Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

SỰ DẪN DẮT THIÊN THƯỢNG

Nói đến Giáng sinh là nói đến việc Thiên Chúa trở thành người để cứu độ nhân loại. Chúa đã trở thành người để con người có thể gặp Ngài. Thiên Chúa toàn năng đã chủ động hoàn toàn trong việc bày tỏ chính mình cho nhân gian, cũng như trong việc hướng dẫn những người được chọn tìm gặp được chính Ngài. Hôm nay, chúng ta cùng suy gẫm với nhau về sự dẫn dắt thiêng thượng, trong tinh thần vọng Giáng sinh qua phân đoạn Kinh Thánh Mathiơ 2: 1-12.
     I. Sự Dẫn Dắt Thiên Thượng Luôn Sẵn Dành Cho Những Người Có Lòng Tìm Kiếm (Thành Tâm)
Tại nhiều quốc gia Trung Đông và Nam Á thời bấy giờ, nhà vua luôn sử dụng những học giả uyên thâm trong ban cố vấn của mình. Đây là những chuyên gia trong lĩnh vực thiên văn học cũng như chiêm tinh học (buổi ban đầu không có sự phân biệt như bây giờ) và là những người góp phần quan trọng trong các quyết sách của quốc gia. Những nhà thông thái trong phân đoạn Kinh Thánh này là những người như thế.
Kinh Thánh không cho chúng ta biết bằng cách nào mà những nhà thông thái Đông Phương nhận biết rằng “ngôi sao” mà họ nhìn thấy là báo hiệu về một vị Vua Do Thái mới ra đời. Chắc chắn là có nhiều học giả Đông phương nhìn thấy “ngôi sao lạ” này nhưng chỉ có mấy vị này – theo truyền thống là có 3 – hiểu được huyền nhiệm của nó.
Tôi thấy Ngài, nhưng chẳng phải bây giờ. Tôi trông Ngài, nhưng không phải ở gần; Một ngôi sao hiện ra từ Gia-cốp, Một vương trượng sẽ trỗi dấy từ Y-sơ-ra-ên; Ngài sẽ đập vỡ màng tang của Mô-áp, Và vương miện của dòng dõi Sết (Dân số ký 24: 17)
“Vậy ngươi hãy biết và hiểu rằng từ khi lệnh phục hồi và xây lại Giê-ru-sa-lem cho đến khi Đấng Chịu Xức Dầu xuất hiện, thì được bảy tuần lễ và sáu mươi hai tuần lễ. Thành đó sẽ được xây lại, có đường phố và chiến hào, ngay trong thời kỳ khó khăn” (Đa-ni-ên 9: 25)
Nhiều người cho rằng, những nhà thông thái Đông phương đã căn cứ vào những lời tiên tri trên mà luận ra như thế.
Kinh thánh không cho chúng ta biết cách rỏ ràng về điều này. Song có một điều chắc chắn là những người này đã nhận được sự mạc khải thiên thượng. Không biết bằng cách nào nhưng rõ ràng, họ đã không sai lầm khi đến Israel để tìm Cứu Chúa.
Họ nhận được mạc khải không phải vì họ là nhà thông thái (người khôn ngoan, có học thức) mà là vì họ THÀNH TÂM. Hành trình của họ từ vùng I-ran, I-rắc ngày nay đã bày tỏ tấm lòng của họ. Của lễ họ cung hiến nói lên sự chân thành của họ.
Như vậy, bất kỳ ai thành tâm, có lòng tìm kiếm Chúa – dù là học giả hay binh lính, anh chăn chiên hay nhà tiên tri, là dân ngoại hay dân Chúa; dù người đó đang ở đâu, làm bất cứ việc gì, … –  thì cũng đều có cơ hội gặp được Ngài.
“Các con sẽ tìm Ta và gặp được, khi các con tìm kiếm Ta hết lòng” (Giê-rê-mi 29: 13)
Thật ra, không phải con người mà là chính Chúa đang tìm kiếm những người có lòng như thế
“Vì mắt của Đức Giê-hô-va soi xét khắp thế gian để giúp sức cho người nào trọn lòng đối với Ngài” (II Sử ký 16: 9)
“Giờ sắp đến và đã đến rồi, khi những người thờ phượng chân thật sẽ thờ phượng Cha bằng tâm linh và chân lý; ấy là những người thờ phượng mà Cha tìm kiếm” (Giăng 4: 23).
Abraham, Môi-se, Đavit, Giô-sép, Mary, … là những người có lòng nên Đức Chúa Trời đã không ngần ngại mà chọn họ, dùng họ để thực thi kế hoạch của Ngài trên đất.
Còn bạn thì sao? Bạn có còn thành tâm với Chúa, bạn có còn son sắt với Ngài. Mỗi buổi mai và mỗi buổi chiều, bạn có còn hướng “tâm hồn lên”, bạn có còn “tìm kiếm những việc thiêng thượng”, bạn có còn khao khát sự hiện diện sống động của Chúa ngay chính trong tâm linh mình không?
Nếu còn, thì bạn là người Chúa đang tìm; nếu còn thì những gì đã xảy ra với những nhà thông thái, những gì đã xảy ra với Abraham, với Môi-se, với Đa-vit, với Giô-sép, với Mary, cũng như với bao người trong Thánh kinh, cũng chắc chắn sẽ xảy ra với chính bạn ngay trong mùa Giáng sinh này. Tức là bạn được Chúa chọn để trở nên người thờ phượng thật, để được gặp chính Ngài.
II.    Mọi Sự Soi Dẫn (Mạc Khải) Thiên Thượng Đều Dẫn Đến Việc Thờ Phượng (Tôn Vinh, Chúc Tụng, Cảm Tạ) Đức Chúa Trời.
Đối tượng mà các nhà thông thái Đông Phương thờ lạy là em bé Giê-xu, chớ không phải là mẹ Mary và nghi thức quỳ lạy chỉ dành cho một mình “bé” Giê-xu chớ không phải cho cả hai mẹ con!
Hãy tưởng tượng những nhà trí thức Đông Phương danh giá lại quỳ mọp trước một em bé, lại là một em bé con nhà nghèo, sống ở miền quê!
Có 3 trường hợp có thể xảy ra qua hành động này. Trước hết, những nhà trí thức này quỳ lạy bé Giê-xu vì muốn lấy lòng ai đó. Mà ngoài Mary (và có thể có cả Giô-sép) thì ở đó còn có ai đâu để họ lấy lòng. Mà nếu họ muốn lấy lòng Mary – một cô gái quê nghèo, khác chủng tộc với họ - thì nhằm mục đích gì?
Điều này cũng tương tự như ngày nay, người ta thường nói mấy người theo Chúa là bị dụ dỗ. Nhưng dụ dỗ mấy người nghèo là để lấy cái gì của họ cơ chứ?
Nếu không phải như thế thì mấy ông trí thức Đông Phương này chắc là học quá hoá rồ (khùng), trông gà hoá cuốc, nhìn thấy quạ mà cứ ngỡ thiên nga. Thế nhưng cái cách họ vào cung vua Hê-rốt để hỏi về Ấu Chúa chứng tỏ rằng họ đâu có khùng, thậm chí quá khôn là đằng khác.
Vậy nếu hai trường hợp trên là sai thì chỉ còn duy nhất một kết luận: em bé đó (Giê-xu) thực sự là Vua, không chỉ là vua của người Do thái mà còn là Vua của mọi dân tộc.
Trong mắt của người đời thì việc những người trí thức mà đi quỳ lạy Hài nhi Giê-xu là RỒ DẠI, thế nhưng đối với Đức Chúa Trời thì đó lại là một việc làm khôn ngoan. Vì điều xem như điên rồ của Đức Chúa Trời còn khôn ngoan hơn loài người; … Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những điều dại dột ở thế gian để làm hổ thẹn những người khôn ngoan; Đức Chúa Trời đã chọn những gì yếu đuối ở thế gian để làm hổ thẹn những người mạnh mẽ. (I Corinhto 1: 25-27). Bởi vì, sớm hay muộn thì “mọi đầu gối trên trời, dưới đất và bên dưới đất đều phải quỳ xuống trước mặt Giê-xu” (Philip 2: 10).
Thà quỳ trước mặt Giê-xu hôm nay để được tha thứ, để hưởng được hồng ân cứu rỗi, còn hơn là đến ngày cuối cùng rồi cũng phải quỳ trước Ngài nhưng để chịu án “chung thân” nơi hồ lửa đời đời.
Lạy Hài nhi đã bị coi là RỒ, còn dâng vàng, nhủ hương, một dược cho một đứa bé lại càng rồ hơn. Nên nhớ rằng, đây là những nhà thông thái, tức là những người khôn. Có phải họ dâng số báu vật này cho Chúa để được một điều gì đó phải không? Nếu đúng là như thế, thì hoá ra họ đang hối lộ Chúa chớ có tốt lành gì.
Tiếc là, sự thật thì không phải như thế. Vàng, nhủ hương, mộc dược là TẤM LÒNG, là thiện tâm của họ dành cho Chúa. Đó là những cống phẩm, lễ vật xứng đáng … dành cho một vị vua, dầu cho vị vua đó vẫn còn đang ẳm ngữa.
“Vì của cải các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó” (Mathiơ 6: 21)
Tấm lòng luôn đồng nghĩa với Tình yêu. Nhiều khi ta yêu Chúa hết sức, hết trí, hết linh hồn nhưng … không hết túi tiền. Cách chúng ta nộp 1/10, cách chúng ta dâng tiền cho công việc Chúa, giúp đỡ anh em mình chỉ cho chúng ta thấy được chúng ta yêu Chúa cỡ nào.
Đã bao nhiêu lần bạn đến thờ phượng Chúa với số tiền chuẩn bị sẳn để dâng cùng một tấm lòng rộn rả vui mừng? Những điều bạn đã dâng cho Chúa có phải là điều tốt nhất, là những của lễ tự nguyện và thật sự vui mừng?
Của dâng không bằng cách dâng, của cho không bằng cách cho. Bạn có biết Đức Chúa Trời yêu loại người dâng hiến nào không? – Những người dâng hiến cách vui mừng, tức là những người tự nguyện; những người thấy việc dâng hiến là cơ hội, là “được dâng” chớ không phải “bị dâng”.
Bạn có yêu Chúa hơn … số tiền mà bạn đang có trong túi không? Bạn có yêu Chúa hơn số tiền thu nhập hàng tháng không? Nếu Chúa không còn cho bạn số tiền đó hoặc hơn số đó, bạn có còn gắn bó với Ngài nữa không?
Nói đến Giáng sinh là nói đến tinh thần thờ phượng. Mà nói đến thờ phượng là nói đến sự hy sinh: hy sinh cái tôi ích kỷ, kiêu ngạo, tham lam; hy sinh những gì mình đang sở hữu – không phải vì bổn phận hay vì trách nhiệm mà là YÊU.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét