Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

PHÉP LẠ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI


Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời Toàn Năng, tức là không việc gì mà Chúa không làm được. Nơi đâu có sự hiện diện thật của Ngài, nơi đó có dấu kỳ phép lạ xảy ra; nơi đâu có sự hiện diện của Ngài, nơi đó có những công việc quyền năng được bày tỏ. Một trong những phép lạ như thế đã được ký thuật lại trong sách Phúc Âm Luca. 5: 1-11.
Khi Đức Chúa Jêsus ở trên bờ hồ Ghê-nê-xa-rết, đoàn dân đông chen lấn nhau xung quanh Ngài đặng nghe đạo Đức Chúa Trời. Ngài thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ, người đánh cá đã xuống khỏi thuyền giặt lưới, thì Ngài lên một chiếc thuyền trong hai chiếc, là chiếc của Si-môn, biểu người đem ra khỏi bờ một chút; rồi Ngài ngồi mà dạy dỗ dân chúng. Khi Ngài phán xong thì biểu Si-môn rằng: Hãy chèo ra ngoài sâu, thả lưới mà đánh cá. Si-môn thưa rằng: Thưa thầy, chúng tôi đã làm suốt đêm không bắt được chi hết; dầu vậy, tôi cũng theo lời thầy mà thả lưới. Họ thả lưới xuống, được nhiều cá lắm, đến nỗi lưới phải đứt ra. Họ bèn ra vọi gọi đồng bạn mình ở thuyền khác đến giúp; bạn kia đến chở cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi gần chìm. Si-môn Phi-e-rơ thấy vậy, liền sấp mình xuống ngang đầu gối Đức Chúa Jêsus, mà thưa rằng: Lạy Chúa, xin ra khỏi tôi, vì tôi là người có tội. Số là, vì đánh cá dường ấy, nên Si-môn cùng mọi người ở với mình đều thất kinh; Gia-cơ và Giăng con Xê-bê-đê, là những kẻ đồng bạn với Si-môn cũng đồng một thể ấy. Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng Si-môn rằng: Đừng sợ chi, từ nay trở đi, ngươi sẽ nên tay đánh lưới người. Đoạn, họ đem thuyền vào bờ, bỏ hết thảy mà theo Ngài.
Chúng ta sẽ cùng nhau khám phá xem đâu là những điều kiện cần có để phép lạ của Đức Chúa Trời có thể xảy ra và đâu là mục đích thật của những phép lạ mà Chúa đã, đang và sẽ tiếp tục làm trong đời sống của con dân Ngài.
I.      Điều Kiện Để Phép Lạ Xảy Ra (1-7)
A.    Phải Có Sự Hiện Diện Của Chúa Trong Đời Sống
Phép lạ là những công việc siêu nhiên, phi thường, trái với những quy luật tự nhiên. Ngày nay, với sự hỗ trợ của những phát minh khoa học, con người cũng thực hiện được những công việc lớn lao, vĩ đại. Thế nhưng, không thể gọi những công việc đó là phép lạ. Vì phép lạ liên quan đến lĩnh vực siêu nhiên, đến thế giới thần linh, mà xuất phát điểm của mọi phép lạ là Đức Chúa Trời của chúng ta. Chúa là Đức Chúa Trời hay làm phép lạ; Ngài bày tỏ quyền năng Ngài giữa các dân (Thánh Thi 77: 14).
Do đó, điều kiện đầu tiên để phép lạ có thể xảy ra trong đời sống của mỗi chúng ta là Đấng hay làm phép lạ phải có mặt ở đó. Ngài phải được phép bước vào đời sống chúng ta và ngự ở đó, như khi xưa Ngài đã bước vào chiếc thuyền của Phi-e-rơ và ngồi dạy ở đó.
Phi-e-rơ tiếp Chúa không phải khi ông cần Chúa. Ông tiếp Chúa chỉ vì ông tôn trọng Chúa – sự tôn trọng dành cho một ông thầy, một ông thầy dạy đạo. Đồng ý là công việc làm ăn của ông vào thời điểm đó có thất bại, nhưng, việc “không bắt được chi hết” cũng không có gì lạ đối với một người đánh cá. Chuyện làm ăn mà, chim trời cá nước, có bữa này, bữa kia. Cho nên, đối với Phi-e-rơ việc “không bắt được chi hết” không phải là lý do mà ông tiếp đón Chúa lên thuyền. Ông tiếp Chúa vì muốn giúp Chúa, muốn làm ơn cho Chúa, theo kiểu: thấy ông này làm việc tốt trong khi mình có điều kiện rảnh rỗi (chiếc thuyền) thì giúp, vậy thôi.
Dầu cách Chúa bước vào đời sống mỗi một người có khác nhau, nhưng không thể nào có phép lạ nếu Chúa chưa có mặt trong đời sống của chúng ta. Chúa bước vào đời sống một người khi nào? – Khi người ấy mời Chúa bước vào đời sống của mình, thông qua việc cầu nguyện tiếp nhận Chúa. Nhiều người ngày nay muốn nhìn thấy phép lạ của Chúa nhưng lại không đáp ứng điều kiện đầu tiên này. Nếu lòng của chúng ta không có chỗ cho Chúa thì thật là khó để phép lạ của Chúa có thể xảy ra.
B.    Phải Có Lời Của Chúa Đối Với Cá Nhân Mình
Phi-e-rơ cho Chúa Giê-xu ngồi trên thuyền của ông để giảng dạy thì đương nhiên là ông cũng có nghe – không ít thì nhiều – lời của Ngài. Thế nhưng, lời dạy chung cho đoàn dân đó không phải là cơ sở để phép lạ xảy ra. Khởi đầu của phép lạ là khi Phi-e-rơ nghe Chúa bảo ông cách cá nhân: “Hãy chèo ra ngoài sâu, thả lưới mà đánh cá”.
Chúa Giê-xu bảo Phi-e-rơ điều này khi Ngài đã “dạy xong”. Kinh Thánh không cho chúng ta biết Phi-e-rơ làm gì khi Chúa Giê-xu đang dạy: ông lo giặt lưới hay ngồi nghe Chúa giảng. Song có một điều chúng ta biết là khi Chúa bảo: “Hãy chèo ra ngoài sâu, thả lưới mà đánh cá”, thì Phi-e-rơ nghe rất rõ.
Phép lạ xảy ra không nhằm biểu diễn hay thỏa mãn tính hiếu kỳ của con người chúng ta, như dân Giu-đa năm xưa đã nằng nặc đòi hỏi Chúa; Chúa làm phép lạ để xác chứng rằng, Lời của Ngài là chân thật. “Các môn đồ ra đi truyền giảng khắp nơi; Chúa cùng làm việc với họ và dùng các dấu lạ kèm theo để làm cho vững đạo” (Mac 16: 20).
Nếu thật sự Chúa bảo bạn làm một điều gì đó thì chính Chúa sẽ bảo đảm cho Lời của Ngài, vì Ngài luôn thức canh để thực hiện lời Ngài đã phán (Giê-rê-mi 1: 12).
Esai. 55: 11 Này, lời đã ra từ miệng Ta, sẽ không trở về cùng Ta vô hiệu quả, nhưng sẽ làm điều Ta đã định và hoàn thành việc Ta đã sai khiến nó.
Chúng ta nghe được Chúa phán với mình khi nào? – Khi chúng ta tập trung, để ý lắng nghe. Chúa có thể phán cách trực tiếp với chúng ta khi chúng ta cầu nguyện, khi chúng ta đọc Kinh Thánh, khi chúng ta đang chạy xe trên đường, và thậm chí khi chúng ta đang làm việc.
Dầu vậy, vấn đề không nằm ở phía Chúa mà là về phía chúng ta – chúng ta có chú ý để nghe, chúng ta có để tâm tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa hay không. Đó là lý do mà Chúa thường hay nói: “Ai có tai mà nghe, hãy nghe” là như thế. Phi-e-rơ đã nghe Chúa bảo: “Hãy chèo ra ngoài sâu, thả lưới mà đánh cá”, còn anh chị em có nghe được gì không?
C.    Phải Làm Theo Sự Hướng Dẫn Của Chúa
Một điều chắc chắn là phép lạ sẽ không thể xảy ra, nếu Phi-e-rơ không “chèo ra sâu và buông lưới”. Vâng, làm theo sự hướng dẫn của Chúa là điều kiện thứ ba để phép lạ xảy ra. Làm theo sự hướng dẫn của Chúa hay làm theo Lời Chúa còn được gọi là hành động bởi đức tin.
Đây là bước khó nhất, là điều kiện khó đáp ứng nhất, vì nhiều khi những gì Chúa bảo chúng ta làm đi ngược lại kinh nghiệm, nghịch lại với sự hiểu biết hay tình cảm của chúng ta. Chèo thuyền ra sâu, rồi buông lưới không phải là việc khó đối với người chuyên đánh cá như Phi-e-rơ, nhưng khó là chuyện thả lưới đánh cá giữa ban ngày, trước sự chứng kiến của cả đoàn dân đông và vô số bạn chài.
Điều gì sẽ xảy ra, một khi kéo lên mà lưới không có con cá nào? Chính vì chăm vào kết quả, tức là lo không biết kết quả sẽ thế nào mà nhiều người không dám đặt tay nhân danh Chúa Giê-xu cầu nguyện cho người bệnh, không dám nhân danh Chúa mà đuổi quỷ, không dám nhân danh Chúa mà đi ra, không dám mở miệng nói về Chúa, không dám giảng dạy, không dám dâng hiến, …
Nhiều con dân Chúa, tôi tớ Chúa hiểu biết Lời của Chúa, và không ít người có những mặc khải rõ ràng, những hướng dẫn cụ thể nhưng họ đã không dám “thả lưới”, họ đã không dám hành động. Họ không dám cầu nguyện, không dám chứng đạo, không dám dâng hiến, không dám đi thờ phượng Chúa, … vì họ sợ. Sợ ai? – Họ sợ ai thì không biết nhưng chắc chắn là họ không sợ Chúa rồi.
Châm ngôn 29: 25 Sợ loài người là một cái bẫy cho mình nhưng ai tin cậy CHÚA được an toàn
Không vâng lời Chúa hay không làm theo sự hướng dẫn của Chúa cũng đồng nghĩa là vô tín, là không có đức tin, là không tin cậy Chúa. Mà không tin cậy Chúa thì làm sao có thể nhìn thấy phép lạ trong đời sống của mình. Không có đức tin, tức là không làm theo Lời Chúa, không làm theo sự dẫn dắt của Chúa thì cũng có thể thấy được phép lạ từ Chúa, nhưng mà là phép lạ trong đời sống của người khác chớ không phải trong đời sống của cá nhân mình.
Thế thì, anh chị em ơi, những gì Chúa bảo anh chị em làm trong vai trò của một người chồng, người vợ, người cha, người mẹ, người con trong gia đình thì hãy tin cậy Chúa mà làm; những gì Chúa bảo anh chị em làm trong tư cách một tín hữu, một người hầu việc Chúa thì hãy tin cậy Chúa mà làm, dù cho việc đó ngược lại suy nghĩ, kinh nghiệm hay tình cảm của chúng ta. Chúa không bao giờ “xúi dại” chúng ta đâu. Hãy bắt chước Phi-e-rơ mà thưa với Chúa rằng: “dầu vậy, tôi cũng theo lời thầy mà thả lưới”. Hãy cho Chúa thấy đức tin của bạn đi, hãy bày tỏ đức tin của anh chị em bằng hành động cụ thể đi, anh chị em sẽ thấy những phép lạ tương tự mà Phi-e-rơ đã thấy ngay trong gia đình, ngay trong công việc, ngay trong chức vụ của anh chị em.
II.    Mục Đích Của Phép Lạ (8-11)
A.    Nhận Biết Chúa
Như ở trên đã nói, Chúa không làm phép lạ để biểu diễn hay để thỏa mãn trí tò mò hoặc đòi hỏi của chúng ta. Thực chất của phép lạ thậm chí cũng không nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu của con dân Chúa. Đức Chúa Trời thi thố phép lạ là để cho người ta nhận biết Ngài là Đức Chúa Trời; để người ta quay trở lại thờ phượng Ngài. (Xem thêm: 1Vua. 18: 36-37).
Chúa nhận lời cầu xin của Ê-li để cho dân Y-sơ-ra-ên nhận biết Ngài là Đức Chúa Trời và khiến lòng họ trở lại thờ phượng Ngài thay vì thờ phượng Ba-anh. Chúa Giê-xu làm phép lạ tại hồ Ghê-nê-sa-rết để Simon Phi-e-rơ nhận biết Ngài là Chúa chớ không phải chỉ đơn thuần là một ông Thầy, một Ra-bi của Do Thái giáo.
Hãy nhớ lại mỗi một lần, Chúa Giê-xu làm phép lạ thì những môn đồ của Chúa đều kinh ngạc thốt lên: “người này là ai ?”; Kinh Thánh mô tả rằng, Chúa Giê-xu làm phép lạ để các môn đồ của Ngài tin (Giăng 2: 11; 11: 15). Rồi sau khi sống lại, Chúa Giê-xu cũng làm phép lạ lưới được một mẽ cá lớn tương tự như phép lạ ở đoạn Kinh Thánh này (Giăng 21: 4-7). Khi thấy điều đó, một môn đồ bảo Phi-e-rơ: “Ấy là Chúa !”
Vâng. Phép lạ từ Chúa là nhằm mục đích giúp cho chúng ta nhận biết Ngài. Ngày hôm nay Chúa vẫn tuân giữ nguyên tắc đó. Chúa không làm phép lạ chỉ để đáp ứng nhu cầu của bạn thôi đâu, Chúa làm phép lạ là để minh chứng rằng, Ngài là Đức Chúa Trời, Ngài là Đấng Toàn Năng. Có thể lòng tôi con Chúa đã lìa xa Chủ của mình, Chúa sẽ tỉnh thức chúng ta qua các dấu kỳ, phép lạ; Có thể chúng ta không còn tin cậy Chúa, không còn tôn Giê-xu làm Chúa trong đời sống của mình, Chúa sẽ tỉnh thức chúng ta qua các dấu kỳ, phép lạ. Bởi vì một trong những mục đích mà Chúa làm phép lạ là để cho chúng ta nhận biết Ngài là Đức Chúa Trời và quay trở lại thờ phượng và tôn cao Ngài.
B.    Nhận Biết Chính Mình
Khi nhìn thấy hai thuyền đầy ắp cá, Phi-e-rơ không chỉ nhận biết rằng, Giê-xu là Chúa mà còn nhận ra rằng, mình là kẻ có tội. Nói cách khác, khi nhận biết Chúa, ông thấy mình thật sự không ra gì; ông không ngượng ngùng, xấu hổ mà xưng nhận rằng mình là kẻ có tội. Trước khi chưa nhận biết Giê-xu là Chúa, ông cũng tiếp Ngài nhưng không cảm thấy mặc cảm gì. Thậm chí, như đã phân tích ở trên, ông tiếp Chúa theo kiểu làm ơn cho Chúa, theo kiểu Chúa cần thì tôi giúp. Thế nhưng sau khi nhận ra Giê-xu là Chúa thì ông bổng cảm thấy rằng, mình không xứng đáng được tiếp Chúa. Ông không chỉ nhận ra rằng, những gì mình nghĩ về Chúa Giê-xu trước đến giờ là sai, mà còn thấy mình ô uế quá, tội lỗi quá, kiêu ngạo quá, nhơ nhớp quá, không xứng đáng để ở cùng Chúa.
Một khi phép lạ thật sự đến từ nơi Chúa, chúng ta sẽ thấy mình thật bé nhỏ, thật không xứng đáng để được điều đó. Một khi phép lạ xảy ra, sự chữa lành chẳng hạn, chúng ta sẽ thấy rằng thật mình chẳng làm điều gì lớn lao để được nó cả. Một khi phép lạ xảy ra, lòng chúng ta cần phải được hạ xuống. Bởi vì nếu thực tâm thì chúng ta sẽ thấy rõ ràng rằng ấy chẳng bởi công sức hay tài trí của mình mà bèn là bởi Chúa hay như chúng ta thường nghe nói là bởi ân điển của Ngài.
Một sự tiếp trợ siêu nhiên xảy ra, một sự giải cứu vừa hoàn tất, phải chăng ấy là do chúng ta cầu nguyện nhiều hay thực hiện đúng “quy trình”? Cần nhớ rằng, làm theo Lời Chúa hay hành động bởi đức tin là cần thiết nhưng đức tin của chúng ta không sản sinh ra phép lạ. Đức tin của chúng ta chỉ là phương tiện để nhận phép lạ, còn phép lạ được làm ra bởi chính Đức Chúa Trời chúng ta chớ không phải do đức tin của chúng ta.
C.    Nhận Biết Mục Đích Cuộc Đời: Trở Nên Người Phục Vụ Chúa
Mục đích của những phép lạ từ Đức Chúa Trời không chỉ dừng lại ở chỗ khiến người ta nhận biết Chúa và nhận biết chính mình, mà mục đích của phép lạ từ Đức Chúa Trời còn giúp cho người ta nhận biết được mục đích thật của cuộc đời họ: trở nên người phục vụ Chúa.
Phép lạ đánh cá siêu nhiên này được tỏ ra để thuyết phục Phi-e-rơ cho một mục đích cao cả hơn: tay đánh lưới người. Nếu Chúa có thể “lùa” cá trong biển vào trong lưới của Phi-e-rơ giữa ban ngày thế này khi ông vâng lời Chúa, thì sự thành công trong công việc mới – lưới người – với Đức Chúa Trời thì nào khó khăn chi.
Kinh Thánh ký thuật rằng, Phi-e-rơ cùng đồng bạn “đem thuyền vào bờ, bỏ tất cả mà đi theo Ngài”. Trúng đậm như thế nhưng Phi-e-rơ không ở nhà hưởng thụ rồi tiếp tục mời Chúa Giê-xu vào thuyền để mách bảo cho những lần kế tiếp mà ông lại bỏ tất cả đi theo Ngài. Điểm đặc biệt là ở đó.
Phép lạ thật sẽ khiến cho người nhận được phép lạ tập chú vào Đấng làm phép lạ thay vì nhìn vào phép lạ. Phép lạ thật sẽ khiến cho người ta dễ dàng “bỏ mọi sự mà theo Chúa”, khiến người ta sẵn sàng dấn thân phục vụ Chúa.
Anh chị em ơi, nếu phép lạ thật không nhằm thỏa mãn nhu cầu hay kỳ vọng của chúng ta; Nếu phép lạ thật chỉ khiến cho người ta nhận biết Chúa là Đức Chúa Trời và làm cho lòng họ trở lại cùng Đức Chúa Trời; Và nếu phép lạ thật chỉ đem người ta đến chỗ dấn thân phục vụ Chúa thì bao nhiêu người trong chúng ta còn tìm cầu phép lạ từ nơi Đức Chúa Trời Toàn Năng?
Kinh Thánh dạy rằng, Chúa của chúng ta là Đức Chúa Trời hay làm phép lạ. Ngày hôm nay, Chúa vẫn còn làm phép lạ. Để phép lạ thật từ nơi Đức Chúa Trời có thể xảy ra trong đời sống của một người, thì trước hết, Chúa cần phải có chỗ trong tấm lòng của người ấy. Người cần phải nghe được Lời Chúa cho chính cá nhân của mình và đơn sơ làm theo Lời đó. Phép lạ chắc chắn sẽ xảy ra, vì Chúa luôn luôn tỉnh thức để làm trọn lời Ngài đã phán.
MSB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét