Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

LƯỢNG ĐỨC TIN

Khi xem xét những biểu hiện thực tế của đức tin trong đời sống cơ-đốc, chúng ta cần phải chú ý đến những gì Phao-lô đã dạy trong Roma 12: 1-8 liên quan đến “lượng đức tin”:
Thưa anh chị em, vì thế tôi nài xin anh chị em, do lòng thương xót của Đức Chúa Trời, hãy dâng hiến chính mình như những sinh tế sống, thánh khiết, đẹp lòng Đức Chúa Trời, đó là sự thờ phượng hợp lẽ của anh chị em. Đừng rập khuôn theo đời này, nhưng hãy được biến hóa bởi sự đổi mới tâm trí, để thử nghiệm cho biết ý định tốt lành, trọn vẹn và đẹp lòng Đức Chúa Trời. Vì nhờ ân sủng Chúa ban cho tôi, tôi xin nói với mỗi người trong anh chị em: Đừng nghĩ về mình cao quá, nhưng hãy bình tâm suy nghĩ, đúng theo lượng đức tin Đức Chúa Trời đã ban phát cho mình. Vì như trong một thân thể, ta có nhiều phần, nhưng tất cả các phần không có cùng một chức năng, cũng thế, dù chúng ta đông người, nhưng chỉ có một thân thể trong Chúa Cứu Thế và mỗi người là các phần của nhau. Ta được ân tứ khác nhau theo ân sủng Chúa; ai được ân nói tiên tri, hãy nói theo lượng đức tin; ai phục vụ, hãy tận tâm phục vụ; ai dạy dỗ hãy chăm mà dạy dỗ; ai được ân khích lệ, hãy khích lệ anh chị em; ai được ân ban phát hãy rộng rãi ban phát; ai được ân lãnh đạo, hãy chuyên cần lãnh đạo; ai làm việc từ thiện, hãy hăng hái mà làm.
Phao-lô bắt đầu đoạn này bằng từ “vậy”. Có ai đó đã nói rằng, nếu bắt gặp từ “vậy” trong Kinh Thánh, thì chúng ta cần phải biết những gì đã được đề cập trước nó. Bởi vì, từ này, tự thân nó đã thể hiện sự liên quan đến kết quả rồi. Trong trường hợp này, nó liên quan đến tất cả những gì Phao-lô đã nói trong 11 đoạn trước đó. Từ đoạn 1 cho đến đoạn 8, ông giải thích thể nào sự chết của Đấng Christ trên thập giá đã chuộc chúng ta cách trọn vẹn khỏi tội lỗi và những hậu quả khủng khiếp của nó, một lần đủ cả. Từ đoạn 9 cho đến đoạn 11, ông đề cập đến thể nào Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục bày tỏ ân điển vô hạn và sự chịu đựng bền bỉ của Ngài đối với dân Y-sơ-ra-ên, tuyển dân của Chúa theo Cựu Ước, bất chấp sự kiêu ngạo và mù lòa của họ.
Kết cuộc, sau khi giải luận về sự thương xót của Đức Chúa Trời đối với dân Do-thái cũng như đối với dân ngoại, Phao-lô nói: “Vậy, …”. Với tất cả những gì Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta như thế, vậy thì đâu là “sự thờ phượng hợp lẽ” mà chúng ta cần phải có đối với Ngài? Điều nhỏ nhất mà Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi chúng ta là gì? Đó là dâng “thân thể mình làm của lễ sống và thánh, một của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời” – tức là đặt chính mình trên bàn thờ Chúa một cách trọn vẹn và không điều kiện. Khi đề cập “của lễ sống” là Phao-lô muốn nói đến sự tương phản giữa sự hiến tế của chúng ta với việc dâng sinh tế trong thời Cựu ước, nơi mà các con vật trước khi được hiến tế, đều phải bị giết thịt. Trong thời Tân ước, chúng ta cũng bị đòi buộc phải dâng chính thân thể mình cho Chúa cách dứt khoát và trọn vẹn như thế. Song khác biệt là thân thể chúng ta không bị giết chết như các con thú khi xưa. Chúng ta thờ phượng (hầu việc) Đức Chúa Trời bằng sự sống của thân thể, chớ không phải bằng sự chết của nó.
Sự hiến thân như thế với tính chất của lễ sống là sự phó dâng trọn vẹn cho Chúa. Đây là nấc thang đầu tiên trên con đường đi vào trung tâm điểm của ý muốn Đức Chúa Trời và sự chu cấp của Ngài. Trước tiên, chúng ta thay đổi tất cả phong cách sống của mình. Chúng ta chấm dứt với việc “rập khuôn theo đời này”, và “được biến hóa”. Sự biến hóa này không bắt đầu với những giáo luật, tức là tập hợp những qui định nhằm hướng dẫn cách hành xử của chúng ta trong những lĩnh vực như ăn mặc, trang điểm, giải trí, … Nó được bắt đầu bằng sự thay đổi bên trong tâm trí của chúng ta. Tâm trí hay tư duy của chúng ta “được đổi mới”. Mọi quan niệm, thang giá trị cũng như thứ tự ưu tiên của chúng ta đều chịu sự thay đổi.
Trước đó, trong Roma 8: 7, Phao-lô tỏ cùng chúng ta rằng, “tâm trí theo xác thịt là thù nghịch với Đức Chúa Trời; vì nó không thuận phục kinh luật của Đức Chúa Trời …” Cụm từ “tâm trí theo xác thịt” mô tả cách suy nghĩ vốn là cố hữu của tất cả chúng ta, cũng chính từ bản tánh tội lỗi và phản loạn của chúng ta mà ra. Tâm trí như thế, đang thực sự chống nghịch với Đức Chúa Trời. Trong quan hệ đời thường, không khi nào người ta giao những vật quan trọng hay quý báu cho kẻ thù mình cất giữ cả. Cũng một thể ấy, chừng nào tâm trí của chúng ta còn thù nghịch với Đức Chúa Trời thì Ngài cũng không trao phó cho chúng ta những báu vật tuyệt vời đâu. Chỉ khi nào tâm trí của chúng ta được hòa lại với Đức Chúa Trời thông qua việc đầu phục; chỉ khi nào nó chấm dứt việc thù nghịch với Ngài và liên tục “được đổi mới” bởi Đức Thánh Linh; chỉ có tâm trí được đổi mới mới có khả năng tiếp nhận sự bày tỏ về “ý muốn của Đức Chúa Trời”, tức là kế hoạch đặc biệt của Ngài sẵn dành cho mỗi một chúng ta mà thôi. Có ba phương diện trong ý muốn của Đức Chúa Trời và những phương diện này được bày tỏ cho chúng ta tùy theo mức độ đổi mới ngày càng hơn của tâm trí chúng ta. Phương diện thứ nhất cho thấy ý muốn của Đức Chúa Trời là “tốt lành”: chúng ta khám phá ra rằng, Ngài chỉ muốn cho chúng ta những điều tốt lành mà thôi. Phương diện thứ hai bày tỏ rằng ý muốn của Đức Chúa Trời là “đẹp lòng”: càng hiểu nó chừng nào, chúng ta càng thấy nó đẹp lòng, vừa ý mình, (tức là dễ tiếp nhận) chừng nấy. Phương diện thứ ba – ý muốn của Đức Chúa Trời là “trọn vẹn”: đây là sự cung ứng đầy đủ trọn vẹn cho mọi lĩnh vực của đời sống chúng ta.
Một tâm trí được đổi mới như thế sẽ không nghĩ về mình nhiều hơn mức cần thiết. Chúng ta sẽ không còn kiêu ngạo, ích kỷ và tự tin quá mức; cũng sẽ không còn mơ mộng hão huyền hay tự lừa dối chính mình. Chúng ta sẽ bắt đầu lập luận đúng đắn và thể hiện tâm trí của Đấng Christ, là Đấng đã từng thưa cùng Chúa Cha rằng: “Xin ý Cha được nên”. Lúc bấy giờ, kế hoạch và mục đích của Đức Chúa Trời sẽ trở nên quan trọng hơn đối với chúng ta, chớ không phải là kế hoạch và mục đích của riêng chúng ta.
Điều này dẫn chúng ta đến với mặc khải tiếp theo: Đức Chúa Trời ban cho mỗi người một “lượng đức tin”. Tâm trí chúng ta không được kêu gọi để suy xét rằng, chúng ta cần bao nhiêu đức tin. Đức Chúa Trời đã phân chia đủ lượng định mà chúng ta cần rồi. Nhưng Chúa xác định chúng ta cần bao nhiêu đức tin như thế nào?
Phao-lô trả lời câu hỏi này, khi giải bày về Thân Thể Đấng Christ: “Vì như trong một thân thể, ta có nhiều phần, nhưng tất cả các phần không có cùng một chức năng, cũng thế, dù chúng ta đông người, nhưng chỉ có một thân thể trong Chúa Cứu Thế và mỗi người là các phần của nhau” (Roma 12: 4-5). Là những Cơ-đốc nhân, chúng ta hiệp làm một “Thân Thể” duy nhất. Trong Thân Thể này, mỗi chúng ta là một chi thể đặc biệt với một vị trí và một chức năng đặc biệt. Người là mũi, kẻ là tai, kẻ khác là tay, kẻ khác nữa là chân, …
Trong thơ ICorinhto 12: 12-28, Phao-lô đã đề cập một cách chi tiết hơn đến khái niệm Thân Thể và các chi thể của nó: “Nhưng bây giờ, Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể của thân chúng ta, ban cho mỗi một chi thể cái địa vị theo ý Ngài lấy làm tốt mà chỉ định” (c. 18). Không một ai trong chúng ta có thể theo ý riêng mà chọn một vị trí hay chức năng nào đó cho riêng mình trong Thân Thể. Chúng ta chỉ có thể khám phá ra và đứng vào chỗ mà Đức Chúa Trời đã định trước cho mình mà thôi. Để làm được điều này, chúng ta cần phải có một “tâm trí được đổi mới”.
Phao-lô dạy rằng, là chi thể trong Thân chúng ta cần lẫn nhau. Không một ai trong chúng ta được tự do hành động theo ý riêng, bất chấp những thành viên còn lại. “Mắt không thể nói với tay: Tôi không cần anh; đầu cũng không thể nói với chân: Tôi không cần anh” (c. 21). Đầu là chi thể cao trọng nhất, chỉ về chính Đấng Christ (Epheso 4: 15). Chân nằm ở phần cuối của Thân, theo hướng ngược lại. Thế nhưng, đầu cần đến đôi chân, và đầu không thể đến được nơi này nơi kia nếu không có chân. Trong tinh thần đó, chúng ta thấy được tại sao Phao-lô dạy rằng, trong việc xác định vị trí của mình trong Thân, chúng ta đừng tự đánh giá quá cao về chính mình, nhưng hãy suy xét cách tỉnh táo và thực tế.
Hình ảnh Thân Thể và các chi thể của nó giúp chúng ta hiểu được điều mà Phao-lô muốn nói đến trong cum từ “lượng đức tin”. Mỗi một chúng ta là một chi thể của Thân với chức năng cụ thể. Để thực hiện chức năng đó, chúng ta cần một “lượng đức tin” cụ thể. Thể loại và lượng đức tin mà mỗi chi thể trong Thân cần đến là khác nhau. Mắt cần “đức tin của mắt”, tay cần “đức tin của tay”, … Lượng đức tin này cần phải được sử dụng theo chỉ định. Lượng đức tin mà mắt cần để thực hiện chức năng của mình sẽ không phù hợp đối với tai. Mỗi một chi thể đã được ban cho một “lượng đức tin” riêng biệt cách cụ thể, tương ứng với chức năng mà nó đảm nhận.
Một khi khám phá ra vị trí của mình trong Thân và thực hiện chức năng của nó với “lượng đức tin” đã được ban cho, thì chúng ta đã sẵn sàng cho việc phát lộ “các ân tứ” (charismata: sự ban cho – Bản Dịch Cũ). “Ta được ân tứ khác nhau theo ân sủng Chúa; ai được ân nói tiên tri, hãy nói theo lượng đức tin …” (Roma 12: 6). Ngoài ân tứ nói tiên tri, Phao-lô còn nhắc đến 6 ân tứ nữa: phục vụ, dạy dỗ, khích lệ, ban phát, lãnh đạo, làm việc thiện. Hẳn nhiên, đây không phải là bảng liệt kê tất cả mọi ân tứ (charismat), mà đơn giản chỉ là một số đại diện nhằm minh họa cho sự đa dạng của các ân tứ mà thôi.
Ở đây một nguyên tắc quan trọng đã được xác lập: vị trí và chức năng trong Thân luôn đến trước các ân tứ. Rất nhiều Cơ-đốc nhân quá quan tâm đến các ân tứ và chức vụ. Họ tập chú vào việc tìm kiếm những ân tứ mà họ thích. Thường thì là những ân tứ gây ấn tượng mạnh, chẳng hạn, như các ân tứ chữa lành hoặc làm phép lạ, hay chức vụ sứ đồ hoặc người giảng Phúc Âm. Đồng ý rằng, trong ICorinhto 12: 31, Phao-lô có khuyên chúng ta “hãy khao khát tìm kiếm những ân tứ lớn lao hơn”, song quan trọng là ông lại không cho chúng ta biết đâu là “những ân tứ lớn lao hơn”. Thật ra không có một tiêu chuẩn tuyệt đối cho vấn đề này, vì giá trị của các ân tứ liên quan đến vị trí của chúng ta trong Thân. Những ân tứ nào giúp tôi thực thi được chức năng mà Đức Chúa Trời đã định trước cho tôi, thì đó là “những ân tứ lớn lao hơn” đối với tôi.
Những Cơ-đốc nhân quá quan tâm đến những ân tứ gây ấn tượng mạnh hay những ân tứ thấy được kết quả nhãn tiền, chắc hẳn là không học biết lời cảnh báo của Phao-lô về việc “suy xét đúng đắn”. Trước hết, chúng ta cần phải xác định vị trí của mình trong Thân Thể Đấng Christ. Đến lượt mình, chính điều này sẽ làm sáng tỏ những ân tứ nào chúng ta cần có để thực thi chức phận cách hiệu quả. Kinh nghiệm cho thấy, vừa khi một Cơ-đốc nhân nhận biết được vị trí và chức năng của mình, thì các ân tứ bắt đầu vận hành gần như là tự động, mà không cần phải nỗ lực hay cố gắng gì cả.
Giờ đây, chúng ta sẽ đúc kết lại những gì Phao-lô dạy trong Roma 12: 1-8. Vì cớ ân sủng và sự thương xót không hề thay đổi của Đức Chúa Trời dành cho mỗi một chúng ta trong Đấng Christ, chúng ta cần phải vượt qua những giai đoạn sau đây:
1.     Chúng ta cần phải dâng thân thể mình cho Đức Chúa Trời như là một “của lễ sống”.
2.     Hành động vâng lời này sẽ dẫn đến việc tâm trí của chúng ta sẽ được liên tục đổi mới bởi Đức Thánh Linh.
3.     Kết quả của việc thay đổi tâm trí này dẫn đến những thay đổi bề ngoài trong đời sống của chúng ta – thay đổi tất cả lối sống – chúng ta “được biến hóa”.
4.     Nhờ việc đổi mới tâm trí, chúng ta bằng kinh nghiệm sẽ nhận biết được ý muốn của Đức Chúa Trời trong đời sống của mình: trước hết, là ý muốn “tốt lành”; tiếp theo là “đẹp lòng, và cuối cùng là “trọn vẹn”.
5.     Việc nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời như thế giúp chúng ta xác định được vị trí của mình trong Thân, cùng chức năng trong vị trí đó.
6.     Rốt lại, chúng ta sẽ khám phá được rằng, Đức Chúa Trời đã ban cho mình một “lượng đức tin”, đúng với vị trí và chức năng của chúng ta trong Thân – đức tin dành cho “tai”, nếu chúng ta đúng là tai, đức tin dành cho “mắt”, nếu chúng ta được định là mắt.
7.     Tùy theo cách mà chúng ta thực thi chức năng trong vị trí của mình với lượng đức tin đã được ban cho, các ân tứ cần thiết cho chức vụ của chúng ta sẽ được kích hoạt.
Trong chương sáu, chúng ta đã phân tích lời tuyên bố của Phao-lô trong Roma 10: 17, rằng “Đức tin là do nghe, và nghe là khi Lời Chúa Cứu Thế được truyền giảng”. Vậy điều này nên được hiểu thế nào trong tương quan với những gì ông đã dạy trong Roma 12: 3-5 rằng, Đức Chúa Trời ban cho mỗi một người trong chúng ta một lượng đức tin cụ thể, tương ứng với vị trí và chức phận đã được định sẵn cho chúng ta trong Thân Thể Đấng Christ?
Câu trả lời chỉ có thể thế này: đối với Cơ-đốc nhân thì việc “nghe” đóng vai trò như là đài ra-đa đối với máy bay. Ra-đa của chúng ta càng nhạy bén trong việc bắt sóng đối với lời rê-ma của Đức Chúa Trời chừng nào, thì chúng ta càng dễ dàng và vững tin trong việc xác định vị trí và chức vụ đã định sẵn cho mình trong Thân Thể Đấng Christ. Khi chúng ta đứng vào vị trí đó, thì cũng giống như việc máy bay hạ cánh, chính xác trong đường băng đã định.
“Nghe” – chính là đài ra-đa hướng dẫn chúng ta đến thẳng chỗ mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta có mặt. Sau đó, tùy thuộc vào mức độ mà chúng ta tiếp tục lắng nghe những lời rê-ma mới mẽ của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ được vững lập nơi vị trí của mình và có thể thi hành chức vụ cách hiệu quả.
Việc Chúa ban cho mỗi người một lượng đức tin không có nghĩa rằng, đức tin của chúng ta sẽ không thay đổi. Ngược lại, tùy theo mức độ tăng trưởng nơi khả năng thi hành chức phận của chúng ta trong Thân mà lượng đức tin của chúng ta cũng sẽ tăng trưởng theo. Để thực thi một chức vụ hiệu quả hơn luôn đòi hỏi một lượng đức tin lớn hơn và ngược lại, một sự tăng trưởng đức tin sẽ đem lại một chức vụ hiệu quả hơn. Như vậy, giữa đức tin và chức vụ luôn có một sự gắn bó hỗ tương lẫn nhau.
Thế nhưng, đức tin không phải là một món hàng mà ta có thể mua được ở thị trường tôn giáo. Đức tin thể hiện mối quan hệ hỗ tương với Đức Chúa Trời và là kết quả của một sự đầu phục hoàn toàn. Chính sự đầu phục như thế đem chúng ta đến chỗ hòa hiệp với kế hoạch của Chúa dành cho đời sống của mỗi chúng ta. Khi chúng ta liên tục thuận phục Chúa và vâng lời Ngài, thì đức tin sẽ giúp chúng ta bước vào vị trí của mình và thực thi chức năng mà Đức Chúa Trời đã định trước cho chúng ta. Loại đức tin này có một tính chất khá riêng biệt, và mỗi loại được ban cho một số lượng cụ thể. Đức tin “của TÔI” sẽ không có giá trị đối với bạn và đức tin “của BẠN” cũng như thế đối với tôi. Mỗi người cần phải có một “lượng đức tin” của riêng mình, là lượng đức tin phù hợp với chức vụ cụ thể được định sẵn cho chúng ta trong Thân Thể.
Khi còn là một Cơ-đốc nhân trẻ tuổi, tôi rất ấn tượng bởi đời sống đức tin của một tín hữu lớn tuổi trong Hội thánh, người đã hy sinh rất nhiều cho Chúa và đã đạt được những thành quả lớn lao. Lần nọ, tôi vuột miệng: “Chúa ơi, con nghĩ rằng, con sẽ không bao giờ có được đức tin như người này đâu”. Bất ngờ, Chúa cho tôi câu trả lời hết sức rõ ràng và thực tế: “Con sẽ không thể có đức tin như thế, bởi vì nó không cần cho con! Ta không yêu cầu con làm những việc mà người này đã làm”. Kể từ đó, tôi luôn cảm tạ vì bài học này: đức tin mà Chúa ban cho luôn tương ứng với công việc mà Ngài ủy thác cho chúng ta.
Về sau, khi ở trong chức vụ, tôi đã gặp khá nhiều Cơ-đốc nhân, là những người chưa lĩnh hội được bài học này. Họ thường cầu xin đức tin và tranh chiến để có được đức tin, dầu vậy, chưa khi nào họ có đủ đức tin. Sự mất cân đối giữa đức tin và những việc họ nỗ lực để thực hiện là rất rõ ràng. Tôi xác tín rằng, không phải đức tin mà Đức Chúa Trời ban cho họ là không đủ số, mà là họ đã nhầm chỗ, đã lệch hướng khi sử dụng đức tin của mình. Theo ý riêng, họ đã tự chọn cho mình một chức vụ thay vì gánh vác trọng trách mà Chúa đã định sẵn cho họ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chân đi găng tay, hoặc tay mang ủng (giày ống). Lẽ đương nhiên, cả chân lẫn tay không thể nào thực hiện được chức năng của mình cách bình thường. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là có gì trục trặc nơi bàn chân, bàn tay, chiếc găng tay hay chiếc ủng. Tự thân những chi thể và những vật dụng này là rất tốt, song sự kết đôi như thế là sai trật. Bàn tay mang ủng với mục đích để trở thành chân thì đúng là suy nghĩ kỳ quặc và ngu ngốc. Cũng một thể ấy, với chân mang găng tay để cố trở thành tay. Nhưng một khi, găng tay được mang vào bàn tay, và ủng được xỏ vào chân, thì sự cân đối, hòa hợp được thiết lập và thành công sẽ đạt đến. Đức tin mà Chúa ban cho mỗi chúng ta cũng giống y như vậy. Nó tương ứng với chức năng được định trước cho từng chi thể, như găng tay là dành cho bàn tay và ủng là dành cho chân vậy.
Trong chương 4 thơ Hê-bơ-rơ, tác giả đề cập đến việc thể nào những tín hữu nhận được sản nghiệp của mình: “Còn chúng ta đã tin cậy nên được vào sự an nghỉ …” (c.3). Đức tin phải đem lại cho chúng ta sự bình an. Vừa khi xác định được vị trí của mình trong cơ nghiệp mà Chúa đã sẵn dành cho, chúng ta nhất định phải nhận thấy một sự bình an thật từ sâu thẳm trong lòng, bất chấp lòng nhiệt thành, áp lực hay chống đối mạnh mẽ từ bên ngoài. Việc nỗ lực và cố gắng liên tục thực ra đang minh chứng rằng, chúng ta vẫn còn chưa xác định được việc mà Chúa kêu gọi mình làm. Chúng ta cảm thấy vướng víu, gò bó, như tay mang ủng hay chân mang găng tay vây.
Phần tiếp theo trong Hê-bơ-rơ đoạn 4, tác giả khuyên: “Vậy, chúng ta hãy gắng sức vào sự an nghỉ đó, …” (c. 11). Cần phải có sự gắng sức, vì lười nhác và một tấm lòng dửng dưng, không đói khát không được có chỗ đứng trong đời sống của một Cơ-đốc nhân. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu được sự gắng sức của chúng ta nhắm vào đâu. Không có chỗ nào dạy rằng, chúng ta cần phải mua lấy đức tin, song chúng ta được truyền bảo xác định vị trí của mình trong sản nghiệp của chúng ta, tức là vị trí mà Đức Chúa Trời đã định sẵn cho chúng ta. Vừa khi tìm được nó, chúng ta có thể thi hành chức phận trong vị trí đó cách tự nhiên và suôn sẻ, giống như bàn tay và chân thực thi chức năng của chúng vậy.
Kết Luận:
Một chức vụ cơ-đốc hiệu quả phải được bắt đầu bằng hành động qui hàng, ấy là khi chúng ta dâng thân thể mình làm “của lễ sống” cho Đức Chúa Trời. Hành động này, đến lượt nó, sẽ dẫn đến sự thay đổi trong toàn bộ suy nghĩ của chúng ta. Tâm trí của chúng ta sẽ được “đổi mới”, và sự thay đổi này từng bước sẽ lan khắp mọi quan điểm, thang giá trị và thứ tự ưu tiên của chúng ta. Thay vì kế hoạch và mục tiêu của riêng mình, chúng ta bắt đầu ham thích những kế hoạch và mục đích của Đức Chúa Trời. Với tâm trí “được đổi mới”, chúng ta bắt đầu nhận ra được chính mình và những Cơ-đốc nhân khác là những chi thể của cùng một Thân. Có nghĩa là trước tiên, chúng ta nên cố tìm ra vị trí và thực hiện chức năng mà Đức Chúa Trời đã định trước cho mình. Khi thành công trong việc này, chúng ta sẽ thấy được rằng, Chúa ban cho mỗi một người riêng biệt một lượng đức tin cần thiết để ở trong vị trí đó và gánh vác chức phận của mình.
Khi thực hiện chức năng của mình như thế trong vị trí đã được định trước, với lượng đức tin được ban cho, chúng ta sẽ có khả năng bày tỏ những ân tứ đặc biệt (charismat), là những ân tứ cần thiết cho vị trí này. Đó chính là “đức tin lớn” của chúng ta.
Derek Prince – Sống Bởi Đức Tin. Chương 10



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét