Giáng sinh đã về. Ngày lễ trọng
đối với những người tin thờ Chúa đã điểm. Từ bao ngày qua, Hội Thánh Chúa khắp
nơi đang tất bật chuẩn bị cho sứ mệnh “đem Tin Vui Lớn” này đến cùng thế giới,
trong nhiều hình thức và tầm mức khác nhau. Nói như nhà truyền giáo Reihard
Bonnke thì Tin Mừng mà không được rao truyền thì Tin Mừng và tin buồn có khác
chi nhau. Mà để truyền rao Tin Mừng, để giới thiệu Chúa Cứu Thế Giê-xu cho muôn
dân thì cần phải có những con người sẵn sàng rao báo. Đó là những con người
được Chúa chọn lựa.
Chúng ta hãy dành thời gian,
trở lại với Lời của Chúa để học biết về sự chọn lựa của Đức Chúa Trời từ nơi
những con người được trực tiếp tham gia trong mùa Giáng Sinh đầu tiên. Liệu còn
…‘có cửa’ cho bạn và tôi để được Chúa tin dùng trong Mùa Giáng Sinh này hay
chăng?
Xin hãy cùng mở ra Phúc Âm
Luca 1: 24-56
I.
Đức Chúa Trời Là Đấng Chọn Lựa Con Người Để Tham Gia Vào
Trong “Công Trình” Của Chúa.
Trước hết, Chúa chọn một người
không phụ thuộc vào việc người đó là ai: Xachari là một thầy tế lễ, tức là người
hầu việc Chúa chuyên nghiệp, nói theo ngôn ngữ ngày hôm nay là người phục vụ
Chúa trọn thời gian. Mary là một thôn nữ vào tuổi thành niên, còn Giô-sép là một
thanh niên có nghề mộc (Mathiơ 13: 5)
Điều này cho thấy, người được
chọn đủ mọi thành phần, giới tính, tuổi tác, … Hay nói cách khác, ai cũng có
thể được Chúa chọn lựa, ai cũng có thể có chỗ trong chương trình, kế hoạch của
Đức Chúa Trời.
Không cứ phải là một mục sư,
một người hầu việc Chúa trọn thời gian, hay một người có nhiều kinh nghiệm bước
đi với Chúa, Đức Chúa Trời có thể chọn lựa bất kỳ ai để thực thi kế hoạch của
Ngài. Dù bạn chỉ là một tín hữu, một người trẻ tuổi hay thậm chí chỉ là một em
bé, Đức Chúa Trời vẫn có thể chọn bạn để hoàn thành kế hoạch của Ngài trong Mùa
Giáng sinh 2014 này, giống như Ngài đã từng chọn Xachari, Giô-sép hay Mary
trong Mùa Giáng sinh đầu tiên.
Điểm chung duy nhất nơi những
con người được Chúa chọn để kiến tạo nên Mùa Giáng sinh đầu tiên là lòng tin
của họ. Nói cách khác, họ được chọn không phải vì họ đáng tin mà là vì họ … dễ tin;
họ là người dễ bảo! Họ dễ tin – không phải dễ tin vào con người, mà là đơn sơ
tin vào những gì Chúa nói.
Điều cần lưu ý nơi Luca 1: 18 “Xa-cha-ri thưa với thiên sứ: ‘Làm sao tôi
biết việc nầy sẽ xảy ra? Vì tôi đã già, vợ tôi đã cao tuổi rồi” và 1: 34 “Ma-ri thưa với thiên sứ: ‘Tôi chưa ăn
ở với người nam nào thì làm sao có được điều đó?’”
Tại sao cùng một câu thắc mắc
mà Xachari thì bị phạt còn Mari thì không. Phải chăng vì Xachari là “thầy”: “Thưa anh em của tôi, trong anh em không nên
có nhiều người tự lập làm thầy, vì anh em biết rằng hễ là thầy, chúng ta sẽ
phải chịu phán xét nghiêm khắc hơn” (Gia-cơ 3: 1)
Một điểm khác cần lưu ý là
những người được chọn cho Mùa Giáng sinh đầu tiên, không hề cầu xin được Chúa đại dụng. Có thể họ muốn được, muốn có
vinh dự đó nhưng rõ ràng là họ không dám mơ được như thế. Xachari có cầu xin
nhưng chắc hẳn ông chưa từng cầu xin cho đứa con tương lai của mình là người mở
đường, là vị “tiền hô” của Đấng Cứu Thế.
Có thể, các bạn cũng là người
như thế. Bạn biết rằng, “được Chúa đại dụng”, “được Chúa tin dùng”, “được đầy
ơn Chúa” … là quá đỗi tuyệt vời nhưng chưa bao giờ mình “dám mơ, dám mộng”,
chưa từng bao giờ nghĩ đến. Cũng có thể bạn có cầu nguyện bền đỗ cho một người
nào đó, một việc hay một điều gì đó, … nhưng chưa từng bao giờ nghĩ rằng con
người, công việc hay điều mà mình cầu xin đó sẽ trở thành một sự tỉnh thức cho
cả một dân tộc, một quốc gia (?)
Nếu thật như thế thì bạn cần
phải biết rằng, Chúa là Đấng làm trỗi hơn vô cùng điều chúng ta cầu xin và suy
tưởng (Epheso 3: 20); rằng ý tưởng của Ngài không phải là ý tưởng của chúng ta,
cách hành xử của Ngài vượt trỗi hơn vô cùng cách hành xử của chúng ta, thật
chẳng khác chi đất thấp hơn trời (Esai 55: 8-9)!
Như vậy, rõ ràng Chúa chọn một
người không phụ thuộc vào việc người đó
là ai. Thế thì sự chọn lựa của Chúa căn cứ trên cơ sở nào? – Sự chọn lựa của
Chúa tuỳ thuộc vào lòng nhân từ của Ngài
“Đừng Sợ”, “hỡi người được ơn”
là những cụm từ mà sứ giả của Đức Chúa Trời thông báo cho những người được Chúa
chọn. Điều đó bày tỏ ý nghĩa: “Hỡi người được Đức Chúa Trời thương xót”.
Chúa chọn chúng ta không phải
vì chúng ta là người thế nào, là người tốt, học giỏi, có tài hay con nhà giàu
có mà là vì chúng ta đáng được thương xót, vì chúng ta cần được thương xót.
“Không những thế, khi Rê-bê-ca mang thai đôi
bởi một người là Y-sác, tổ phụ chúng ta; dù hai con chưa được sinh ra, chưa làm
điều lành hay điều dữ nào — để duy trì mục đích của Đức Chúa Trời trong việc
lựa chọn, không tùy thuộc vào việc làm nhưng tùy thuộc Đấng kêu gọi — thì người
mẹ đã được bảo trước rằng: “Đứa lớn sẽ phục dịch đứa nhỏ.” Như đã có chép: “Ta
yêu Gia-cốp nhưng ghét Ê-sau.” Vậy chúng ta sẽ nói thế nào? Có phải Đức Chúa
Trời bất công không? Không hề như vậy! Vì Ngài phán với Môi-se: ‘Ta sẽ nhân từ
với người nào Ta muốn nhân từ, Ta sẽ thương xót người nào Ta muốn thương xót’. Vậy
điều đó không tùy thuộc vào ước muốn hay sự bôn ba của con người, mà bởi sự
thương xót của Đức Chúa Trời.” (Rom. 9: 10-16)
Đức Giê-hô-va tỏ lòng yêu mến và chọn lựa anh em không phải vì
anh em đông hơn mọi dân khác, thật ra anh em là dân tộc ít nhất trong các dân
tộc (Phục Truyền 7: 7)
Vì Chúa là Đức Chúa Trời
luôn thương xót (Thánh Thi 86: 15), nên
bạn và tôi có tràn trề cơ hội để được chọn. Vì Chúa là Đức Chúa Trời hay thương
xót, nên dù bạn là ai, tin Chúa bao lâu, đảm đương trọng trách gì trong Hội
thánh thì vẫn tràn trề hy vọng được Chúa tin dùng trong Mùa Giáng sinh này.
II.
Chúa Chọn Mỗi Người Cho Những Công Việc, Nhiệm Vụ Khác
Nhau.
Chúng ta không được kêu gọi
làm cùng một công việc. Xachari & Elisabet được chọn để làm cha mẹ của
Giăng Báp-tít, người dọn đường cho Chúa Cứu Thế. Mary được chọn để mang thai
Chúa Giê-xu, còn Giô-sép thì được chọn
để nuôi dưỡng Chúa Giê-xu. Như vậy, Mary và Giô-sép được chọn để chuẩn bị nhân vật chính cho Đức Chúa Trời.
Không hề có công việc nào quan
trọng hơn, cao trọng hơn công việc nào. Không có chuyện việc của người này quý
hơn việc của người kia. Mọi công việc Chúa giao phó đều có giá trị, đều được
tôn trọng như nhau ở trước mặt Chúa.
Có thể, bạn đang đợi một nhiệm
vụ trọng đại, một “giờ khắc lịch sử” của đời mình. Hãy nhớ rằng, công việc vĩ
đại là công việc mà Chúa thật sự giao cho bạn. Hãy làm (chớ không phải đợi) cho
trọn, cho tốt, cho xuất sắc công việc
đó. Vấn đề nằm ở chỗ: bạn đã biết điều gì Chúa muốn bạn làm, việc gì Chúa muốn
bạn tham gia trong Mùa Giáng sinh này chưa?
Vì Đức Chúa Trời là Đấng biết
hết mọi sự (khả năng, hoàn cảnh, …) nên việc gì Chúa giao cho ai là phù hợp cho
người đó, ở thời điểm, hoàn cảnh đó. Elisabet không ước muốn được thực hiện
nhiệm vụ của Mary (mang thai Chúa Giê-xu) vì Elisabet không thể là Mari và
ngược lại.
Chúng ta không thể là người
khác và ngược lại người khác không thể là chúng ta, nên đừng đòi hỏi người khác
phải được như mình, phải làm được những công việc như mình trong Mùa Giáng sinh
này và cũng đừng tự định tội mình, nếu trong Mùa Giáng sinh này mình không làm
cùng một công việc giống như người khác. Đừng cố gắng làm những công việc mà
Chúa không gọi bạn làm nhưng hãy làm cho trọn những gì mà Chúa muốn bạn làm
trong Mùa Giáng sinh năm nay.
Như vậy, mỗi người đều được
Chúa chọn để làm những công việc, những nhiệm vụ khác nhau. Và công việc nào từ
Chúa cũng mang lại sự vui mừng
Công việc Chúa giao cho mỗi
người trong Mùa Giáng sinh khác nhau, mức độ phức tạp, hy sinh, … khác nhau.
Nhưng có một điểm chung là nếu người được giao việc ý thức được rằng, công việc
đó đến từ Chúa thì người luôn có sự vui mừng, luôn có sức để “chịu trận”, để
vượt qua những thách thức khác nhau trong quá trình thực thi sứ mạng, mà người
không được kêu gọi không có cách gì chịu nỗi.
Nếu không được kêu gọi, tức là
người ngoài cuộc, thì bạn không cách gì hiểu được tại sao người này, người kia
(những người được Chúa kêu gọi) lại có thể “siêng” đến thế, “chăm” đến thế; tại
làm sao họ lại có thể làm được những việc vất vã, nặng nề, khó nhọc, … và thậm
chí “nhục” đến thế. Vì cớ không hiểu được tại sao, nên nhiều người đã vội đoán
xét, nghĩ xấu, xuyên tạc công khó hay lòng hy sinh không vụ lợi của người khác.
Đó chính là lý do mà Elisabet,
rồi Mary – những người được Chúa chọn lựa – đã bất chấp những thách thức đang
chờ đón đã “xuất khẩu thành thơ”, tôn tụng Thiên Chúa, và những thi phẩm đó đã
được truyền lưu cho hậu thế. Đó cũng chính là lý do, mà Giô-sép không chỉ vâng
mạng Thiên Chúa cưới Mary, người vợ hứa đã có thai không phải với mình, mà còn
không sinh hoạt vợ chồng ít nhất là tròn cả năm sau ngày cưới!
Vậy, công
việc của bạn đang làm hoặc sắp làm cho Mùa Giáng sinh có còn đem lại cho bạn
niềm vui, có còn đem lại cho bạn năng lực để vượt qua thử thách? Điều bạn cần
hỏi chính mình là bạn có còn cho rằng công việc mà mình đang làm là do Chúa
giao phó không. Nếu thật sự đó là công việc mà Chúa giao cho bạn thì chắc chắn
bạn sẽ hoàn thành. Và nếu nó được Chúa giao cho bạn thì cần phải luôn luôn ghi
nhớ rằng, không phải con người hay hoàn cảnh mà là chính công việc hay nhiệm vụ
đó mới đem lại cho bạn niềm vui.
Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh hay
định tội người khác, hãy tập chú vào công việc, nhiệm vụ được giao thì môi
miệng bạn sẽ không thiếu những lời ca “xuất thần” dâng lên Thiên Chúa như
Elisabet hay Mary đã làm trong Mùa Giáng sinh thuở đầu tiên.
III. Người Được Chọn Có
Quyền Đồng Ý Hoặc Không Đồng Ý Đối Với Sự Chọn Lựa Của Đức Chúa Trời Dành Cho
Mình.
Tuy là Đấng cầm quyền tể trị
trên khắp muôn loài vạn vật nhưng Chúa luôn tôn trọng quyền tự do của mỗi chúng
ta. Qua sứ thần Gáp-ri-ên, Chúa tỏ cho Mary biết rằng, Ngài chọn cô để mang
thai Chúa Cứu Thế. Nhưng điều đó không có nghĩa là Mary đã bị tước mất quyền
lựa chọn. Mary có quyền nói ‘không’. Mary có quyền từ chối sự chọn lựa của
Chúa.
Điều này cũng tương tự như khi
thiên sứ truyền đạt ý muốn của Đức Chúa Trời cho Giô-sép trong giấc mơ vậy. “Hỡi Giô-sép con dòng Đa-vít, ngươi chớ ngại
cưới Ma-ri làm vợ, vì thai mà nàng đang mang đó là bởi Đức Thánh Linh. Nàng sẽ
sinh một con trai; ngươi hãy đặt tên là Jêsus, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân
mình ra khỏi tội” (Mathiơ 1: 20-21).
Chúa không bắt ép Giô-sép phải
cưới Mary. Anh ấy có quyền chọn lựa: làm theo ý Chúa hay không làm theo.
Chúa mà chúng ta đang thờ
phượng là như thế. Ngài luôn tôn trọng quyền tự do chọn lựa của mỗi chúng ta.
Chính vì vậy mà ngày hôm nay còn có biết bao nhiêu người, dù biết Chúa là tốt
lành nhưng vẫn tiếp tục xây lưng lại với Chúa, từ chối Chúa.
Tại sao Chúa lại để cho họ làm
như thế? – Câu trả lời là vì Chúa tôn trọng quyền tự do chọn lựa của mỗi một
người. Khá nhớ rằng, chính quyền tự do chọn lựa – một đặc quyền mà Chúa ban cho
con người – khiến một người mới thực sự là … người. Chính quyền tự do chọn lựa
khiến loài người trở nên khác với loài vật.
Thế thì, vì chúng ta là người
nên “đừng dại dột cứng cổ như ngựa, như
la, phải dùng hàm thiếc, dây cương mới chịu vâng phục” (Thánh thi 32: 9).
Thế thì, bạn có toàn quyền
trong việc đồng ý hay từ chối sự chọn lựa của Đức Chúa Trời. Chúa không bắt ép
bạn phải dâng hiến, Ngài không buộc bạn phải hy sinh, phải thế này, phải thế
kia, mà nếu không như thế thì sẽ bị phạt thế này, thế nọ. Đức Chúa Trời của
Cơ-đốc giáo không bao giờ là như thế. Ngài sẵn sàng tỏ cho bạn biết kế hoạch
của Ngài dành cho bạn, cho lối sống của bạn, cho hôn nhân của bạn, cho tài
chánh của bạn, … nhưng bạn có quyền chấp nhận, tin theo hay từ chối.
Ngày nay, ta bắt trời và đất làm chứng cho các ngươi rằng ta đã
đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, sự phước lành và sự rủa sả. Vậy, hãy
chọn sự sống, hầu cho ngươi và dòng dõi ngươi được sống. (Phục truyền 30: 19).
Mary có quyền chọn lựa, và cô
đã chọn thuận theo ý Chúa. “Tôi đây là tớ
gái của Chúa. Xin điều ấy xảy đến cho tôi như lời ngài truyền!” (Luca 2:
38). Mary đã có một chọn lựa đúng.
Điều gì xảy ra sau đó? – Qua
môi miệng Elisabeth, Chúa xác nhận rằng, Mary là người có phước. “Cô thật có phước trong giới phụ nữ, thai
nhi trong bụng cô cũng được phước. … Phước cho
cô đã tin, vì lời Chúa phán với cô sẽ được ứng nghiệm!” (Luca 2: 42-45)
Một bản dịch khác, dịch câu 45
thế này: “Phước thay cho người tin rằng
Chúa sẽ thực hiện những điều Ngài đã phán với mình”.
Mary được xác nhận là người có
phước. Khi được Chúa chọn để mang thai Giê-xu thì Mary được kể là “người được
ơn”, tức là người được Chúa thương (dù không xứng đáng), nhưng sau khi Mary
thưa vâng với Chúa, chấp thuận kế hoạch của Ngài thì cô liền được kể là người
có phước!
Mary không được kể là người có
phước khi được Chúa chọn để mang thai Đấng Cứu Thế, mà chỉ được xác nhận là có
phước kể từ lúc cô đồng ý làm việc đó mà thôi.
Thế thì anh chị em yêu dấu của
tôi ơi, anh chị em chỉ thật sự là một người có phước khi và chỉ khi anh chị em
gật đầu đồng ý, cho phép Chúa làm công việc của Ngài qua đời sống của anh chị
em mà thôi.
Phước thay cho những người
đồng ý với sự chọn lựa của Đức Chúa Trời. Không phải chỉ một mình người bà con
của Mary là Elisabeth xác nhận cô ấy có phước, mà là “muôn đời sẽ khen cô là người có phước” (Luca 2: 48). Mary, một
người con gái thôn quê, bình dị đã thật sự nếm trãi được phước hạnh dư dật từ
thiên đàng đến trên đời sống mình, kể từ khi cô thưa ‘vâng’ với Chúa. Còn bạn
và tôi thì sao? Chúa đang chờ nghe câu trả lời chân thật từ nơi tấm lòng của
mỗi chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét