Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

CHÚA LÀ ĐẤNG TOÀN TRI


Chuyện kể rằng, có hai cha con nhà kia đang buổi trưa nắng đi ngang qua ruộng mía. Người cha ngồi bên ngoài canh chừng cho con vào bẻ ít mía ăn cho đỡ khát. Một hồi lâu, đứa con ra đi ra mà không bẻ được cây nào. Cha nó bèn hỏi: “Sao vậy ?”
-       “Người ta thấy”.
-       “Có ai đâu”
-       “Dạ, Trời thấy”
Vâng, người có thể không thấy những việc ta làm nhưng Trời thì chắc chắn thấy, vì như Kinh Thánh trong Khải huyền 2: 1-17 đã cho ta biết rằng, Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Tri.
Hãy viết cho thiên sứ của Hội thánh Ê-phê-sô rằng: Nầy là lời phán của Đấng cầm bảy ngôi sao trong tay hữu và đi chính giữa bảy chân đèn vàng: Ta biết công việc ngươi, sự khó nhọc ngươi, sự nhịn nhục ngươi; ta biết ngươi không thể dung được những kẻ ác, lại biết ngươi đã thử những kẻ tự xưng là sứ đồ mà không phải là sứ đồ, ngươi đã rõ rằng chúng nó giả dối. Ngươi hay nhịn nhục và chịu khó vì danh ta, không mệt nhọc chút nào. Nhưng điều ta trách ngươi, là ngươi đã bỏ lòng kính mến ban đầu. Vậy hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ đâu, hãy ăn năn và làm lại những công việc ban đầu của mình; bằng chẳng vậy, ta sẽ đến cùng ngươi, nếu ngươi không ăn năn thì ta sẽ cất chân đèn của ngươi khỏi chỗ nó. Song ngươi có điều nầy khá, là ngươi ghét những việc làm của đảng Ni-cô-la, mà ta, ta cũng ghét nữa. Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội thánh rằng: Kẻ nào thắng, ta sẽ cho ăn trái cây sự sống ở trong Ba-ra-đi của Đức Chúa Trời.
I.      Chúa Biết Rõ Thực Trạng Của Hội Thánh (c. 1)
A.    Chúa “cầm 7 ngôi sao trong tay phải”
Trong 1: 19, “ngôi sao” được giải thích là thiên sứ (nguyên văn là sứ giả của Chúa, người được Chúa sai đi) của Hội Thánh. Điều này có nghĩa là người đại diện của Chúa tại Hội Thánh, tức là mục sư, là người chăn bầy, là người trưởng nhóm.
“Ngôi sao trong tay phải” của Chúa có nghĩa là người lãnh đạo Hội Thánh được Chúa cầm giữ, bảo vệ. Song điều này cũng có nghĩa, Chúa “rành” người lãnh đạo Hội Thánh như trong lòng bàn tay của Ngài.
Chúa biết điểm mạnh cùng điểm yếu của người; Chúa biết điều gì người ấy thích, cũng như điều gì người ấy ghét. Chúa không chỉ biết người khi người đứng trên toà giảng, trước mặt Hội Thánh, mà Chúa còn biết người tại nhà riêng của người đó. Chúa biết cách người đó đối xử với vợ, với chồng, với con, với cha mẹ.
Chúa biết những suy nghĩ, những ước ao thầm kín và kể cả những động cơ kín dấu của người. Chúa rành chúng ta hơn chúng ta tưởng. Chúa biết chúng ta hơn cả chúng ta biết về chính mình. Ấy vậy mà Chúa vẫn tin dùng chúng ta, vẫn tin dùng những người hầu việc Chúa, vẫn tin dùng những mục sư, trưởng nhóm. Thật, chỉ có Đức Chúa Trời của Cơ-đốc giáo mới đối xử với con người như thế mà thôi. Vì Chúa biết mọi sự nên anh chị em ơi, hãy cố mà sống thật với mọi người; hãy cố mà đoạn tuyệt với sự dối trá, lường gạt. Chúng ta có thể dối người, gạt bạn nhưng không có gì dấu mà không phải lộ ra đâu.
B.    Chúa “đi giữa 7 giá đèn bằng vàng”
Cũng trong 1: 19, “giá đèn” hay “chân đèn” được giải thích là Hội Thánh. Vậy, khi Kinh Thánh nói rằng, Chúa là Đấng “đi giữa các chân đèn” là muốn nói đến sự hiện diện, nói đến hoạt động của Chúa trong Hội Thánh. Mà nếu Chúa đang có mặt, đang làm việc trong Hội Thánh thì liệu Ngài có biết những gì đang xảy ra trong Hội Thánh của Ngài không? – Chắc chắn là Ngài biết.
Mà Hội Thánh là gì? – Hội Thánh là những người tin Chúa. Vậy nếu Chúa đang có mặt trong mỗi chúng ta, đang làm việc trong mỗi chúng ta thì liệu Ngài có biết những gì đang xảy ra trong gia đình của chúng ta, trong mối quan hệ của chúng ta không?
Anh chị em ơi, Chúa biết tất cả những gì đang xảy ra trong Hội Thánh của anh chị em. Tôi không biết tất cả những gì đang xảy ra trong Hội Thánh của anh chị em, nhưng anh chị em biết. Có thể anh chị em biết những gì đã xảy ra nhưng không biết tại sao điều đó lại xảy ra, nhưng Chúa thì biết tất cả. Vì Ngài là Đấng đang có mặt trong Hội Thánh và Ngài vẫn đang làm công việc của Ngài.
Mà nếu Chúa biết rõ tình trạng của Hội Thánh Ngài và Chúa đang làm việc trong Hội Thánh thì hà cớ gì mà chúng ta lại “thối chí, nãn lòng” và ấm áp tư tưởng rời bỏ cuộc chơi. “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng!”, vì bạn đang ở trong tay phải của Chúa và dù bạn có nhìn thấy hay không thì Chúa vẫn đang đi lại giữa Hội Thánh của Ngài đó thôi. Hãy vững tin nơi Ngài.
II.    Chúa Biết Rõ Công Khó Của Chúng Ta (c. 2-3)
A.    Chúa biết công việc, sự hy sinh của chúng ta
Người đời chỉ nhìn thấy một số công việc chúng ta làm, lãnh đạo, người thân chỉ thấy được một phần việc chúng ta làm nhưng Chúa thấy tất cả những gì chúng ta đã làm - cả việc lớn, lẫn việc nhỏ; cả việc tốt, lẫn việc xấu.
Chuyện rằng, bữa nọ có một người mẹ về nhà muộn. Nhìn thấy cơm chừa phần cho mình toàn những miếng cháy bèn hỏi con gái tại sao lại làm như thế đối với mẹ. Những đứa con ngây thơ trả lời rằng, vì lúc bà còn sống, mẹ luôn nói thích ăn cơm cháy mỗi khi ngồi vào bàn ăn!
Có thể, người thân của bạn, đồng nghiệp của bạn, lãnh đạo của bạn không nhìn thấy sự hy sinh của bạn nhưng sáng hôm nay tôi muốn nhắc để bạn nhớ rằng, Chúa không bao giờ quên sự hy sinh hay công khó của bạn.
Há chẳng phải Chúa đã từng nói rằng, “Ai rước một đấng tiên tri vì là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của đấng tiên tri; ai rước một người công chính vì là công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Ai sẽ cho một người trong bọn nhỏ nầy chỉ uống một chén nước lạnh, vì người nhỏ đó là môn đồ ta, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ ấy sẽ chẳng mất phần thưởng của mình đâu.” (Mathiơ 10: 41-42).  
Không cần phải nói cho người khác mình dâng hiến bao nhiêu, không cần phải nói cho người khác mình giúp người này hay người kia trong Hội Thánh bao nhiêu. Bạn muốn nhận phần thưởng từ con người hay là từ Chúa?
B.    Chúa biết sự chịu đựng của chúng ta vì cớ Danh Chúa
Chúa không chỉ biết sự hy sinh, công khó của mỗi một chúng ta đối với Ngài, Chúa còn biết sự nhục nhã mà chúng ta phải chịu khi gây dựng người này, kẻ khác. Chúa nhìn thấy khi chúng ta bị chữi, bị vu oan, bị đánh. Chúa nhìn thấy khi chúng ta bị họ hàng xa lánh, cô lập, khinh thường. Chúa không chỉ thấy mà Chúa còn cảm thông cho mỗi một chúng ta vì chính Ngài đã từng bị sỉ nhục 2000 năm trước trên thập tự giá bởi chính những người mà Ngài hết đỗi yêu thương, bởi chính những người mà Ngài tình nguyện gánh thay hình phạt cho tội lỗi của họ.
Nếu anh chị em hiện đang phải chịu đựng những điều tương tự thì hãy nghe Lời Chúa nói trong 1 Corinhto 15: 58: “Hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu”
III.   Chúa Biết Rõ Thực Trạng Tấm Lòng Của Chúng Ta (c. 4-7)
A.    Ngoài Đức Chúa ra không ai nhìn thấy được trong tấm lòng của chúng ta.
Người xưa có câu: “Hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt. Tri nhân tri diện, bất tri tâm”. Tức là, vẽ hổ (cọp) dễ vẽ da (bề ngoài), khó vẽ xương (bề trong); biết người chỉ biết mặt (bề ngoài), khó biết trong lòng của họ. Thế nhưng, Kinh Thánh thì nói rằng, “loài người nhìn bề ngoài nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng” (1 Samuen 16: 7) hay như trong Giê-rê-mi 17: 9-10, Chúa phán: “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được? Ta, Đức Giê-hô-va, dò xét trong trí, thử nghiệm trong lòng, báo cho mỗi người tùy đường họ đi, tùy kết quả của việc họ làm”
Điều gì Chúa nhìn thấy nơi tấm lòng của các thành viên Hội Thánh Epheso? – Không còn có lòng đối với Chúa. Hay nói cách khác, họ không còn thành tâm đối với Chúa. Lòng nhiệt thành, sùng kính ban đầu đã lụi tàn. Họ vẫn còn làm công việc Chúa, thậm chí làm nhiều nữa là khác nhưng tất cả chỉ còn là bổn phận, là trách nhiệm chớ không còn cái tình đối với Chúa như buổi đầu tiên.
Anh chị em ơi, nếu hôm nay Chúa nhìn vào tấm lòng của chúng ta thì Ngài sẽ thấy gì? Một tấm lòng nhiệt thành, tin cậy Chúa cách tuyệt đối hay chỉ là một tấm lòng nguội lạnh, thiếu sự sống, một tấm lòng đánh mất tình yêu ban đầu như những thành viên trong Hội Thánh Epheso xưa?
B.    Chúa không trách Hội Thánh vì công việc mà là trách vì tấm lòng
Chúa không trách vì cớ chúng ta làm được nhiều hay ít việc cho Ngài; Chúa không trách chúng ta vì cớ dâng hiến nhiều hay ít, cầu nguyện nhiều hay ít, đọc Kinh Thánh nhiều hay ít, … mà điều duy nhất Chúa trách chúng ta là không giữ lòng mình đối với Ngài.
Nếu chúng ta có làm cho Chúa hàng trăm ngàn việc mà những công việc đó được làm không bởi lòng yêu Chúa thì thật chẳng còn ý nghĩa gì với Ngài. Nếu hôm nay, chúng ta đến đây để nhóm thờ phượng Chúa, nếu sáng hôm nay chúng ta dâng tiền cho Chúa nhưng lòng chúng ta không thành hay nói cách khác là chúng ta không có lòng với Chúa khi làm những việc này thì nên nhớ rằng, Chúa đang trách chúng ta.
Ngày xưa, Chúa từng nói về dân Y-sơ-ra-ên rằng, “dân này lấy môi miếng thờ lạy ta nhưng lòng chúng nó cách xa ta lắm”. Ngày nay, Chúa cũng đang chăm xem tấm lòng của bạn và tôi hơn là của lễ chúng ta dâng lên Ngài, hơn là những công việc mà chúng ta làm cho Ngài.
Nếu tấm lòng của những tín hữu trong Hội Thánh Epheso xưa cũng chính là thực trạng tấm lòng của bạn, tức là không còn tình yêu ban đầu dành cho Chúa thì hãy nghe lời Chúa phán: “Vậy hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ đâu, hãy ăn năn và làm lại những công việc ban đầu của mình”.
Vẫn còn cơ hội cho mỗi một chúng ta thay đổi chính mình. Đừng để đến lúc Chúa “cất chân đèn”, tức là Hội Thánh của chúng ta ra khỏi chúng ta thì mới tỉnh thức. Tỉnh thức lúc đó, thì chẳng còn cơ hội để thay đổi nữa đâu.
Chúa không chỉ thức tỉnh chúng ta, kêu gọi chúng ta trở lại với Ngài mà Ngài còn sẵn dành phần thưởng cho những người chiến thắng - tức là cho những người phục hồi được tình yêu ban đầu đối với Chúa Cứu Thế Giê-xu. Phần thưởng: “ăn trái cây sự sống ở trong Ba-ra-đi của Đức Chúa Trời”, tức là vui hưởng sự sống sung mãn trong sự hiện diện đầy trọn của Đức Chúa Trời. Phần thưởng đó đang chờ mỗi một chúng ta.
MSB

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

BỀN LÒNG NHỊN NHỤC AI ƠI!

Thế giới chúng ta đang bước vào một thời điểm vô cùng khó khăn: khủng hoảng kinh tế ngày một trầm trọng hơn, nguy cơ chiến tranh và hỗn loạn xã hội đang rình rập gần như mọi quốc gia trên toàn thế giới. Trong khi đó, tình trạng thuộc linh của phần nhiều Hội thánh Chúa đang sa sút cách nghiêm trọng, tội lỗi cùng bệnh tật các loại gia tăng trong cộng đồng Cơ-đốc, quyền phép của Đức Chúa Trời trở nên khan hiếm cực kỳ trong các sinh hoạt của Hội thánh, kể cả các Hội thánh Ngũ Tuần và Ân Tứ. Trước thực trạng như vậy, đâu là thái độ cần phải có đối với mỗi Cơ-đốc nhân? Lời Chúa trong Gia-cơ 5: 7-11 là sự nhắc nhở cần thiết đối với mỗi tôi con Đức Chúa Trời - những người đã được chọn để làm sự sáng soi rọi giữa thế gian, để rao truyền nhân đức của Thiên Chúa đầy vinh hiển cho dân tộc này.
Hỡi anh em, vậy hãy nhịn nhục cho tới kỳ Chúa đến. Hãy xem kẻ làm ruộng: họ bền lòng chờ đợi sản vật quí báu dưới đất cho đến chừng nào đã được mưa đầu mùa và cuối mùa. Anh em cũng vậy hãy nhịn nhục và bền lòng; vì kỳ Chúa đến gần rồi.
Hỡi anh em, chớ oán trách nhau, hầu cho khỏi bị xét đoán; kìa, Đấng xét đoán đứng trước cửa. Hỡi anh em, hãy lấy các đấng tiên tri đã nhân danh Chúa mà nói, làm mẫu mực về sự chịu khổ và nhịn nhục cho mình. Anh em biết rằng những kẻ nhịn nhục chịu khổ thì chúng ta xưng là có phước. Anh em đã nghe nói về sự nhịn nhục của Gióp, và thấy cái kết cuộc mà Chúa ban cho người; vì Chúa đầy lòng thương xót và nhân từ
I.      Vì kỳ Chúa đến gần rồi, chúng ta được kêu gọi hãy nhịn nhục và bền lòng
Chúa kêu gọi chúng ta hãy nhịn nhục và bền lòng như người nông dân trông đợi mùa gặt. Thời gian chờ đợi của họ kéo dài từ lúc gieo hạt cho đến lúc thu hoạch, tức là từ lúc mưa đầu mùa cho đến lúc mưa cuối mùa. Tại Israen, mưa đầu mùa vào khoảng tháng 10, 11 dương lịch, ngay sau khi gieo giống và mưa cuối mùa vào khoảng tháng 4, 5 dương lịch, trước mùa gặt.
Người nông dân luôn biết kết quả tất nhiên của việc trồng trọt. Tức là nếu có gieo thì ắt có gặt. Nếu họ đã gieo giống thì họ có quyền chờ đợi mùa gặt. Thế thì, điều đầu tiên mà chúng ta có thể học nơi tính nhịn nhục và bền lòng của người nông dân là GIEO. Vì cớ họ đã gieo nên họ mới chờ, mới đợi, chớ không người nông dân nào lại mõi mòn suốt nữa năm trời chờ đợi một vụ mùa mà họ chẳng từng gieo.
Bạn đang chờ đợi điều gì từ nơi Chúa: sự chữa lành, sự tiếp trợ tài chánh, một người bạn đời, một công ăn việc làm, sự thay đổi nơi một người thân hay sự cứu rỗi cho một linh hồn, … ? Và bạn đã gieo hạt giống chưa, tức là bạn đã trình dâng điều đó lên cho Đức Chúa Trời chưa? Nếu câu trả lời của bạn là rồi thì bạn có quyền chờ đợi. Hãy theo gương người nông dân mà chờ đợi giờ thu hoạch.
Vì nếu bạn có xin thì chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời; nếu bạn còn kêu cầu thì chắc chắn bạn sẽ nghe được Chúa phán rằng, “có Ta đây”. Há chẳng phải Chúa đã từng hứa trong Mathiơ 7: 8 rằng, “ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ cửa thì được mở” đó sao.
Người nông dân trông đợi mùa gặt bằng cách gieo hạt giống. Thế nhưng, không dừng lại ở đó, người ấy còn bền lòng chờ đợi mùa gặt qua việc cần mẫn chăm sóc, vun xới, phân thuốc cho những mầm sống mà mình đã gieo. Người ta thường nói: ‘công trồng là công bỏ, công làm cỏ là công ăn’. Không người nông dân nào chờ mùa gặt theo cái kiểu bó gối ngồi chờ mưa tạnh cả. Họ bền lòng, nhịn nhục không có nghĩa là chờ đợi vụ mùa cách thụ động. Mà ngược lại, họ chờ đợi bằng cách làm tất cả những gì cần phải làm cho cây trồng từ lúc gieo hạt cho tận đến lúc thu hoạch.
Phải chăng đã từ lâu bạn vẫn thăm viếng một người bệnh nhưng người ấy mãi không được lành? – Hãy tiếp tục thăm viếng. Bạn đã liên tục cầu thay cho một người nhưng người ấy không thay đổi ư ? - Đừng chấm dứt sự cầu thay, hãy tiếp tục. Vì Chúa phán rằng, kỳ Chúa đến gần rồi. Khá nhớ rằng, bởi đức tin và lòng nhịn nhục chúng ta sẽ nhận được lời hứa từ Chúa (Hê-bơ-rơ 6: 12).
Đừng nãn lòng thối chí, đừng bỏ cuộc rút lui, vì Chúa là Đức Chúa Trời thành tín. Ngài không bao giờ lường gạt chúng ta; Ngài không bao giờ làm cho những người tin cậy nơi Ngài phải thất vọng (Thi thiên 25: 3). Do đó, anh chị em ơi, hãy nhịn nhục và bền lòng, vì kỳ Chúa đến để trả lời những điều chúng ta cầu xin; giờ Chúa đến để giải quyết những nan đề cho chúng ta đã gần rồi.
II.    Vì Chúa là Đấng xét đoán đang đứng trước cửa, chúng ta được kêu gọi đừng oán trách nhau
Trong lúc hoạn nạn, khó khăn, trong lúc lời hứa chưa thành thì không phải là chuyện bất thường khi các “nạn nhân” quay ra chống đối nhau. Bản tánh con người có một khuynh hướng thật kỳ lạ. Ấy là trong lúc gặp áp lực, chúng ta lại nổi thạnh nộ với những người mình yêu thương nhất.
Oán trách là thái độ ngược lại với sự nhịn nhục, chờ đợi. Một khi thiếu kiên nhẫn, chúng ta dễ oán trách Chúa và oán trách nhau. Chính vì vậy mà khi một cuộc tình không thành duyên phận, ta thường nghe đó đây những câu ca ai oán: “tại anh”, “tại ả” hay ngậm ngùi hơn là “tại Trời xui khiến nên chúng mình xa nhau”!
Nói cách khác, khi kết quả không như ý muốn; khi điều mong đợi không xảy ra đúng thời điểm ta trông, ta thường hay định tội, đổ lỗi cho người khác. Cầu nguyện cho một người bệnh mà người ấy không lành, ta quy kết ngay rằng, tâm người ấy không thành hay nói trắng ra là người không có đức tin. Cầu nguyện, chăm sóc hoài mà người không lớn, không thay đổi thì ta dễ bị cám dỗ mà định cho họ là ham mê thế gian, là sợ người hơn sợ Chúa, …
Đừng oán trách người khác, đừng đổ lỗi cho người về những gì mà bạn đang phải chịu đựng. Nói như thế không có nghĩa là người này, người kia không có lỗi đối với bạn trong chuyện đó, mà là Chúa không muốn bạn oán trách, định tội người khác. Vì Chúa không muốn chúng ta bị định tội, bị xét đoán nên Ngài kêu gọi chúng ta đừng oán trách người khác.
Phải chăng anh chị em đang bị oan ức, đang bị đối xử bất công, đang bị hiểu lầm, đang bị người khác làm cho  khốn khổ, … ? Hãy nghe lời Chúa khuyên dạy: “Chớ oán trách”! Đừng giận hờn, cay đắng nữa, đừng ấm áp tư tưởng trả thù nữa, vì đó không phải là công việc mà chúng ta được kêu gọi để làm. Chúng ta được kêu gọi để tha chớ không phải để cầm buộc, nắm giữ; chúng ta được kêu gọi để yêu chớ không phải để ghét; chúng ta không được kêu gọi để làm quan tòa hay thẩm phán xét xứ người khác. Đó là công việc của Đức Chúa Trời, chớ không phải của chúng ta (Roma 12: 19).
Kinh thánh nói rằng, Chúa - vị Quan án công bình đang “đứng trước cửa” thì điều đó có nghĩa là giờ Chúa phân xử đã sắp, đã gần lắm rồi. Hãy cầm giữ môi miệng của chính mình, đừng lên án, phê phán, chỉ trích người khác nữa. Đừng để mình bị vạ bởi chính mồm miệng của mình. Hãy kiên nhẫn chờ xem lời tuyên án của Chúa. Đừng quên rằng, “Trời có mắt” hay nói như Kinh Thánh rằng, “Chúa là Quan Án công bình”.
III.   Vì kết cuộc phước hạnh sẵn dành, chúng ta được kêu gọi hãy nhịn nhục và chịu khổ
Chúa kêu gọi chúng ta nhịn nhục và chịu khổ như những tiên tri của Chúa ngày xưa. Tiên tri là những người được Chúa dùng làm người phát ngôn của Ngài đối với dân Israen thuở trước. Có một điều đặc biệt là chức vụ tiên tri luôn hiện rõ mỗi khi dân Israen xa cách Đức Chúa Trời của họ. Nói cách khác, tiên tri là người được chọn để hầu việc Chúa, để rao giảng Lời Chúa khi dân sự của Chúa không còn yêu mến Chúa, không còn tha thiết đến việc thờ phượng Chúa và thậm chí là nhiều người đã xây lưng khỏi Chúa, đi thờ lạy hình tượng, chọc giận Chúa.
Hầu việc Chúa trong bối cảnh người ta không còn yêu Chúa, rao giảng Lời Chúa khi người ta không còn thích nghe lẽ thật, phục vụ Chúa trong hoàn cảnh người ta bắt bớ, chống nghịch Chúa thì nãn lòng, thối chí là chuyện rất dễ xảy ra đối với những người tin kính.
Một trong những tiên tri nổi tiếng về chịu khổ trong Cựu ước là Giê-rê-mi (Xem Giê-rê-mi các chương 20, 32, 38). Kinh Thánh bảo chúng ta hãy lấy đó làm mẫu mực cho mình. Điều đó có nghĩa là chúng ta hãy có tinh thần chịu đựng như các vị tiên tri, dù có bị hiểu lầm hay ngược đãi.
Phải chăng, bạn đã từng nhân danh Chúa Giê-xu đuổi quỷ nhưng người bị áp chế không được giải cứu; bạn đã từng nhân Danh Chúa đặt tay trên người bệnh nhưng người ấy không được lành; bạn đã từng làm theo lời Chúa nhưng dường như kết quả xảy ra không hề giống như Lời đã chép. Rồi bạn đã bị người ta cười nhạo, chỉ trích và thậm chí là bị xua đuổi, cấm đoán vì những điều đó. Và giờ đây, bạn đang rúng động, hoang mang, không còn tin quyết để giảng và thực hành Lời Chúa và thậm chí bạn đâm ra nghi ngờ cả sự kêu gọi, cả niềm tin của mình?
Khi còn tại thế, Mục sư Nguyễn Minh Bồi – một người được Chúa dùng trong chức vụ giải cứu – đã từng nói rằng, khi cầu nguyện giải cứu cho một người, vấn đề mà Chúa trông đợi nơi chúng ta không nằm ở chỗ chúng ta có giải cứu được cho người khỏi tà ma hay không mà là chúng ta có tin rằng, Lời Chúa nói là thật không, kể cả trong trường hợp việc giải cứu không thành. Nói cách khác, chúng ta có còn dám giảng về Chúa Giê-xu là Đấng Chữa Lành không, khi những người bệnh mà ta cầu nguyện cho chưa được chữa lành; chúng ta có còn mạnh dạn dạy rằng, “hãy xin sẽ được” nữa không khi mà chính mình vẫn không nhận được điều mình xin?
Những chức vụ chữa lành nỗi tiếng trên thế giới như Ô-ran Rô-bớt, Ka-thyn Ku-man, Benni Hinn, … là những người đã từng thất bại trong buổi đầu phục vụ Chúa. Họ cầu nguyện cho ai là y như rằng những người ấy đều chết hết. Điều đặc biệt mà Chúa ban cho họ là vẫn tin quyết nơi quyền năng của Chúa, vẫn tin quyết nơi sự thành tín của Chúa. Và kết cuộc là họ đã thành công rực rở.
Đó chính là tinh thần nhẫn chịu của các tiên tri ngày xưa. Dầu bị từ khước nhưng họ vẫn tiếp tục rao giảng sứ điệp từ Trời; dầu bị khổ nạn nhưng họ vẫn tiếp tục phụng sự Chúa, không từ bỏ chức vụ. Họ được kể là những người có phước vì kiên định cho đến cuối cùng. Dù là người hầu việc Chúa như các tiên tri hay chỉ là một người chủ gia đình như Gióp, bất cứ ai bền đỗ cho đến cuối cùng đều sẽ nhận lãnh được một kết cuộc quá đỗi tuyệt vời từ nơi Chúa ban cho, “vì Chúa đầy lòng thương xót và nhân từ”.
Sau khi Gióp cầu thay cho các bạn, CHÚA phục hồi Gióp và ban cho Gióp gấp đôi những gì Gióp có xưa kia. Tất cả các anh chị em và những người từng quen biết Gióp trước đây đều đến thăm và ăn mừng với Gióp tại nhà ông. Họ chia buồn và an ủi Gióp về mọi điều bất hạnh CHÚA đã đem lại. Mỗi người tặng Gióp một nén bạc và một chiếc vòng bằng vàng. CHÚA ban phước cho Gióp trong những năm sau của đời ông nhiều hơn những năm trước. Ông có mười bốn ngàn cừu, sáu ngàn lạc đà, một ngàn đôi bò, và một ngàn lừa cái. Ông cũng có bảy con trai và ba con gái. Ông đặt tên cho cô lớn nhất là Giê-mi-ma, cô thứ nhì là Kê-xia, và cô thứ ba là Kê-ren-Ha-búc. Khắp cả vùng đó, không tìm được một người nữ nào đẹp bằng ba cô con gái của Gióp. Ba cô đều được cha mình chia gia tài như các anh em trai. Sau đó, Gióp sống thêm một trăm bốn mươi năm nữa, nhìn thấy con cháu đến đời thứ tư. Rồi Gióp qua đời, tuổi thọ cao và thỏa lòng”. (Giop. 42: 10-16)
Đúng là một kết cuộc tuyệt vời. Đó chính là kết cuộc mà Chúa dành sẵn cho những ai đang trông đợi câu trả lời từ nơi Chúa nhưng không đánh mất lòng tin cậy nơi chính Ngài; Đó là kết cuộc cho những ai biết cầm giữ môi miệng mình không oán trách người khác, đang khi bị oan ức hay bị đối xử bất công; Đó là kết cuộc cho những ai dù bị hoạn nạn, khó khăn hay bị bách hại nhưng vẫn tiếp tục rao giảng Lời Chúa, nhất quyết không từ bỏ sự kêu gọi mà Chúa đã dành sẵn cho mình.
Phải chăng bạn đang nãn lòng thối chí, hãy nhìn xem người nông dân chờ đợi mùa gặt mà học đòi tinh thần nhịn nhục, bền lòng; Phải chăng bạn đang bị thương tổn, oan ức, hãy nhìn xem Chúa đang đứng trước cửa mà cầm giữ môi miệng của mình để không oán trách người khác; Phải chăng bạn đang ấm áp tư tưởng bỏ cuộc, thối lui, hãy nhìn xem những người thánh xưa mà học đòi gương nhịn nhục chịu khổ của họ. Kỳ của Chúa gần rồi. Thời giờ mà Chúa đến để phán xét thế gian, thời giờ mà Chúa đến để trả lời cho điều chúng ta cầu xin, thời giờ mà Chúa đến để giải quyết dứt điểm nan đề chúng ta đang đối diện đã gần lắm rồi. Hỡi anh chị em, hãy nhịn nhục.

MSB

SỰ ĐÁP LỜI CỦA CHÚA


Kinh Thánh dạy rằng, Đức Chúa Trời của chúng ta là Đấng Thành Tín; rằng điều chi Chúa đã hứa thì Ngài cũng có quyền làm cho trọn. Chúa luôn mời gọi con dân Chúa chạy đến với Ngài, trao gánh nặng cho Ngài, trình các sự cầu xin của mình cho Ngài và Ngài bảo đảm rằng, phàm ai kêu cầu danh Ngài thì sẽ được cứu; bất kỳ ai tìm kiếm Ngài thì sẽ gặp; và bất cứ ai kêu cầu với Chúa thì Ngài sẽ trả lời cho. Thật, Đức Chúa Trời của chúng ta là Đấng luôn nhậm lời cầu xin của những người chạy đến với Ngài. Thánh Kinh làm chứng về điều đó và kinh nghiệm của nhiều người trong chúng ta cũng đồng làm chứng về điều đó. Thế thì đâu là những nguyên tắc căn bản trong việc Đức Chúa Trời đáp lời cầu xin của chúng ta? Chúng ta sẽ cùng khám phá điều này trong Lời của Chúa nơi sách Tin Lành Giăng. 2: 1-12.
Ba ngày sau, có một tiệc cưới ở Ca-na, miền Ga-li-lê. Mẹ Đức Giê-su có mặt tại đó. Đức Giê-su và các môn-đệ cũng được mời dự tiệc. Khi thiếu rượu, mẹ Đức Giê-su bảo Ngài: “Người ta hết rượu rồi!” Đức Giê-su nói: “Thưa mẹ, việc của Con có can hệ gì đến mẹ, giờ Con chưa đến!” Mẹ Ngài nói với những người hầu tiệc: “Người bảo sao hãy làm vậy!”
Tại đó có sáu cái vại bằng đá, mỗi cái chứa khoảng tám mươi đến một trăm hai mươi lít nước, dùng cho lệ tẩy sạch của người Do Thái. Đức Giê-su bảo: “Hãy đổ nước đầy các vại nầy đi!” Họ đổ đầy tới miệng vại. Rồi Ngài tiếp: “Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc.” Vậy họ mang đến cho ông ấy. Khi người quản tiệc nếm nước đã biến thành rượu, (chẳng biết rượu từ đâu đến,  nhưng những người hầu tiệc đã múc nước thì biết rõ) ông gọi chú rể bảo: “Người ta ai cũng đãi rượu ngon trước, còn rượu dở dành cho lúc khách đã say, riêng anh thì giữ rượu ngon cho đến bây giờ!”
Thế là tại Ca-na, miền Ga-li-lê, Đức Giê-su thực hiện dấu lạ đầu tiên và bày tỏ vinh quang Ngài, nên các môn đệ tin Ngài.
Từ phân đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thấy được có ba nguyên tắc căn bản trong sự đáp lời của Chúa.
I.      Chúa Có Thời Điểm Của Ngài Để Đáp Lời Cầu Xin Của Chúng Ta
Theo phong tục của người Do Thái thì lễ cưới kéo dài trọn một tuần lễ, mọi người thân quen đều được mời tham dự. Đây chính là lý do tiệc cưới này rơi vào cảnh thiếu rượu.
Có thể không ít lần trong đời chúng ta cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự hoặc thậm chí nan giải hơn và dù đã tìm hết cách nhưng không cách chi giải quyết được. Có thể, bạn đã đến hạn đóng tiền thuê nhà, đến hạn thanh toán nợ mà không biết lấy đâu ra. Và có lẽ, chúng ta cũng làm như Mary đã làm là chạy đến với Chúa trình dâng nhu cầu hoặc của mình hoặc của người lên cho Chúa.
Câu trả lời của Chúa Giê-xu thoạt nhìn có vẽ như Ngài từ chối vậy: “Ta với người có sự gì chăng?” Hay nói cách khác là “việc đó thì can hệ gì đến chúng ta (mẹ và con)?” Không những thế, Ngài còn thêm: “giờ Ta chưa đến”.
Thế nhưng, những gì diễn ra sau đó chứng tỏ rằng, Chúa Giê-xu chẳng hề từ chối hay là không quan tâm đến lời cầu xin của mẹ mình là Mary. Thế thì, “giờ ta chưa đến” ở đây có nghĩa là Chúa có thời điểm của Ngài để trả lời điều chúng ta cầu xin. Nói cách khác, Chúa giải quyết điều kêu cầu của chúng ta theo thời điểm của Ngài chớ không theo thời điểm của chúng ta. Chúa biết thời điểm nào là tốt nhất để trả lời điều chúng ta cầu xin Ngài. Vì cớ Ngài là Chúa, tức là Chủ chớ không phải là đầy tớ như vị thần đèn của A-la-đin trong chuyện cổ tích, nên Ngài chớ không phải chúng ta, quyết định thời điểm trả lời.
Ngài biết thời điểm nào là tốt nhất để ban Giăng Báp-tít cho vợ chồng thầy tế lễ Xa-cha-ri; Chúa biết thời điểm nào là thích hợp để Con Thánh ra đời; Ngài biết khi nào là nên khiến cho La-xa-rơ sống lại từ trong cõi chết. Chúa là Đấng Toàn Tri và Ngài đồng thời cũng là Đức Chúa Trời Tốt lành.
Chúa biết lúc nào là tốt nhất để trả lời đều bạn cầu xin; Chúa biết lúc nào là thích hợp nhất để chữa lành, để xóa nợ, để ban cho bạn một nơi ở ổn định hay một người bạn đời xứng hợp. Sự trả lời của Chúa không bao giờ là quá sớm, cũng không bao giờ là quá trễ.
Nếu hôm nay Chúa có nói với bạn rằng, “giờ Ta chưa đến” thì cũng đừng vì thế mà nản lòng, thất vọng hay bỏ cuộc thối lui. Chúa nói như thế, không phải là Ngài từ chối bạn mà là Ngài muốn bạn biết rằng, Ngài có một thời điểm để làm thành điều bạn cầu xin. Hãy vững tin nơi Ngài.
II.    Câu Trả Lời Của Chúa Luôn Đến Sau Sự Vâng Lời Của Chúng Ta.
Tuy còn có chỗ khó hiểu trong cách xưng hô của Chúa Giê-xu đối với mẹ mình, nhưng rõ ràng Mary không lấy đó làm nhụt chí. Bằng chứng là bà bảo những người chạy bàn rằng, “Ngài bảo chi hãy vâng theo cả” và sau đó họ đã làm theo y như những gì Chúa Giê-xu bảo họ.
Kinh Thánh không cho chúng ta biết Mary là ai đối với chú rể hay giữ vai trò gì trong tiệc cưới này, nhưng rõ ràng những gì bà nói thì những người chạy bàn đều nghe theo. Họ nghe theo bà vâng lời Chúa Giê-xu.
Chúa Giê-xu đáp ứng nhu cầu của tiệc cưới hay nói cách khác là Chúa trả lời điều Mary cầu xin thông qua sự vâng lời của những người chạy bàn. Họ đã đổ vào 6 cái ché đá khoảng 450 lít nước và sau đó lần lượt múc ra đãi khách.
Bí quyết nằm ở đó: làm theo sự hướng dẫn của Chúa hay vâng lời Chúa. Mà làm theo sự hướng dẫn của Chúa hay vâng lời Chúa chính là hành động của đức tin. Thế nhưng, không phải đức tin của những người chạy bàn tiệc khiến phép lạ xảy ra, không phải đức tin của họ làm cho nước lã hóa nên rượu. Không, trong câu 11 nói rằng Chúa Giê-xu đã làm phép lạ này; chính Chúa đã khiến nước hóa thành rượu.
Đức tin của chúng ta là cần thiết không phải là để làm cho phép lạ xảy ra mà là để nhận lấy, để hiện thực hóa những gì mà chính Chúa sẽ làm cho chúng ta. Không phải đức tin của chúng ta trả lời đều chúng ta cầu xin mà là chính Chúa, đức tin của chúng ta là để nhận lãnh đều mà Chúa ban cho mình.
Vì không hiểu điều này nên nhiều người cứ thắc mắc: “tại sao tôi cũng làm đúng y như thế mà phép lạ (sự chữa lành, sự giải cứu, sự tiếp trợ, …) lại không xảy ra?” Nó không xảy ra vì việc làm của chúng ta, những hành động của chúng ta – dù làm theo sự hướng dẫn của Chúa đi nữa – cũng không thể tạo ra phép lạ. Chúa mới là Đấng làm phép lạ.
Như vậy, trong sự đáp lời của Chúa cần có sự vâng lời, tức là hành động đức tin của chúng ta. Sự trả lời của Chúa thường xảy ra sau sự vâng lời của chúng ta, tức là sau khi chúng ta làm theo sự chỉ dẫn của Chúa trong trường hợp cụ thể của Ngài. Đối với những người chạy bàn tiệc trong tiệc cưới năm xưa, thì sự chỉ dẫn của Chúa là múc nước đổ vào ché và sau đó múc ra cho người quản lý.
Còn đối với chúng ta ngày nay? – Chúng ta cần phải lắng nghe sự hướng dẫn cụ thể của Chúa trong trường hợp của mình và rồi “Ngài bảo chi hãy vâng theo cả”, tức là Ngài bảo gì thì hãy làm y như thế. Thậm chí, việc Ngài bảo chúng ta làm thoạt trông “chẳng giống ai” đi nữa.
Nếu Chúa bảo bạn dâng hiến thì hãy dâng hiến; nếu Chúa bảo bạn “dừng lại” thì hãy dừng lại; nếu Chúa bảo bạn “đoạn tuyệt” thì hãy đoạn tuyệt; nếu Ngài bảo bạn “đi” thì hãy đi; nếu Ngài bảo bạn “làm” thì hãy làm. Đừng bắt chước người khác, mà hãy lắng nghe Chúa và làm cho xong phần của mình, thì bạn sẽ thấy Chúa làm phần của Ngài.
III.   Sự Đáp Lời Của Chúa Bao Giờ Cũng Vượt Trỗi Hơn Mong Đợi Của Chúng Ta
Điều mà cô dâu và chú rể mong đợi là gì? – Đủ rượu. Điều mà Mary cầu xin Chúa Giê-xu giúp đỡ là gì? – Đủ rượu cho tiệc cưới. Người ta chỉ cần có đủ rượu, thậm chí là rượu thường, nếu không muốn nói là rượu dỡ, chớ không cần rượu ngon. Có đủ rượu là được rồi.
Thế nhưng điều gì đã xảy ra khi Chúa Giê-xu hành động? – Hơn 450 lít rượu nho thượng hạng vào lúc cuối tiệc!
Sự ban cho của Chúa luôn là như vậy. Sự ban cho của Chúa luôn nhiều hơn là đủ; sự ban cho của Chúa đúng là “trên cả tuyệt vời”, như một số người trong chúng ta thường nói.
Chúa ban cho Anne không chỉ một đứa con để khỏi bị người đời gièm chê, khinh bỉ mà là một tiên tri Sa-mu-ên cho cả dân tộc Y-sơ-ra-ên trong thời buổi tiền quân chủ loạn ly; Chúa không chỉ nhậm lời cầu xin ban cho vợ chồng Xa-cha-ri một đứa con trai là Giăng Báp-tit trong lúc tuổi già mà còn là một người mở đường cho Chúa Cứu Thế; Chúa không chỉ nhậm lời viên cai nhà hội là Giai-ru chữa lành cho con gái của ông mà còn khiến cho đứa trẻ sống lại từ trong kẻ chết; và Ngài cũng đã làm tương tự như thế đối với La-xa-rơ, người đã được chôn trong hầm mộ bốn ngày rồi.
Epheso 3: 20 Xin tôn vinh Đấng có thể dùng quyền năng đang hoạt động nơi chúng ta, mà làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới (Bản Công Giáo)
Đức Chúa Trời của chúng ta là như thế, Ngài không chỉ biết thời điểm tốt nhất để đáp lời cầu xin của chúng ta mà Ngài còn có điều tốt nhất để ban cho chúng ta nữa. Đừng giới hạn Chúa, hãy tin cậy vào sự toàn năng và vĩ đại của Ngài.
Cần nhớ rằng, những gì Chúa làm cho chúng ta không chỉ đơn thuần là đáp ứng nhu cầu của con dân Ngài mà còn nhằm mục đích cao hơn là bày tỏ vinh quang Ngài cho thiên hạ đều tin (c. 11). Vì cớ những gì Chúa ban cho chúng ta còn nhằm mục đích là tôn cao chính Ngài và khiến cho người ta tin nên sự ban cho của Ngài là chắc chắn. Hãy vững lòng tin nơi chính Ngài.
Như vậy, Lời Chúa ngày hôm nay giúp chúng ta học biết những nguyên tắc trong sự ban cho của Đức Chúa Trời. Đó là, Chúa đáp lời cầu xin của chúng ta theo thời điểm của Ngài chớ không phải của chúng ta; sự đáp lời của Chúa thường xảy ra sau khi chúng ta làm theo sự hướng dẫn cụ thể của Ngài; và sự đáp lời của Chúa luôn vượt trỗi hơn mọi mong đợi của chúng ta. Một Đức Chúa Trời toàn năng, thành tín và tốt lành như thế thật xứng đáng để mỗi một chúng ta tin cậy nơi Ngài luôn luôn.
MSB

SỰ CHU CẤP CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Trước khi trút linh hồn trên thập giá, Chúa Giê-xu đã lớn tiếng rằng, “mọi việc đã trọn”. Điều này có nghĩa là tất cả những gì cần phải làm để một người hưởng được ơn cứu rỗi thì Chúa Giê-xu đã làm thay cho nhân loại cả rồi. Bởi sự chết và sự sống lại của mình Chúa Giê-xu đã cung ứng cho nhân gian một giải pháp cho sự cứu rối linh hồn. Không những thế, Ngài còn là Đấng đáp ứng mọi nhu cầu về phần xác của con người chúng ta, trong đó phải kể đến sự chữa lành thuộc thể và sự cung ứng lương thực hàng ngày. Lẽ thật này được bày tỏ cách rõ ràng trong Phúc Âm Mathiơ. 14: 13-21. Chúng ta sẽ cùng nhau khám phá qua phân đoạn Kinh Thánh vừa nêu.
Nghe tin ấy, Đức Chúa Jêsus xuống thuyền, rời chỗ nầy đi đến nơi hoang vắng. Biết vậy, dân chúng từ các thành đi bộ theo Ngài. Vừa ra khỏi thuyền, Đức Chúa Jêsus thấy đoàn dân đông thì cảm thương, và chữa lành cho những người bệnh. Đến chiều tối, các môn đồ đến thưa với Ngài: “Nơi nầy hoang vắng, trời tối rồi, xin Thầy cho dân chúng về để họ vào các làng mua thức ăn.” Đức Chúa Jêsus phán: “Họ không cần phải đi đâu; chính các con hãy cho họ ăn.” Các môn đồ thưa rằng: “Ở đây, chúng con chỉ có năm cái bánh và hai con cá.” Ngài phán: “Hãy đem đến đây cho Ta.” Sau khi truyền cho dân chúng ngồi trên bãi cỏ, Ngài lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời tạ ơn rồi bẻ bánh ra trao cho môn đồ, họ phân phát cho dân chúng. Mọi người đều ăn no nê. Họ thu lại được mười hai giỏ đầy những mẩu bánh thừa. Số người ăn khoảng năm nghìn người, không kể phụ nữ và trẻ em.

I. Chúa Giê-xu là Đấng đáp ứng nhu cầu của con người (c. 13-16)

A.  Ngài chữa lành cho những người bệnh
Bất cứ nơi nào có sự hiện diện của Chúa Giê-xu nơi đó có người tìm đến. Không phải một vài người mà là cả đoàn dân đông. Tại sao đoàn dân đông từ các thành phố sẵn lòng đi bộ vào đồng hoang? – Vì tại đó có Chúa Giê-xu.
Có thể có một số người vào đồng vắng tìm gặp Chúa vì hiếu kỳ, nhưng đại đa số người ta tìm gặp Chúa là vì họ có nhu cầu. Tại sao những người có nhu cầu lại cố công tìm gặp Chúa? – Vì Chúa có câu trả lời cho mọi nhu cầu, nan đề của họ. Vì Ngài là cái cửa, là lối thoát, là sự sống cho họ. “Vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công vụ 4: 12).
Kinh Thánh thuật lại rằng, Chúa Giê-xu “thấy đoàn dân đông đúc, động lòng thương xót, mà chữa cho kẻ bịnh được lành”. Chúa Giê-xu trong đồng vắng năm nào cũng chính là Chúa Giê-xu của ngày hôm nay, Ngài đang ở đây giữa Hội Thánh của Ngài. Ngài đang nhìn mỗi một chúng ta với tấm lòng thương xót.
Bạn có nan đề ư? – Hãy chạy đến với Ngài. Anh chị em đang có bệnh tật trong thân thể mình ư? – Hãy chạy đến với Ngài để được chữa lành ngay hôm nay. Khi Kinh Thánh nói rằng, Ngài động lòng thương xót thì điều đó có nghĩa là Chúa chữa lành cho chúng ta, không phải vì chúng ta có xứng đáng hay không mà là vì chúng ta được Chúa thương xót; Ngài giải quyết nan đề, đáp ứng nhu cầu cho chúng ta không phải vì chúng ta là ai – tin Chúa lâu hay mới, giàu hay nghèo, tốt hay xấu – mà là vì Chúa thương xót chúng ta.
Do đó, hãy dạn dĩ mà đến với Ngài, vì chỉ có những người tự nguyện đến với Ngài mới nhận được sự thương xót; chỉ có những người tự nguyện đến với Ngài mới nhận được sự chữa lành, sự tha thứ, sự giải cứu, … mà thôi.
B.  Ngài cung cấp thức ăn cho những người đói
Chúa Giê-xu không chỉ chữa lành cho những người bị bệnh mà Ngài còn làm phép lạ đáp ứng nhu cầu vật chất cho đoàn dân đông nữa. Đó là tin mừng cho những người nghèo khổ, khó khăn. Không phải Hội thánh đáp ứng tiền bạc hay thức ăn cho những người thiếu đói mà là chính Chúa. Chúa quan tâm đến mọi nhu cầu của chúng ta, kể cả nhu cầu cơm áo, gạo tiền.
Chúa đáp ứng nhu cầu vật chất cho những người có nhu cầu cũng y như Ngài chữa lành cho những người bị bệnh đến nhờ cậy Ngài vậy. Chúa không phân biệt người này với kẻ kia, không phân biệt người bị bệnh với người bị đói, không phân biệt đàn ông với đàn bà, người lớn với trẻ nhỏ. Bất kỳ ai bằng lòng chạy đến với Chúa, bất kỳ ai quyết định nương nhờ nơi Ngài thì người đó đều được Chúa thương xót, nhu cầu của người đó đều được Chúa đáp ứng cáh thỏa đáng. Đừng sợ hãi, cũng đừng quá lo lắng. Chúa có cách của Ngài để đáp ứng nhu cầu vật chất cho mỗi một chúng ta.

II. Cách Chúa Giê-xu đáp ứng nhu cầu vật chất (c. 17-19)

A.  Từ sự đóng góp nhỏ bé của các môn đệ
Phép lạ hóa bánh chu cấp cho 5000 người ăn chưa kể phụ nữ và trẻ em bắt đầu từ 5 chiếc bánh mì và 2 con cá, mà theo Tin Lành Giăng. 6: 9 thì đó chỉ là phần ăn của một bé trai. Đừng quên rằng, Chúa của chúng ta là Đức Chúa Trời toàn năng. Ngài là Đấng dựng nên cả vũ trụ bao la này với muôn vật trong đó, kể cả loài người chúng ta. Kinh Thánh trong Hê-bơ-rơ 11: 3 cho chúng ta biết rằng, Chúa tạo nên vũ trụ này chỉ bằng lời phán và “do đó những vật hữu hình ra từ những sự vô hình”, tức là không cần một nguyên liệu ban đầu nào cả Chúa cũng đã tạo nên một vũ trụ kỳ vĩ này. Thế nhưng, trong trường hợp hóa bánh này thì Chúa lại sử dụng sự đóng góp nhỏ bé của các môn đệ Ngài.
Vào năm 1996, khi tôi mới bước vào chức vụ hầu việc Chúa với vai trò là một nhân sự của Hội thánh địa phương có tên là A-bô-lô tại Sài gòn. Đây là thời điểm vô cùng khó khăn đối với vợ chồng chúng tôi khi bị gia đình hai bên bắt bớ vì cớ niềm tin nơi Chúa. Trong thời gian này, Chúa có dùng ông bà Mục sư Phạm Phú Ánh cung ứng gạo hàng tháng cho chúng tôi. Ngặt nỗi nhà chỉ có chiếc xô nhựa chứa khoảng tám ký gạo nên hễ khi nào hết thì báo để nhận tiếp. Đối với những gia đình khó khăn thì bữa ăn đối với họ chủ yếu là cơm chớ không phải thức ăn, nên thường thì rất mau hết gạo. Gia đình tôi lúc đó có cả thảy 4 người, 2 vợ chồng, 2 đứa con. Lần nọ, vì đã quá lâu mà không thấy chúng tôi nói gì nên ông bà Mục sư Ánh nghĩ rằng, chắc là có ai đó đã cho chúng tôi gạo. Song khi hỏi ra thì mọi người đều lấy làm kinh ngạc vì đã hơn tháng rồi mà xô gạo vẫn cứ còn ở mức phân nữa. Dầu gia đình tôi ngày nào cũng nấu ăn như trước.
Vâng, ngày nay Đức Chúa Trời vẫn còn làm phép lạ cho con dân của Ngài. Chúa có thể sử dụng những gì ít ỏi, bé nhỏ của chúng ta để đáp ứng nhu cầu của người khác. Câu nói của Chúa với các môn đệ: “Chính các ngươi phải cho họ ăn!”, cũng chính là điều Chúa muốn nói với mỗi một chúng ta trước nhu cầu của những người chạy đến với Ngài. Vấn đề không nằm ở chỗ chúng ta có gì để dâng, để cho hay không mà là chúng ta có sẵn lòng để thưa “vâng” với Chúa, sẵn lòng làm theo ý muốn, làm theo mạng lịnh của Ngài hay không mà thôi. Vì ngay trong việc dâng hiến hay ban cho thì cũng chính Chúa là Đấng sẽ cấp hạt giống cho những người nào sẵn lòng muốn được ban cho (2 Corinhto 9: 10)
B.  Cảm tạ Đức Chúa Cha vì những gì hiện có, trước khi phát cho những người đang có nhu cầu
Đúng là Chúa Giê-xu làm phép lạ chu cấp thức ăn cho khoảng 15000 người, cả lớn lẫn bé từ 5 chiếc bánh mì và 2 con cá, song bánh và cá không tự động gia tăng vừa khi được đặt vào tay Chúa Giê-xu. Bánh và cá chỉ gia tăng sau khi Chúa “ngửa mặt lên trời mà tạ ơn”.
Đấy chính là cách mà phép lạ xảy ra: sau lời tạ ơn Chúa. Phép lạ khiến La-xa-rơ sống lại từ trong cõi chết sau bốn ngày nằm trong huyệt mộ cũng xảy ra sau lời cầu nguyện của Chúa Giê-xu: “Thưa Cha, tôi tạ ơn Cha, vì đã nhậm lời tôi” (Giăng 11: 41). Nói cách khác, lời tạ ơn hay cảm ơn Chúa đã khai phóng quyền năng siêu nhiên của Đức Chúa Trời.
Kinh Thánh không cho chúng ta biết đích xác là Chúa Giê-xu tạ ơn Đức Chúa Trời về điều gì, nhưng rõ ràng rằng sau lời cầu nguyện cảm tạ này thì phép lạ đã xảy ra. Bánh và cá cứ âm thầm mà tăng bội lên, theo bước chân đi phân phát của các sứ đồ.
Thế thì, tại sao ta lại không theo gương Chúa Giê-xu mà liên tục “vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta” (Epheso 5: 20). Vì ai biết được, một lúc nào đó sau lời cảm tạ của chúng ta một phép lạ từ Đức Chúa Trời sẽ xảy ra thì sao. Há chẳng phải Chúa Giê-xu đã từng phán bảo rằng, “người nào tin Ta, thì cũng sẽ làm những việc Ta làm, và còn làm những việc vĩ đại hơn nữa, vì Ta trở về cùng Cha” (Giăng 14: 12) đó sao?

III. Sự chu cấp của Chúa luôn NHIỀU HƠN là đủ (c. 20-21)

A.  Tất cả mọi người đều ăn NO
Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng, “ai nấy đều ăn no”. “Ai nấy” ở đây không thể là chỉ 5000 người đàn ông, mà bao gồm cả phụ nữ và trẻ em nữa. Nếu cứ bình quân cứ một ông đi với một bà cùng một em bé thôi thì đoàn dân này đã lên đến con số 15.000 người rồi. Và nếu 5 chiếc bánh mì (đây là loại bánh mì tròn cở chiếc đĩa loại trung, dẹp và mỏng) và 2 con cá là phần ăn đủ no của một em bé, và ai cũng cần một khẩu phần như thế thì để ăn no phải cần đến 75.000 chiếc bánh mì và 30.000 con cá!
Điều gì sẽ xảy ra nếu Chúa Giê-xu ngay lập tức biến từ 5 chiếc bánh và 2 con cá ra đủ số lượng kể trên? – Tai họa chắc chắn sẽ xảy ra, vì chỗ đâu mà chứa. Đó là chỗ đặc biệt trong phép lạ này của Chúa Giê-xu. Không ai nhìn thấy bánh mì và cá gia tăng trong giỏ của các sứ đồ cả. Chính các sứ đồ cũng không nhận thấy điều đó. Họ chỉ vâng lời Chúa phân phát cho người ta, hết hàng này đến hàng khác. Và kết quả là “ai nấy đều ăn no”!
Nếu được phép chọn, có lẽ đa số người trong chúng ta sẽ chọn kiểu phép lạ mà Chúa Giê-xu khiến cho 2 chiếc thuyền của Phi-e-rơ đầy cá (Luca 5) hơn là kiểu phép lạ hóa bánh cho năm ngàn người ăn. Dù cách này hay cách kia thì cách nào cũng là phép lạ. Dù được Chúa chu cấp cho một số tiền lớn cách siêu nhiên, hay bất ngờ hoặc được Chúa nuôi từ ngày này sang ngày kia với một khoản thu nhập ít ỏi thì cả hai cũng đều là phép lạ. Chúa toàn quyền trong việc quyết định kiểu phép lạ nào sẽ làm trong trường hợp cụ thể của chúng ta. Dù là kiểu phép lạ nào đi nữa, thì nhu cầu của chúng ta cũng được đáp ứng cách đầy đủ; dù là kiểu phép lạ nào đi nữa thì “ai nấy cũng đều được ăn no”. Khá nhớ rằng, “no” không bao giờ đồng nghĩa với vừa đủ mà là “căng”, là “đầy” rồi.
B.  Thừa lại 12 giỏ đầy
Không chỉ dừng lại ở mức độ “ai nấy đều ăn no”, mà sự chu cấp của Chúa còn nhiều hơn là đủ. Kinh Thánh thuật lại rằng, “bánh thừa lại thâu được mười hai giỏ”. Nói cách khác, mười hai giỏ trong tay mười hai sứ đồ, sau khi phân phát khắp lượt cho cả chục ngàn người lại đầy nguyên, không hề suy giảm.
Đó là cách ban cho của Chúa. Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời của sự dư dật, Ngài là Đức Chúa Trời của sự giàu có nên sự ban cho của Ngài luôn “trỗi hơn vô cùng những điều chúng ta cầu xin và suy tưởng”; sự chu cấp của Ngài luôn vượt trỗi hơn nhu cầu của chúng ta; sự ban cho của Ngài luôn nhiều hơn là đủ.
Anh chị em ơi, chúng ta có một Đức Chúa Trời vĩ đại và quyền năng. Ngài là Đức Chúa Trời hay làm phép lạ. Ngài là Đấng chu cấp mọi nhu cầu của chúng ta. Ngài dùng chính những điều ít ỏi, bé nhỏ mà chúng ta dâng hiến để sanh hóa ra nhiều; và bởi lời cảm tạ từ nơi môi miệng của chúng ta quyền phép siêu nhiên của Đức Chúa Trời sẽ được khai phóng để nhân bội lên những gì hiện có để chu cấp nhu cầu cho nhiều nhiều người. Sự chu cấp của Ngài bao giờ cũng nhiều hơn là đủ, bao giờ cũng vượt trỗi hơn nhu cầu của mỗi chúng ta. Hãy chạy đến với Ngài và ngửa trông nơi sự thương xót của Ngài. Chính Chúa, chớ không phải ai khác, “sẽ làm đầy đủ mọi sự cần dùng của anh chị em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Giê-xu Christ”, Cứu Chúa chúng ta.
MSB