Khắp mọi nơi người ta đang trông
đợi phấn hưng từ nơi Chúa. Có thể lý do của mỗi một người thì khác nhau, nhưng
ai nấy đang ngóng trông giờ phút đó. Khác với 20 năm về trước, tức là vào cuối
những năm 88 của thế kỷ trước, chúng ta ngày nay không ai thắc mắc là Chúa có
phấn hưng Hội Thánh hay không, vì ai cũng đã được biết về những gì Chúa đã làm
trong lần phấn hưng đó rồi. Ngày nay, đều mà người ta quan tâm là khi nào thì
Chúa sẽ đổ Thánh Linh một lần nữa trên Hội Thánh của Ngài tại Việt Nam.
Trong tinh thần vọng trông cơn phấn
hưng hầu đến, chúng ta sẽ cùng nhau tra xem nơi lời của Chúa trong Công vụ 8:
4-25, để học biết những gì sẽ xảy ra một khi Chúa thăm viếng đất này. Phân đoạn
Kinh Thánh này sẽ tỏ bày cho chúng ta một lần nữa về Đức Chúa Trời của chúng ta
– Đức Chúa Trời hay làm phép lạ. Rằng bất cứ nơi nào có sự thăm viếng của Ngài,
nơi đó có phép lạ, sự tự do dành cho con người cùng sự tôn cao dành cho chính
mình Ngài.
I. Nơi đâu Lời Chúa thật sự được rao
giảng nơi đó có dấu kỳ phép lạ xảy ra
Hãy để ý hình ảnh: “những người di tản đi đến đâu cũng truyền giảng Phúc Âm”.
Một trong những người di tản đó có tên là Philip. Bản Dịch Cũ kể rằng, “Philip cũng vậy …”, tức là ông cũng không khác
chi những người lánh nạn khác: … xuống
thành Sa-ma-ri mà giảng về Đấng Christ!
Phép lạ bắt đầu ở chỗ đó. Phép lạ
bắt đầu từ chỗ những người nam, người nữ của Đức Chúa Trời khởi sự rao giảng về
Đấng Christ, khởi sự nói về Đức Giê-xu, Cứu Chúa của mình. Dấu kỳ phép lạ của
Đức Chúa Trời sẽ xảy ra khi dân sự của Chúa, khi tôi tớ của Chúa bắt đầu rao
giảng về Tin Lành, tức là rao giảng về sự chết, sự chôn và sự sống lại của Chúa
Giê-xu.
Trong II Các Vua chương 5 có kể lại
câu chuyện vị tướng người Sy-ri tên là Na-a-man được chữa lành bịnh phung, một
căn bịnh được xem là bất trị vào thời bấy giờ. Phép lạ này xảy ra khi có một bé
gái người Y-sơ-ra-ên, bị bắt làm con ở giới thiệu về Chúa cách gián tiếp.
Trong Công vụ chương 3, người què ở
cổng Đền Thờ Giê-ru-sa-lem được chữa lành hoàn toàn khi Phi-e-rơ công xưng danh
quyền năng của Chúa Giê-xu.
Tại sao hễ nơi nào Lời Chúa được
rao giảng, hễ nơi nào có người giảng về Chúa Giê-xu thì nơi đó dấu kỳ, phép lạ
lại xảy ra? – Vì chính Chúa đã bảo đảm như thế. Ngài hứa rằng, sẽ dùng các dấu
kỳ, phép lạ cặp theo để xác chứng lời giảng của con dân Ngài (Mac 16: 20). Đó
chính là lý do mà Phao-lô khẳng định trong I Tesalonica 1: 5 rằng, “Phúc Âm chúng tôi đã
truyền cho anh chị em không phải chỉ bằng lời nói nhưng bằng quyền năng, nhờ
Đức Thánh Linh và đầy lòng tin quyết”.
Điều cần lưu ý
là “những người di tản” này và ngay cả Philip cũng không phải được Hội
Thánh Giê-ru-sa-lem sai đến Sa-ma-ri để
giảng Tin Lành. Không ai sai họ đi đến đó cả, có thể nhiều người trong số họ
không muốn đến vùng đất đó – vùng đất ô uế, đáng khinh bỉ đối với người Do Thái
như họ – họ đã bị rượt đến. Nói cách khác, họ bị đến chớ không phải được
đến! Ấy mà môi miệng của những con người bị rượt đuổi này luôn nói về điều gì ?
– Không phải là tin xấu, tin dữ về bắt bớ, bách hại, … mà là Tin Lành; không
phải về hoạn nạn, khó khăn, về nan đề của cá nhân mà là về Đấng Christ, về
Chúa.
Không phải là
họ cuồng tín hay trốn chạy thực tại mà là vì Chúa ban cho họ nhận thức được
tình trạng khẩn cấp trong việc rao giảng Tin Lành cho những người hư mất. Họ
nhìn thấy tình trạng thuộc linh, vấn nạn thuộc linh của những người Sa-ma-ri là
quan trọng hơn, là khẩn cấp hơn, nguy kịch hơn cả những nan đề mà họ đang đối
diện nữa. Đó là lý do mà “những người di
tản đi đến đâu cũng truyền giảng Phúc Âm”, đi đến đâu
cũng rao giảng về Đấng Christ. Và hễ
nơi đâu Phúc Âm được rao giảng, bất kỳ nơi nào người ta nói về Chúa Giê-xu, thì
nơi đó dấu kỳ phép lạ của Chúa còn xảy ra.
Anh chị em ơi, trong Công vụ 1: 8
dạy rằng, chúng ta được Chúa chọn để làm nhân chứng cho Chúa Giê-xu, hay nói
như Bản dịch củ là “làm chứng về Ta”, tức là về Chúa Giê-xu, chớ không phải về
chúng ta. Thế thì trong những ngày vừa qua, môi miệng của tôi và anh chị em
đang nói về ai? – về Chúa Giê-xu hay về chính chúng ta; về những công việc mà
Ngài đã, đang và sẽ làm hay ta đang “giảng” cho người khác về những nan đề của
mình, những sự vô tín, lo lắng, bất an của mình? Ngày mỗi một ngày, chúng ta
đang làm chứng về Tin Lành hay đang làm chứng cho người khác về những tin xấu
trong Hội Thánh, những sai phạm, lỗi lầm của những anh chị em đồng đạo của mình?
Phép lạ của Chúa chỉ xảy ra khi và
chỉ khi Tin Lành được rao giảng; dấu kỳ chỉ xảy ra khi Lời Chúa được rao giảng;
Chúa chỉ làm phép lạ khi con dân của Ngài vâng lời Ngài làm chứng về Chúa
Giê-xu mà thôi.
Một điểm nữa
mà chúng ta cần lưu ý trong phân đoạn Kinh Thánh này, đó là những người “truyền giảng Phúc Âm”, những người
giảng “về Đấng Christ”. Họ là ai? –
Ngoại trừ, Philip thì còn lại đều là những người vô danh. Họ chỉ là những thành
viên bình thường trong HT. Thành viên bình thường trong HT vẫn có thể giảng Tin
Lành, thành viên bình thường vẫn có thể giảng về Chúa Giê-xu. Vấn đề là chúng
ta có muốn làm điều đó, tức là có muốn vâng lời Chúa hay không, chớ không phải có
thể làm điều đó hay không.
Philip là ai? Trong Công vụ 6: 1-7
cho chúng ta biết rằng, ông là một trong bảy chấp sự của Hội Thánh Giê-ru-sa-lem.
Ông được chọn để làm gì? – Câu 2, cho thấy ông và các bạn được chọn để giúp các
sứ đồ, tức những người lãnh đạo Hội Thánh, “cấp phát thức ăn” mỗi ngày cho
những người quả phụ. Số là, lúc bấy giờ “tất cả các tín hữu đều hợp nhất với nhau, lấy mọi vật sở hữu
làm của chung,
bán tài sản của cải mà phân phát cho
mọi tín hữu tùy theo nhu cầu của mỗi người”
(2: 44-45), nên mới phát sinh chuyện đó. Nói theo ngôn ngữ ngày hôm nay, thì
Philip chưa hẳn đã là một chấp sự, mà chỉ là một người có tâm tình phục vụ, một
người sẵn sàng tham gia công việc chung, khi Hội Thánh có nhu cầu mà thôi. Ấy vậy mà
người này đã giảng về Đấng Christ, và rất nhiều dấu kỳ, phép lạ đã xảy ra. Kinh
Thánh thuật lại rằng, “nhiều tà linh hét lên mà xuất khỏi những người bị ám. Nhiều
người bại liệt và què quặt được chữa lành, nên thành phố tràn ngập niềm vui”.
Tôi khao khát được Chúa tin dùng
như thế. Anh chị em có mong ước được Chúa sử dụng mình như Philip, như những
người di tản xuống Sa-ma-ri năm xưa không? – Hãy rao giảng Tin Lành, hãy tiếp
tục làm chứng về Chúa Giê-xu. Khi chúng ta tiếp tục rao giảng Lời Chúa khắp mọi
nơi, bất luận gặp thời hay không gặp thời, thì có một điều chắc chắn sẽ xảy ra:
Chúa sẽ đồng công với mỗi chúng ta, lấy các dấu kỳ, phép lạ cặp theo để xác chứng
lời Ngài, là Lời được rao giảng qua môi miệng mỗi chúng ta.
II. Nơi đâu quyền phép của Chúa xảy ra
nơi đó người ta được tự do (c. 9-13)
Trong sách Phúc Âm Giăng 8: 32 Chúa
Giê-xu dạy rằng, khi một người biết lẽ thật thì lẽ thật sẽ buông tha người, hay
nói như Bản Dịch Mới là “sẽ giải phóng” người ấy. Nơi đâu Lời Đức Chúa Trời
được rao giảng, nơi đó dấu kỳ, phép lạ của Chúa sẽ xảy ra. Và nơi đâu có quyền
phép của Chúa xảy ra, nơi đó người ta được tự do.
Hãy để ý đến hình ảnh trong câu
7-8: “nhiều tà linh hét lên
mà xuất khỏi những người bị ám,
nhiều người bại liệt và què quặt được
chữa lành, nên thành phố tràn ngập niềm vui”. Đó là sự tự
do, sự tự do đến từ Chúa: tự do khỏi sự áp chế của tà ma, tự do khỏi tật
nguyền, đau yếu, tự do khỏi buồn khổ, lo lắng và tự do khỏi thù hận, cay đắng.
Không chỉ dừng lại ở đó, sự tự do
bởi quyền phép của Chúa còn đến với những người từng là công cụ của ma quỷ.
Trong trường hợp cụ thể này là thầy phù thủy có tên Si-môn. Ông là một người nổi tiếng về phép thuật ở thành phố này, trước khi Tin Lành
quyền năng được rao giảng tại đó. Ai nấy đều trọng vọng và ca tụng nhưng thật
ra thì ai nấy đều sợ ông ta.
Mục sư Nguyễn Như Hạnh làm chứng
rằng, có một tay thầy mo người Bru rất cao tay ấn, tuy còn khá trẻ chưa đến 30
tuổi nhưng cả làng ai cũng sợ. Từ cán bộ chính quyền, công an cho đến dân
thường đều sợ hãi vì y ta có thể yếm chú khiến bịnh tật hoặc chết bất cứ người
nào. Một hôm y nghe về Chúa Giê-xu qua một Mục sư rồi bằng lòng tiếp nhận Chúa,
thì bị cả làng đuổi ra rừng mà sống để cho “con ma rừng nó bắt đi”. Nhưng rồi,
không có “con ma nào bắt được” người, vì vị thần mới của anh ta là lớn hơn hết
mọi thần linh, nên anh lần lượt “bắt” hết người này đến người khác trong làng
của mình, cũng như trong những làng lân cận – không phải để chết, mà là để sống
– về cho Chúa Giê-xu.
Khi quyền phép Chúa bày tỏ ra để
xác chứng Lời của Ngài, thì ngay cả những thầy mo, thầy pháp, thầy phù thủy, …
cũng được Chúa chạm đến. Tại sao? – Vì họ cũng là đối tượng cần được thương
xót; họ cũng là những người cần được hưởng ơn cứu rỗi; họ cũng là những con
người mà Chúa đang tìm để cứu, như Ngài đã tuyên bố trong Luca 4: 18-19 rằng, “Thần Chúa ngự trên Ta,
vì Ngài đã xức dầu cho Ta, để truyền giảng Tin
Mừng cho người nghèo khổ.
Ngài đã sai Ta công bố cho kẻ bị tù
được phóng thích,
cho kẻ mù lòa được sáng mắt, cho người bị áp bức
được giải thoát,
và công bố kỷ nguyên thi ân của Chúa”.
Kinh Thánh thuật lại trong câu 13
rằng, “Chính Si-môn cũng tin
và sau khi chịu phép báp-tem, cứ theo sát bên Phi-líp. Khi Si-môn thấy các dấu
lạ và việc quyền năng vĩ đại Phi-líp làm thì ngạc nhiên vô cùng”. Một người đã từng trổ tài ma
thuật, khiến cho từ lớn đến bé đều trọng vọng và thậm chí ca tụng rằng: “Ông này có quyền năng của Thiên Chúa, quyền
năng vĩ đại”, lại lấy làm “ngạc nhiên
vô cùng” trước những dấu lạ và việc quyền năng mà người của Đức Chúa Trời
đã làm. Điều đó chứng tỏ rằng, quyền năng của Chúa là vượt trỗi hơn quyền năng
của ma quỷ. Dấu kỳ, phép lạ từ nơi Chúa là mạnh mẽ, là kỳ diệu đến nỗi ngay cả
những thầy pháp, thầy cúng đại tài cũng phải kinh sợ.
Không loại trừ khả năng rằng chính
chỗ “ngạc nhiên vô cùng” khi thấy các
dấu lạ và việc quyền năng vĩ đại mà người của Đức Chúa Trời đã thực hiện đang
khi rao giảng Tin Lành, đã bắt phục thầy pháp Si-môn. Chính quyền phép của Đức
Chúa Trời đã giải phóng ông khỏi sự cầm buộc của ma quỷ. Chính quyền năng của
Đức Chúa Trời đã ban cho ông sự tự do. Ông không chỉ tiếp nhận Chúa, mà còn
chịu báp-têm và còn theo “thầy” học đạo luôn, nói theo ngôn ngữ ngày hôm nay là
chịu huấn luyện để trở nên môn đồ.
Nếu anh chị em đã từng tham gia cầu
nguyện giải cứu những người bị tà ma hãm áp thì anh chị em sẽ phần nào hiểu
được một người thầy pháp, thầy cúng, … tin Chúa là khó dường nào. Nhưng thật
lời như lời Chúa đã phán: “không chi khó quá cho Chúa” hay “không việc gì mà
Chúa không làm được”.
Biết bao nhiêu người nam, người nữ
trên đất nước này đang bị ma quỷ sử dụng, biết bao thầy bùa, thầy pháp cần được
cứu. Ai sẽ là người đem Tin Mừng đến cho họ. Cần nhớ rằng, Philip không đi tìm
thầy pháp để giảng Tin Lành; ông không đi tìm thầy phù thủy để giảng về Chúa
Giê-xu. Việc mà ông cũng như những người lánh nạn khác đã làm là rao giảng Lời
Chúa, và Đức Chúa Trời đã đưa thuật sĩ Si-môn đến. Việc của chúng ta là làm
chứng về Chúa Giê-xu, việc của Đức Chúa Trời là kéo người ta đến và ban cho họ
sự tự do.
Điều gì sẽ xảy ra đối với những
người mà trước đây đã từng nhờ Si-môn cúng vái, giờ thấy ông tin nhận Chúa? –
Ảnh hưởng đó thật là lớn lao. Không chỉ một mình ông được tự do, mà sự tự do từ
nơi Chúa sẽ lan ra một cách mạnh mẽ là dường nào!
III. Quyền phép của Chúa được trang bị
cho chúng ta không để tôn cao chúng ta mà là nhằm tôn cao Chúa (c. 14-25)
Khi quyền năng Chúa bày tỏ ra thì
khắp nơi đều biết đến. Điều này là tự nhiên, vì nơi đâu có sự hiện diện của
Chúa nơi đó có quyền năng; nơi đâu có quyền năng của Chúa nơi đó người ta được
tự do. Mà nơi đâu có quyền năng của Chúa, người ta từ khắp các nơi sẽ tìm đến,
bất kể đó là Giê-ru-sa-lem hay là Sa-ma-ri. Không chỉ những người có nhu cầu
mới tìm đến mà ngay cả những sứ đồ từ Giê-ru-sa-lem – những người có tiếng tăm
cũng tìm đến!
Người ta sẽ không quan tâm nhóm tín
hữu tại Sa-ma-ri thuộc “hệ” nào. Việc nhóm tín hữu tại đó chỉ do một “chú chấp sự”
hướng dẫn không ảnh hưởng gì đến sự thăm viếng của họ. Người ta đến vì họ cần
Chúa, người ta đến vì họ muốn nhìn thấy công việc của Chúa, chớ không phải
người ta đến vì con người hay để xem công việc của con người.
Đó chính là hiện tượng đã từng xảy
ra trên toàn cõi Palextin thời Giăng Bap-tit thi hành chức vụ. Người ta ùn ùn vào
đồng vắng (sa mạc) để làm gì? – Không phải để xem một cây lau sậy phất phơ trước gió hay là một người trong gấm vóc lụa là (Mathiơ
11: 7-10). Họ vào nơi hoang địa thay vì nơi đô hội là vì nơi ấy có “người được
Đức Chúa Trời sai đến”.
Như vậy, quyền năng Chúa bày tỏ ra
ở đâu thì nơi đó trở nên “hút khách”. Hãy để ý những chức vụ nổi
tiếng trên thế giới như Benny Hinn, Reihard Bonke, Calos Claudious, … Từ
khắp thế giới người ta tìm mọi cách để tham dự được những buổi nhóm của các vị
Mục sư này. Tiếng lạ ư, báp-têm Thánh Linh ư? – Không thành vấn đề. Mấy “râu
ria” đó, mấy rào cản cỏn con đó không là gì so với khát khao được gặp Chúa,
được nhìn thấy quyền năng của Chúa. Những ngày tới, khi Chúa thăm viếng một Hội
Thánh thuộc một hệ phái nào bất kỳ, kể cả nhà thờ CMA, thì nơi đó sẽ là nơi mà
mọi người sẽ đổ về; các buổi nhóm của Hội Thánh đó sẽ chật ních những con người
từ khắp các hệ phái nhóm nhánh từ Báp-tít đến Ngũ Tuần, từ Giám Lý đến Trưởng Lão,
từ Lu-thơ-ran đến CMA.
Quyền phép Chúa xuất hiện ở đâu thì
sự nổi tiếng xảy ra ở đó. Thế nhưng, sự nổi
tiếng đó không phải là dành cho con người hay cho Hội Thánh, kể cả những
con người hay Hội Thánh đang được Chúa sử dụng để bày tỏ quyền năng. Si-môn
không biết được điều đó. Si-môn chẳng những không biết rằng, ân tứ của Đức Chúa
Trời không thể mua bằng tiền mà ông còn không biết rằng, Đức Chúa Trời không
ban quyền phép cho người ta để đề cao chính mình.
Quyền phép của Đức Chúa Trời được
ban cho chúng ta cách nhưng không, tức là miễn phí. Miễn phí chớ không phải là
đồ bố thí, hàng dạt hay là đồ giảm giá. Miễn phí vì con người chúng ta, không
ai có thể dùng bất kỳ một điều gì ngay cả mạng sống của mình để trao đổi với Chúa
được. Miễn phí nhưng là vô giá, tức là không thể định giá, vô cùng quý giá chớ
không phải là không (vô) giá trị. Quyền phép của Chúa được tỏ bày qua chúng ta
là để tôn cao Chúa, để người ta nhận biết Chúa và chạy đến với Ngài, chớ không
phải nhằm đề cao chúng ta và thu hút người ta đến với chúng ta.
Các sứ đồ quở trách Si-môn vì “lòng ông chẳng ngay thẳng trước mặt Đức
Chúa Trời”, khi cầu xin quyền phép Chúa. Ước ao được sở hữu quyền năng của
Đức Chúa Trời không phải là sai, nhưng ước ao với một tấm lòng không ngay thẳng, tức là với một động cơ sai trật, thì
Kinh Thánh nói rằng, người ấy đang làm “nô
lệ cho tội lỗi” và người như thế thì “chẳng được dự phần
hoặc hưởng điều gì trong chức vụ”
mà người ao ước đâu.
Anh chị em ơi, hãy cầu xin Chúa giữ
lòng của mình ngay thẳng trước mặt Ngài luôn luôn. Đừng để mật đắng và xiềng
tội ác cầm giữ lòng chúng ta đến nỗi ngay cả ước ao được nhận lấy điều mà Chúa
hứa ban cho mỗi tín đồ cũng trở nên xa vời đối với mỗi một chúng ta.
Trong những
ngày qua, có thể tôi và mỗi anh chị em không ít lần cầu xin hoặc đang tiếp tục
cầu xin Chúa chữa lành, làm phép lạ cho một cá nhân cụ thể nào đó đang bị bại
liệt, đang bị ung thư chẳng hạn, nếu hôm nay Chúa hỏi chúng ta cách trực tiếp
rằng, “tại sao con muốn ta làm phép lạ chữa lành cho người đó?”, thì bao nhiêu
người trong chúng ta sẽ trả lời rằng: vì con muốn Chúa được tôn cao?
Đức Chúa Trời tại Sa-ma-ri năm nào
cũng chính là Đức Chúa Trời của chúng ta ngày hôm nay. Ngài không hề thay đổi.
Ngài vẫn là Đức Chúa Trời hay làm phép lạ
như Thi thiên 77: 14 đã nói. Bất cứ nơi đâu Phúc Âm được rao giảng, nơi
đó người ta sẽ nhìn thấy dấu kỳ phép lạ từ Đức Chúa Trời. Bất cứ nơi đâu dấu kỳ
phép lạ từ Đức Chúa Trời được bày tỏ, nơi đó người ta được tự do: tự do khỏi
bệnh tật, tự do khỏi sự cầm buộc của ma quỷ, tự do khỏi thù hận, tự do khỏi đói
nghèo và tự do khỏi những suy nghĩ ích kỷ, hẹp hòi. Và bất cứ khi nào dấu kỳ
phép lạ từ Đức Chúa Trời, tức quyền phép của Ngài hiển lộ thì không phải con
người hay tổ chức mà là chính Đức Chúa Trời được tôn vinh.
Bao nhiêu người trong anh chị em
thật sự khao khát và mong ước những gì Đức Chúa Trời đã làm tại Sa-ma-ri năm
xưa qua chức vụ của Philip và những tín hữu vô danh được tái hiện một cách đầy
đủ và thậm chí vượt trỗi hơn trong mọi làng mạc, mọi thành phố của đất nước
Việt nam? – Hãy trung tín làm phần của mình: rao giảng về Đấng Christ thì chúng
ta sẽ được tận mắt chứng kiến những gì Chúa sẽ thực hiện phần của Ngài: phục
hưng xứ sở của chúng ta.
Bài giảng
của Ms Barnabas tại HT Antioch vào Chúa nhật, 2/8/2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét