Kinh
Thánh dạy rằng, Đức Chúa Trời của chúng ta là Đấng Thành Tín; rằng điều chi
Chúa đã hứa thì Ngài cũng có quyền làm cho trọn. Chúa luôn mời gọi con dân Chúa
chạy đến với Ngài, trao gánh nặng cho Ngài, trình các sự cầu xin của mình cho
Ngài và Ngài bảo đảm rằng, phàm ai kêu cầu danh Ngài thì sẽ được cứu; bất kỳ ai
tìm kiếm Ngài thì sẽ gặp; và bất cứ ai kêu cầu với Chúa thì Ngài sẽ trả lời
cho. Thật, Đức Chúa Trời của chúng ta là Đấng luôn nhậm lời cầu xin của những
người chạy đến với Ngài. Thánh Kinh làm chứng về điều đó và kinh nghiệm của
nhiều người trong chúng ta cũng đồng làm chứng về điều đó. Thế thì đâu là những
nguyên tắc căn bản trong việc Đức Chúa Trời đáp lời cầu xin của chúng ta? Chúng
ta sẽ cùng khám phá điều này trong Lời của Chúa nơi sách Tin Lành Giăng. 2:
1-12.
Ba ngày sau, có một tiệc cưới ở Ca-na,
miền Ga-li-lê. Mẹ Đức Giê-su có mặt tại đó. Đức Giê-su và các môn-đệ cũng được
mời dự tiệc. Khi thiếu rượu, mẹ Đức Giê-su bảo Ngài: “Người ta hết rượu rồi!” Đức
Giê-su nói: “Thưa mẹ, việc của Con có can hệ gì đến mẹ, giờ Con chưa đến!” Mẹ
Ngài nói với những người hầu tiệc: “Người bảo sao hãy làm vậy!”
Tại đó có sáu cái vại bằng đá, mỗi cái
chứa khoảng tám mươi đến một trăm hai mươi lít nước, dùng cho lệ tẩy sạch của
người Do Thái. Đức Giê-su bảo: “Hãy đổ nước đầy các vại nầy đi!” Họ đổ đầy tới
miệng vại. Rồi Ngài tiếp: “Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc.” Vậy họ
mang đến cho ông ấy. Khi người quản tiệc nếm nước đã biến thành rượu, (chẳng biết
rượu từ đâu đến, nhưng những người hầu tiệc đã múc nước thì biết rõ) ông
gọi chú rể bảo: “Người ta ai cũng đãi rượu ngon trước, còn rượu dở dành cho lúc
khách đã say, riêng anh thì giữ rượu ngon cho đến bây giờ!”
Thế là tại Ca-na, miền Ga-li-lê, Đức Giê-su
thực hiện dấu lạ đầu tiên và bày tỏ vinh quang Ngài, nên các môn đệ tin Ngài.
Từ
phân đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thấy được có ba nguyên tắc căn bản trong sự
đáp lời của Chúa.
I. Chúa Có Thời Điểm
Của Ngài Để Đáp Lời Cầu Xin Của Chúng Ta
Theo
phong tục của người Do Thái thì lễ cưới kéo dài trọn một tuần lễ, mọi người
thân quen đều được mời tham dự. Đây chính là lý do tiệc cưới này rơi vào cảnh
thiếu rượu.
Có
thể không ít lần trong đời chúng ta cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự hoặc thậm
chí nan giải hơn và dù đã tìm hết cách nhưng không cách chi giải quyết được. Có
thể, bạn đã đến hạn đóng tiền thuê nhà, đến hạn thanh toán nợ mà không biết lấy
đâu ra. Và có lẽ, chúng ta cũng làm như Mary đã làm là chạy đến với Chúa trình
dâng nhu cầu hoặc của mình hoặc của người lên cho Chúa.
Câu
trả lời của Chúa Giê-xu thoạt nhìn có vẽ như Ngài từ chối vậy: “Ta với người có sự gì chăng?” Hay nói cách khác là “việc đó thì
can hệ gì đến chúng ta (mẹ và con)?” Không những thế, Ngài còn thêm: “giờ Ta chưa đến”.
Thế
nhưng, những gì diễn ra sau đó chứng tỏ rằng, Chúa Giê-xu chẳng hề từ chối hay
là không quan tâm đến lời cầu xin của mẹ mình là Mary. Thế thì, “giờ ta chưa
đến” ở đây có nghĩa là Chúa có thời điểm của Ngài để trả lời điều chúng ta cầu
xin. Nói cách khác, Chúa giải quyết điều kêu cầu của chúng ta theo thời điểm
của Ngài chớ không theo thời điểm của chúng ta. Chúa biết thời điểm nào là tốt
nhất để trả lời điều chúng ta cầu xin Ngài. Vì cớ Ngài là Chúa, tức là Chủ chớ
không phải là đầy tớ như vị thần đèn của A-la-đin trong chuyện cổ tích, nên
Ngài chớ không phải chúng ta, quyết định thời điểm trả lời.
Ngài
biết thời điểm nào là tốt nhất để ban Giăng Báp-tít cho vợ chồng thầy tế lễ
Xa-cha-ri; Chúa biết thời điểm nào là thích hợp để Con Thánh ra đời; Ngài biết
khi nào là nên khiến cho La-xa-rơ sống lại từ trong cõi chết. Chúa là Đấng Toàn
Tri và Ngài đồng thời cũng là Đức Chúa Trời Tốt lành.
Chúa
biết lúc nào là tốt nhất để trả lời đều bạn cầu xin; Chúa biết lúc nào là thích
hợp nhất để chữa lành, để xóa nợ, để ban cho bạn một nơi ở ổn định hay một
người bạn đời xứng hợp. Sự trả lời của Chúa không bao giờ là quá sớm, cũng
không bao giờ là quá trễ.
Nếu hôm nay Chúa có nói với bạn rằng, “giờ Ta chưa
đến” thì cũng đừng vì thế mà nản lòng, thất vọng hay bỏ
cuộc thối lui. Chúa nói như thế, không phải là Ngài từ chối bạn mà là Ngài muốn
bạn biết rằng, Ngài có một thời điểm để làm thành điều bạn cầu xin. Hãy vững
tin nơi Ngài.
II. Câu Trả Lời Của Chúa
Luôn Đến Sau Sự Vâng Lời Của Chúng Ta.
Tuy còn có chỗ khó hiểu trong cách xưng hô của Chúa
Giê-xu đối với mẹ mình, nhưng rõ ràng Mary không lấy đó làm nhụt chí. Bằng
chứng là bà bảo những người chạy bàn rằng, “Ngài bảo chi hãy vâng
theo cả” và sau đó họ đã làm theo y như những gì Chúa Giê-xu
bảo họ.
Kinh
Thánh không cho chúng ta biết Mary là ai đối với chú rể hay
giữ vai trò gì trong tiệc cưới này, nhưng rõ ràng những gì bà nói thì những
người chạy bàn đều nghe theo. Họ nghe theo bà vâng lời Chúa Giê-xu.
Chúa
Giê-xu đáp ứng nhu cầu của tiệc cưới hay nói cách khác là Chúa trả lời điều
Mary cầu xin thông qua sự vâng lời của những người chạy bàn. Họ đã đổ vào 6 cái
ché đá khoảng 450 lít nước và sau đó lần lượt múc ra đãi khách.
Bí
quyết nằm ở đó: làm theo sự hướng dẫn của Chúa hay vâng lời Chúa. Mà làm theo
sự hướng dẫn của Chúa hay vâng lời Chúa chính là hành động của đức tin. Thế
nhưng, không phải đức tin của những người chạy bàn tiệc khiến phép lạ xảy ra,
không phải đức tin của họ làm cho nước lã hóa nên rượu. Không, trong câu 11 nói
rằng Chúa Giê-xu đã làm phép lạ này; chính Chúa đã khiến nước hóa thành rượu.
Đức
tin của chúng ta là cần thiết không phải là để làm cho phép lạ xảy ra mà là để
nhận lấy, để hiện thực hóa những gì mà chính Chúa sẽ làm cho chúng ta. Không
phải đức tin của chúng ta trả lời đều chúng ta cầu xin mà là chính Chúa, đức
tin của chúng ta là để nhận lãnh đều mà Chúa ban cho mình.
Vì
không hiểu điều này nên nhiều người cứ thắc mắc: “tại sao tôi cũng làm đúng y
như thế mà phép lạ (sự chữa lành, sự giải cứu, sự tiếp trợ, …) lại không xảy ra?”
Nó không xảy ra vì việc làm của chúng ta, những hành động của chúng ta – dù làm
theo sự hướng dẫn của Chúa đi nữa – cũng không thể tạo ra phép lạ. Chúa mới là
Đấng làm phép lạ.
Như
vậy, trong sự đáp lời của Chúa cần có sự vâng lời, tức là hành động đức tin của
chúng ta. Sự trả lời của Chúa thường xảy ra sau sự vâng lời của chúng ta, tức
là sau khi chúng ta làm theo sự chỉ dẫn của Chúa trong trường hợp cụ thể của
Ngài. Đối với những người chạy bàn tiệc trong tiệc cưới năm xưa, thì sự chỉ dẫn
của Chúa là múc nước đổ vào ché và sau đó múc ra cho người quản lý.
Còn
đối với chúng ta ngày nay? – Chúng ta cần phải lắng nghe sự hướng dẫn cụ thể
của Chúa trong trường hợp của mình và rồi “Ngài bảo chi hãy vâng theo cả”, tức
là Ngài bảo gì thì hãy làm y như thế. Thậm chí, việc Ngài bảo chúng ta làm
thoạt trông “chẳng giống ai” đi nữa.
Nếu
Chúa bảo bạn dâng hiến thì hãy dâng hiến; nếu Chúa bảo bạn “dừng lại” thì hãy
dừng lại; nếu Chúa bảo bạn “đoạn tuyệt” thì hãy đoạn tuyệt; nếu Ngài bảo bạn
“đi” thì hãy đi; nếu Ngài bảo bạn “làm” thì hãy làm. Đừng bắt chước người khác,
mà hãy lắng nghe Chúa và làm cho xong phần của mình, thì bạn sẽ thấy Chúa làm
phần của Ngài.
III. Sự Đáp Lời Của Chúa
Bao Giờ Cũng Vượt Trỗi Hơn Mong Đợi Của Chúng Ta
Điều
mà cô dâu và chú rể mong đợi là gì? – Đủ rượu. Điều mà Mary
cầu xin Chúa Giê-xu giúp đỡ là gì? – Đủ rượu cho tiệc cưới. Người ta chỉ cần có
đủ rượu, thậm chí là rượu thường, nếu không muốn nói là rượu dỡ, chớ không cần
rượu ngon. Có đủ rượu là được rồi.
Thế
nhưng điều gì đã xảy ra khi Chúa Giê-xu hành động? – Hơn 450 lít rượu nho
thượng hạng vào lúc cuối tiệc!
Sự
ban cho của Chúa luôn là như vậy. Sự ban cho của Chúa luôn nhiều hơn là đủ; sự
ban cho của Chúa đúng là “trên cả tuyệt vời”, như một số người trong chúng ta
thường nói.
Chúa
ban cho Anne không chỉ một đứa con để khỏi bị người đời gièm chê, khinh bỉ mà
là một tiên tri Sa-mu-ên cho cả dân tộc Y-sơ-ra-ên trong thời buổi tiền quân
chủ loạn ly; Chúa không chỉ nhậm lời cầu xin ban cho vợ chồng Xa-cha-ri một đứa
con trai là Giăng Báp-tit trong lúc tuổi già mà còn là một người mở đường cho
Chúa Cứu Thế; Chúa không chỉ nhậm lời viên cai nhà hội là Giai-ru chữa lành cho
con gái của ông mà còn khiến cho đứa trẻ sống lại từ trong kẻ chết; và Ngài
cũng đã làm tương tự như thế đối với La-xa-rơ, người đã được chôn trong hầm mộ
bốn ngày rồi.
Epheso
3: 20 “Xin tôn vinh Đấng có thể dùng quyền
năng đang hoạt động nơi chúng ta, mà làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin
hay nghĩ tới”
(Bản Công Giáo)
Đức
Chúa Trời của chúng ta là như thế, Ngài không chỉ biết thời điểm tốt nhất để
đáp lời cầu xin của chúng ta mà Ngài còn có điều tốt nhất để ban cho chúng ta
nữa. Đừng giới hạn Chúa, hãy tin cậy vào sự toàn năng và vĩ đại của Ngài.
Cần nhớ rằng, những gì Chúa làm cho chúng ta không chỉ
đơn thuần là đáp ứng nhu cầu của con dân Ngài mà còn nhằm mục đích cao hơn là
bày tỏ vinh quang Ngài cho thiên hạ đều tin (c. 11). Vì cớ những gì Chúa ban
cho chúng ta còn nhằm mục đích là tôn cao chính Ngài và khiến cho người ta tin
nên sự ban cho của Ngài là chắc chắn. Hãy vững lòng tin nơi chính Ngài.
Như
vậy, Lời Chúa ngày hôm nay giúp chúng ta học biết những nguyên tắc trong sự ban
cho của Đức Chúa Trời. Đó là, Chúa đáp lời cầu xin của chúng ta theo thời điểm
của Ngài chớ không phải của chúng ta; sự đáp lời của Chúa thường xảy ra sau khi
chúng ta làm theo sự hướng dẫn cụ thể của Ngài; và sự đáp lời của Chúa luôn
vượt trỗi hơn mọi mong đợi của chúng ta. Một Đức Chúa Trời toàn năng, thành tín
và tốt lành như thế thật xứng đáng để mỗi một chúng ta tin cậy nơi Ngài luôn
luôn.
MSB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét