Vào khoảng sáu thế kỷ trước thời
đại của chúng ta, Đức Chúa Trời đã ban cho tiên tri Ha-ba-cúc mặc khải về nội
dung của Phúc Âm: “Người công chính sẽ sống
bởi đức tin của mình” (Hab. 2: 4). Lời tiên tri này phản ánh chính xác đề
tài chính của sứ điệp Cơ-đốc, và nó được lập lại đến ba lần trong kinh Tân Ước:
Rô-ma 1: 17; Galati 3: 11 và Hê-bơ-rơ 10: 38.
Đức Tin Là Nền Tảng Duy Nhất
Lời tiên tri của Ha-ba-cúc được
đặc biệt chú ý trong thơ Rô-ma, và trên thực tế, nó đã trở thành chủ đề của thơ
tín này. Để có được một cái nhìn tổng thể về thơ Rô-ma, chúng ta có thể so sánh
nó với bản giao hưởng của thiên tài âm nhạc Bethoven. Mười lăm câu đầu của đoạn
1 là lời giới thiệu, 2 câu tiếp theo 16 và 17 là chủ đề: “NGƯỜI CÔNG CHÍNH SẼ SỐNG
BỞI ĐỨC TIN”.
Tiếp theo, bản giao hưởng được
chia làm ba phần. Phần một bao gồm các đoạn từ 1 đến 8. Trong phần này, Phao-lô
phân tích chủ đề cách chi tiết và hợp lẽ, khi chứng minh thể nào nó phù hợp với
những lời tiên tri và mẫu hình của Cựu Ước. Phần hai gồm các đoạn từ 9 đến 11,
được Phao-lô dùng để chỉ ra sự liên hệ giữa chủ đề này với dân Y-sơ-ra-ên. Ông
chứng minh những nỗ lực của người Do-thái để đạt được sự công chính bởi việc
làm, chớ không bởi đức tin đã làm đui mù họ đến nỗi họ không nhận biết Đấng
Mê-sia, và như thế, họ đã đánh mất những phước hạnh mà Đức Chúa Trời đã sẳn
dành cho họ thông qua Đấng đó. Phần ba bao gồm các đoạn từ 12 đến 16, được dùng
để nhấn mạnh đến khía cạnh thực tiển của đức tin. Phao-lô chỉ ra thể nào sự
công chính thông qua đức tin cần phải được thể hiện ra trong mọi hoạt động, mọi
mối quan hệ và mọi bổn phận khác nhau trong đời sống thường nhật.
Để có thể hiểu được bản giao
hưởng, chúng ta cần tách bạch chủ đề mà người nhạc sĩ đã đặt vào, rồi sau đó
dõi theo nó cẩn thận trong suốt cả tác phẩm. Nếu không ghi nhớ chủ đề trong trí
mình, chúng ta không thể đánh giá đầy đủ những biến tấu và cung bậc khi chuyển
sang những phần kế tiếp. Cùng một nguyên tắc như thế đối với thơ Rô-ma. Thứ nhất,
chúng ta cần phải nắm vững chủ đề xuyên suốt cả bức thơ: “Người công chính sẽ sống
bởi đức tin”. Sau đó, tùy theo việc nghiên cứu những phần chính của bức thơ,
chúng ta cần ghi nhớ chủ đề này trong trí, tập trung xem xét vào việc nó liên hệ
thế nào đến mỗi vấn đề đang được luận bàn. Làm như thế sẽ giúp chúng ta hiểu được
toàn bộ bức thơ cách thống nhất và đúng quy tắc.
Trong đoạn 1, câu 16, Phao-lô
chỉ ra đòi hỏi căn bản để được kinh nghiệm quyền năng cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Phúc Âm vì đây là quyền năng của
Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin, trước là người Do Thái và sau là người Hy Lạp.
Sự cứu rỗi dành cho mọi người,
“mọi người tin” – trước tiên là cho
người Do-thái và sau đó, đến lượt người Hy-lạp. Không phân biệt ai hết ! Không
có sự khác biệt về tôn giáo hay dân tộc. Để tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa
Trời dành cho mọi người, chỉ cần đáp ứng một đòi hỏi vô cùng đơn giản và không
bao giờ thay đổi. Đó chính là đức tin.
Trong câu 17, Phao-lô giải
thích, cách nào để có thể hiểu được lẽ thật về sự cứu rỗi này:
Vì trong Phúc Âm ấy sự công chính của Đức Chúa Trời được tỏ ra từ
đức tin đến đức tin như Kinh Thánh chép: “NGƯỜI CÔNG CHÍNH SẼ SỐNG BỞI ĐỨC
TIN”.
Từ “đức tin” được lập lại
trong câu này đến ba lần. Mặc khải của Đức Chúa Trời – từ đức tin đến đức tin.
Mọi sự được bắt đầu từ đức tin của chính Đức Chúa Trời – đức tin vào việc lời
phán của Ngài sẽ hoàn thành mục đích được nói ra. Tiếp theo, thông qua đức tin
của các sứ giả, sứ điệp được chuyển đến người nhận, và một lần nữa, việc nhận
này cũng bởi đức tin. Thế thì, sứ điệp là thế này: “Người công chính sẽ sống bởi
đức tin”. Từ đầu đến cuối chỉ có một đề tài: đức tin.
Bây giờ chúng ta sẽ xem xét
câu văn này cách cụ thể hơn. Nó vô cùng giản dị: “Người công chính sẽ sống bởi
đức tin”. Rõ ràng rằng, “sống” trong ngữ cảnh này hàm ý nhiều nghĩa hơn là cuộc
sống đời thường, đời sống vật lý. Vì ngay cả những kẻ ác, những người không có
Chúa vẫn có loại đời sống như thế. Thế nhưng, trong Thánh Kinh luôn hàm chứa mặc
khải về một loại sự sống khác – sống công chính, là sự sống bắt nguồn từ Đức
Chúa Trời. Cách duy nhất để nhận được sự sống đó là đức tin vào Chúa Giê-xu Christ.
Sự sống đời đời này của Đức
Chúa Trời được đặc biệt chú ý trong sách Tin Lành Giăng. Trong đoạn 1 câu 4,
Chúa Giê-xu được kể là: “Trong Ngài có sự
sống”. Còn trong đoạn 3, câu 36 dẫn lời chứng của Giăng Bap-tít về Chúa
Giê-xu: “Ai tin Con, thì được sự sống đời
đời”. Rồi trong đoạn 6, câu 47, chính Chúa Giê-xu tuyên bố: “ai tin Ta thì được sự sống đời đời”. Và
trong đoạn 10: 10 “còn Ta đến để cho
chiên được sống và được sống sung mãn”; rồi các câu 27-28 “Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó
theo ta. Ta ban cho nó sự sống đời đời”. Cuối cùng, khi kết thúc, Giăng đã
trình bày mục đích chính mà mình đã viết ra Phúc Âm này: “các việc nầy đã chép, để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng
Christ, tức là Con Đức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà
được sự sống” (Gi. 20: 31).
Trong đoạn 5 của thơ thứ nhất
gởi cho Hội Thánh, Giăng đã quay lại đề tài này:
Chứng ấy tức là Đức Chúa Trời đã ban sự sống đời đời cho chúng
ta, và sự sống ấy ở trong Con Ngài. Ai có Đức
Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Đức Chúa Trời thì không có sự sống.Ta
đã viết những điều nầy cho các con, hầu cho các con biết mình có sự sống đời đời,
là kẻ nào tin đến danh Con Đức Chúa Trời (c. 11-13)
Hãy chú ý
một chi tiết quan trọng này: Giăng luôn sử dụng thì hiện tại: “Ai tin Con, thì được sự sống đời đời”; “các con biết mình có sự sống đời đời, là kẻ
nào tin đến danh Con Đức Chúa Trời”.
Phao-lô cũng mô tả sự sống này
trong Đấng Christ cách ngắn gọn và rõ ràng. Trong thơ Philip 1: 21, ông nói: “Vì Đấng Christ là sự sống của tôi”, còn
trong thơ Colose 3: 4 “Đấng Christ, là sự
sống của anh em”. Đối với Phao-lô, cũng như đối với Giăng thì sự sống này
là rất thực, chớ không đơn thuần là hy vọng ở tương lai.
Đó chính
là nội dung của sứ điệp Phúc Âm. Thực sự có sự sống đời đời của Đức Chúa Trời, là
sự sống bắt nguồn từ Chúa. Chúa dành sẵn sự sống này cho chúng ta trong Đức
Chúa Giê-xu Christ. Một khi chúng ta bởi đức tin tiếp nhận Chúa Giê-xu vào lòng
và sống một đời vâng phục Ngài, thì chúng ta sẽ được sự sống của Đức Chúa Trời.
Chúng ta có thể sống đời sống này ngay tại đây và từ bây giờ. “Ai có Đức Chúa Con thì có sự sống”, có
ngay bây giờ và sẽ còn đến đời sau. Sự sống đời đời trở nên sở hữu của chúng
ta, kể từ thời điểm chúng ta thật lòng tin nhận Chúa Giê-xu Christ.
Như vậy,
khi tiếp nhận sự sống mới bởi đức tin vào trong Đấng Christ, chúng ta tiếp nhận
lời kêu gọi sống đời sống này cách thực tế từ ngày này sang ngày khác. Làm thế
nào để đạt được điều này ? Câu trả lời rất đơn giản: bởi đức tin. Đó chính là điều mà Phao-lô đã nói đến: “Người công chính sẽ sống bởi đức tin”. Từ quan điểm thực tế, “sống”
là một từ có ý nghĩa đa dạng nhất mà chúng ta sử dụng. Mọi điều chúng ta làm
trong mọi thời điểm điều là sống: ăn,
uống, ngủ, làm việc và tất cả mọi hoạt động cần yếu khác trong cuộc sống. Thông
qua đức tin tất cả những công việc thường nhật này đều có thể phản ánh sự sống
của Đức Chúa Trời đang hiện diện bên trong mỗi một chúng ta.
Chúng ta thường có thói quen
cho rằng, đời sống thường nhật thì không có giá trị thuộc linh và nó không thể
là lĩnh vực để bày tỏ đức tin của mình. Thế nhưng, trên thực tế thì Kinh Thánh
không dạy như vậy. Chỉ sau khi chúng ta vận dụng thành công đức tin của mình
vào những lĩnh vực vật chất bình thường của đời sống, thì Đức Chúa Trời mới
nâng chúng ta lên mức độ cao hơn của trọng trách thuộc linh. Chính Chúa Giê-xu
đã nêu ra nguyên tắc này trong Phúc Âm Luca 16: 10-11:
Ai trung tín trong việc rất nhỏ, cũng trung tín trong việc lớn;
ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ, cũng bất nghĩa trong việc lớn. Vậy nếu các
ngươi không trung tín về của bất nghĩa, có ai đem của thật giao cho các ngươi?
Chỉ sau
khi chúng ta kiểm nghiệm đức tin của mình trong những “việc nhỏ” và trong của cải
(tiền bạc) bất nghĩa, thì Chúa mới giao phó cho chúng ta những trọng trách lớn
và ban cho chúng ta của cải thuộc linh thật.
Do đó,
khi phân tích thể nào chúng ta có thể sống bởi đức tin trong cuộc sống đời thường,
chúng ta sẽ xem xét hai lĩnh vực rất thực tiển và thế tục: ăn uống và tài
chánh. Trên cơ sở nhiều năm quan sát cách cá nhân, tôi rút ra kết luận rằng,
người tín hữu nào biết vận dụng đức tin vào hai lĩnh vực này, thì người ấy có
nhiều cơ hội trong một đời sống cơ-đốc thành công. Ngược lại, nếu những lĩnh vực
căn bản này của đời sống một người tin Chúa không nằm dưới sự kiểm soát của Đức
Chúa Trời, thì đó là dấu chỉ của sự phá sản thuộc linh. (Còn tiếp)
Derek Prince - SỐNG BỞI ĐỨC TIN (FAITH TO LIVE BY)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét