Đoạn 2 thơ Gia-cơ từ
câu 14 đến 26 được dành riêng nói về đức tin. Chúng ta sẽ chia phân đoạn Kinh
Thánh này thành sáu phần chính và lần lượt phân tích từng phần một.
Phần 1, gồm các câu
14-17: Lời Tuyên Xưng Suông
Thưa anh chị em, nếu có ai bảo mình
có đức tin nhưng không hành động thì có ích gì không? Đức tin ấy cứu người đó
được không? Nếu gặp anh chị em nào đó thiếu cơm ăn áo mặc, mà có người bảo:
“Chúc anh chị bình an! Cứ mặc cho ấm, ăn cho no nhé!” Nhưng không cung ứng cho
họ nhu cầu thể xác, thì có ích lợi gì? Đức tin cũng thế, nếu đức tin không có
hành động thì tự nó chết đi.
Hãy lưu ý, Gia-cơ mô tả
một người nói rằng mình có đức tin.
Nói cách khác, người này chỉ có đức tin trên môi miệng, chớ không có trong việc
làm. Gặp những anh em đang lâm vào cảnh thiếu thốn vật chất, người này chỉ có lời
an ủi suông, chớ thực tế thì không giúp gì cả. Điều này nói lên rằng, lời an ủi
của người ấy là rỗng tuếch và không chân thật. Cũng một thể ấy đối với lời
tuyên xưng đức tin của chúng ta. Nếu đức tin không có những hành vi tương ứng cặp
theo, thì nơi chúng ta chỉ còn là những lời nói vô hồn, không còn chút gì của sự
thực hữu bề trong nữa.
Phần 2, câu 18: Thần
Học và Sự Sống
Nhưng có người
sẽ nói: “Anh có đức tin, còn tôi có hành động.” Anh hãy chỉ cho tôi đức tin
không có hành động của anh, rồi tôi sẽ cho anh thấy đức tin bằng hành động của
tôi.
Tôi
luôn xem câu Kinh Thánh này như là một sự thách thức cá nhân. Đức tin của tôi chỉ
là thần học trừu tượng hay tôi phản ánh bằng công việc những gì tôi tin? Thế
gian đã quá mệt mỏi với loại đức tin trừu tượng rồi. Cá nhân tôi tin quyết rằng,
thần học mà không đi vào thực tiển, thì vô ích.
Phần
3, câu 19: Niềm Tin Của Quỷ
Anh tin có một Đức Chúa Trời. Tốt lắm
các ác quỷ cũng tin điều ấy và run sợ.
Đức
tin vào sự hiện hữu của một Chân Thần duy nhất xác nhận tính tôn giáo của nó.
Nhưng điều đó thì chưa đủ, vì thậm chí các quỷ cũng tin và run sợ ! Tôi tin quyết
rằng, ma quỷ tin tất cả những gì được chép trong Kinh Thánh. Chúng còn sùng đạo
hơn khối nhà thần học! Thế nhưng, loại đức tin của chúng còn thiếu điều gì? Câu
trả lời rất đơn giản: Sự Vâng Lời! Mặc dù, Sa-tan và ma quỷ tin rằng, chỉ có một
Đức Chúa Trời, những chúng vẫn tiếp tục loạn nghịch cùng Ngài. Đức tin thật dẫn đến sự thuận phục và vâng lời,
còn nếu khác đi thì đức tin có cũng như không !
Phần
4, các câu 20-24: Gương Của Ap-ra-ham
Hỡi kẻ dại khờ! Anh muốn biết đức
tin không có hành động là vô ích không? Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, chẳng từng
được kể là công chính do hành động hiến dâng con mình là Y-sác trên bàn thờ
sao? Anh thấy đức tin đồng công với các hành động của ông và nhờ các hành động
mà đức tin được kiện toàn, Và lời Kinh Thánh này được ứng nghiệm: “Áp-ra-ham
tin Đức Chúa Trời nên được kể là công chính và được gọi là bạn hữu của Đức Chúa
Trời.” Anh chị em thấy con người được công chính bởi hành động, chứ không phải
chỉ bởi đức tin mà thôi.
Để
hiểu được ý tưởng của thơ Gia-cơ, chúng ta hãy quay trở lại thời điểm quan trọng
trong cuộc đời của vị tổ phụ này. Trong sách Sáng thế ký đoạn 12, Đức Chúa Trời
kêu gọi Ap-ra-ham lìa khỏi U-rơ, thuộc về xứ Canh-đê, để đi đến miền đất mà ông
sẽ được hưởng làm sản nghiệp. Khi Ap-ra-ham đã vâng phục, thì Đức Chúa Trời đem
ông vào đất Ca-na-an. Trong đoạn 15 của sách Sáng Thế Ký, Ap-ra-ham than phiền
với Chúa rằng dù gì đi nữa thì ông không vẫn không có người nối dõi, được sinh
ra bởi chính ông, để thừa hưởng đất đó. Trả lời ông, Đức Chúa Trời đã chỉ vào bầu
trời đầy sao đêm và bảo: “Dòng
dõi con sẽ đông như thế”. Ap-ra-ham phản ứng thế nào? “Áp-ram tin CHÚA, nên
Ngài kể cho người là công chính” (Sáng. 15: 6). Tại thời điểm đó, Đức Chúa Trời
đã kể Ap-ra-ham là công chính mà không căn cứ trên những việc lành ông đã làm,
nhưng chỉ duy nhất trên một lý do là ông đã tin Ngài.
Tuy nhiên, Gia-cơ
không dừng lại nơi đức tin của Ap-ra-ham vào Đức Chúa Trời. Khi đã tin Chúa và
đã được xưng nghĩa chỉ trên cơ sở đức tin, Ap-ra-ham sau đó đã bày tỏ đức tin của
mình trong một loạt các hành động liên tiếp. Trong bảy đoạn tiếp theo của sách
Sáng Thế Ký, chúng ta thấy: thể nào Đức Chúa Trời dẫn Ap-ra-ham từng bước một,
từ hành động vâng lời này đến hành động vâng lời khác, từng bước đem đức tin
ông đến chỗ trọn vẹn trong một giai đoạn 40 năm.
Cuối cùng, trong thời
khắc của cuộc đời, được ký thuật trong đoạn 22, Ap-ra-ham đã đối diện với sự thử
thách đức tin lớn lao nhất: dâng con trai mình là Y-sác làm tế lễ thiêu cho Đức
Chúa Trời. Ông đã thực hiện điều đó (Heb. 11: 17-19), vì tin chắc rằng Đức Chúa
Trời có khả năng khiến Y-sac sống lại từ kẻ chết. Do đó, ông đã đắc thắng trong
sự thử thách này.
Ap-ra-ham chưa được
chuẩn bị cho sự thử thách này ở đoạn 15 sách Sáng Thế Ký. Đòi hỏi phải có một sự
chuẩn bị và tranh chiến đáng kể, cũng như sự vâng lời tiếp theo sau, trước khi ông
có thể đặt Y-sác lên bàn thờ. Gia-cơ giải thích rằng, “đức tin phối hợp với các
hành động, và nhờ các hành động mà đức tin được nên trọn vẹn”. Đức tin luôn là
khởi điểm, không thể có cách khác. Vừa khi được sản sinh, đức tin bắt đầu trãi
qua một loạt các thử thách liên tục, và nó sẽ phản ứng lại với những thử thách
này bằng các hành động vâng lời tương ứng. Mỗi hành động vâng lời sẽ phát triển
và củng cố đức tin và như thế, nó chuẩn bị đức tin cho thử thách tiếp theo. Rồi
cuối cùng, qua hàng loạt thử thách và hành động vâng lời như thế, thì đức tin sẽ
tăng trưởng và nên trọn vẹn.
Phần 5, câu 25: Gương
Của Ra-háp
Cũng vậy, kỵ nữ Ra-háp không phải được
kể là công chính bởi hành động sao? Nàng đã tiếp đãi các sứ giả và đưa họ ra đi
theo một con đường khác.
Ra-háp
được Gia-cơ chọn làm ví dụ cuối cùng cho mối tương quan giữa đức tin và việc
làm. Chuyện về được ký thuật trong sách Giô-suê 2: 1-22 và 6: 21-25. Tôi thích
câu chuyện này, vì cớ nó cho thấy rằng luôn có hy vọng cho những người tuyệt vọng.
Ra-háp là một phụ nữ đầy tội lỗi, người ngoại bang, sống tại Giê-ri-cô, thành
phố đã bị Đức Chúa Trời định cho sự hủy diệt. Thế nhưng, nhờ đức tin của mình,
cô ấy đã cứu được chính mình, cả nhà mình và được nhận làm dân tuyển của Chúa,
rồi lấy một người chồng mà về sau ông bà trở thành tổ phụ, tổ mẫu của Chúa
Giê-xu Christ (Mathiơ 1: 5).
Thế
nhưng, đức tin của Ra-hap không chỉ là lời tuyên xưng suông, mà còn được thể hiện
trong những hành động tương ứng. Cô rước hai thám tử của Giô-suê vào nhà, và
khi họ bị nguy hiểm thì cô liều mạng sống của mình mà giấu họ trên mái nhà. Trước
khi hai thám tử rút đi, Ra-háp đã giao hẹn với họ: “Tôi đã cứu mạng sống quý vị,
đổi lại, xin quý vị hãy cứu tôi và gia đình tôi”. Các thám tử đã đồng ý và thề
nguyện là sẽ thực hiện như vậy. Trên thực tế, họ đã thề nguyện nhân danh Chúa,
vì cớ thành phố Giê-ri-cô đã bị Chúa định cho sự hủy diệt cách siêu nhiên
(Giô-suê 6: 20). Sau khi đã kết ước, Ra-hap lại một lần nữa liều mạng sống
mình, khi thả hai thám tử từ cửa sổ.
Trước
khi rút đi, các thám tử đã nói cùng Ra-hap lời dặn dò cuối cùng: “Nếu muốn được
cứu, cô hãy cột sợi dây thừng màu đỏ nơi cửa sổ nhà mình. Nếu nơi cửa sổ nhà cô
không có sợi dây thừng, thì cô sẽ không được cứu đâu”. Sợi dây thừng màu đỏ nói
lên một điều gì đó. Nó là bằng chứng cho đức tin của Ra-hap nơi lời hứa của các
thám tử. Còn đối với chúng ta, dưới ánh sáng của Tân Ước, sợi thừng màu đỏ là
hình bóng tuyệt vời cho lời tuyên xưng của đức tin chúng ta nơi huyết Chúa
Giê-xu.
Câu
chuyện của Ra-háp minh họa cách rõ ràng mối tương quan giữa đức tin, lời tuyên
xưng và những hành động tương ứng. Ra-háp tin nơi những thám tử rằng, thành
Giê-ri-cô đã bị định cho sự hủy diệt. Cô cũng tin nơi lời hứa giải cứu của họ đối
với chính mình và với gia đình của mình. Nhưng chừng đó chưa đủ, Ra-háp còn cần
phải xưng nhận đức tin của mình khi buộc sợi dây thừng màu đỏ nơi cửa sổ. Bấy
nhiêu đó cũng chưa đủ, cô còn cần phải hành động tương xứng với đức tin của
mình, thậm chí liều mạng sống của mình, mà đầu tiên là giấu các thám tử trên
mái nhà, và sau đó là thả họ xuống theo lối cửa sổ nhà mình. Vì thế, sợi dây thừng
màu đỏ cũng cần phải được buộc vào ngay chính ô cửa sổ đó. Sợi dây thừng này sẽ
không cứu được Ra-hap, nếu như cô đã không dùng chính ô cửa sổ này để cứu mạng
các thám tử. Câu chuyện Ra-hap tỏ rõ mối tương quan giữa ba hiện tượng: đức
tin, lời tuyên xưng và những hành động tương ứng.
Phần
6, câu 26: Kết Luận
Xác không hồn thì chết, đức tin
không hành động cũng chết như vậy.
Gia-cơ kết thúc sự
phân tích của mình bằng một nhát cắt, nhưng mang tính loại suy rỏ ràng: đức tin
mà không có hành động cặp theo thì chỉ là một xác chết. Nó có thể là một xác ướp,
được bảo quản trong một hình thức tôn giáo vô cùng long trọng, nhưng dù gì đi nữa
thì cũng chỉ là một xác chết mà thôi. Chỉ có tâm linh mới khiến cho thân xác sống
động. Cùng một cách như thế, chỉ có việc làm, tức là những hành động tương ứng,
mới có thể khiến cho đức tin sống động mà thôi.
(Derek Prince - Sống Bởi Đức Tin)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét