Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

PHẠM TỘI BỞI CHẲNG TIN

Không Gì Có Thể Thay Thế Đức Tin
Mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời có tính chất hai mặt. Thánh kinh luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cả hai phương diện này. Trong ý nghĩa tích cực, như chúng ta đã nhắc đến, thì Đức Chúa Trời tuôn đổ cách dư dật ân điển của Ngài cho chúng ta dựa trên cơ sở đức tin của chúng ta. Nhưng trong ý nghĩa ngược lại, thì Chúa bác bỏ mọi phương cách khác nhằm tiếp cận được Ngài. Chân lý này được phản ánh một cách rất mạnh mẽ trong Hê-bơ-rơ 11: 6
Không có đức tin thì không thể nào sống đẹp lòng Đức Chúa Trời. Vì người nào muốn đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng Ngài có thật và Ngài là Đấng ban thưởng cho những người tìm kiếm Ngài.
Giả sử có ai đó hỏi rằng, phải làm chi để được đẹp lòng Chúa, thì chắc là sẽ không có nhiều người trả lời đúng như Kinh Thánh dạy. Thường thì người ta nỗ lực làm đẹp lòng Chúa bằng mọi cách, chỉ ngoại trừ đức tin: nào là những hành vi đạo đức, những việc từ thiện, trở thành thành viên của Hội Thánh, những lần tình nguyện dâng hiến, bởi sự cầu nguyện hay những sinh hoạt tôn giáo khác. Nhưng nếu không có đức tin thì tất cả những điều đó không có ý nghĩa gì trong mắt Chúa cả. Mọi điều chúng ta làm, dù là những lời cầu nguyện tốt lành hay chính chúng ta chân thành, sốt sắng đến đâu đi chăng nữa – cũng không thể thay thế đức tin. Không có nó, chúng ta không thể nào được đẹp lòng Đức Chúa Trời. Không thể được!
Như vậy, chúng ta phải đối diện với đòi hỏi duy nhất và bất biến của Đức Chúa Trời: “Vì người nào muốn đến gần Đức Chúa Trời phải tin …”. Chúng ta được đòi hỏi phải tin hai điều. Thứ nhất, chúng ta cần phải tin là Đức Chúa Trời. Đa số người tin rằng, Đức Chúa Trời hiện hữu, nhưng chừng đó thôi thì chưa đủ. Chúng ta cũng cần phải tin rằng, Chúa ban thưởng cho những kẻ tìm kiếm Ngài. Đây là bước chuyển tiếp từ sự hiện hữu của Đức Chúa Trời sang bản tánh của Ngài – sự thành tín và đáng tin cậy của Ngài. Lòng tin vào Đức Chúa Trời cách như thế sẽ đem chúng ta ra khỏi giới hạn của tín lý hay thần học thuần túy. Nó thiết lập mối quan hệ cá nhân cách trực tiếp giữa Đức Chúa Trời với người tin.
Trong chương 1, chúng ta đã ghi nhận rằng, đức tin kết nối chúng ta với hai thực thể vô hình: với chính Đức Chúa Trời và với Lời của Ngài. Giờ đây chúng ta cần tiến hành thêm một bước nữa. Dĩ nhiên, đích đến của đức tin không ai khác hơn là chính Đức Chúa Trời. Đúng là chúng ta tin vào Lời Chúa, song chúng ta làm như thế vì Lời Chúa chính là sự tiếp nối của chính Ngài. Lòng tin của chúng ta nơi Lời Chúa đặt cơ sở trên lòng tin cậy của chúng ta nơi chính Ngài là một Thân Vị. Nếu đến một lúc nào đó chúng ta ngừng tin cậy Đức Chúa Trời, thì cuối cùng rồi chúng ta cũng sẽ chấm dứt việc tin nơi Lời Ngài.
Cần hiểu rằng, chỉ đơn sơ tin vào một tín lý hay một lẽ thật thần học nào đó thì chưa phải là tất cả. Những ai mà đức tin chỉ bằng lòng với những điều như thế, thì không bao giờ hưởng được một đời sống dư dật, trọn vẹn mà Đức Chúa Trời sẵn dành cho mình. Mục đích cuối cùng của Chúa là mối quan hệ cá nhân, trực tiếp và mật thiết với chính Ngài. Một khi đã được thiết lập thì những mối quan hệ này sẽ thúc đẩy, định hướng và hỗ trợ mọi việc chúng ta làm. Chúng sẽ là khởi đầu và kết thúc của sự sống. Như vậy, sự giải luận lời tiên tri Ha-ba-cúc “người công chính sẽ sống bởi đức tin” không hướng chúng ta đến với một biểu tượng của đức tin hoặc một hệ thống thần học, mà là đến một mối quan hệ cá nhân, liên tục và phong phú với chính Đức Chúa Trời.
Trong Thi thiên 23: 1, Đa-vít đã đề cập đến mối quan hệ như thế: “CHÚA là Đấng chăn giữ tôi, Tôi sẽ không thiếu thốn gì”. Đa-vit không xây dựng một quan điểm thần học, mà là mô tả những mối quan hệ. Trên cơ sở những mối quan hệ này với Đức Chúa Trời là Đấng chăn giữ mình, ông tuyên bố: “… tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì” (có nghĩa là, tôi luôn đầy đủ mọi sự). Một sự thể hiện tuyệt vời biết bao về sự an ninh toàn vẹn đối với một cá nhân! Trong mọi hoàn cảnh và trong mọi nhu cầu đều có câu trả lời. Đa-vít có thể thêm vào những lời khác, đại loại: “tôi sẽ chẳng thiếu tiền … hoặc thức ăn … hoặc bạn bè … hoặc sức khỏe …” Song nếu như thế, sẽ làm giảm đi hiệu quả lời tuyên bố của ông. Cụm từ “Tôi luôn đầy đủ mọi sự” không cần thêm bất cứ điều gì nữa và là câu trả lời cho tất cả mọi nhu cầu.
Điều khiến tôi kinh ngạc là trong Kinh Thánh, những chân lý sâu nhiệm lại được thể hiện bằng những ngôn từ vô cùng đơn giản. Trong nguyên văn Hê-bơ-rơ, Thi thiên 23: 1 chỉ gồm có 4 từ mà thôi. Thế nhưng, những từ ngắn gọn này lại miêu tả những mối quan hệ sâu sắc và mạnh mẽ, bao trùm mọi nhu cầu trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Vô Tín Là Tội Căn Bản
Chúng ta đã ghi nhận rằng, căn nguyên duy nhất của việc xưng công chính chỉ là đức tin mà thôi. Giờ đây, chúng ta sẽ thấy rõ rằng, điều ngược lại cũng đúng: vô tín là gốc rễ duy nhất của tội lỗi.
Trong Giăng 16: 8, Chúa Giê-xu dạy rằng, công tác của Đức Thánh Linh là cáo trách thế gian về tội lỗi, về sự công chính,và về sự phán xét: “Khi Ngài đến, Ngài sẽ cáo trách thế gian về tội lỗi, về sự công chính, và về sự phán xét”. Sau đó, trong câu tiếp theo, Chúa Giê-xu giải thích rõ thêm về chính tội lỗi nào mà Thánh Linh sẽ phán xét: “Về tội lỗi vì họ không tin Ta”. Tội căn bản mà cả thế gian hiện đang phạm phải là sự vô tín. Đây là nền tảng của tất cả các tội còn lại.
Cả đoạn 3 của thơ Hê-bơ-rơ chỉ đề cập riêng đến tội lỗi này mà thôi. Tác giả nhắc lại cho chúng ta rằng, cả một thế hệ dân Chúa rời Ai-cập dưới sự lãnh đạo của Môi-se, nhưng không vào được đất hứa, mà đều phơi xương trong sa mạc.
Trong câu 12, bài học bi thảm của dân Y-sơ-ra-ên được viện dẫn để thức tỉnh chúng ta là những Cơ-đốc nhân: “Thưa anh chị em, hãy thận trọng để không một ai trong anh chị em có lòng gian ác và vô tín đến nỗi lìa bỏ Đức Chúa Trời hằng sống”. Nhiều Cơ-đốc nhân có xu hướng xem sự vô tín là một điều gì đó đáng tiếc, nhưng vô hại. Thế nhưng, lòng vô tín là sự gian ác. Vô tín là điều ác, vì cớ nó mời gọi người ta lìa xa Đức Chúa Trời. Đức tin thiết lập mối quan hệ với Đức Chúa Trời thể nào, thì vô tín phá hoại cũng đúng như thế. Tác động của chúng đối nghược nhau.
Trong câu 13, tác giả tiếp tục: “Nhưng cứ khuyến cáo nhau hằng ngày đang khi còn được gọi là ‘ngày nay’ để không một ai bị tội lỗi lừa gạt mà cứng lòng”. Sự vô tín làm cứng lòng chúng ta và như thế, nó mở lòng chúng ta cho tội lỗi và Sa-tan lường gạt. Lời cảnh báo về hiểm họa của lòng vô tín là vô cùng hệ trọng. Tác giả của bức thơ vận dụng nó vào hiện tại, “ngày nay”. Điều này liên hệ đến chúng ta là những Cơ-đốc nhân, không khác chi so với những người Y-sơ-ra-ên năm xưa rời Ai-cập dưới sự lãnh đạo của Môi-se cả. Hậu quả của sự vô tín cũng tàn khốc đối với chúng ta như đã từng xảy ra với họ vậy.
Cuối cùng, trong các câu 17-19, tác giả đúc kết sự thất bại của Y-sơ-ra-ên và chỉ ra nguyên nhân của nó:
Đức Chúa Trời nổi giận với ai trong bốn mươi năm? Không phải những kẻ phạm tội phải bỏ xác trong đồng hoang sao? Ngài thề với ai rằng: “Chúng sẽ chẳng được vào sự an nghỉ Ta?” Nếu không phải là những kẻ không vâng phục. Và chúng ta thấy rằng họ không thể vào được vì lòng vô tín
Hãy để ý đến những từ cuối cùng – “vì lòng vô tín”. Những người Y-sơ-ra-ên này đã phạm đủ thứ tội – tà dâm, thờ hình tượng, bất mãn (không thỏa lòng), bất phục, … nhưng có một tội cụ thể mà họ đã thừa hưởng – vô tín. Vô tín là cội rễ của tất cả các tội còn lại.
Điều này trở nên dễ hiểu, vừa khi chúng ta bắt đầu hiểu được rằng, đức tin thật rốt lại là được lập nền trên bản tánh của chính Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta có lòng tin trọn vẹn và không giới hạn vào ba phương diện của bản tánh Chúa – nhân từ, khôn ngoan, và quyền năng của Ngài – thì chúng ta sẽ luôn ở trong sự vâng phục Ngài. Nếu chúng ta có thể tin trong mọi cảnh ngộ rằng, Đức Chúa Trời là nhân từ, rằng Ngài luôn muốn đều tốt lành cho chúng ta, rằng Chúa dư biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta, và rằng Ngài thừa khả năng để làm điều đó, thì không bao giờ chúng ta có bất kỳ cớ nào để mà không vâng phục. Như vậy, mọi hành vi không vâng phục Đức Chúa Trời bắt nguồn từ sự vô tín.
Tóm lại, chỉ có hai khả năng trong quan hệ với Đức Chúa Trời: hoặc là đức tin, kết nối chúng ta với Ngài, hoặc là vô tín, phân rẽ chúng ta với Ngài. Hai khả năng này loại trừ lẫn nhau. Trong Hê-bơ-rơ 10: 38-39, tác giả một lần nữa trích dẫn lời tiên tri Ha-ba-cúc và đặt chúng ta trước sự lựa chọn:
Người công chính của Ta sẽ sống bởi đức tin, và nếu có người nào lui đi, thì linh hồn Ta sẽ chẳng vui về người ấy chút nào., HaKb 2:3-4 LXX Còn chúng ta, chúng ta nào phải là những kẻ lui đi để bị hư mất đâu, nhưng là những người cứ giữ vững đức tin để linh hồn được cứu.
Nếu đã phó dâng cuộc đời mình trên nền tảng đức tin, thì chúng ta không thể cho phép mình lui bước. Về lại với vô tín đồng nghĩa với sự tăm tối và hủy phá. Còn để tiến về phía trước chúng ta cần phải tiếp tục như lúc khởi đầu – trong đức tin!
Kết Luận
Sứ điệp cứu rỗi và xưng công chính của Tân Ước đặt cơ sở trên những lời của sách tiên tri Ha-ba-cúc 2: 4 “Người công chính sẽ sống bởi đức tin”. Thông qua việc tin vào Christ Giê-xu, chúng ta nhận được từ Đức Chúa Trời, tại đây và ngay bây giờ, sự sống mới – sự sống công chính, sự sống đời đời, sự sống của chính Đức Chúa Trời. Tùy theo mức độ chúng ta vận dụng đức tin của mình vào những lĩnh vực khác nhau trong đời sống cá nhân mà đời sống của chúng ta sẽ được đổ đầy và được biến đổi bởi chính sự sống mới này.
Trước hết mọi sự, nguyên tắc đức tin phải có được kết quả trong những lĩnh vực thực tiễn nhất. Trong thơ Rô-ma 14, Phao-lô chỉ dẫn cách áp dụng nguyên tắc này trong việc ăn uống. Ông kết luận rằng, điểm khác nhau không nằm ở chỗ chúng ta ăn gì mà là “chúng ta có ăn bởi đức tin hay không?”
Thế nào là “ăn bởi đức tin”? Thứ nhất, chúng ta xem thức ăn của mình như là tặng phẩm của Đức Chúa Trời. Thứ hai, chúng ta tạ ơn Đức Chúa Trời về nó. Thứ ba, bằng cách đó thức ăn của chúng ta “được thánh hóa”. Thứ tư, chúng ta phó dâng chính sức lực bởi thức ăn đã thánh hóa, để phục vụ Chúa và làm vinh hiển Ngài. Thế là đức tin hoán chuyển những công việc bình thường thành những hành động thánh.
Còn một lĩnh vực thực tế nữa mà đức tin chúng ta cần áp dụng vào – sự cung ứng tài chính và vật chất. Qua Đấng Christ, ân điển của Đức Chúa Trời khiến cho chúng ta được dư dật. Điều này có nghĩa là, Đức Chúa Trời hứa chu cấp mọi nhu cầu của chúng ta đến nỗi chúng ta có thể san sẻ cho người khác. Thế nhưng, sự dư dật không phụ thuộc vào tiền bạc hay của cải vật chất, mà phụ thuộc tuyệt đối nơi đức tin. Nơi chính Chúa Giê-xu, chúng ta nhìn thấy hình mẫu của sự dư dật mà không có tiền và của cải vật chất là như thế nào. Chúng ta cần tiếp nhận lời mời gọi này và noi theo gương của Ngài, nhưng đồng thời, cũng không nên trở thành những kẻ lười nhác, gian dối và vô trách nhiệm.
Để toàn thể dân sự Chúa hưởng được sự dư dật của Ngài, chúng ta cần phải xem mình như là những chi thể trong một Thân Thể duy nhất. Đức Chúa Trời đã dạy dân Y-sơ-ra-ên bài học này qua việc nhặt ma-na mà Ngài ban cho họ trong sa mạc. Để cho ai nấy đều đủ dùng, họ phải san sẻ với nhau. Đối với Thân Thể Đấng Christ cũng phải một thể ấy. Nếu động cơ và các mối quan hệ của chúng ta là đúng đắn, rồi chúng ta biết chia sẻ lẫn nhau, thì tất cả mọi người đều được no đủ. Còn những động cơ và mối quan hệ sai trật có thể làm tắt nghẽn kênh dẫn phước đến với từng chi thể trong Thân.
Sau khi Đức Thánh Linh giáng xuống trên những Cơ-đốc nhân đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem, đức tin trong thực tế đã được bày tỏ trong hai lĩnh vực mà chúng ta đã xem xét: ăn uống và tài chánh. Ăn uống đối với họ là một hành động thờ phượng, song hành với việc ngợi khen. Họ chia sẻ tài vật với nhau, nên trong vòng họ không có ai thiếu thốn chi cả. Sự bày tỏ ân điển Chúa như thế trong đời sống thường nhật của họ đã lôi cuốn lòng người về với Đấng Christ.
Đức tin là cơ sở duy nhất khiến chúng ta có thể đến gần Đức Chúa Trời. Song nếu chỉ đơn giản tin rằng, có Đức Chúa Trời thì chưa đủ. Chúng ta cần phải tin vào sự nhân từ của Ngài. Điều này sẽ chuyển chúng ta từ những hiểu biết thần học đến chỗ có được mối quan hệ trực tiếp và thân mật với Đức Chúa Trời như với một cá nhân. Đó sẽ là sự bảo đảm cho việc cung ứng đầy đủ và sự an ninh của chúng ta.
Cội rễ duy nhất của tội lỗi là vô tín. Nếu có lòng tin trọn vẹn, vững chắc nơi sự nhân từ, sự thông sáng và quyền năng của Chúa, thì chúng ta không bao giờ có cớ để phạm tội. Tác giả thơ Hê-bơ-rơ chỉ ra thể nào lòng vô tín đã ngăn bước dân Y-sơ-ra-ên tiến vào xứ hứa, và cảnh báo Cơ-đốc nhân về sai lầm chết người này. Tóm lại, chỉ có hai khả năng trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời mà thôi: hoặc là đức tin, kết nối chúng ta với Ngài, hoặc là vô tín, phân rẽ chúng ta với Ngài.
DEREK PRINCE – SỐNG BỞI ĐỨC TIN (FAITH TO LIVE BY)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét