Thêm một lĩnh vực nữa trong đời
sống thường nhật, mà chúng ta cần thực hành đức tin. Đó là lĩnh vực tài chánh
và chu cấp nhu cầu vật chất. Trong Kinh Thánh đầy dẫy những trường hợp và cam kết
của Đức Chúa Trời về khả năng cung ứng của Ngài cho những nhu cầu của con dân
Chúa, thậm chí trong những nơi chốn không người ở hoặc nguồn tiếp trợ tự nhiên.
Không một nơi nào trong Kinh Thánh đề cập đến điều này cách mạnh mẽ như trong
II Corinhto 9: 8 “Đức Chúa Trời có đủ khả
năng khiến cho anh chị em được giàu có, dư dật mọi thứ ơn, hầu cho anh
em trong mọi lúc, và trong mọi lĩnh vực có đầy đủ mọi nhu
cầu, lại còn có dư dật nữa để làm mọi thứ việc lành”. Thật có ý
nghĩa khi xem xét câu này cách chi thiết hơn. Câu Kinh Thánh này được dịch sát
theo nguyên văn trong tiếng Hy-lạp. Theo đó, từ “dư dật” – hoặc giàu có hay
phong phú – được sử dụng 2 lần trong câu, còn từ “mọi” hay tất cả thì có đến 5
lần. Những từ này diễn tả cách đầy biểu cảm tài nguyên vô tận của Đức Chúa Trời
trong việc phủ lấp mọi nhu cầu của con dân Ngài. Mức độ chu cấp – không chỉ đơn
thuần là “đầy đủ” mà là “dư dật”.
Trên thực tế, người ta có thể
sống ở ba mức độ chu cấp khác nhau: thiếu, đủ và dư. Chúng ta có thể diễn tả điều
này bằng một ví dụ thường thấy trong đời sống thường nhật: mua hàng. Để đủ tiền
đi một buổi chợ cần có 150 nghìn đồng, song một người nội trợ nọ chỉ có 100
nghìn, thì bà ấy đang thiếu. Người
kia có 150 nghìn thì là đủ; và một
người nội trợ khác có đến 200 nghìn, thì người ấy đang dư.
Chúng ta đã đưa ra một ví dụ rất
đơn giản về người nội trợ đi chợ. Thế nhưng, cần nhớ rằng, sự giàu có và dư dật
không phải lúc nào cũng nói về tiền bạc và của cải vật chất. Sự dư dật đơn giản
là Chúa ban cho chúng ta mọi điều chúng ta cần, và những gì chúng ta có thể
chia sẻ cho người khác. Minh họa đầy đủ nhất cho sự dư dật kiểu này chúng ta có
thể nhìn thấy nơi chính Chúa Giê-xu. Ngài không có nhà riêng, không có của cải vật
chất, không có nhiều tiền bạc – mặc dù Giu-đa, một trong các môn đệ của Ngài,
có giữ túi tiền mà người ta dâng hiến (Giăng 12: 6; 13: 29). Thế nhưng, cả Chúa
Giê-xu lẫn những kẻ theo Ngài không bao giờ gặp thiếu thốn.
Khi Phê-rơ cần tiền gấp để
đóng thuế, Chúa Giê-xu thay vì sai Phê-rơ đến với Giu-đa, thì lại bảo ông ra biển
hồ Galile, lấy tiền nơi miệng một con cá (Mathiơ 17: 24-27). Một câu hỏi thú vị
nảy sinh: điều nào dễ hơn – đến ngân hàng rút tiền hay ra biển thả câu? Dĩ
nhiên, phương án hai hấp dẫn hơn nhiều!
Hãy nhớ lại thể nào đoàn dân
đang đói vây quanh Chúa Giê-xu (khoảng 12 ngàn người – Giăng 6: 5-13), rồi Ngài
cầm lấy 5 ổ bánh mì và 2 con cá của một cậu bé mà cảm tạ Đức Chúa Cha, và kết
quả là Ngài đã chu cấp cho cả đoàn dân đông đảo này, và còn thu lại được 12 giỏ
đầy từ những phần còn thừa lại. Đó là sự dư dật! Và phép lạ này cũng là một
minh chứng đầy thuyết phục về hiệu quả siêu nhiên của lời cảm tạ – lời cảm tạ bởi
đức tin dâng lên Đức Chúa Trời về thức ăn!
Về sau, Chúa Giê-xu cấm các
môn đồ mang theo vật dụng, tiền bạc, khi sai họ đi ra rao giảng (Luca 9: 1-3;
10: 1-4). Rồi đến trước khi kết thúc chức vụ của mình trên đất, Ngài nhắc lại
chuyện đó và hỏi họ rằng, họ có thiếu gì không. Thì họ trả lời: “Không thiếu chi hết” (Luca 22: 35). Đó
là sự dư dật!
Một số người trong các bạn có
thể phản ứng: “Nhưng đó là Chúa Giê-xu! Làm sao chúng ta có thể làm giống như
Ngài được?” Song chính về điều đó mà Chúa Giê-xu đã nói: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ nào tin ta, cũng sẽ làm
việc ta làm …” (Giăng 14: 12). Cũng một kiểu như thế, sứ đồ Giăng, người đã
chứng kiến mọi điều mà Chúa Giê-xu đã làm, bảo rằng: “Ai nói mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã
làm” (1Giăng 2: 6). Chúa Giê-xu đã để lại cho chúng ta một gương mẫu bước
đi trong đức tin.
Nếu chúng ta vẫn còn chưa tiếp
nhận lời mời gọi này thì có lẽ là do chúng ta chưa hiểu hết phạm vi của ân điển
Đức Chúa Trời. Trong II Corinhto 9: 8 thì ơn
hay “ân điển” là từ chìa khóa. “Đức Chúa Trời có đủ khả năng khiến cho anh
chị em được giàu có, dư dật mọi thứ ơn
…”. Ân điển của Đức Chúa Trời là nguồn tiếp trợ hay cung ứng của chúng ta,
chớ không phải sự khôn ngoan hay khả năng của chính chúng ta. Do đó, để có thể
sử dụng ân điển Chúa cho, chúng ta cần hiểu biết hai nguyên tắc vận hành căn bản
của nó.
Nguyên tắc thứ nhất được thể
hiện trong Giăng 1: 17 “Vì
luật pháp được ban hành bởi Môi-se, còn ân điển và lẽ thật thì bởi Giê-xu
Christ mà đến”. Ân điển chỉ có một kênh dẫn duy nhất – Chúa Giê-xu Christ.
Không thể nhận được nó bằng việc tuân giữ những qui định của luật pháp hay của
đạo giáo nào đó, bèn là chỉ duy nhất qua Đấng Christ mà thôi.
Nguyên tắc thứ hai được thể hiện
trong Epheso 2: 8-9 “Thật vậy, nhờ ân sủng,
bởi đức tin mà anh chị em được cứu rỗi,
… cũng không phải do công đức anh chị em làm, để không ai có thể khoe mình”. Ân
điển vượt trội nhiều lần hơn những gì mà chúng ta có thể đạt được hay đáng được
vào một lúc nào đó bằng khả năng tự nhiên của chính mình. Do đó, cách duy nhất,
mà nhờ đó chúng ta có thể sử dụng ân điển Chúa cho, chính là đức tin. Nếu bằng lòng với những gì mình
đáng được hoặc có thể đạt được, thì chúng ta không khi nào có thể tận hưởng được
ân điển của Chúa cách trọn vẹn.
Vậy thì làm thế nào để những
nguyên tắc này vận hành được trong lĩnh vực tài chánh? Trước hết, chúng ta cần
ghi nhớ rằng, Đức Chúa Trời không bao giờ ban phước cho những người gian dối,
lười nhác và vô trách nhiệm trong lĩnh vực tài chánh. Trong Châm ngôn 10: 4,
chúng ta thấy: “Cánh tay lười biếng gây nên nghèo khổ, nhưng bàn tay siêng năng
làm cho giàu có”. Còn trong Epheso 4: 28 thì Phao-lô khuyên dạy: “Kẻ quen trộm
cắp, đừng trộm cắp nữa, nhưng hãy siêng năng tự tay mình làm ăn lương thiện để
có thể giúp người túng thiếu”. Chúa mong đợi chúng ta, theo khả năng của mình,
hãy làm việc cách trung thực để không chỉ nuôi mình, mà còn có điều kiện để
giúp những người túng thiếu nữa. Phao-lô còn phản ánh tư tưởng này cách mạnh mẽ
hơn nữa trong 2Tesalonica 3: 10 “… Nếu ai không muốn làm việc thì cũng đừng
ăn”. Đức Chúa Trời sẽ không rải ân điển của Ngài trước mặt kẻ bất lương và người
biếng nhác đâu.
Tuy nhiên, có thể, dù đã làm tất
cả những gì có thể cách trung thực, với lương tâm ngay thật nhưng chúng ta vẫn
cứ thiếu trước hụt sau trong việc chu cấp cho cá nhân và gia đình của mình. Ta
có cần phải cho rằng, đó là ý Chúa không? Ngược lại, chúng ta có thể hướng đức
tin của mình vào Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu Christ và tin cậy Ngài, ngõ hầu
Ngài nâng chúng ta – theo sự khôn ngoan của Ngài – lên mức độ mà các nhu cầu của
chúng ta được đáp ứng, là mức độ mà chúng ta không thể nào có được bằng chính sự
khôn ngoan hay bằng khả năng của mình.
Nhu Cầu Của Chúng Ta Và Các Mối Quan Hệ Của Chúng Ta Liên Quan Với
Nhau
Trước khi kết thúc vấn đề, thể
nào Đức Chúa Trời đáp ứng những nhu cầu của chúng ta, chúng ta cần phải lưu ý một
nguyên tắc quan trọng khác: Đức Chúa Trời nhìn xem chúng ta trong một thể thống
nhất, khi chăm sóc chúng ta. Ngài không xem chúng ta theo từng cá nhân riêng biệt,
mà là những chi thể của một Thân Thể thống nhất, gắn bó chung thủy với nhau bằng
những khớp nối chặc chẽ. Trong Epheso 4: 15-16, khi giới thiệu Đấng Christ như
là Đầu của Thân Thể, Phao-lô mô tả, thể nào Đức Chúa Trời phân định trước chức
năng cho Thân Thể này:
Từ đầu đó toàn thân được gắn liền và nối kết với nhau bằng những
cơ cốt gân mạch, nhờ đó mỗi bộ phận được trang bị để hoạt động theo chức năng của
mình, khiến cho thân thể được tăng trưởng và tự gây dựng trong tình yêu thương.
Phao-lô nhấn mạnh ở đây tầm
quan trọng của những gân mạch với hai chức năng. Thứ nhất, chúng gắn kết Thân
Thể, và thứ hai, chúng là kênh dẫn cho sự cung ứng. “Những gân mạch” là mối
liên kết qua lại giữa các chi thể khác nhau. Nếu chúng ở trong tình trạng ổn định,
thì Đức Chúa Trời chu cấp cho mọi chi thể của Thân, không một chi thể nào phải
thiếu thốn. Nhưng nếu những gân mạch này trục trặc, tức là các chi thể không có
được mối quan hệ đúng đắn với nhau, thì cá nhân mỗi chi thể trong Thân Thể Đấng
Christ có thể sẽ gặp thiếu thốn. Điều này xảy ra, không phải vì Đức Chúa Trời
không có khả năng chu cấp, mà là vì những động cơ và mối quan hệ sai trật của
chúng ta đã ngăn cản nguồn tài nguyên của Ngài đến được với những người
đang có nhu cầu.
Trong thời Cựu Ước, khi đem
dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập, Đức Chúa Trời đã dạy cho họ nguyên tắc này bằng
một cách hết sức thực tế. Hai hoặc ba triệu người trong sa mạc mà không có một
nguồn dự trữ lương thực thông thường nào cả. Mỗi ngày, Chúa đáp ứng nhu cầu của
họ bằng việc ban cho ma-na. Dân Y-sơ-ra-ên phải hoàn tất việc nhặt ma-na trước
khi mặt trời mọc, vì cớ ma-na sẽ tan chảy khi xuất hiện những tia nắng mặt trời
đầu tiên. “Ô-me” là định lượng cần có cho mỗi người Y-sơ-ra-ên. Tuy vậy, có người
đã nhặt được nhiều hơn một ô-me, trong khi đó có người thì nhặt ít hơn. Thế
nhưng, khi họ chia sẻ với nhau thì điều lạ lùng đã xảy ra là mỗi một người đều
nhận được vừa đúng với số mình cần – một ô-me! (Xuất Hành 16: 14-18). Song, nếu
như họ không chia sẻ với nhau, thì chắc chắn sẽ có ai đó không đủ định lượng.
Rõ ràng rằng, Đức Chúa Trời có thể khiến cho mỗi người nhặt vừa đúng định lượng
cho mình, nhưng Ngài đã làm khác đi, vì cớ Chúa muốn cho dân sự Ngài học biết cách
sống có trách nhiệm với nhau.
Nguyên tắc
này cũng trãi rộng khắp thời Tân Ước. Trong 2 Corinhto 8, Phao-lô đã đề cập đến
cuộc lạc quyên đặc biệt mà ông đã tiến hành tại các Hội Thánh thuộc vùng
Macedonia và A-chai, nhằm giúp đỡ những thánh đồ gốc Do-thái tại xứ Giu-đê đang
gặp cơn đói kém. Ông giải thích cho những tín hữu tại Cô-rinh-tô rằng, Đức Chúa
Trời quan tâm cách bình đẳng đến mọi chi thể khác nhau trong Thân Đấng Christ, không
bắt chẹt một số người và không đòi hỏi quá nhiều nơi số khác, khi dẫn chứng câu
chuyện Y-sơ-ra-ên chia sẻ ma-na trong sa mạc. Trong câu 13-15, ông nói:
Tôi không có ý muốn để những người khác được thong thả còn anh
chị em lại bị cơ cực, nhưng tôi muốn có sự quân bình. Hiện tại anh chị em đang
dư dả thì giúp đỡ cho họ trong lúc túng thiếu; để khi được dư dả họ sẽ giúp đỡ
anh chị em khi anh chị em bị túng thiếu. Như vậy là bằng nhau. Như có lời chép
rằng: “Kẻ thu nhiều cũng không thừa, Người thu ít cũng chẳng thiếu!”
Hội Thánh đầu tiên tại
Giê-ru-sa-lem, sau ngày lễ Ngũ Tuần cũng đã hành xử như thế. Luca ký thuật lại
điều đó trong Công Vụ 4: 32-35:
Bấy giờ cả cộng đồng tín hữu đều đồng tâm nhất trí, không ai coi
tài sản mình là của riêng, nhưng kể mọi vật là của chung. Các sứ đồ cậy quyền
năng lớn lao cứ làm chứng về sự sống lại của Chúa Giê-xu và tất cả đều được ân
sủng dồi dào. Trong các tín hữu, không còn ai nghèo thiếu, vì những người có ruộng,
có nhà đều bán đi, đem tiền bán tài sản đặt nơi chân các sứ đồ. Tiền ấy được
phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu cá nhân.
Có ba yếu tố liên quan mật thiết
với nhau cần lưu ý trong phân đoạn Kinh Thánh này. Thứ nhất, “Các sứ đồ … làm
chứng về sự sống lại của Chúa Giê-xu”. Thứ hai, “tất cả đều được ân sủng dồi
dào”. Thứ ba, “trong các tín hữu, không còn ai nghèo thiếu”. Lời chứng của các
sứ đồ cung ứng đủ ân điển của Đức Chúa Trời, một cách rõ ràng, giữa vòng các
tín hữu; và kết quả thực tiễn nằm ở chỗ: mọi nhu cầu của họ đều được thỏa mãn.
Như vậy, cả dân sự Chúa là mẫu mực của sự hiệp nhất, là lời chứng tiếp theo về
ân điển đầy trọn của Ngài trong mọi lĩnh vực của đời sống họ. Thế giới hôm nay
cần những bằng chứng tương tự của Cơ-đốc nhân, một sự liên kết với Đức Chúa Trời
thông qua đức tin nơi Đấng Christ và một lòng son sắt với nhau, để đáp ứng mọi
nhu cầu cho nhau. (còn tiếp)
DEREK PRINCE – SỐNG BỞI ĐỨC
TIN (FAITH TO LIVE BY)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét