Chúa Giê-xu.
Có
thể có một số người vào đồng vắng tìm gặp Chúa vì hiếu kỳ, nhưng đại đa số
người ta tìm gặp Chúa là vì họ có nhu cầu. Tại sao những người có nhu cầu lại
cố công tìm gặp Chúa? – Vì Chúa có câu trả lời cho mọi nhu cầu, nan đề của họ.
Vì Ngài là cái cửa, là lối thoát, là sự sống cho họ. “Vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta
phải nhờ đó mà được cứu” (Công vụ 4: 12).
Kinh Thánh thuật lại
rằng, Chúa Giê-xu “thấy đoàn
dân đông đúc, động lòng thương xót, mà chữa cho kẻ bịnh được lành”. Chúa Giê-xu trong đồng vắng năm
nào cũng chính là Chúa Giê-xu của ngày hôm nay, Ngài đang ở đây giữa Hội Thánh
của Ngài. Ngài đang nhìn mỗi một chúng ta với tấm lòng thương xót.
Bạn có nan đề ư? – Hãy
chạy đến với Ngài. Anh chị em đang có bệnh tật trong thân thể mình ư? – Hãy
chạy đến với Ngài để được chữa lành ngay hôm nay. Khi Kinh Thánh nói rằng, Ngài
động lòng thương xót thì điều đó có nghĩa là Chúa chữa lành cho chúng ta, không
phải vì chúng ta có xứng đáng hay không mà là vì chúng ta được Chúa thương xót;
Ngài giải quyết nan đề, đáp ứng nhu cầu cho chúng ta không phải vì chúng ta là
ai – tin Chúa lâu hay mới, giàu hay nghèo, tốt hay xấu – mà là vì Chúa thương
xót chúng ta.
Do đó, hãy dạn dĩ mà
đến với Ngài, vì chỉ có những người tự nguyện đến với Ngài mới nhận được sự thương
xót; chỉ có những người tự nguyện đến với Ngài mới nhận được sự chữa lành, sự
tha thứ, sự giải cứu, … mà thôi.
B. Ngài cung cấp thức ăn cho những
người đói
Chúa Giê-xu không chỉ
chữa lành cho những người bị bệnh mà Ngài còn làm phép lạ đáp ứng nhu cầu vật
chất cho đoàn dân đông nữa. Đó là tin mừng cho những người nghèo khổ, khó khăn.
Không phải Hội thánh đáp ứng tiền bạc hay thức ăn cho những người thiếu đói mà
là chính Chúa. Chúa quan tâm đến mọi nhu cầu của chúng ta, kể cả nhu cầu cơm
áo, gạo tiền.
Chúa đáp ứng nhu cầu
vật chất cho những người có nhu cầu cũng y như Ngài chữa lành cho những người
bị bệnh đến nhờ cậy Ngài vậy. Chúa không phân biệt người này với kẻ kia, không
phân biệt người bị bệnh với người bị đói, không phân biệt đàn ông với đàn bà, người
lớn với trẻ nhỏ. Bất kỳ ai bằng lòng chạy đến với Chúa, bất kỳ ai quyết định
nương nhờ nơi Ngài thì người đó đều được Chúa thương xót, nhu cầu của người đó
đều được Chúa đáp ứng cáh thỏa đáng. Đừng sợ hãi, cũng đừng quá lo lắng. Chúa
có cách của Ngài để đáp ứng nhu cầu vật chất cho mỗi một chúng ta.
II. Cách Chúa Giê-xu đáp ứng nhu cầu vật chất (c. 17-19)
A. Từ sự đóng góp nhỏ bé của các môn đệ
Phép lạ hóa bánh chu
cấp cho 5000 người ăn chưa kể phụ nữ và trẻ em bắt đầu từ 5 chiếc bánh mì và 2
con cá, mà theo Tin Lành Giăng. 6: 9 thì đó chỉ là phần ăn của một bé trai.
Đừng quên rằng, Chúa của chúng ta là Đức Chúa Trời toàn năng. Ngài là Đấng dựng
nên cả vũ trụ bao la này với muôn vật trong đó, kể cả loài người chúng ta. Kinh
Thánh trong Hê-bơ-rơ 11: 3 cho chúng ta biết rằng, Chúa tạo nên vũ trụ này chỉ
bằng lời phán và “do đó
những vật hữu hình ra từ những sự vô hình”, tức là không cần một nguyên liệu ban đầu nào cả Chúa cũng
đã tạo nên một vũ trụ kỳ vĩ này. Thế nhưng, trong trường hợp hóa bánh này thì
Chúa lại sử dụng sự đóng góp nhỏ bé của các môn đệ Ngài.
Vào năm 1996, khi tôi
mới bước vào chức vụ hầu việc Chúa với vai trò là một nhân sự của Hội thánh địa
phương có tên là A-bô-lô tại Sài gòn. Đây là thời điểm vô cùng khó khăn đối với
vợ chồng chúng tôi khi bị gia đình hai bên bắt bớ vì cớ niềm tin nơi Chúa.
Trong thời gian này, Chúa có dùng ông bà Mục sư Phạm Phú Ánh cung ứng gạo hàng
tháng cho chúng tôi. Ngặt nỗi nhà chỉ có chiếc xô nhựa chứa khoảng tám ký gạo
nên hễ khi nào hết thì báo để nhận tiếp. Đối với những gia đình khó khăn thì
bữa ăn đối với họ chủ yếu là cơm chớ không phải thức ăn, nên thường thì rất mau
hết gạo. Gia đình tôi lúc đó có cả thảy 4 người, 2 vợ chồng, 2 đứa con. Lần nọ,
vì đã quá lâu mà không thấy chúng tôi nói gì nên ông bà Mục sư Ánh nghĩ rằng,
chắc là có ai đó đã cho chúng tôi gạo. Song khi hỏi ra thì mọi người đều lấy
làm kinh ngạc vì đã hơn tháng rồi mà xô gạo vẫn cứ còn ở mức phân nữa. Dầu gia
đình tôi ngày nào cũng nấu ăn như trước.
Vâng,
ngày nay Đức Chúa Trời vẫn còn làm phép lạ cho con dân của Ngài. Chúa có thể sử
dụng những gì ít ỏi, bé nhỏ của chúng ta để đáp ứng nhu cầu của người khác. Câu
nói của Chúa với các môn đệ: “Chính các ngươi phải cho họ ăn!”, cũng chính là điều Chúa muốn nói với
mỗi một chúng ta trước nhu cầu của những người chạy đến với Ngài. Vấn đề không
nằm ở chỗ chúng ta có gì để dâng, để cho hay không mà là chúng ta có sẵn lòng
để thưa “vâng” với Chúa, sẵn lòng làm theo ý muốn, làm theo mạng lịnh của Ngài
hay không mà thôi. Vì ngay trong việc dâng hiến hay ban cho thì cũng chính Chúa
là Đấng sẽ cấp hạt giống cho những người nào sẵn lòng muốn được ban cho (2 Corinhto
9: 10)
B. Cảm tạ Đức Chúa Cha vì những gì hiện
có, trước khi phát cho những người đang có nhu cầu
Đúng là Chúa Giê-xu
làm phép lạ chu cấp thức ăn cho khoảng 15000 người, cả lớn lẫn bé từ 5 chiếc
bánh mì và 2 con cá, song bánh và cá không tự động gia tăng vừa khi được đặt
vào tay Chúa Giê-xu. Bánh và cá chỉ gia tăng sau khi Chúa “ngửa mặt lên trời mà
tạ ơn”.
Đấy chính là cách mà
phép lạ xảy ra: sau lời tạ ơn Chúa. Phép lạ khiến La-xa-rơ sống lại từ trong
cõi chết sau bốn ngày nằm trong huyệt mộ cũng xảy ra sau lời cầu nguyện của
Chúa Giê-xu: “Thưa Cha,
tôi tạ ơn Cha, vì đã nhậm lời tôi” (Giăng 11: 41). Nói cách khác, lời tạ ơn hay cảm ơn Chúa đã
khai phóng quyền năng siêu nhiên của Đức Chúa Trời.
Kinh Thánh không cho
chúng ta biết đích xác là Chúa Giê-xu tạ ơn Đức Chúa Trời về điều gì, nhưng rõ
ràng rằng sau lời cầu nguyện cảm tạ này thì phép lạ đã xảy ra. Bánh và cá cứ âm
thầm mà tăng bội lên, theo bước chân đi phân phát của các sứ đồ.
Thế thì, tại sao ta
lại không theo gương Chúa Giê-xu mà liên tục “vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta” (Epheso 5: 20). Vì ai biết được,
một lúc nào đó sau lời cảm tạ của chúng ta một phép lạ từ Đức Chúa Trời sẽ xảy
ra thì sao. Há chẳng phải Chúa Giê-xu đã từng phán bảo rằng, “người nào tin Ta, thì cũng sẽ làm những việc
Ta làm, và còn làm những việc vĩ đại hơn nữa, vì Ta trở về cùng Cha” (Giăng 14: 12) đó sao?
III. Sự chu cấp của Chúa luôn NHIỀU
HƠN là đủ (c. 20-21)
A. Tất cả mọi người đều ăn NO
Kinh Thánh cho chúng
ta biết rằng, “ai nấy đều ăn no”. “Ai nấy” ở đây không thể là chỉ 5000 người
đàn ông, mà bao gồm cả phụ nữ và trẻ em nữa. Nếu cứ bình quân cứ một ông đi với
một bà cùng một em bé thôi thì đoàn dân này đã lên đến con số 15.000 người rồi.
Và nếu 5 chiếc bánh mì (đây là loại bánh mì tròn cở chiếc đĩa loại trung, dẹp
và mỏng) và 2 con cá là phần ăn đủ no của một em bé, và ai cũng cần một khẩu
phần như thế thì để ăn no phải cần đến 75.000 chiếc bánh mì và 30.000 con cá!
Điều gì sẽ xảy ra nếu
Chúa Giê-xu ngay lập tức biến từ 5 chiếc bánh và 2 con cá ra đủ số lượng kể
trên? – Tai họa chắc chắn sẽ xảy ra, vì chỗ đâu mà chứa. Đó là chỗ đặc biệt
trong phép lạ này của Chúa Giê-xu. Không ai nhìn thấy bánh mì và cá gia tăng
trong giỏ của các sứ đồ cả. Chính các sứ đồ cũng không nhận thấy điều đó. Họ
chỉ vâng lời Chúa phân phát cho người ta, hết hàng này đến hàng khác. Và kết
quả là “ai nấy đều ăn no”!
Nếu được phép chọn, có
lẽ đa số người trong chúng ta sẽ chọn kiểu phép lạ mà Chúa Giê-xu khiến cho 2
chiếc thuyền của Phi-e-rơ đầy cá (Luca 5) hơn là kiểu phép lạ hóa bánh cho năm
ngàn người ăn. Dù cách này hay cách kia thì cách nào cũng là phép lạ. Dù được
Chúa chu cấp cho một số tiền lớn cách siêu nhiên, hay bất ngờ hoặc được Chúa
nuôi từ ngày này sang ngày kia với một khoản thu nhập ít ỏi thì cả hai cũng đều
là phép lạ. Chúa toàn quyền trong việc quyết định kiểu phép lạ nào sẽ làm trong
trường hợp cụ thể của chúng ta. Dù là kiểu phép lạ nào đi nữa, thì nhu cầu của
chúng ta cũng được đáp ứng cách đầy đủ; dù là kiểu phép lạ nào đi nữa thì “ai
nấy cũng đều được ăn no”. Khá nhớ rằng, “no” không bao giờ đồng nghĩa với vừa
đủ mà là “căng”, là “đầy” rồi.
B. Thừa lại 12 giỏ đầy
Không chỉ dừng lại ở
mức độ “ai nấy đều ăn no”, mà sự chu cấp của Chúa còn nhiều hơn là đủ. Kinh
Thánh thuật lại rằng, “bánh thừa lại thâu được mười hai giỏ”. Nói cách khác,
mười hai giỏ trong tay mười hai sứ đồ, sau khi phân phát khắp lượt cho cả chục
ngàn người lại đầy nguyên, không hề suy giảm.
Đó là cách ban cho của
Chúa. Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời của sự dư dật, Ngài là Đức
Chúa Trời của sự giàu có nên sự ban cho của Ngài luôn “trỗi hơn vô cùng những điều chúng ta cầu xin
và suy tưởng”; sự chu cấp của Ngài
luôn vượt trỗi hơn nhu cầu của chúng ta; sự ban cho của Ngài luôn nhiều hơn là
đủ.
Anh chị em ơi, chúng
ta có một Đức Chúa Trời vĩ đại và quyền năng. Ngài là Đức Chúa Trời hay làm
phép lạ. Ngài là Đấng chu cấp mọi nhu cầu của chúng ta. Ngài dùng chính những
điều ít ỏi, bé nhỏ mà chúng ta dâng hiến để sanh hóa ra nhiều; và bởi lời cảm
tạ từ nơi môi miệng của chúng ta quyền phép siêu nhiên của Đức Chúa Trời sẽ
được khai phóng để nhân bội lên những gì hiện có để chu cấp nhu cầu cho nhiều
nhiều người. Sự chu cấp của Ngài bao giờ cũng nhiều hơn là đủ, bao giờ cũng
vượt trỗi hơn nhu cầu của mỗi chúng ta. Hãy chạy đến với Ngài và ngửa trông nơi
sự thương xót của Ngài. Chính Chúa, chớ không phải ai khác, “sẽ làm đầy đủ mọi sự cần dùng của anh chị em y
theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Giê-xu Christ”, Cứu Chúa chúng ta.
MSB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét