Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

VUI MỪNG TRONG HOẠN NẠN

Trong Roma 5: 1-11, khi nói về mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời qua đức tin nơi Đấng Christ, Phao-lô sử dụng từ “hân hoan” đến 3 lần. (Bản Dịch Cũ dịch là “khoe mình” – ND).
Trong câu 2, Phao-lô nói: “hân hoan về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Đức Chúa Trời”. Điều này thật dễ hiểu. Nếu chúng ta thật lòng tin rằng, giờ đây mình đã là kẻ thừa kế vinh quang Thiên Chúa và sẽ ở cùng Ngài trong cõi đời đời, thì việc cảm nhận và vui mừng về niềm hân hoan hầu đến là sẽ điều hết sức tự nhiên.
Nhưng trong câu 3, Phao-lô một lần nữa sử dụng từ này khi nói: “Không chỉ có thế thôi, nhưng chúng ta cũng hân hoan trong hoạn nạn nữa”. Thoạt nhìn thì điều này thật buồn cười. Làm thế nào có thể hân hoan trong hoạn nạn – trong những khó khăn, bắt bớ, cô đơn và nghi ngờ, hoặc nghèo thiếu, bệnh tật và buồn thảm? Tại sao Phao-lô lại truyền bảo là Đức Chúa Trời trông đợi nơi chúng ta lòng ngợi khen vì cớ những hoàn cảnh như thế?
May thay, Phao-lô đã giải thích: “vì biết rằng hoạn nạn làm cho chúng ta kiên nhẫn, kiên nhẫn làm cho chúng ta được tôi luyện, tôi luyện làm cho hy vọng, và hy vọng không làm hổ thẹn. Vì tình yêu thương của Đức Chúa Trời đổ đầy lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh là Đấng đã được ban cho chúng ta” (c. 3-5). Khái quát câu trả lời của Phao-lô, có thể nói rằng, nguyên nhân của việc hân hoan, thậm chí trong hoạn nạn nằm ở chỗ, ấy là khi ta xem hoạn nạn như thể đến từ Đức Chúa Trời và chịu đựng nó trong đức tin, thì trong tính cách của chúng ta sẽ sản sinh ra những kết quả mà ta không thể nào có được bằng bất cứ phương cách nào khác.
Khi phân tích cách chi tiết câu trả lời của Phao-lô, chúng ta khám phá ra rằng, ông liệt kê bốn giai đoạn liên tiếp nhau trong việc phát triển tính cách, tức là những kết quả được sản sinh ra khi ta đứng vững qua những hoạn nạn thử thách. Đó là:
Thứ nhất, lòng kiên nhẫn hay nhịn nhục. Đây là khía cạnh rất quan trọng trong tính cách của một Cơ-đốc nhân. Thiếu nó, chúng ta không thể nào nhận lãnh được rất nhiều lời hứa tuyệt vời của Đức Chúa Trời.
Thứ hai, sự tôi luyện. Đây là từ dokime trong tiếng Hy-lạp, có nghĩa là kim loại được luyện trong lò – chúng ta sẽ còn quay lại với khuôn mẫu này.
Thứ ba, hy vọng. Đây không phải là mơ ước hay những ý tưởng thiếu cơ sở, trốn chạy thực tại. Đây là hy vọng mạnh mẽ, bình tịnh, trông đợi điều lành cách xác tín, là điều lành mà cuối cùng sẽ hiện ra sau cơn thử thách.
Thứ tư, tình yêu của Đức Chúa Trời đã được đổ đầy trong lòng chúng ta, vượt trỗi hơn mọi hy vọng, mà chỉ nhờ nó chúng ta mới được yên ủi. Khi tác động như thế trên tính cách của chúng ta, Đức Chúa Trời sẽ đem chúng ta đến chỗ tận hưởng cách đầy trọn tình yêu của chính Ngài.
Trong câu 11, chúng ta sẽ lần thứ ba bắt gặp từ hân hoan: “Không chỉ có thế, nhưng chúng ta cũng hân hoan trong Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa chúng ta …” Ở đây, chúng ta cũng thấy được dự định của Chúa. Đức Chúa Trời không muốn niềm vui hay lòng tin cậy của chúng ta chỉ dựa trên những gì mà Ngài đã làm cho chúng ta, bất kể đó là phép lạ, là phước hạnh, là ân tứ hay sự chăm sóc của Ngài. Chúa muốn chúng ta tìm được sự thỏa lòng chỉ nơi chính mình Ngài, chớ không ở trong bất kỳ một ai hay một điều chi khác. Điều này sẽ không thể xảy ra nếu thiếu vắng sự phát triển tính cách cách tuần tự như đã được miêu tả. Bằng chứng đáng tin cậy nhất về sự trưởng thành thuộc linh của một người là khi Đức Chúa Trời và chỉ một mình Ngài là nguồn vui bất tận và là đối tượng của lòng chung thủy sắc son đối với người ấy mà thôi.
Sẽ không kém phần thú vị nếu so sánh những gì Phao-lô dạy ở đây, trong Roma đoạn 5 với những gì ông dạy trong I Corinhto 13, đoạn nói về tình yêu. Trong thơ Roma, Phao-lô chỉ ra rằng, lòng kiên nhẫn là phương cách để đạt đến sự đầy trọn của tình yêu Thiên Chúa. Còn trong thơ I Corinhto 13: 7 thì ông bảo rằng, chỉ có tình yêu mới có loại quyền năng giúp ta vượt qua được mọi thử thách: “Tình yêu thương … chịu đựng mọi sự”. Như vậy, Kinh Thánh gắn liền tình yêu với lòng kiên nhẫn.
Trong Roma 5, Phao-lô giới thiệu đức tin, hy vọng và tình yêu như là ba giai đoạn liên tục trong đời sống của một Cơ-đốc nhân: đức tin dẫn đến hy vọng, rồi hy vọng đến tình yêu. Còn trong thơ I Corinhto 13: 13 thì ông trình bày ba tính năng này trong cùng một trật tự như thế, song nhấn mạnh rằng, dù cho cả ba đều tồn tại cùng lúc, nhưng tình yêu vẫn trỗi hơn hết: “Nên bây giờ còn ba điều này: Đức tin, hy vọng và tình yêu thương. Nhưng điều lớn hơn hết là tình yêu thương”. Khi suy gẫm về những đặc tính tuyệt với này trong ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta đừng vội lìa mắt khỏi chúng cho đến chừng chúng trở nên một phần không thể tách rời trong tính cách của chúng ta. Bằng cách đó, lẽ thật được bày tỏ trong II Corinhto 3: 18 sẽ nên thực hữu trong đời sống của chúng ta: “tất cả chúng ta, với mặt trần không bị màn che, đều phản chiếu vinh quang của Chúa và được biến đổi theo hình ảnh Ngài từ vinh quang này đến vinh quang khác nhờ Chúa là Thánh Linh”. “Từ vinh quang đến vinh quang”, ít nhất, cũng có nghĩa là từ đức tin đến hy vọng và từ hy vọng đến tình yêu.
Trong thơ Gia-cơ 1: 2-4, chính nguyên tắc này cũng được bày tỏ: đức tin được tăng trưởng qua thử thách.
Thưa anh chị em, khi gặp những thử thách khác nhau, anh chị em hãy xem tất cả là điều vui mừng, vì biết rằng đức tin anh chị em có bị thử nghiệm mới sinh ra kiên nhẫn, kiên nhẫn có hoàn tất công việc thì anh chị em mới trưởng thành, toàn vẹn, không thiếu sót gì.
Phao-lô dạy rằng, chúng ta nên hân hoan trong hoạn nạn, còn Gia-cơ thì khuyên hãy vui mừng trong mọi thử thách. Tâm trí tự nhiên hạn hẹp của chúng ta không thể hiểu được tình trạng này. Nhưng cả hai được khởi phát từ cùng một nguyên nhân: sự thử thách và chỉ có sự thử thách mới sản sinh ra lòng kiên nhẫn, và lòng kiên nhẫn là con đường duy nhất dẫn đến chỗ nhận biết đầy đủ ý muốn của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Gia-cơ phản ánh điều này bằng cụm từ : “thì anh chị em mới trưởng thành, toàn vẹn, không thiếu sót gì”. Khi có một kết cuộc như thế thì việc đón nhận mọi thử thách với thái độ vui mừng là lời biện giải hoàn toàn hợp lẽ.

DEREK PRINCE – SỐNG BỞI ĐỨC TIN (Chương 9)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét