Sự cứu
rỗi là món quà vô giá mà Đức Chúa Trời dành cho nhân loại thông qua sự chết đền
tội của Đức Chúa Giê-xu Christ trên thập tự giá hơn hai ngàn năm về trước. Đây
là món quà dành cho tất cả mọi người, vì “Chúa
muốn cho mọi người đều được cứu và hiểu biết lẽ thật”.
Chúng
ta sẽ cùng nhau khám phá một số khía cạnh của món quà thiêng thượng này dựa
trên lời của Chúa trong sách Công vụ đoạn 10: 1-48.
Phân
đoạn Kinh Thánh này tỏ bày cho chúng ta ba phương diện liên quan đến sự cứu
rỗi. Đó là: Đối tượng nhận sự cứu rỗi, Đối tượng truyền rao sự cứu rỗi và
Phương tiện truyền rao sự cứu rỗi.
I.
Người Có Quyền Cao, Đức Trọng Vẫn Cần
Được Cứu Rỗi
Cọt-nây
là một sĩ quan quân đội, người chỉ huy 100 binh lính. Như vậy, ông là người có
địa vị xã hội, có quyền chức và chắc chắn là ông không thuộc diện nghèo khó.
Thế nhưng, ông vẫn cần đến sự cứu rỗi.
Điều
đó nói lên rằng, không chỉ người nghèo khó, bịnh tật hay hạng bình dân, ít học
mà ngay cả những người có địa vị cao, tức là những người có quyền chức trong xã
hội, những người giàu sang, có học thức vẫn cần được cứu rỗi. Nói cách khác,
người giàu sang, quyền cao chức trọng vẫn cần có Chúa. Tại sao?
Bởi vì
con người ta không chỉ có phần xác mà còn có phần hồn nữa. Tức là, ta không chỉ
có nhu cầu thuộc thể mà còn có cả những nhu cầu về phần tâm linh nữa. Chẳng
hạn, sự bình an trong tấm lòng và sự sống vĩnh phúc trong tâm linh thì ngoài
Thiên Chúa ra, không tiền bạc nào hay địa vị gì có thể mang lại cho chúng ta
được.
Không
ai có thể sống mà không thở; Không ai có thể thở mà không có không khí. Chúa
cần yếu như không khí vậy, không ai có thể thật sự sống nếu thiếu Ngài. Một khi
bị bắt ra khỏi nước thì cá lớn hay cá bé gì cũng chết. Chúa cần yếu cho chúng
ta cũng như cá cần nước vậy. Vì mọi người – giàu nghèo, sang hèn, khôn dai, trẻ
già – đều bị nhốt trong tội lỗi. Mà tiền công của tội lỗi là sự chết. Do đó,
mọi người nói chung và Cọt-nây – người có quyền thế, địa vị – nói riêng, đều
cần được cứu rỗi, cứu ra khỏi sự chết đời đời.
Câu 2
và 4 đề cập đến “lời cầu nguyện và việc
cứu tế” của Cọt-nây. Theo ý người ta tin từ câu 2, thì ông là một người đã
quy đạo Do Thái, tức là đã thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của người Do
Thái. Thế nhưng, lòng sùng đạo và những việc phúc đức không thể đem lại cho
Cọt-nây sự cứu rỗi.
Kinh
Thánh xác nhận rằng, Cọt-nây là người sùng đạo, thường xuyên giúp đỡ người
nghèo khó và trung tín đi lễ cầu nguyện. Nhưng chừng đó là chưa đủ, chừng đó
việc chưa thể khiến cho ông nhận được sự cứu rỗi. Nói cách khác, công đức của
vị sĩ quan quân đội này không đủ để cứu ông.
Anh
chị em ơi, lời cầu nguyện của chúng ta và việc dâng hiến của chúng ta luôn được
Chúa ghi nhận nhưng đó không phải là cơ sở để chúng ta được cứu khỏi sự chết
đời đời.
Hình ảnh của Cọt-nây nói lên điều gì? Đó là có những
con người đã được chuẩn bị sẵn sàng để nhận lãnh ơn cứu rỗi đang ở chung quanh
chúng ta. Họ có thể là một thầy dạy luật Ni-cô-đem, một người phụ nữ tai tiếng
ở Sa-ma-ri, một Sau-lơ đang bắt bớ Hội thánh hay là một sĩ quan quân đội như
Cọt-nây.
Đó
chính là lý do mà khi còn tại thế, Đức Chúa Giê-xu đã bảo các môn đồ trong Tin
Lành Giăng 4: 35 “Chẳng phải chính các con đã
nói còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt, nhưng Ta bảo: Hãy ngước mắt lên nhìn
đồng lúa chín vàng, sẵn cho mùa gặt” đó sao.
Hãy
nhìn ra xung quanh nơi ở của bạn, trong lớp học, nơi làm việc của bạn để Đức
Thánh Linh chỉ tỏ cho bạn những con người đã sẵn lòng nhận lãnh ơn cứu rỗi.
II.
Người Tin Chúa Là Công Cụ Mà Chúa Dùng
Để Giúp Đỡ Người Khác Nhận Lãnh Ơn Cứu Rỗi
Trong câu chuyện này chúng ta thấy có sự xuất hiện của
các thiên sứ - những hữu thể siêu nhiên, những sứ giả Thiên Đàng. Tuy nhiên,
các vị này không được giao nhiệm vụ rao giảng Tin Lành. Giảng Tin Lành là sứ vụ
mà Chúa giao cho những người tin theo Chúa.
Không
phải thiên sứ mà Phi-e-rơ mới là người được Chúa chọn để rao giảng về Chúa
Giê-xu cho Cọt-nây và gia đình của ông. Anh chị em ơi, Chúa không chọn thiên sứ
mà là chính mỗi một chúng ta để giới thiệu về Chúa Giê-xu cho thầy cô, bạn bè,
cha mẹ, đồng nghiệp, … của chúng ta. Há chẳng phải mỗi một chúng ta là người
được Chúa chọn để “rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi
nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài” đó sao (1Phê-rơ 2: 9)
Thế
nhưng … Phi-e-rơ là một đại sứ đồ, còn chúng ta … ? Vâng, ông là một đại sứ đồ
nhưng trước khi trở thành đại sứ đồ, ông đã từng là một đại phản đồ. Vì duy
nhất trong Nhóm Mười Hai, ông là người chối Chúa ba lần!
Một
người từng có quá khứ đầy thất bại như thế mà Chúa còn tin dùng để rao giảng về
Ngài, thì bạn và tôi chẳng lẽ, Chúa lại không dùng ngang tới cỡ đó sao?
Là một
trong những người trực tiếp nghe Chúa Giê-xu phán bảo rằng, “Phúc Âm về Nước Đức Chúa Trời sẽ được truyền giảng khắp thế giới
để làm chứng cho muôn dân, bấy giờ tận thế sẽ đến” (Mathiơ 24: 14) hay “… và các con sẽ làm nhân chứng cho Ta tại Giê-ru-sa-lem, cả xứ
Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến tận cùng quả đất” (Công vụ 1: 8), nhưng tại sao cho đến tận lúc này,
Phi-e-rơ cũng như các sứ đồ vẫn chưa chịu đi ra rao giảng về Chúa Giê-xu cho
dân ngoại? Câu trả lời có thể tìm thấy trong chính lời đáp của Phi-e-rơ: “Lạy Chúa! Không được đâu! Con
chẳng bao giờ ăn vật gì ô uế hoặc không tinh sạch” (c.
14). “… theo phong tục người Do Thái, kết
thân với người khác chủng tộc hoặc đến thăm họ là điều cấm kỵ” (c. 28).
Phi-e-rơ đã được dạy dỗ như thế từ bé và đã sống như thế từ lúc nhỏ và chính sự
dạy dỗ đó, phong tục đó hay là cách suy nghĩ đó khiến ông không vâng lời Đức
Chúa Trời.
Có thể, không biết tự bao giờ trong tâm
trí của chúng ta luôn tồn tại ý tưởng rằng, làm chứng về Chúa Giê-xu cho người
khác là công việc của mục sư, của những nhân sự hầu việc Chúa chớ không phải
của mình. Có thể, một ai đó trong chúng ta nghĩ rằng, đến một lúc nào đó – chẳng
hạn: khi lớn lên, khi bớt bệnh,
khi hết nợ, khi có công ăn việc làm ổn định, khi hiểu biết nhiều hơn về Chúa, …
– mình sẽ làm chứng về Chúa, chớ còn bây giờ thì chưa. Cũng có thể, một ai đó
trong chúng ta lại cho rằng, công việc hiện tại không cho phép mình làm chứng
về Chúa cho người khác hoặc giả, chúng ta có ý tưởng rằng, những người xung
quanh mình chắc họ sẽ không tin Chúa đâu, …
Tất cả những lập
luận, ý tưởng trên thoạt nghe thì rất có lý, nhưng tiếc thay, đó không phải là
chân lý.
Bài học từ câu 15 là gì? – Điều cần phải
tin, điều cần phải làm theo là Mạng lịnh của Chúa chớ không phải là truyền
thống, là phong tục hay suy luận của chúng ta. Mà mạng lịnh của Chúa là gì? – “Hãy đứng dậy làm thịt mà ăn!”, không
chừa gì cả. Đó cũng chính là Mạng lịnh mà Chúa Giê-xu đã phán trong Mac 16: 15 “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin lành cho
mọi người”.
Vậy thì, ngày nay, chúng ta có cần phải chờ
đợi cho đến khi nhận được mặc khải từ trời như Phi-e-rơ rồi mới đi ra không? –
Nếu bạn xem trọng mạng lịnh truyền giảng của Chúa hơn là phong tục hay lý luận
của mình thì không cần phải chờ đợi nữa. Mặt khác, nếu bạn có một đời sống cầu
nguyện như Phi-e-rơ, cầu nguyện ngay cả trong khi chờ người ta dọn bữa trưa cho
mình, thì hãy nói đến chuyện mặc khải từ trời.
Phẩm cách quan trọng từ Phi-e-rơ – người
được Chúa dùng để đem sự cứu rỗi đến cho cả nhà Cọt-nây – chính là sự vâng lời.
Ông vâng lời Chúa tiếp đón người nhà Cọt-nây, rồi vâng lời Chúa cùng đi với họ
đến nhà của Cọt-nây.
Những người thánh của Chúa trong Thánh
Kinh, những anh hùng đức tin trong Cựu Ước và cả Tân Ước được Chúa tin dùng và
thậm chí là được Chúa đại dụng không phải vì họ không sai lầm hay không còn
khuyết điểm mà là họ sẵn lòng vâng lời. Đức Chúa Trời chọn Ap-ra-ham, Môi-se,
Đa-vit, Phi-e-rơ vì họ là những người biết vâng lời.
Vấn đề không nằm ở
chỗ bạn là người thế nào – là người lớn tuổi hay nhỏ tuổi, là người mới tin
Chúa hay đã nhiều năm trong Chúa, là người trưởng thành hay con trẻ thuộc linh
– mà là bạn có sẵn lòng vâng lời Chúa không. Điều quan trọng đối với Chúa không
phải là quá khứ của bạn thế nào hay là tài năng của bạn tới đâu, mà là bạn có
phải là người muốn làm theo mạng lịnh của Chúa hay không mà thôi.
Nếu
anh chị em là người sẵn lòng vâng lời Chúa, đi ra giảng Tin Lành cho mọi người
thì anh chị em “sẽ ăn được sản vật tốt
nhất của đất” (Esai 1: 19). Nếu anh chị em là người vâng lời Chúa, thì anh
chị em sẽ nhìn thấy Chúa đại dụng mình trong việc đem nhiều người – kể cả những
người giàu sang, có học thức và quyền cao chức trọng vào trong Hội thánh của
Ngài.
III. Giảng Tin Lành Là Phương Tiện Giúp Người Ta Nhận Lãnh Ơn Cứu Rỗi
Lý do mà thiên sứ bảo Cọt-nây sai người
đến mời Phi-e-rơ tới nhà là để “người ấy
sẽ nói cho ngươi những lời, mà nhờ đó, ngươi và cả nhà mình sẽ được cứu rỗi”
(Công vụ 11: 14).
Mục
sư
Reihard Bonnke nói rằng, “Tin Lành mà không được rao giảng thì không còn là Tin
Lành nữa”. Chúng ta nhận được sự cứu rỗi là bởi đức tin, mà “đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà sự
người ta nghe là khi Lời Đấng Christ được rao giảng” (Roma 10: 17).
Cọt-nây
và gia đình của ông nhận được sự cứu rỗi khi Phi-e-rơ công bố Tin Lành. Cũng
một thể ấy, người thân của chúng ta, thầy cô giáo của chúng ta, đồng nghiệp và
hàng xóm láng giềng của chúng ta cùng gia đình của họ sẽ nhận được sự cứu rỗi,
một khi chúng ta vâng lời Chúa rao giảng Tin Lành.
Có một
người chị em kia, khi chuyển chỗ ở về một khu chung cư, Chúa mách bảo chị hàng
ngày hãy mở những bài giảng, những đĩa đọc Kinh Thánh cách đủ lớn cho mọi người
xung quanh có thể nghe. Chị cứ vâng lời làm theo và lạ lùng là một thời gian
sau nhiều người tìm đến căn hộ của chị để tiếp nhận Chúa. Và rồi một điểm nhóm
được thành lập tại đó.
Vâng,
Lời Chúa phải được giảng ra, Tin Lành phải được công bố. Thế nhưng, Tin Lành
hay sứ điệp Tin Lành là gì ? Nhiều người sẽ nhanh nhẩu trả lời rằng, Tin Lành
là Tin Mừng, Tin Mừng không phải là tin buồn hay Tin Mừng là tin vui. Nhưng đâu
là nội dung của Tin Vui, Tin Mừng hay Tin Lành đó?
Từ câu 37-43 là nội dung của Tin Lành. Đây
là điều mà chúng ta phải rao báo khắp mọi nơi. Chúng ta có thể xem bản rút gọn
của Tin Lành tại 1Corinhto 15:
1-4. Theo đó, nội dung của Tin Lành là Đấng Christ đã chết vì tội chúng ta,
Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba Ngài sống lại từ trong kẻ chết.
Đó
chính là nội dung cốt lõi của Tin Lành và là “quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Roma 1: 16).
Cứ hễ
nơi đâu Tin Lành được rao giảng thì nơi đó luôn có sự xác chứng của Đức Thánh
Linh. Căn cứ vào đâu mà Phi-e-rơ biết chắc rằng, việc rao giảng của ông sẽ có
kết quả? Đó là sự tuôn đổ của Đức Thánh Linh trên người nghe.
Và nhờ có sự đồng công của Đức Thánh Linh
mà lòng người nghe bị bắt phục. Không phải Phi-e-rơ mà chính Đức Thánh Linh mới
là tác nhân khiến Cọt-nây và cả nhà ông tin nhận Chúa. Sự đồng công của Đức
Thánh Linh với những người đi ra rao giảng Tin Lành chính là điều mà Chúa
Giê-xu đã phán hứa trong Phúc Âm Mac. 16: 20 “Chúa cùng làm việc với họ và xác chứng lời họ bằng nhiều dấu lạ kèm
theo”.
Thế thì, anh chị em ơi, đừng quá lo lắng khi rao
truyền sự cứu rỗi cho người khác, nhất là những người có học thức, hay địa vị
cao hơn anh chị em. Khá nhớ rằng, Chúa Thánh Linh luôn đồng hành cùng anh chị em.
Mỗi khi anh chị em làm chứng, Ngài ở đó. Ngài ở đó để thuyết phục người nghe;
Ngài ở đó để xác chứng lời giảng của anh chị em và Ngài ở cùng anh chị em cho
đến kỳ chung kết đời.
Ngày
xưa, Chúa dùng Phi-e-rơ giảng Tin Lành để cứu cả gia đình một vị sĩ quan quân
đội còn ngày nay, Chúa đang tìm kiếm những tấm lòng vâng lời từ nơi con dân của
Ngài để đem sự cứu rỗi đến cho biết bao gia đình trên đất nước Việt nam. Bạn có
phải là Phi-e-rơ của ngày hôm nay không?
Chúa
đang bảo bạn đứng dậy và đi kìa.
Bài giảng của Ms Barnabas tại Hội thánh
Antioch vào Chúa nhật, 6/9/2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét