Thế giới chúng ta đang bước vào một thời điểm vô cùng khó khăn:
khủng hoảng kinh tế ngày một trầm trọng hơn, nguy cơ chiến tranh và hỗn loạn xã
hội đang rình rập gần như mọi quốc gia trên toàn thế giới. Trong khi đó, tình
trạng thuộc linh của phần nhiều Hội thánh Chúa đang sa sút cách nghiêm trọng, tội
lỗi cùng bệnh tật các loại gia tăng trong cộng đồng Cơ-đốc, quyền phép của Đức
Chúa Trời trở nên khan hiếm cực kỳ trong các sinh hoạt của Hội thánh, kể cả các
Hội thánh Ngũ Tuần và Ân Tứ. Trước thực trạng như vậy, đâu là thái độ cần phải
có đối với mỗi Cơ-đốc nhân? Lời Chúa trong Gia-cơ 5: 7-11 là sự nhắc nhở cần
thiết đối với mỗi tôi con Đức Chúa Trời - những người đã được chọn để làm sự
sáng soi rọi giữa thế gian, để rao truyền nhân đức của Thiên Chúa đầy vinh hiển
cho dân tộc này.
Hỡi anh em, vậy hãy nhịn nhục cho tới kỳ Chúa
đến. Hãy xem kẻ làm ruộng: họ bền lòng chờ đợi sản vật quí báu dưới đất cho đến
chừng nào đã được mưa đầu mùa và cuối mùa. Anh em cũng vậy hãy nhịn nhục và bền
lòng; vì kỳ Chúa đến gần rồi.
Hỡi anh em, chớ oán trách nhau, hầu cho khỏi bị
xét đoán; kìa, Đấng xét đoán đứng trước cửa. Hỡi anh em, hãy lấy các đấng tiên
tri đã nhân danh Chúa mà nói, làm mẫu mực về sự chịu khổ và nhịn nhục cho mình.
Anh em biết rằng những kẻ nhịn nhục chịu khổ thì chúng ta xưng là có phước. Anh
em đã nghe nói về sự nhịn nhục của Gióp, và thấy cái kết cuộc mà Chúa ban cho
người; vì Chúa đầy lòng thương xót và nhân từ
I. Vì kỳ Chúa đến gần rồi, chúng ta được kêu gọi hãy nhịn nhục và bền lòng
Chúa kêu gọi chúng ta hãy nhịn nhục và bền lòng như người nông
dân trông đợi mùa gặt. Thời gian chờ đợi của họ kéo dài từ lúc gieo hạt cho đến
lúc thu hoạch, tức là từ lúc mưa đầu mùa cho đến lúc mưa cuối mùa. Tại Israen,
mưa đầu mùa vào khoảng tháng 10, 11 dương lịch, ngay sau khi gieo giống và mưa
cuối mùa vào khoảng tháng 4, 5 dương lịch, trước mùa gặt.
Người nông dân luôn biết kết quả tất nhiên của việc trồng trọt.
Tức là nếu có gieo thì ắt có gặt. Nếu họ đã gieo giống thì họ có quyền chờ đợi
mùa gặt. Thế thì, điều đầu tiên mà chúng ta có thể học nơi tính nhịn nhục và bền
lòng của người nông dân là GIEO. Vì cớ họ đã gieo nên họ mới chờ, mới đợi, chớ
không người nông dân nào lại mõi mòn suốt nữa năm trời chờ đợi một vụ mùa mà họ
chẳng từng gieo.
Bạn đang chờ đợi điều gì từ nơi Chúa: sự chữa lành, sự tiếp trợ
tài chánh, một người bạn đời, một công ăn việc làm, sự thay đổi nơi một người
thân hay sự cứu rỗi cho một linh hồn, … ? Và bạn đã gieo hạt giống chưa, tức là
bạn đã trình dâng điều đó lên cho Đức Chúa Trời chưa? Nếu câu trả lời của bạn
là rồi thì bạn có quyền chờ đợi. Hãy theo gương người nông dân mà chờ đợi giờ
thu hoạch.
Vì nếu bạn có xin thì chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời; nếu bạn còn kêu cầu thì chắc chắn bạn sẽ nghe được Chúa phán rằng, “có Ta đây”. Há chẳng phải Chúa đã từng hứa trong Mathiơ 7: 8 rằng, “ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ cửa thì được mở” đó sao.
Vì nếu bạn có xin thì chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời; nếu bạn còn kêu cầu thì chắc chắn bạn sẽ nghe được Chúa phán rằng, “có Ta đây”. Há chẳng phải Chúa đã từng hứa trong Mathiơ 7: 8 rằng, “ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ cửa thì được mở” đó sao.
Người nông dân trông đợi mùa gặt bằng cách gieo hạt giống. Thế
nhưng, không dừng lại ở đó, người ấy còn bền lòng chờ đợi mùa gặt qua việc cần
mẫn chăm sóc, vun xới, phân thuốc cho những mầm sống mà mình đã gieo. Người ta
thường nói: ‘công trồng là công bỏ, công làm cỏ là công ăn’. Không người nông
dân nào chờ mùa gặt theo cái kiểu bó gối ngồi chờ mưa tạnh cả. Họ bền lòng, nhịn
nhục không có nghĩa là chờ đợi vụ mùa cách thụ động. Mà ngược lại, họ chờ đợi bằng
cách làm tất cả những gì cần phải làm cho cây trồng từ lúc gieo hạt cho tận đến
lúc thu hoạch.
Phải chăng đã từ lâu bạn vẫn thăm viếng một người bệnh nhưng người
ấy mãi không được lành? – Hãy tiếp tục thăm viếng. Bạn đã liên tục cầu thay cho
một người nhưng người ấy không thay đổi ư ? - Đừng chấm dứt sự cầu thay, hãy tiếp
tục. Vì Chúa phán rằng, kỳ Chúa đến gần rồi. Khá nhớ rằng, bởi đức tin và lòng
nhịn nhục chúng ta sẽ nhận được lời hứa từ Chúa (Hê-bơ-rơ 6: 12).
Đừng nãn lòng thối chí, đừng bỏ cuộc rút lui, vì Chúa là Đức
Chúa Trời thành tín. Ngài không bao giờ lường gạt chúng ta; Ngài không bao giờ
làm cho những người tin cậy nơi Ngài phải thất vọng (Thi thiên 25: 3). Do đó,
anh chị em ơi, hãy nhịn nhục và bền lòng, vì kỳ Chúa đến để trả lời những điều
chúng ta cầu xin; giờ Chúa đến để giải quyết những nan đề cho chúng ta đã gần rồi.
II. Vì Chúa là Đấng xét đoán đang đứng trước cửa, chúng ta được kêu gọi đừng
oán trách nhau
Trong lúc hoạn nạn, khó khăn, trong lúc lời hứa chưa thành thì
không phải là chuyện bất thường khi các “nạn nhân” quay ra chống đối nhau. Bản
tánh con người có một khuynh hướng thật kỳ lạ. Ấy là trong lúc gặp áp lực,
chúng ta lại nổi thạnh nộ với những người mình yêu thương nhất.
Oán trách là thái độ ngược lại với sự nhịn nhục, chờ đợi. Một
khi thiếu kiên nhẫn, chúng ta dễ oán trách Chúa và oán trách nhau. Chính vì vậy
mà khi một cuộc tình không thành duyên phận, ta thường nghe đó đây những câu ca
ai oán: “tại anh”, “tại ả” hay ngậm ngùi hơn là “tại Trời xui khiến nên chúng
mình xa nhau”!
Nói cách khác, khi kết quả không như ý muốn; khi điều mong đợi
không xảy ra đúng thời điểm ta trông, ta thường hay định tội, đổ lỗi cho người
khác. Cầu nguyện cho một người bệnh mà người ấy không lành, ta quy kết ngay rằng,
tâm người ấy không thành hay nói trắng ra là người không có đức tin. Cầu nguyện,
chăm sóc hoài mà người không lớn, không thay đổi thì ta dễ bị cám dỗ mà định
cho họ là ham mê thế gian, là sợ người hơn sợ Chúa, …
Đừng oán trách người khác, đừng đổ lỗi cho người về những gì mà
bạn đang phải chịu đựng. Nói như thế không có nghĩa là người này, người kia
không có lỗi đối với bạn trong chuyện đó, mà là Chúa không muốn bạn oán trách,
định tội người khác. Vì Chúa không muốn chúng ta bị định tội, bị xét đoán nên
Ngài kêu gọi chúng ta đừng oán trách người khác.
Phải chăng anh chị em đang bị oan ức, đang bị đối xử bất công,
đang bị hiểu lầm, đang bị người khác làm cho khốn khổ, … ? Hãy nghe lời
Chúa khuyên dạy: “Chớ oán trách”! Đừng giận hờn, cay đắng nữa, đừng ấm áp tư tưởng
trả thù nữa, vì đó không phải là công việc mà chúng ta được kêu gọi để làm.
Chúng ta được kêu gọi để tha chớ không phải để cầm buộc, nắm giữ; chúng ta được
kêu gọi để yêu chớ không phải để ghét; chúng ta không được kêu gọi để làm quan
tòa hay thẩm phán xét xứ người khác. Đó là công việc của Đức Chúa Trời, chớ
không phải của chúng ta (Roma 12: 19).
Kinh thánh nói rằng, Chúa - vị Quan án công bình đang “đứng trước
cửa” thì điều đó có nghĩa là giờ Chúa phân xử đã sắp, đã gần lắm rồi. Hãy cầm
giữ môi miệng của chính mình, đừng lên án, phê phán, chỉ trích người khác nữa.
Đừng để mình bị vạ bởi chính mồm miệng của mình. Hãy kiên nhẫn chờ xem lời
tuyên án của Chúa. Đừng quên rằng, “Trời có mắt” hay nói như Kinh Thánh rằng,
“Chúa là Quan Án công bình”.
III. Vì kết cuộc phước hạnh sẵn dành, chúng ta được kêu gọi hãy nhịn nhục và
chịu khổ
Chúa kêu gọi chúng ta nhịn nhục và chịu khổ như những tiên tri của
Chúa ngày xưa. Tiên tri là những người được Chúa dùng làm người phát ngôn của
Ngài đối với dân Israen thuở trước. Có một điều đặc biệt là chức vụ tiên tri
luôn hiện rõ mỗi khi dân Israen xa cách Đức Chúa Trời của họ. Nói cách khác,
tiên tri là người được chọn để hầu việc Chúa, để rao giảng Lời Chúa khi dân sự
của Chúa không còn yêu mến Chúa, không còn tha thiết đến việc thờ phượng Chúa
và thậm chí là nhiều người đã xây lưng khỏi Chúa, đi thờ lạy hình tượng, chọc
giận Chúa.
Hầu việc Chúa trong bối cảnh người ta không còn yêu Chúa, rao giảng
Lời Chúa khi người ta không còn thích nghe lẽ thật, phục vụ Chúa trong hoàn cảnh
người ta bắt bớ, chống nghịch Chúa thì nãn lòng, thối chí là chuyện rất dễ xảy
ra đối với những người tin kính.
Một trong những tiên tri nổi tiếng về chịu khổ trong Cựu ước là
Giê-rê-mi (Xem Giê-rê-mi các chương 20, 32, 38). Kinh Thánh bảo chúng ta hãy lấy
đó làm mẫu mực cho mình. Điều đó có nghĩa là chúng ta hãy có tinh thần chịu đựng
như các vị tiên tri, dù có bị hiểu lầm hay ngược đãi.
Phải chăng, bạn đã từng nhân danh Chúa Giê-xu đuổi quỷ nhưng người
bị áp chế không được giải cứu; bạn đã từng nhân Danh Chúa đặt tay trên người bệnh
nhưng người ấy không được lành; bạn đã từng làm theo lời Chúa nhưng dường như kết
quả xảy ra không hề giống như Lời đã chép. Rồi bạn đã bị người ta cười nhạo, chỉ
trích và thậm chí là bị xua đuổi, cấm đoán vì những điều đó. Và giờ đây, bạn
đang rúng động, hoang mang, không còn tin quyết để giảng và thực hành Lời Chúa
và thậm chí bạn đâm ra nghi ngờ cả sự kêu gọi, cả niềm tin của mình?
Khi còn tại thế, Mục sư Nguyễn Minh Bồi – một người được Chúa
dùng trong chức vụ giải cứu – đã từng nói rằng, khi cầu nguyện giải cứu cho một
người, vấn đề mà Chúa trông đợi nơi chúng ta không nằm ở chỗ chúng ta có giải cứu
được cho người khỏi tà ma hay không mà là chúng ta có tin rằng, Lời Chúa nói là
thật không, kể cả trong trường hợp việc giải cứu không thành. Nói cách khác,
chúng ta có còn dám giảng về Chúa Giê-xu là Đấng Chữa Lành không, khi những người
bệnh mà ta cầu nguyện cho chưa được chữa lành; chúng ta có còn mạnh dạn dạy rằng,
“hãy xin sẽ được” nữa không khi mà chính mình vẫn không nhận được điều mình
xin?
Những chức vụ chữa lành nỗi tiếng trên thế giới như Ô-ran Rô-bớt,
Ka-thyn Ku-man, Benni Hinn, … là những người đã từng thất bại trong buổi đầu phục
vụ Chúa. Họ cầu nguyện cho ai là y như rằng những người ấy đều chết hết. Điều đặc
biệt mà Chúa ban cho họ là vẫn tin quyết nơi quyền năng của Chúa, vẫn tin quyết
nơi sự thành tín của Chúa. Và kết cuộc là họ đã thành công rực rở.
Đó chính là tinh thần nhẫn chịu của các tiên tri ngày xưa. Dầu bị
từ khước nhưng họ vẫn tiếp tục rao giảng sứ điệp từ Trời; dầu bị khổ nạn nhưng
họ vẫn tiếp tục phụng sự Chúa, không từ bỏ chức vụ. Họ được kể là những người
có phước vì kiên định cho đến cuối cùng. Dù là người hầu việc Chúa như các tiên
tri hay chỉ là một người chủ gia đình như Gióp, bất cứ ai bền đỗ cho đến cuối
cùng đều sẽ nhận lãnh được một kết cuộc quá đỗi tuyệt vời từ nơi Chúa ban cho,
“vì Chúa đầy lòng thương xót và nhân từ”.
Sau khi Gióp
cầu thay cho các bạn, CHÚA phục hồi Gióp và ban cho Gióp gấp đôi những gì Gióp
có xưa kia. Tất cả các anh chị em và những người từng quen biết Gióp
trước đây đều đến thăm và ăn mừng với Gióp tại nhà ông. Họ chia buồn và an ủi
Gióp về mọi điều bất hạnh CHÚA đã đem lại. Mỗi người tặng Gióp một nén bạc và một
chiếc vòng bằng vàng. CHÚA ban phước cho Gióp trong những năm sau của đời ông
nhiều hơn những năm trước. Ông có mười bốn ngàn cừu, sáu ngàn lạc đà, một ngàn
đôi bò, và một ngàn lừa cái. Ông cũng có bảy con trai và ba con gái. Ông đặt tên cho cô lớn nhất là Giê-mi-ma, cô thứ nhì là
Kê-xia, và cô thứ ba là Kê-ren-Ha-búc. Khắp cả vùng đó, không tìm được một người nữ nào đẹp bằng
ba cô con gái của Gióp. Ba cô đều được cha mình chia gia tài như các anh em
trai. Sau đó, Gióp sống thêm một trăm bốn mươi năm nữa, nhìn thấy
con cháu đến đời thứ tư. Rồi Gióp qua đời, tuổi thọ cao và thỏa lòng”. (Giop. 42: 10-16)
Đúng là một kết cuộc
tuyệt vời. Đó chính là kết cuộc mà Chúa dành sẵn cho những ai đang trông đợi
câu trả lời từ nơi Chúa nhưng không đánh mất lòng tin cậy nơi chính Ngài; Đó là
kết cuộc cho những ai biết cầm giữ môi miệng mình không oán trách người khác,
đang khi bị oan ức hay bị đối xử bất công; Đó là kết cuộc cho những ai dù bị hoạn
nạn, khó khăn hay bị bách hại nhưng vẫn tiếp tục rao giảng Lời Chúa, nhất quyết
không từ bỏ sự kêu gọi mà Chúa đã dành sẵn cho mình.
Phải chăng bạn đang
nãn lòng thối chí, hãy nhìn xem người nông dân chờ đợi mùa gặt mà học đòi tinh
thần nhịn nhục, bền lòng; Phải chăng bạn đang bị thương tổn, oan ức, hãy nhìn
xem Chúa đang đứng trước cửa mà cầm giữ môi miệng của mình để không oán trách
người khác; Phải chăng bạn đang ấm áp tư tưởng bỏ cuộc, thối lui, hãy nhìn xem
những người thánh xưa mà học đòi gương nhịn nhục chịu khổ của họ. Kỳ của Chúa gần
rồi. Thời giờ mà Chúa đến để phán xét thế gian, thời giờ mà Chúa đến để trả lời
cho điều chúng ta cầu xin, thời giờ mà Chúa đến để giải quyết dứt điểm nan đề
chúng ta đang đối diện đã gần lắm rồi. Hỡi anh chị em, hãy nhịn nhục.
MSB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét