Uống đôi chén giải sầu, sầu không giải
mà áo khăn lại vải
Uống đôi chén cho tiêu thực, thực không
tiêu mà đất ruộng lại tiêu
Ca dao
Không biết tự bao giờ rượu bia đã được
sử dụng trong đời sống của con người. Rượu đóng một vai trò quan trọng trong
các lễ nghi tôn giáo và thờ cúng; Rượu được sử dụng như một loại dược liệu, một
dẫn chất đem lại cảm hứng và sự ngon miệng. Cũng không biết tự bao giờ, chén
rượu đã qua mặt miếng trầu để mở đầu câu chuyện trong văn hóa Việt. Không có
cái thứ nước uống có cồn này thì khó có thể ký hiệp đồng hay xin giấy phép;
thiếu cái món cay cay kia thì làm sao có thể tứ hải kết tâm giao! Giữa những
nguyên tắc sống đậm đà văn hóa rượu như thế thì người tin Chúa Giê-xu nên “nhập
gia” hay “thoát tục”, tức là “người ta sao mình vậy” hay nhất quyết giữ mình khỏi
những “lề thói của thế gian”?
Trong Kinh Cựu ước, một trong những dấu
hiệu sung túc của dân sự Chúa là rượu nho (vang) dư dật (Phục truyền 7: 13; 33:
28; Châm ngôn 3: 10; Giô-ên. 2; 19, 24). Rượu được dùng để dâng cho Đức Chúa
Trời. Của lễ này được gọi là của lễ quán. Ấy là khi người ta dùng ¼ hin (khoảng
0,75 lít) rượu nho rưới lên của lễ thiêu cung tế cho Chúa (Xuất hành 29: 40;
Lê-vi ký 23: 13). Đây chính là hình ảnh mà sứ đồ Phao-lô nói về chính mình trong
thơ tín cuối cùng của ông gởi cho người môn đệ thân tín là Timothe (2 Timothe
4: 6-8).
Theo Kinh Thánh thì rượu đem lại sự hứng
khởi, vui vẻ (Quan xét. 9: 13; Thi thiên 104: 15; Truyền
Đạo 2: 3); rượu dùng để “tiêu sầu” (Châm ngôn 31: 6) [Có lẽ chính vì điều này
mà lính La-mã đã cho Chúa Giê-xu uống rượu pha sau khi đã đóng đinh Ngài trên
thập giá (Ma-thi-ơ 27: 34; Mac 15: 23)]; rượu được sử dụng trong tất cả các
buổi tiệc, từ đại yến ở hoàng cung Su-rơ cho đến tiệc cưới nghèo tận thị trấn
nhỏ Ca-na. Người ta uống rượu nho ở nhà riêng và thậm chí tại nơi thờ phượng
Chúa (Phục truyền 14: 23, 26; 1 Samuen 1: 12-15).
Chúa Giê-xu không chỉ hóa nước thành
rượu vang trong tiệc cưới tại Ca-na (Giăng 2: 1-11) mà Ngài còn uống rượu! Đúng
là trong câu chuyện ở Phúc Âm Giăng thì không có chi tiết nào cho chúng ta biết
rằng Chúa Giê-xu có uống rượu hay không. Nhưng không phải vô cớ mà những người
Pha-ri-si và các thầy thông giáo chỉ trích Chúa và các môn đệ khi nhìn thấy
Ngài trong các buổi tiệc tại nhà những nhân viên thuế vụ (Ma-thi-ơ 9: 10-11;
Mac 2: 15-16; Luca 5: 29-30). Chính câu nói của Chúa Giê-xu trong Luca 7: 33-34
giúp chúng ta thấy rất rõ “luận chứng” của các vị chức sắc tôn giáo thời bấy
giờ: “Thật
vậy, ông Gio-an Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo :
‘Ông ta bị quỷ ám.’ Con
Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo : ‘Đây là tay ăn nhậu,
bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.” (Bản Công Giáo). [Các bạn có thể tham khảo các bản
dịch khác (ngoài bản Truyền Thống) để thấy rõ hơn ý của câu Kinh Thánh đã trích
dẫn].
Rồi trong buổi Tiệc Ly (Ma-thi-ơ 26: 27,
29; Mac 14: 23; Luca 22: 17; 1Corinhto 11: 25), trước giờ thọ nạn Chúa Giê-xu
và các môn đệ đã uống gì: Nước nho hay rượu nho? Không hiểu tại làm sao mà trong
các bản tiếng Việt thì chỉ có bản Công Giáo dịch là rượu (giống như bản Tiếng
Nga và bản TEV- Today’s English Version), còn các bản dịch khác (kể cả NIV,
NKJV) đều dịch là nước nho hoặc là “fruit of the vine” mà thôi. Thế nhưng
trong nguyên văn Hy Lạp thì đích thị là vang, chỉ có điều không biết đó là vang
đỏ hay vang trắng mà thôi. Buổi Tiệc Ly thực chất là bữa ăn
Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Đừng quên rằng, khi còn tại thế Chúa Giê-xu đã
thực thi chức vụ trong thân xác một con người - một người Do Thái. Mà như trên
đã nói, thì trong bối cảnh thế này, người Do Thái dùng rượu nho là lẽ tự nhiên.
Và có lẽ do ảnh hưởng của cách dịch bản văn Kinh Thánh mà nước dùng trong Tiệc
Thánh ngày nay có sự khác biệt giữa các Hội thánh, tức là có nơi dùng rượu nho,
nơi khác thì dùng … “theo ý mình lấy làm phải”.
Dường như để bảo vệ quan niệm truyền
thống rằng, Cơ-đốc nhân không được uống rượu nên người ta tìm mọi cách để giải
thích cho phù hợp các đoạn Kinh Tân Ước liên quan đến rượu. Có hai lối giải
thích chính. Một cho rằng, những từ “rượu” mà các phần Kinh Thánh đã đề cập, kể
cả 1Timothe 5: 23 là nói về nước ép trái nho chưa lên men, chớ không phải rượu
như ngày nay ta hiểu đâu. Do đó, ngày xưa Chúa Giê-xu cũng như các môn đồ và
Cơ-đốc nhân thời trước thì dùng … vô tư. Vì họ uống “cái nước đó” giống như ta
uống trà bây giờ vậy thôi, còn rượu thật như bây giờ thì chớ nhé.
Ý thứ hai thì sực nức tinh thần vệ sinh
môi trường luôn, dù lối giải thích này xuất hiện không phải trong những năm đầu
của thế kỷ XXI mà chúng ta đang sống đâu nhé. Theo đó, từ rượu trong các phần Kinh
Thánh Tân Ước là rượu nho thật, nhưng vì nguồn nước thời bấy giờ thường bị ô
nhiểm, không được sạch nên dân Do Thái phải dùng rượu nho và về sau Phao-lô
khuyên Timothe nên dùng chút chút là để “thanh lọc cơ thể, không lo bị nóng”
thôi [1].
Thế nhưng, lối giải thích đầu hơi bị ép
… còn hơn là người Do Thái ép nho. Nếu rượu trong 1Timothe 5: 23 chỉ là nước
nho thì tại sao Timothe chỉ nên dùng chút chút. Một ít nước nho có thể bổ “tì
vị” được sao? Hãy xem tác giả P. A trong tác phẩm Những Sưu Tầm Về Thánh Kinh
Phong Tục đã viết: “… Nước của các quả nho màu đen thì được dùng làm rượu vang
có mùi hơi chua, còn nước của quả màu trắng và xanh thì đem đun sôi ít lâu và
dùng làm rượu ngọt. Người dân Do Thái không uống rượu không men cũng không có
thói quen uống nước nho mới được ép” [2].
Cũng trong cuốn sách này, ở trang 19, tác giả mô tả các món mà người Do Thái sử
dụng trong bữa ăn Lễ Vượt Qua là: thịt chiên con, bánh
không men, một tô nước muối (hình ảnh giọt lệ khi làm phu tù ở Ai-cập và nước
Biển Đỏ), rau đắng (gồm củ cải, rau diếp, rau cần và một bó kinh giới), bốn
tách rượu nho (tượng trưng cho bốn lời hứa trong Xuất hành 6: 6-7) và
charosheth (một loại thức ăn giống như cháo gồm táo, chà là, lựu và đậu được nấu
chín rồi đánh nhuyễn với nhau, bên trên để những cọng quế cay tượng trưng cho
rơm nhồi đất làm gạch thuở xưa). Như vậy, nước nho hay fruit of the vine mà Chúa Giê-xu và các môn đồ dùng trong buổi Tiệc
Ly là vang chánh hiệu.
Còn lối giải thích thứ hai thì đúng là
“méo mó nghề nghiệp” rồi. Không biết căn cứ vào đâu mà mấy nhà giải kinh kia
phán một câu xanh rờn rằng, nguồn nước vào thế kỷ thứ I bị ô nhiễm, không hợp vệ sinh, chứa đầy vi
trùng. Nói đâu xa, ngày hôm nay tại nhiều làng quê ở Việt Nam ta, nước giếng
khơi vẫn còn “tinh khiết” gấp trăm lần mấy món nước đóng chai là cái chắc. Mà
cứ cho là nước thời đó ô nhiễm thiệt đi thì sao Chúa Giê-xu lại quá liều khi tu
nước giếng (Giăng 4) và sao Đức Chúa Trời lại đi tiếc cho Ê-li vài bầu rượu để
thanh lọc cơ thể khi ngày mỗi ngày ông phải “bị” uống nước khe?
Như vậy, rõ ràng cả Kinh Thánh không cấm
con dân Chúa uống rượu hay các thức uống có cồn, ngoại trừ các trường hợp đặc
biệt như các thầy tế lễ khi thi hành chức phận (Lê-vi ký 10: 8-9) hay những
người Na-xi-rê (Dân số ký 6: 2-3). Thế nhưng, dường như Kinh Thánh không cổ xúy
cho việc uống nhiều rượu bia trong dân sự Chúa và thậm chí không ít lần Kinh
Thánh phê phán những kẻ say sưa. Chỗ đầu tiên trong Kinh Thánh đề cập đến rượu
là hình ảnh một gã say, một nam nhân mang tên Nô-ê đang trong tư thế rất
Yomost, hay nói theo ngôn ngữ ngày nay cực “hot” (Sáng Thế ký 9: 21). Và chỗ
cuối cùng trong Kinh Thánh nói về rượu là hình ảnh một thùng ép nho (Khải Huyền
19: 15), biểu tượng cho sự phán xét cuối cùng đối với nhân gian, mà Đấng thi
hành án phạt đó không ai khác hơn là Vua Công Bình của cả cõi trời đất: Giê-xu
Christ!
Hãy nghe những gì Chúa nói:
“Rượu khiến người ta nhạo báng, đồ uống
say làm cho hỗn hào; Phàm
ai dùng nó quá độ, chẳng phải là khôn ngoan” (Châm ngôn
20: 1);
“Chẳng xứng
hiệp cho các vua uống rượu, hay là cho các quan trưởng nói rằng:
Vật uống say ở đâu?” (Châm ngôn 31: 4);
“Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng” (Epheso 5: 18);
“Các chấp sự cũng phải cho nghiêm trang, không được nói hai lời,
không được ghiền rượu” (1Timothe 3: 8);
“Vì người giám mục làm kẻ quản lý nhà Đức Chúa Trời thì phải cho
không chỗ trách được. Chẳng nên kiêu ngạo, giận dữ, nghiền rượu,
hung tàn, tham lợi”
(Tit 1: 7);
“Các
bà già cũng vậy, phải có thái độ hiệp với sự thánh; đừng nói xấu, đừng uống rượu quá độ” (Tit 2: 3).
Thế thì con dân Chúa được quyền sử dụng
rượu bia, miễn là không say sưa, không quá chén? Nhưng thế nào là “quá”: ít ly
hay y lít? Thuở đời nay, bao nhiêu kẻ ngả nghiêng trên
chiếu rượu nhưng có chàng (hay nàng) nào đủ tỉnh táo để thừa nhận mình say.
Thôi thì kể chi đến những hạng bình dân hạ
đẳng sớm đắng (cà-phê), chiều cay khắp làng trên xóm dưới. Hãy nói đến việc
uống rượu có văn hóa của những kẻ có học, có quyền trong cộng đồng dân Chúa thử
xem sao. Ta có được làm một chút giải mỏi sau một chuyến đi dài, hoặc một chút
đưa cay trước mỗi bữa ăn, đặc biệt là những bữa ăn có khá nhiều tôm cua cá ghẹ. Không phải là đế Gò Đen,
Bầu Đá, hay làng Vân gì đâu, chỉ là cốc rượu Tây hoặc một lon bia chẳng hạn?
Vấn đề không phải là ta có được uống không
mà vấn đề nằm ở chỗ: uống để làm gì?
Vui ư? - Bạn phải cần có bia rượu mới
vui được à? Để giải mỏi, để kích thích tiêu hóa? – Có thật sự là sức khỏe bạn
có vấn đề và phải cần đến “dược liệu dẫn chất” này sao? Hay tì vị của bạn cũng
có vấn đề như Timothe?
Thực ra, câu Kinh Thánh 1Timothe 5: 23
thuộc dạng ‘đất đang bị tranh chấp’, tức là các nhà giải kinh vẫn chưa ngã ngũ
trong việc tranh luận. Nếu bạn có tiền để mua một mảnh đất
thì bạn có can đảm để bỏ tiền ra cho miếng đất đang bị tranh chấp không? Sẽ là
thiếu khôn ngoan nếu vịn vào câu Kinh Thánh trên để uống rượu.
Derek Prince nói rằng, có nhiều điều
trong đời sống chúng ta, Kinh Thánh không hướng dẫn cách chi tiết nhưng nếu ta
căn cứ vào nguyên tắc sống trong 1Corinhto 10: 31 và Colose 3: 17 thì ta có thể
biết được điều gì nên và điều gì không nên làm. Theo đó, nếu một Cơ-đốc nhân
khi nâng một cốc rượu, bia (hoặc đốt một điếu thuốc lá hay thuốc lào) mà đủ
dũng khí để cất tiếng “Tạ ơn Chúa đã con cốc rượu/bia hay điếu thuốc này. Nhân
danh Chúa Giê-xu Christ. A-men” thì cứ vô tư mà uống, vô tư mà hút. Còn nếu
không dám nói thì đừng chạm đến [3].
Nếu việc uống rượu, bia của bạn – dù
trong phòng riêng hay nơi công cộng, dù độc ẩm hay đối ẩm – mà làm cho Chúa
được vinh hiển, tức là làm cho Chúa được người ta khen ngợi, làm cho danh Chúa
được cả sáng thì xin mời. Còn nếu việc uống bia rượu của chúng ta mà làm cho
danh Chúa bị bôi nhọ, đức tin của anh em đồng đạo bị tổn hại thì hãy làm theo
lời khuyên dạy của Phao-lô: “đừng uống rượu và kiêng cữ mọi sự chi làm dịp vấp
phạm cho anh em mình” (Rô-ma 14: 21).
Như vậy, người tin Chúa không uống rượu
bia không phải vì bị cấm mà là vì tình. Tình với Chúa và với những người đồng
đức tin với mình. Cũng thì ăn uống nhưng ăn uống như dân Y-sơ-ra-ên xưa thì
nhận lấy hình phạt thảm khốc (1Corinhto 10: 7-12); còn những tín đồ tại
Giê-ru-sa-lem trong buổi đầu của Hội thánh thì lại được “toàn dân thương mến”
(Bản Công Giáo) và mỗi ngày Chúa lấy thêm những người được cứu vào trong cộng đoàn
(Công vụ. 2: 46-47).
Hãy chọn cho mình kiểu ăn uống thích hợp.
Bạn có toàn quyền để chọn lựa: uống rượu hay không uống rượu nhưng đừng bao giờ
quên rằng, “rượu nặng (brandy) màu trắng nhưng làm đỏ mặt và đen danh dự” (A.
Tsê-khốp).
MSB
tốt quá, MSB không rõ danh tánh nên làm cho nhiều độc giả khó đăng nhận xét,
Trả lờiXóaThì MSB là danh tánh rồi còn gì. Rất vui được cùng trao đổi học hỏi với ban. C'BP
Xóa