Cầu nguyện là một sinh hoạt thường ngày của người tin
Chúa; cầu nguyện còn được ví sánh như là sự thở – không ai có thể sống mà không
thở. Có thể nói, ai cũng biết cầu nguyện nhưng không phải ai cũng cầu nguyện.
Ai cũng biết cầu nguyện nhưng không phải ai cũng biết đâu là kết quả của một lời
cầu nguyện dâng lên cho Đức Chúa Trời. Kinh thánh Giê-rê-mi 33: 3 cho chúng ta
biết những kết quả đó. “Hãy kêu cầu
ta, ta sẽ trả lời cho; ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc
ngươi chưa từng biết”. Câu Kinh
Thánh này còn là lời mời gọi của Đức Chúa Trời Toàn năng dành cho mỗi một chúng
ta.
I.
Hãy Kêu Cầu Ta
Khi nào thì người ta kêu? – Khi buồn, khi khổ người ta
kêu; khi vui, khi sướng người ta kêu; khi đau ốm, lúc nhọc nhằn hay khi thành đạt
người ta cũng kêu. Gia-cơ khuyên rằng, “Trong anh em có ai chịu khổ chăng?
Người ấy hãy cầu nguyện. Có ai vui mừng chăng? hãy hát ngợi khen. Trong anh em
có ai đau ốm chăng? Hãy mời các trưởng lão Hội thánh đến …”
(Gia-cơ 5:
13-14). Như vậy, bất cứ lúc nào người ta cũng kêu được. Hay nói cách khác,
“kêu” là chuyện tự nhiên, chuyện thường ngày tự cổ chí kim, từ đông sang tây, của
con người sống trên nhân thế.
Nếu “kêu” là chuyện tự nhiên của mọi người thì tại sao
Chúa lại bảo rằng, “hãy kêu cầu Chúa”? – Có thể lắm, họ vẫn còn kêu cầu nhưng
không phải là cùng Chúa mà là với con người, với tổ chức, … Giống như dân
Y-sơ-ra-ên năm xưa, khi bị quan quân Ai-cập đuổi theo đến tận Biển Đỏ, đã kêu
la với Chúa và oán trách Môi-se là người lãnh đạo của mình (Xuất Hành. 14:
10-12).
Thế thì, anh chị em ơi, vấn đề không nằm ở chỗ anh chị
em có còn cầu, còn khẩn hay không; có còn công khai trình bày nan đề của mình
hay không, mà là anh chị em đang bình
bày điều đó với ai?
Anh chị em đang kêu rêu, oán trách lãnh đạo, người
thân trong gia đình, đồng nghiệp trong cơ quan về những nan đề mình phải chịu
hay anh chị em đang hướng lòng về Chúa để tìm câu trả lời?
Nhưng tại sao phải nhất định là kêu cầu cùng CHÚA, người
ta há chẳng nói rằng: “Có bệnh thì phải vái tứ phương” đó sao? – Vâng, chúng ta
muốn kêu cùng ai cũng được, nhưng nếu muốn chắc chắn nhận được điều mình “kêu”
thì chỉ có kêu cầu cùng Đức Chúa Trời của Cơ-đốc giáo mà thôi.
Tại sao? – Ấy là tại vì con người luôn bất toàn, nên
dù là ai, cũng thường gặp phải cảnh “lực bất tòng tâm” hay “cái khó bó cái
khôn”, còn Chúa, và duy chỉ có Ngài, là Đấng Toàn Năng, tức là việc chi Chúa
làm cũng được (Luca 1: 37); kể cả việc “ban sự sống cho kẻ chết, gọi những
sự không có như có rồi” (Roma 4: 17).
Phải chăng anh chị em đang đối diện với bệnh tật, khó nghèo, với nan
đề, hay sự bắt bớ, …, thì hãy chạy đến với Chúa vì chính Ngài đang mời gọi anh
chị em rằng, “hãy kêu cầu Ta”
II. Ta Sẽ Trả Lời Cho; Ta Sẽ Tỏ Cho Ngươi Những Việc Lớn
Và Khó, Là Những Việc Ngươi Chưa Từng Biết
Khi
Chúa bảo: “Ta sẽ trả lời cho” thì điều đó có nghĩa gì? – Đó là sự bảo đảm, đó
là sự chắc chắn.
Người
Việt ta mỗi dịp lễ Tết thường hay đổ xô đi cầu, đi cúng nhưng nếu hỏi ai đó rằng “có chắc sẽ được những điều mình cầu, mình khấn không?”
thì câu trả lời sẽ là: “Hên xui!”, tức là không ai dám chắc. Ấy vậy mà, Đức
Chúa Trời thì khẳng định chắc nịch rằng, “nếu ngươi kêu cầu thì Ta sẽ trả lời
cho”.
Ngài không chỉ hứa như vậy đối với dân Y-sơ-ra-ên
trong Cựu ước, mà Ngài còn tái xác quyết điều này với chúng ta trong Tân ước khi
phán: “Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp;
hãy gõ cửa, sẽ mở cho” (Mathiơ 7: 7). Tại sao Chúa luôn xác
quyết như thế? – Vì Ngài là Đức Chúa Trời thành tín, nên điều chi Chúa đã hứa,
thì Ngài cũng có quyền làm cho trọn (Roma 4: 21)
Anh chị em ơi, hãy dạn dĩ mà đến cùng Chúa; hãy trình
dâng những nhu cầu, những nan đề của mình cho Chúa, vì Ngài bảo đảm rằng nếu
anh chị em kêu cầu thì Ngài sẽ trả lời, nếu anh chị em xin thì sẽ được, anh chị
em tìm thì sẽ gặp và nếu anh chị em gõ thì cửa Trời sẽ mở
ra cho. Hallelugia.
Thế nhưng, không chỉ trả lời mà Chúa còn hứa là sẽ ban
cho những người kêu cầu “những việc lớn và khó, là những việc mà họ chưa từng biết” nữa kia. “Lớn và khó” là với chúng ta chớ không phải
là với Chúa. Bởi vì, Kinh Thánh dạy rằng có gì là khó quá cho Chúa đâu
(Giê-rê-mi 32: 17, 27). Vậy thì, nhu cầu mà anh chị em trình dâng, dù to lớn,
phức tạp, đắt giá cỡ nào, cũng không vượt quá khả năng giải quyết, vượt quá khả
năng đáp ứng của Chúa đâu.
Một điều cần làm sáng tỏ trong lời hứa này của Chúa nằm
ở cụm từ: “những việc ngươi chưa từng biết”. Nếu có những việc mà thực sự ta
chưa từng biết thì làm sao ta có thể xin? Làm sao ta có thể xin Chúa một vật gì
đấy mà mình chưa hề biết vật đó “mặt mũi” ra sao. Còn nếu ta không xin mà Chúa vẫn
cho thì liệu có “vi phạm nhân quyền” của chúng ta không, bởi vì trong trường hợp
này là ‘xin một nơi, mà cho một nẽo’.
Không, không hề có chuyện như thế. “Việc mà chúng ta
chưa từng biết” ở đây nên được hiểu là những việc ta chưa từng hay chính xác
hơn là chưa dám nghĩ đến, hay nói cách văn chương là “em nào dám mơ, dám mộng
gì đâu”! “Việc mà các ngươi chưa từng biết” là những việc “trỗi hơn vô cùng những
điều chúng ta cầu xin và suy tưởng” (Epheso
3: 20) khi trình dâng nhu cần của mình cho Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện.
Đó là sự làm cho đứa con gái của Giai-ru hay anh trai
của chị em Ma-thê sống lại thay vì sự chữa lành; đó là một Giăng Báp-tít, người
mở đường cho Chúa Cứu thế thay vì chỉ là một đứa con trai nối dõi theo ước nguyện
của đôi vợ chồng tư tế già Xa-cha-ri; là một tiên tri Sa-mu-ên lỗi lạc cho cả
quốc gia Y-sơ-ra-ên thời kỳ tiền quân chủ thay vì chỉ là một đứa con trai cất
đi sự sỉ nhục cho người mẹ son sẽ An-ne!
Đó là lời hứa chắc chắn cho những ai kêu cầu cùng Đức
Chúa Trời của Cơ-đốc giáo. Hàng ngàn năm đã trôi qua, mọi sự luôn thay đổi.
Song Đức Chúa Trời của chúng ta không hề thay đổi. Hôm qua, hôm nay và mãi muôn
đời Chúa vẫn y nguyên (Hê-bơ-rơ 13: 8). Ngài không hề thay đổi, nên những gì
Ngài hứa vẫn còn nguyên giá trị.
Ngài đã hứa gì? – “Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời
cho; ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết”.
Bạn còn chờ gì nữa mà không chạy đến với Ngài để “nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt lành dường
bao”?
MSB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét