Chức thượng tế của Chúa Giê-xu Christ là đề tài chính của thơ
Hê-bơ-rơ. Trong vị thế này, Chúa Giê-xu là người Đại diện riêng của chúng ta
trước mặt Đức Chúa Trời. Ngài bao phủ chúng ta bằng sự công chính của Ngài,
dâng lời cầu thay cho chúng ta, dâng trình những nhu cầu của chúng ta, và bảo đảm
việc thực thi những lời hứa của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Tuy nhiên, khi
xem xét chủ đề này suốt cả thơ tín, chúng ta sẽ thấy rằng, chức thượng tế luôn
gắn chặt với lời tuyên xưng của chúng ta. Lời tuyên xưng mà chúng ta thực hiện ở
dưới đất quyết định tính hiệu quả của chức vụ Chúa Giê-xu ở trên trời theo hướng
có lợi cho chúng ta.
Trong Hê-bơ-rơ 3: 1, chúng ta được kêu gọi tập chú vào Chúa Giê-xu
Christ là “Vị Thượng Tế mà chúng ta xưng nhận”. Chính lời tuyên xưng của chúng
ta làm cho chức vụ tế lễ của Ngài đối với chúng ta trở nên có hiệu quả. Cứ mỗi
lần chúng ta tuyên xưng đúng, thì chúng ta được bảo lãnh bởi tất cả uy tín của
Đấng Christ, là vị thượng tế của chúng ta. Song nếu chúng ta tuyên xưng sai trật
hoặc xưng nhận sự nghi ngờ hay vô tín thay vì đức tin, thì chúng ta tước đi của
Đấng Christ khả năng phục vụ chúng ta với tư cách là một Thượng Tế. Lời tuyên
xưng đúng phát động chức vụ tế lễ của Ngài nhân danh chúng ta, còn lời tuyên
xưng sai tước mất của chúng ta điều đó.
Trong Hê-bơ-rơ 4: 14, tác giả một lần nữa trực tiếp buộc chặt chức
thượng tế của Chúa Giê-xu với lời tuyên xưng của chúng ta: “Vậy, vì chúng ta có
một Vị Thượng Tế vĩ đại, Đấng đã vượt qua các từng trời, tức là Đức Chúa
Giê-su, Con Đức Chúa Trời, nên hãy giữ vững lời tuyên xưng của chúng ta”. Ở
đây, nhấn mạnh đến việc cần thiết phải giữ vững
lời tuyên xưng của chúng ta. Vừa khi ta đồng một giọng với Lời thành văn của
Chúa, tức là Kinh Thánh, thì chúng ta cần phải theo giữ nó để không trở lại với
sự vô tín. Chúng ta có thể bị áp lực mạnh mẽ, và cảm thấy mọi sự đang diễn ra
dường như hoàn toàn ngược lại với những gì mà mình có thể trông đợi. Mọi nguồn
giúp đỡ tự nhiên đều đóng lại. Nhưng bằng đức tin và lời tuyên xưng chúng ta
hãy tiếp tục nắm giữ lấy điều không thay đổi – Lời Đức Chúa Trời và Chúa Giê-xu
Christ là vị Thượng Tế của chúng ta, đang ngồi bên phải Đức Chúa Trời.
Trong Hê-bơ-rơ 10: 21-24, lần thứ ba tác giả nhấn mạnh đến mối liên
hệ hỗ tương giữa chức vụ thượng tế của Đấng Christ với lời tuyên xưng của chúng
ta.
21 Chúng ta cũng có một
vị thượng tế vĩ đại được lập lên trên Nhà của Đức Chúa Trời,
22 nên chúng ta hãy đến gần Chúa với lòng chân thành, trong niềm tin vững
chắc, tâm khảm đã được tẩy sạch khỏi lương tâm ác, thân thể đã tắm rửa bằng nước
tinh sạch.
23 Chúng ta hãy giữ vững không lay chuyển lời tuyên xưng về niềm hy vọng
của chúng ta, vì Đấng đã hứa với chúng ta luôn luôn thành tín.
24 Chúng ta hãy lưu ý khích lệ nhau trong tình yêu thương và các việc
lành.
Chúng ta thấy rằng, việc xưng nhận Chúa Giê-xu là vị Thượng Tế của
mình đặt chúng ta lần lượt dưới ba trách nhiệm. Thứ nhất, (câu 22) liên quan đến
thái độ của chúng ta đối với Đức Chúa Trời: chúng ta cần phải đến với “tấm lòng
chân thành”. Thứ hai, (câu 23) liên quan đến lời tuyên xưng của chúng ta: chúng
ta cần phải “giữ vững không lay chuyển lời tuyên xưng về niềm hy vọng …”. Thứ
ba, (câu 24) liên quan đến anh chị em của chúng ta: chúng ta phải “khích lệ
nhau trong tình yêu thương và các việc lành”. Trách nhiệm giữ vững lời tuyên
xưng của mình là trung tâm điểm trong mối quan hệ của chúng ta đối với Chúa và
đối với nhau. Mức độ mà chúng ta giữ lời tuyên xưng của mình sẽ quyết định mức
độ mà chúng ta có thể thực thi hai trách nhiệm khác – trong mối quan hệ với Đức
Chúa Trời và với anh chị em của mình.
Trong ba trích đoạn từ thơ Hê-bơ-rơ vừa được xem xét, thì tầm quan
trọng của lời tuyên xưng đúng được nhấn mạnh với cấp độ mạnh dần lên. Trong
Hê-bơ-rơ 3: 1 chỉ đơn giản đề cập rằng, Chúa Giê-xu “vị Thượng Tế của lời tuyên
xưng của chúng ta”. Đến Hê-bơ-rơ 4: 14 chúng ta được kêu gọi “giữ vững lời
tuyên xưng của chúng ta”. Rồi đến Hê-bơ-rơ 10: 23, thì chúng ta được kêu gọi giữ
vững lời tuyên xưng của mình cách “không
lay chuyển”. Phải chăng ở đây ngầm muốn nói rằng, chúng ta sẽ phải chịu áp
lực ngày càng gia tăng, là những áp lực có thể khiến cho chúng ta hoặc phải
thay đổi hoặc phải hạn chế bớt lời tuyên xưng của mình? Nhiều người trong chúng
ta có thể chứng minh cho điều này từ kinh nghiệm cá nhân. Do đó, lời cảnh báo
này luôn hợp thời. Bất kể là loại áp lực nào chống lại chúng ta đi nữa thì chiến
thắng cũng chỉ đến thông qua việc giữ vững lời tuyên xưng mà thôi.
Trong phần trích dẫn sau cùng từ thơ Hê-bơ-rơ giải thích tại sao
chúng ta nên giữ vững không lay chuyển lời tuyên xưng của mình, là “vì Đấng đã
hứa với chúng ta luôn luôn thành tín”. Lời tuyên xưng của chúng ta kết nối
chúng ta với vị Thượng Tế của mình, Đấng không hề thay đổi. Đây là phương cách
mà Đức Chúa Trời đã ấn định để thông qua đó mà sự thành tín, sự khôn ngoan
thông sáng và quyền năng của Ngài bắt đầu hành động trong đời sống của chúng
ta.
(Sống Bởi Đức Tin - Derek Prince)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét