Thế Nào Là Ăn Bởi Đức Tin?
Chúng ta
đã ghi nhận rằng, “phần ba” của “bản giao hưởng” Rô-ma được dành riêng cho vấn
đề áp dụng đức tin của chúng ta vào thực tiễn. “Phần” này được bắt đầu từ đâu?
Từ một vấn đề xa vời và phù du chăng? – Không! Ngược lại, từ câu đầu tiên đã đề
cập đến thân thể của chúng ta.
Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên
anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy
là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.
Phao-lô dạy rằng, “sự thờ phượng
phải lẽ” của chúng ta nằm ở việc phó dâng chính thân thể mình cho Đức Chúa Trời.
Có nghĩa là phần thiêng liêng, phần “đạo” của chúng ta cũng chính là những gì rất
thực tế, rất “đời”. Nó được bắt đầu từ cái cách mà chúng ta đối đãi với thân thể
của mình (trong chương Mười, chúng ta sẽ xem xét cách chi tiết kết quả của việc
“dâng thân thể mình cho Đức Chúa Trời”).
Kể từ đây, Phao-lô xét đến những
cung bậc khác nhau trong những lĩnh vực thực tiễn của đời sống cơ-đốc. Trong đoạn
14, ông đặc biệt chú ý đến vấn đề ăn uống. (Rõ ràng rằng, không có gì quan trọng
hơn đối với thân thể của chúng ta là chuyện ăn!). Phao-lô nêu ra hai loại tín hữu:
“Người nầy tin có thể ăn được cả mọi thứ;
người kia là kẻ yếu đuối, chỉ ăn rau mà thôi” (Roma 14: 2). Ông không khẳng
quyết rằng, ăn rau là đúng và ăn thịt là sai hoặc ngược lại. Đúng hơn, ông khẳng
định rằng, tất cả những gì mà chúng ta làm bởi đức tin thì đó là đúng, còn điều
gì mà chúng ta làm không bởi đức tin thì là sai. Rồi ông kết luận ở cuối đoạn: “Nhưng ai có lòng nghi ngại về thức ăn nào,
thì bị định tội rồi, vì chẳng bởi đức tin mà làm; vả, phàm làm điều chi không bởi
đức tin thì điều đó là tội lỗi”. (Roma 14: 23)
Ở đây, Phao-lô xác nhận chính
nguyên tắc mà ông đã nói đến trong phần mở đầu của lá thơ này. Trong Roma 1:
17, ông trình bày nguyên tắc này dưới dạng tích cực: “người công chính sống bởi
đức tin”, còn trong đoạn 14: 23, thì nó được trình bày dưới dạng tiêu cực: “tất
cả điều gì không bởi đức tin là tội lỗi”. Xem xét hai hình thức, cả tích cực lẫn
tiêu cực, duy chỉ một kết luận được rút ra: đức
tin là cơ sở hay nền tảng duy nhất của một đời sống công chính.
Bây giờ chúng ta sẽ xem xét
làm thế nào chúng ta có thể áp dụng đức tin của mình vào chuyện ăn uống. Chúng
ta bị đòi buộc là phải “ăn bởi đức tin”. Có vẽ khó nghe quá, đúng không? Làm thế
nào có thể thực hiện được việc này trong thực tế?
Ở đây, chúng ta cần ghi nhớ một
vài yếu tố. Trước hết, phải nhìn nhận rằng, chúng ta lệ thuộc nơi Đức Chúa Trời
trong vấn đề thức ăn. Chúng ta nhận lãnh thức ăn như là quà tặng từ Chúa. Nếu
Ngài không chu cấp đủ thì chúng ta sẽ đói.
Thứ hai, theo đúng quy luật,
chúng ta cảm tạ Đức Chúa Trời vì thức ăn. Sự cảm tạ còn mang lại một kết quả,
mà Phao-lô có giải thích trong 1Timothe 4: 4-5:
Vì mọi vật do Đức Chúa Trời dựng nên đều tốt cả, không vật gì
đáng bỏ, miễn là biết cảm tạ mà nhận lấy. Vì nhờ lời Đức Chúa Trời và lời cầu
nguyện mà vật đó được thánh hóa
Nếu chúng ta ăn với lời cầu
nguyện cảm tạ, thì thức ăn sẽ được “thánh hóa”, tức là trở nên một vật thánh,
được Chúa định trước vì cớ lợi ích của chúng ta. Thậm chí, nếu trong thức ăn có
thành phần nào đó không sạch hoặc độc hại thì bởi lời cầu nguyện cảm tạ mà những
độc tố ấy cũng bị tiêu trừ.
Thứ ba, việc ăn uống bởi đức
tin còn mang lại một kết quả vượt ra khỏi giới hạn của chuyện ẩm thực. Thức ăn
của chúng ta là nguồn sức lực tự nhiên của chúng ta, còn Đức Chúa Trời là cội
nguồn thức ăn của chúng ta.
Như vậy, sức lực của chúng ta
tự thân nó là một tặng phẩm của Chúa. Chúng ta không có quyền sử dụng nó cho những
mục đích tội lỗi hay ích kỷ, nhưng phải có trách nhiệm biệt riêng nó để phục vụ
Đức Chúa Trời và làm vinh hiển Ngài.
Nếu chúng ta bằng cách đó áp dụng
nguyên tắc đức tin vào trong chuyện ăn uống, thì mọi lĩnh vực của đời sống chúng
ta sẽ có một ý nghĩa mới. Chúng ta hiểu thể nào, Phao-lô khuyên dạy tín hữu tại
Cô-rinh-tô: “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống,
hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” (1Corinhto
10: 31). Thông qua đức tin, thậm chí chuyện ăn uống hàng ngày của chúng ta cũng
trở nên một hành động thánh thiện, mà tại đó chúng ta có thể làm vinh hiển Đức
Chúa Trời. Đó chính là một trong những kết quả trực tiếp và rõ ràng nơi đời sống
của những tín hữu đã được đổ đầy Đức Thánh Linh trong ngày lễ Ngũ Tuần. Việc ăn
uống của họ đã trở nên bữa tiệc thiêng liêng của sự phục vụ và ngợi khen. Trong
Công vụ 2: 46-47, Luca mô tả:
Hằng ngày, họ cứ đồng tâm chuyên cần đến Đền Thờ, họp nhau bẻ
bánh từ nhà này sang nhà khác, dùng bữa với nhau cách vui vẻ rộng lượng, ca ngợi
Đức Chúa Trời và được lòng tất cả mọi người. Mỗi ngày, Chúa tăng thêm số người
được cứu.
Trong việc ăn uống của những
Cơ-đốc nhân này có một điều gì đó khác thường, mà đã đánh động cảm tình nơi những
người láng giềng chưa tin và rải ra ơn cứu rỗi. Điều này cũng có thể xảy ra với
chúng ta, nếu chúng ta khởi sự thực hành đức tin trong chuyện ăn uống của mình!
Nếu kết quả của việc “ăn uống
bởi đức tin” lớn lao như thế, thì đâu là hậu quả của việc khinh thường nguyên tắc
đức tin trong lĩnh vực này? Để có một khái niệm rõ nét về một người ăn không bởi
đức tin, chúng ta sẽ cùng xem trong sách Truyền Đạo.
Trong phần lớn của sách này,
Sa-lô-môn mô tả một “con người tự nhiên”, tức là người sống trọn cả đời mình
trong sự vô tín, không có được ân huệ và sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Bữa ăn
của người đó được mô tả như thế này trong đoạn 5: 17: “Lại trọn đời mình, mình ăn trong sự tối tăm, phải nhiều sự buồn rầu
đau đớn và phiền não”.
Hình ảnh mới kinh ngạc làm
sao: “người ăn trong sự tối tăm”! Điều này có nghĩa gì? Đó là tình trạng ngược
lại của việc “ăn bởi đức tin”. Người như thế không cho rằng thức ăn là do Chúa
ban tặng, và người sẽ không vì nó mà cảm tạ Ngài. Do đó, thức ăn sẽ không được
ban phước và thánh hóa. Kết quả sẽ là gì? – Nhiều sự buồn rầu đau đớn và phiền
não.
Chúng ta đã xem xét khá chi tiết,
cách áp dụng nguyên tắc đức tin vào trong một sinh hoạt thường nhật là chuyện
ăn uống. Giờ đây, chúng ta nhận biết đầy đủ hơn về lĩnh vực áp dụng của Roma 1:
17 – “người công chính sống bởi đức tin”. Như chúng ta đã thấy, đức tin là kênh
dẫn của sự sống Đức Chúa Trời. Càng sử dụng đức tin chừng nào, chúng ta càng
kinh nghiệm sự sống đó chừng nấy. Mọi công việc mà chúng ta áp dụng đức tin vào
đó, đều sẽ được thông suốt bởi sự sống của Đức Chúa Trời. Nó sẽ không còn nhàm
tẻ, tầm thường mà trở nên tươi mới, phấn khích và vui mừng – và đó sẽ là lý do để
thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa! (còn tiếp)
DEREK PRINCE – SỐNG BỞI ĐỨC
TIN (FAITH TO LIVE BY)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét