Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

LƯỢNG ĐỨC TIN

Khi xem xét những biểu hiện thực tế của đức tin trong đời sống cơ-đốc, chúng ta cần phải chú ý đến những gì Phao-lô đã dạy trong Roma 12: 1-8 liên quan đến “lượng đức tin”:
Thưa anh chị em, vì thế tôi nài xin anh chị em, do lòng thương xót của Đức Chúa Trời, hãy dâng hiến chính mình như những sinh tế sống, thánh khiết, đẹp lòng Đức Chúa Trời, đó là sự thờ phượng hợp lẽ của anh chị em. Đừng rập khuôn theo đời này, nhưng hãy được biến hóa bởi sự đổi mới tâm trí, để thử nghiệm cho biết ý định tốt lành, trọn vẹn và đẹp lòng Đức Chúa Trời. Vì nhờ ân sủng Chúa ban cho tôi, tôi xin nói với mỗi người trong anh chị em: Đừng nghĩ về mình cao quá, nhưng hãy bình tâm suy nghĩ, đúng theo lượng đức tin Đức Chúa Trời đã ban phát cho mình. Vì như trong một thân thể, ta có nhiều phần, nhưng tất cả các phần không có cùng một chức năng, cũng thế, dù chúng ta đông người, nhưng chỉ có một thân thể trong Chúa Cứu Thế và mỗi người là các phần của nhau. Ta được ân tứ khác nhau theo ân sủng Chúa; ai được ân nói tiên tri, hãy nói theo lượng đức tin; ai phục vụ, hãy tận tâm phục vụ; ai dạy dỗ hãy chăm mà dạy dỗ; ai được ân khích lệ, hãy khích lệ anh chị em; ai được ân ban phát hãy rộng rãi ban phát; ai được ân lãnh đạo, hãy chuyên cần lãnh đạo; ai làm việc từ thiện, hãy hăng hái mà làm.
Phao-lô bắt đầu đoạn này bằng từ “vậy”. Có ai đó đã nói rằng, nếu bắt gặp từ “vậy” trong Kinh Thánh, thì chúng ta cần phải biết những gì đã được đề cập trước nó. Bởi vì, từ này, tự thân nó đã thể hiện sự liên quan đến kết quả rồi. Trong trường hợp này, nó liên quan đến tất cả những gì Phao-lô đã nói trong 11 đoạn trước đó. Từ đoạn 1 cho đến đoạn 8, ông giải thích thể nào sự chết của Đấng Christ trên thập giá đã chuộc chúng ta cách trọn vẹn khỏi tội lỗi và những hậu quả khủng khiếp của nó, một lần đủ cả. Từ đoạn 9 cho đến đoạn 11, ông đề cập đến thể nào Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục bày tỏ ân điển vô hạn và sự chịu đựng bền bỉ của Ngài đối với dân Y-sơ-ra-ên, tuyển dân của Chúa theo Cựu Ước, bất chấp sự kiêu ngạo và mù lòa của họ.
Kết cuộc, sau khi giải luận về sự thương xót của Đức Chúa Trời đối với dân Do-thái cũng như đối với dân ngoại, Phao-lô nói: “Vậy, …”. Với tất cả những gì Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta như thế, vậy thì đâu là “sự thờ phượng hợp lẽ” mà chúng ta cần phải có đối với Ngài? Điều nhỏ nhất mà Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi chúng ta là gì? Đó là dâng “thân thể mình làm của lễ sống và thánh, một của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời” – tức là đặt chính mình trên bàn thờ Chúa một cách trọn vẹn và không điều kiện. Khi đề cập “của lễ sống” là Phao-lô muốn nói đến sự tương phản giữa sự hiến tế của chúng ta với việc dâng sinh tế trong thời Cựu ước, nơi mà các con vật trước khi được hiến tế, đều phải bị giết thịt. Trong thời Tân ước, chúng ta cũng bị đòi buộc phải dâng chính thân thể mình cho Chúa cách dứt khoát và trọn vẹn như thế. Song khác biệt là thân thể chúng ta không bị giết chết như các con thú khi xưa. Chúng ta thờ phượng (hầu việc) Đức Chúa Trời bằng sự sống của thân thể, chớ không phải bằng sự chết của nó.
Sự hiến thân như thế với tính chất của lễ sống là sự phó dâng trọn vẹn cho Chúa. Đây là nấc thang đầu tiên trên con đường đi vào trung tâm điểm của ý muốn Đức Chúa Trời và sự chu cấp của Ngài. Trước tiên, chúng ta thay đổi tất cả phong cách sống của mình. Chúng ta chấm dứt với việc “rập khuôn theo đời này”, và “được biến hóa”. Sự biến hóa này không bắt đầu với những giáo luật, tức là tập hợp những qui định nhằm hướng dẫn cách hành xử của chúng ta trong những lĩnh vực như ăn mặc, trang điểm, giải trí, … Nó được bắt đầu bằng sự thay đổi bên trong tâm trí của chúng ta. Tâm trí hay tư duy của chúng ta “được đổi mới”. Mọi quan niệm, thang giá trị cũng như thứ tự ưu tiên của chúng ta đều chịu sự thay đổi.
Trước đó, trong Roma 8: 7, Phao-lô tỏ cùng chúng ta rằng, “tâm trí theo xác thịt là thù nghịch với Đức Chúa Trời; vì nó không thuận phục kinh luật của Đức Chúa Trời …” Cụm từ “tâm trí theo xác thịt” mô tả cách suy nghĩ vốn là cố hữu của tất cả chúng ta, cũng chính từ bản tánh tội lỗi và phản loạn của chúng ta mà ra. Tâm trí như thế, đang thực sự chống nghịch với Đức Chúa Trời. Trong quan hệ đời thường, không khi nào người ta giao những vật quan trọng hay quý báu cho kẻ thù mình cất giữ cả. Cũng một thể ấy, chừng nào tâm trí của chúng ta còn thù nghịch với Đức Chúa Trời thì Ngài cũng không trao phó cho chúng ta những báu vật tuyệt vời đâu. Chỉ khi nào tâm trí của chúng ta được hòa lại với Đức Chúa Trời thông qua việc đầu phục; chỉ khi nào nó chấm dứt việc thù nghịch với Ngài và liên tục “được đổi mới” bởi Đức Thánh Linh; chỉ có tâm trí được đổi mới mới có khả năng tiếp nhận sự bày tỏ về “ý muốn của Đức Chúa Trời”, tức là kế hoạch đặc biệt của Ngài sẵn dành cho mỗi một chúng ta mà thôi. Có ba phương diện trong ý muốn của Đức Chúa Trời và những phương diện này được bày tỏ cho chúng ta tùy theo mức độ đổi mới ngày càng hơn của tâm trí chúng ta. Phương diện thứ nhất cho thấy ý muốn của Đức Chúa Trời là “tốt lành”: chúng ta khám phá ra rằng, Ngài chỉ muốn cho chúng ta những điều tốt lành mà thôi. Phương diện thứ hai bày tỏ rằng ý muốn của Đức Chúa Trời là “đẹp lòng”: càng hiểu nó chừng nào, chúng ta càng thấy nó đẹp lòng, vừa ý mình, (tức là dễ tiếp nhận) chừng nấy. Phương diện thứ ba – ý muốn của Đức Chúa Trời là “trọn vẹn”: đây là sự cung ứng đầy đủ trọn vẹn cho mọi lĩnh vực của đời sống chúng ta.
Một tâm trí được đổi mới như thế sẽ không nghĩ về mình nhiều hơn mức cần thiết. Chúng ta sẽ không còn kiêu ngạo, ích kỷ và tự tin quá mức; cũng sẽ không còn mơ mộng hão huyền hay tự lừa dối chính mình. Chúng ta sẽ bắt đầu lập luận đúng đắn và thể hiện tâm trí của Đấng Christ, là Đấng đã từng thưa cùng Chúa Cha rằng: “Xin ý Cha được nên”. Lúc bấy giờ, kế hoạch và mục đích của Đức Chúa Trời sẽ trở nên quan trọng hơn đối với chúng ta, chớ không phải là kế hoạch và mục đích của riêng chúng ta.
Điều này dẫn chúng ta đến với mặc khải tiếp theo: Đức Chúa Trời ban cho mỗi người một “lượng đức tin”. Tâm trí chúng ta không được kêu gọi để suy xét rằng, chúng ta cần bao nhiêu đức tin. Đức Chúa Trời đã phân chia đủ lượng định mà chúng ta cần rồi. Nhưng Chúa xác định chúng ta cần bao nhiêu đức tin như thế nào?
Phao-lô trả lời câu hỏi này, khi giải bày về Thân Thể Đấng Christ: “Vì như trong một thân thể, ta có nhiều phần, nhưng tất cả các phần không có cùng một chức năng, cũng thế, dù chúng ta đông người, nhưng chỉ có một thân thể trong Chúa Cứu Thế và mỗi người là các phần của nhau” (Roma 12: 4-5). Là những Cơ-đốc nhân, chúng ta hiệp làm một “Thân Thể” duy nhất. Trong Thân Thể này, mỗi chúng ta là một chi thể đặc biệt với một vị trí và một chức năng đặc biệt. Người là mũi, kẻ là tai, kẻ khác là tay, kẻ khác nữa là chân, …
Trong thơ ICorinhto 12: 12-28, Phao-lô đã đề cập một cách chi tiết hơn đến khái niệm Thân Thể và các chi thể của nó: “Nhưng bây giờ, Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể của thân chúng ta, ban cho mỗi một chi thể cái địa vị theo ý Ngài lấy làm tốt mà chỉ định” (c. 18). Không một ai trong chúng ta có thể theo ý riêng mà chọn một vị trí hay chức năng nào đó cho riêng mình trong Thân Thể. Chúng ta chỉ có thể khám phá ra và đứng vào chỗ mà Đức Chúa Trời đã định trước cho mình mà thôi. Để làm được điều này, chúng ta cần phải có một “tâm trí được đổi mới”.
Phao-lô dạy rằng, là chi thể trong Thân chúng ta cần lẫn nhau. Không một ai trong chúng ta được tự do hành động theo ý riêng, bất chấp những thành viên còn lại. “Mắt không thể nói với tay: Tôi không cần anh; đầu cũng không thể nói với chân: Tôi không cần anh” (c. 21). Đầu là chi thể cao trọng nhất, chỉ về chính Đấng Christ (Epheso 4: 15). Chân nằm ở phần cuối của Thân, theo hướng ngược lại. Thế nhưng, đầu cần đến đôi chân, và đầu không thể đến được nơi này nơi kia nếu không có chân. Trong tinh thần đó, chúng ta thấy được tại sao Phao-lô dạy rằng, trong việc xác định vị trí của mình trong Thân, chúng ta đừng tự đánh giá quá cao về chính mình, nhưng hãy suy xét cách tỉnh táo và thực tế.
Hình ảnh Thân Thể và các chi thể của nó giúp chúng ta hiểu được điều mà Phao-lô muốn nói đến trong cum từ “lượng đức tin”. Mỗi một chúng ta là một chi thể của Thân với chức năng cụ thể. Để thực hiện chức năng đó, chúng ta cần một “lượng đức tin” cụ thể. Thể loại và lượng đức tin mà mỗi chi thể trong Thân cần đến là khác nhau. Mắt cần “đức tin của mắt”, tay cần “đức tin của tay”, … Lượng đức tin này cần phải được sử dụng theo chỉ định. Lượng đức tin mà mắt cần để thực hiện chức năng của mình sẽ không phù hợp đối với tai. Mỗi một chi thể đã được ban cho một “lượng đức tin” riêng biệt cách cụ thể, tương ứng với chức năng mà nó đảm nhận.
Một khi khám phá ra vị trí của mình trong Thân và thực hiện chức năng của nó với “lượng đức tin” đã được ban cho, thì chúng ta đã sẵn sàng cho việc phát lộ “các ân tứ” (charismata: sự ban cho – Bản Dịch Cũ). “Ta được ân tứ khác nhau theo ân sủng Chúa; ai được ân nói tiên tri, hãy nói theo lượng đức tin …” (Roma 12: 6). Ngoài ân tứ nói tiên tri, Phao-lô còn nhắc đến 6 ân tứ nữa: phục vụ, dạy dỗ, khích lệ, ban phát, lãnh đạo, làm việc thiện. Hẳn nhiên, đây không phải là bảng liệt kê tất cả mọi ân tứ (charismat), mà đơn giản chỉ là một số đại diện nhằm minh họa cho sự đa dạng của các ân tứ mà thôi.
Ở đây một nguyên tắc quan trọng đã được xác lập: vị trí và chức năng trong Thân luôn đến trước các ân tứ. Rất nhiều Cơ-đốc nhân quá quan tâm đến các ân tứ và chức vụ. Họ tập chú vào việc tìm kiếm những ân tứ mà họ thích. Thường thì là những ân tứ gây ấn tượng mạnh, chẳng hạn, như các ân tứ chữa lành hoặc làm phép lạ, hay chức vụ sứ đồ hoặc người giảng Phúc Âm. Đồng ý rằng, trong ICorinhto 12: 31, Phao-lô có khuyên chúng ta “hãy khao khát tìm kiếm những ân tứ lớn lao hơn”, song quan trọng là ông lại không cho chúng ta biết đâu là “những ân tứ lớn lao hơn”. Thật ra không có một tiêu chuẩn tuyệt đối cho vấn đề này, vì giá trị của các ân tứ liên quan đến vị trí của chúng ta trong Thân. Những ân tứ nào giúp tôi thực thi được chức năng mà Đức Chúa Trời đã định trước cho tôi, thì đó là “những ân tứ lớn lao hơn” đối với tôi.
Những Cơ-đốc nhân quá quan tâm đến những ân tứ gây ấn tượng mạnh hay những ân tứ thấy được kết quả nhãn tiền, chắc hẳn là không học biết lời cảnh báo của Phao-lô về việc “suy xét đúng đắn”. Trước hết, chúng ta cần phải xác định vị trí của mình trong Thân Thể Đấng Christ. Đến lượt mình, chính điều này sẽ làm sáng tỏ những ân tứ nào chúng ta cần có để thực thi chức phận cách hiệu quả. Kinh nghiệm cho thấy, vừa khi một Cơ-đốc nhân nhận biết được vị trí và chức năng của mình, thì các ân tứ bắt đầu vận hành gần như là tự động, mà không cần phải nỗ lực hay cố gắng gì cả.
Giờ đây, chúng ta sẽ đúc kết lại những gì Phao-lô dạy trong Roma 12: 1-8. Vì cớ ân sủng và sự thương xót không hề thay đổi của Đức Chúa Trời dành cho mỗi một chúng ta trong Đấng Christ, chúng ta cần phải vượt qua những giai đoạn sau đây:
1.     Chúng ta cần phải dâng thân thể mình cho Đức Chúa Trời như là một “của lễ sống”.
2.     Hành động vâng lời này sẽ dẫn đến việc tâm trí của chúng ta sẽ được liên tục đổi mới bởi Đức Thánh Linh.
3.     Kết quả của việc thay đổi tâm trí này dẫn đến những thay đổi bề ngoài trong đời sống của chúng ta – thay đổi tất cả lối sống – chúng ta “được biến hóa”.
4.     Nhờ việc đổi mới tâm trí, chúng ta bằng kinh nghiệm sẽ nhận biết được ý muốn của Đức Chúa Trời trong đời sống của mình: trước hết, là ý muốn “tốt lành”; tiếp theo là “đẹp lòng, và cuối cùng là “trọn vẹn”.
5.     Việc nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời như thế giúp chúng ta xác định được vị trí của mình trong Thân, cùng chức năng trong vị trí đó.
6.     Rốt lại, chúng ta sẽ khám phá được rằng, Đức Chúa Trời đã ban cho mình một “lượng đức tin”, đúng với vị trí và chức năng của chúng ta trong Thân – đức tin dành cho “tai”, nếu chúng ta đúng là tai, đức tin dành cho “mắt”, nếu chúng ta được định là mắt.
7.     Tùy theo cách mà chúng ta thực thi chức năng trong vị trí của mình với lượng đức tin đã được ban cho, các ân tứ cần thiết cho chức vụ của chúng ta sẽ được kích hoạt.
Trong chương sáu, chúng ta đã phân tích lời tuyên bố của Phao-lô trong Roma 10: 17, rằng “Đức tin là do nghe, và nghe là khi Lời Chúa Cứu Thế được truyền giảng”. Vậy điều này nên được hiểu thế nào trong tương quan với những gì ông đã dạy trong Roma 12: 3-5 rằng, Đức Chúa Trời ban cho mỗi một người trong chúng ta một lượng đức tin cụ thể, tương ứng với vị trí và chức phận đã được định sẵn cho chúng ta trong Thân Thể Đấng Christ?
Câu trả lời chỉ có thể thế này: đối với Cơ-đốc nhân thì việc “nghe” đóng vai trò như là đài ra-đa đối với máy bay. Ra-đa của chúng ta càng nhạy bén trong việc bắt sóng đối với lời rê-ma của Đức Chúa Trời chừng nào, thì chúng ta càng dễ dàng và vững tin trong việc xác định vị trí và chức vụ đã định sẵn cho mình trong Thân Thể Đấng Christ. Khi chúng ta đứng vào vị trí đó, thì cũng giống như việc máy bay hạ cánh, chính xác trong đường băng đã định.
“Nghe” – chính là đài ra-đa hướng dẫn chúng ta đến thẳng chỗ mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta có mặt. Sau đó, tùy thuộc vào mức độ mà chúng ta tiếp tục lắng nghe những lời rê-ma mới mẽ của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ được vững lập nơi vị trí của mình và có thể thi hành chức vụ cách hiệu quả.
Việc Chúa ban cho mỗi người một lượng đức tin không có nghĩa rằng, đức tin của chúng ta sẽ không thay đổi. Ngược lại, tùy theo mức độ tăng trưởng nơi khả năng thi hành chức phận của chúng ta trong Thân mà lượng đức tin của chúng ta cũng sẽ tăng trưởng theo. Để thực thi một chức vụ hiệu quả hơn luôn đòi hỏi một lượng đức tin lớn hơn và ngược lại, một sự tăng trưởng đức tin sẽ đem lại một chức vụ hiệu quả hơn. Như vậy, giữa đức tin và chức vụ luôn có một sự gắn bó hỗ tương lẫn nhau.
Thế nhưng, đức tin không phải là một món hàng mà ta có thể mua được ở thị trường tôn giáo. Đức tin thể hiện mối quan hệ hỗ tương với Đức Chúa Trời và là kết quả của một sự đầu phục hoàn toàn. Chính sự đầu phục như thế đem chúng ta đến chỗ hòa hiệp với kế hoạch của Chúa dành cho đời sống của mỗi chúng ta. Khi chúng ta liên tục thuận phục Chúa và vâng lời Ngài, thì đức tin sẽ giúp chúng ta bước vào vị trí của mình và thực thi chức năng mà Đức Chúa Trời đã định trước cho chúng ta. Loại đức tin này có một tính chất khá riêng biệt, và mỗi loại được ban cho một số lượng cụ thể. Đức tin “của TÔI” sẽ không có giá trị đối với bạn và đức tin “của BẠN” cũng như thế đối với tôi. Mỗi người cần phải có một “lượng đức tin” của riêng mình, là lượng đức tin phù hợp với chức vụ cụ thể được định sẵn cho chúng ta trong Thân Thể.
Khi còn là một Cơ-đốc nhân trẻ tuổi, tôi rất ấn tượng bởi đời sống đức tin của một tín hữu lớn tuổi trong Hội thánh, người đã hy sinh rất nhiều cho Chúa và đã đạt được những thành quả lớn lao. Lần nọ, tôi vuột miệng: “Chúa ơi, con nghĩ rằng, con sẽ không bao giờ có được đức tin như người này đâu”. Bất ngờ, Chúa cho tôi câu trả lời hết sức rõ ràng và thực tế: “Con sẽ không thể có đức tin như thế, bởi vì nó không cần cho con! Ta không yêu cầu con làm những việc mà người này đã làm”. Kể từ đó, tôi luôn cảm tạ vì bài học này: đức tin mà Chúa ban cho luôn tương ứng với công việc mà Ngài ủy thác cho chúng ta.
Về sau, khi ở trong chức vụ, tôi đã gặp khá nhiều Cơ-đốc nhân, là những người chưa lĩnh hội được bài học này. Họ thường cầu xin đức tin và tranh chiến để có được đức tin, dầu vậy, chưa khi nào họ có đủ đức tin. Sự mất cân đối giữa đức tin và những việc họ nỗ lực để thực hiện là rất rõ ràng. Tôi xác tín rằng, không phải đức tin mà Đức Chúa Trời ban cho họ là không đủ số, mà là họ đã nhầm chỗ, đã lệch hướng khi sử dụng đức tin của mình. Theo ý riêng, họ đã tự chọn cho mình một chức vụ thay vì gánh vác trọng trách mà Chúa đã định sẵn cho họ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chân đi găng tay, hoặc tay mang ủng (giày ống). Lẽ đương nhiên, cả chân lẫn tay không thể nào thực hiện được chức năng của mình cách bình thường. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là có gì trục trặc nơi bàn chân, bàn tay, chiếc găng tay hay chiếc ủng. Tự thân những chi thể và những vật dụng này là rất tốt, song sự kết đôi như thế là sai trật. Bàn tay mang ủng với mục đích để trở thành chân thì đúng là suy nghĩ kỳ quặc và ngu ngốc. Cũng một thể ấy, với chân mang găng tay để cố trở thành tay. Nhưng một khi, găng tay được mang vào bàn tay, và ủng được xỏ vào chân, thì sự cân đối, hòa hợp được thiết lập và thành công sẽ đạt đến. Đức tin mà Chúa ban cho mỗi chúng ta cũng giống y như vậy. Nó tương ứng với chức năng được định trước cho từng chi thể, như găng tay là dành cho bàn tay và ủng là dành cho chân vậy.
Trong chương 4 thơ Hê-bơ-rơ, tác giả đề cập đến việc thể nào những tín hữu nhận được sản nghiệp của mình: “Còn chúng ta đã tin cậy nên được vào sự an nghỉ …” (c.3). Đức tin phải đem lại cho chúng ta sự bình an. Vừa khi xác định được vị trí của mình trong cơ nghiệp mà Chúa đã sẵn dành cho, chúng ta nhất định phải nhận thấy một sự bình an thật từ sâu thẳm trong lòng, bất chấp lòng nhiệt thành, áp lực hay chống đối mạnh mẽ từ bên ngoài. Việc nỗ lực và cố gắng liên tục thực ra đang minh chứng rằng, chúng ta vẫn còn chưa xác định được việc mà Chúa kêu gọi mình làm. Chúng ta cảm thấy vướng víu, gò bó, như tay mang ủng hay chân mang găng tay vây.
Phần tiếp theo trong Hê-bơ-rơ đoạn 4, tác giả khuyên: “Vậy, chúng ta hãy gắng sức vào sự an nghỉ đó, …” (c. 11). Cần phải có sự gắng sức, vì lười nhác và một tấm lòng dửng dưng, không đói khát không được có chỗ đứng trong đời sống của một Cơ-đốc nhân. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu được sự gắng sức của chúng ta nhắm vào đâu. Không có chỗ nào dạy rằng, chúng ta cần phải mua lấy đức tin, song chúng ta được truyền bảo xác định vị trí của mình trong sản nghiệp của chúng ta, tức là vị trí mà Đức Chúa Trời đã định sẵn cho chúng ta. Vừa khi tìm được nó, chúng ta có thể thi hành chức phận trong vị trí đó cách tự nhiên và suôn sẻ, giống như bàn tay và chân thực thi chức năng của chúng vậy.
Kết Luận:
Một chức vụ cơ-đốc hiệu quả phải được bắt đầu bằng hành động qui hàng, ấy là khi chúng ta dâng thân thể mình làm “của lễ sống” cho Đức Chúa Trời. Hành động này, đến lượt nó, sẽ dẫn đến sự thay đổi trong toàn bộ suy nghĩ của chúng ta. Tâm trí của chúng ta sẽ được “đổi mới”, và sự thay đổi này từng bước sẽ lan khắp mọi quan điểm, thang giá trị và thứ tự ưu tiên của chúng ta. Thay vì kế hoạch và mục tiêu của riêng mình, chúng ta bắt đầu ham thích những kế hoạch và mục đích của Đức Chúa Trời. Với tâm trí “được đổi mới”, chúng ta bắt đầu nhận ra được chính mình và những Cơ-đốc nhân khác là những chi thể của cùng một Thân. Có nghĩa là trước tiên, chúng ta nên cố tìm ra vị trí và thực hiện chức năng mà Đức Chúa Trời đã định trước cho mình. Khi thành công trong việc này, chúng ta sẽ thấy được rằng, Chúa ban cho mỗi một người riêng biệt một lượng đức tin cần thiết để ở trong vị trí đó và gánh vác chức phận của mình.
Khi thực hiện chức năng của mình như thế trong vị trí đã được định trước, với lượng đức tin được ban cho, chúng ta sẽ có khả năng bày tỏ những ân tứ đặc biệt (charismat), là những ân tứ cần thiết cho vị trí này. Đó chính là “đức tin lớn” của chúng ta.
Derek Prince – Sống Bởi Đức Tin. Chương 10



Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

VUI MỪNG TRONG HOẠN NẠN

Trong Roma 5: 1-11, khi nói về mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời qua đức tin nơi Đấng Christ, Phao-lô sử dụng từ “hân hoan” đến 3 lần. (Bản Dịch Cũ dịch là “khoe mình” – ND).
Trong câu 2, Phao-lô nói: “hân hoan về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Đức Chúa Trời”. Điều này thật dễ hiểu. Nếu chúng ta thật lòng tin rằng, giờ đây mình đã là kẻ thừa kế vinh quang Thiên Chúa và sẽ ở cùng Ngài trong cõi đời đời, thì việc cảm nhận và vui mừng về niềm hân hoan hầu đến là sẽ điều hết sức tự nhiên.
Nhưng trong câu 3, Phao-lô một lần nữa sử dụng từ này khi nói: “Không chỉ có thế thôi, nhưng chúng ta cũng hân hoan trong hoạn nạn nữa”. Thoạt nhìn thì điều này thật buồn cười. Làm thế nào có thể hân hoan trong hoạn nạn – trong những khó khăn, bắt bớ, cô đơn và nghi ngờ, hoặc nghèo thiếu, bệnh tật và buồn thảm? Tại sao Phao-lô lại truyền bảo là Đức Chúa Trời trông đợi nơi chúng ta lòng ngợi khen vì cớ những hoàn cảnh như thế?
May thay, Phao-lô đã giải thích: “vì biết rằng hoạn nạn làm cho chúng ta kiên nhẫn, kiên nhẫn làm cho chúng ta được tôi luyện, tôi luyện làm cho hy vọng, và hy vọng không làm hổ thẹn. Vì tình yêu thương của Đức Chúa Trời đổ đầy lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh là Đấng đã được ban cho chúng ta” (c. 3-5). Khái quát câu trả lời của Phao-lô, có thể nói rằng, nguyên nhân của việc hân hoan, thậm chí trong hoạn nạn nằm ở chỗ, ấy là khi ta xem hoạn nạn như thể đến từ Đức Chúa Trời và chịu đựng nó trong đức tin, thì trong tính cách của chúng ta sẽ sản sinh ra những kết quả mà ta không thể nào có được bằng bất cứ phương cách nào khác.
Khi phân tích cách chi tiết câu trả lời của Phao-lô, chúng ta khám phá ra rằng, ông liệt kê bốn giai đoạn liên tiếp nhau trong việc phát triển tính cách, tức là những kết quả được sản sinh ra khi ta đứng vững qua những hoạn nạn thử thách. Đó là:
Thứ nhất, lòng kiên nhẫn hay nhịn nhục. Đây là khía cạnh rất quan trọng trong tính cách của một Cơ-đốc nhân. Thiếu nó, chúng ta không thể nào nhận lãnh được rất nhiều lời hứa tuyệt vời của Đức Chúa Trời.
Thứ hai, sự tôi luyện. Đây là từ dokime trong tiếng Hy-lạp, có nghĩa là kim loại được luyện trong lò – chúng ta sẽ còn quay lại với khuôn mẫu này.
Thứ ba, hy vọng. Đây không phải là mơ ước hay những ý tưởng thiếu cơ sở, trốn chạy thực tại. Đây là hy vọng mạnh mẽ, bình tịnh, trông đợi điều lành cách xác tín, là điều lành mà cuối cùng sẽ hiện ra sau cơn thử thách.
Thứ tư, tình yêu của Đức Chúa Trời đã được đổ đầy trong lòng chúng ta, vượt trỗi hơn mọi hy vọng, mà chỉ nhờ nó chúng ta mới được yên ủi. Khi tác động như thế trên tính cách của chúng ta, Đức Chúa Trời sẽ đem chúng ta đến chỗ tận hưởng cách đầy trọn tình yêu của chính Ngài.
Trong câu 11, chúng ta sẽ lần thứ ba bắt gặp từ hân hoan: “Không chỉ có thế, nhưng chúng ta cũng hân hoan trong Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa chúng ta …” Ở đây, chúng ta cũng thấy được dự định của Chúa. Đức Chúa Trời không muốn niềm vui hay lòng tin cậy của chúng ta chỉ dựa trên những gì mà Ngài đã làm cho chúng ta, bất kể đó là phép lạ, là phước hạnh, là ân tứ hay sự chăm sóc của Ngài. Chúa muốn chúng ta tìm được sự thỏa lòng chỉ nơi chính mình Ngài, chớ không ở trong bất kỳ một ai hay một điều chi khác. Điều này sẽ không thể xảy ra nếu thiếu vắng sự phát triển tính cách cách tuần tự như đã được miêu tả. Bằng chứng đáng tin cậy nhất về sự trưởng thành thuộc linh của một người là khi Đức Chúa Trời và chỉ một mình Ngài là nguồn vui bất tận và là đối tượng của lòng chung thủy sắc son đối với người ấy mà thôi.
Sẽ không kém phần thú vị nếu so sánh những gì Phao-lô dạy ở đây, trong Roma đoạn 5 với những gì ông dạy trong I Corinhto 13, đoạn nói về tình yêu. Trong thơ Roma, Phao-lô chỉ ra rằng, lòng kiên nhẫn là phương cách để đạt đến sự đầy trọn của tình yêu Thiên Chúa. Còn trong thơ I Corinhto 13: 7 thì ông bảo rằng, chỉ có tình yêu mới có loại quyền năng giúp ta vượt qua được mọi thử thách: “Tình yêu thương … chịu đựng mọi sự”. Như vậy, Kinh Thánh gắn liền tình yêu với lòng kiên nhẫn.
Trong Roma 5, Phao-lô giới thiệu đức tin, hy vọng và tình yêu như là ba giai đoạn liên tục trong đời sống của một Cơ-đốc nhân: đức tin dẫn đến hy vọng, rồi hy vọng đến tình yêu. Còn trong thơ I Corinhto 13: 13 thì ông trình bày ba tính năng này trong cùng một trật tự như thế, song nhấn mạnh rằng, dù cho cả ba đều tồn tại cùng lúc, nhưng tình yêu vẫn trỗi hơn hết: “Nên bây giờ còn ba điều này: Đức tin, hy vọng và tình yêu thương. Nhưng điều lớn hơn hết là tình yêu thương”. Khi suy gẫm về những đặc tính tuyệt với này trong ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta đừng vội lìa mắt khỏi chúng cho đến chừng chúng trở nên một phần không thể tách rời trong tính cách của chúng ta. Bằng cách đó, lẽ thật được bày tỏ trong II Corinhto 3: 18 sẽ nên thực hữu trong đời sống của chúng ta: “tất cả chúng ta, với mặt trần không bị màn che, đều phản chiếu vinh quang của Chúa và được biến đổi theo hình ảnh Ngài từ vinh quang này đến vinh quang khác nhờ Chúa là Thánh Linh”. “Từ vinh quang đến vinh quang”, ít nhất, cũng có nghĩa là từ đức tin đến hy vọng và từ hy vọng đến tình yêu.
Trong thơ Gia-cơ 1: 2-4, chính nguyên tắc này cũng được bày tỏ: đức tin được tăng trưởng qua thử thách.
Thưa anh chị em, khi gặp những thử thách khác nhau, anh chị em hãy xem tất cả là điều vui mừng, vì biết rằng đức tin anh chị em có bị thử nghiệm mới sinh ra kiên nhẫn, kiên nhẫn có hoàn tất công việc thì anh chị em mới trưởng thành, toàn vẹn, không thiếu sót gì.
Phao-lô dạy rằng, chúng ta nên hân hoan trong hoạn nạn, còn Gia-cơ thì khuyên hãy vui mừng trong mọi thử thách. Tâm trí tự nhiên hạn hẹp của chúng ta không thể hiểu được tình trạng này. Nhưng cả hai được khởi phát từ cùng một nguyên nhân: sự thử thách và chỉ có sự thử thách mới sản sinh ra lòng kiên nhẫn, và lòng kiên nhẫn là con đường duy nhất dẫn đến chỗ nhận biết đầy đủ ý muốn của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Gia-cơ phản ánh điều này bằng cụm từ : “thì anh chị em mới trưởng thành, toàn vẹn, không thiếu sót gì”. Khi có một kết cuộc như thế thì việc đón nhận mọi thử thách với thái độ vui mừng là lời biện giải hoàn toàn hợp lẽ.

DEREK PRINCE – SỐNG BỞI ĐỨC TIN (Chương 9)

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

PHẠM TỘI BỞI CHẲNG TIN

Không Gì Có Thể Thay Thế Đức Tin
Mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời có tính chất hai mặt. Thánh kinh luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cả hai phương diện này. Trong ý nghĩa tích cực, như chúng ta đã nhắc đến, thì Đức Chúa Trời tuôn đổ cách dư dật ân điển của Ngài cho chúng ta dựa trên cơ sở đức tin của chúng ta. Nhưng trong ý nghĩa ngược lại, thì Chúa bác bỏ mọi phương cách khác nhằm tiếp cận được Ngài. Chân lý này được phản ánh một cách rất mạnh mẽ trong Hê-bơ-rơ 11: 6
Không có đức tin thì không thể nào sống đẹp lòng Đức Chúa Trời. Vì người nào muốn đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng Ngài có thật và Ngài là Đấng ban thưởng cho những người tìm kiếm Ngài.
Giả sử có ai đó hỏi rằng, phải làm chi để được đẹp lòng Chúa, thì chắc là sẽ không có nhiều người trả lời đúng như Kinh Thánh dạy. Thường thì người ta nỗ lực làm đẹp lòng Chúa bằng mọi cách, chỉ ngoại trừ đức tin: nào là những hành vi đạo đức, những việc từ thiện, trở thành thành viên của Hội Thánh, những lần tình nguyện dâng hiến, bởi sự cầu nguyện hay những sinh hoạt tôn giáo khác. Nhưng nếu không có đức tin thì tất cả những điều đó không có ý nghĩa gì trong mắt Chúa cả. Mọi điều chúng ta làm, dù là những lời cầu nguyện tốt lành hay chính chúng ta chân thành, sốt sắng đến đâu đi chăng nữa – cũng không thể thay thế đức tin. Không có nó, chúng ta không thể nào được đẹp lòng Đức Chúa Trời. Không thể được!
Như vậy, chúng ta phải đối diện với đòi hỏi duy nhất và bất biến của Đức Chúa Trời: “Vì người nào muốn đến gần Đức Chúa Trời phải tin …”. Chúng ta được đòi hỏi phải tin hai điều. Thứ nhất, chúng ta cần phải tin là Đức Chúa Trời. Đa số người tin rằng, Đức Chúa Trời hiện hữu, nhưng chừng đó thôi thì chưa đủ. Chúng ta cũng cần phải tin rằng, Chúa ban thưởng cho những kẻ tìm kiếm Ngài. Đây là bước chuyển tiếp từ sự hiện hữu của Đức Chúa Trời sang bản tánh của Ngài – sự thành tín và đáng tin cậy của Ngài. Lòng tin vào Đức Chúa Trời cách như thế sẽ đem chúng ta ra khỏi giới hạn của tín lý hay thần học thuần túy. Nó thiết lập mối quan hệ cá nhân cách trực tiếp giữa Đức Chúa Trời với người tin.
Trong chương 1, chúng ta đã ghi nhận rằng, đức tin kết nối chúng ta với hai thực thể vô hình: với chính Đức Chúa Trời và với Lời của Ngài. Giờ đây chúng ta cần tiến hành thêm một bước nữa. Dĩ nhiên, đích đến của đức tin không ai khác hơn là chính Đức Chúa Trời. Đúng là chúng ta tin vào Lời Chúa, song chúng ta làm như thế vì Lời Chúa chính là sự tiếp nối của chính Ngài. Lòng tin của chúng ta nơi Lời Chúa đặt cơ sở trên lòng tin cậy của chúng ta nơi chính Ngài là một Thân Vị. Nếu đến một lúc nào đó chúng ta ngừng tin cậy Đức Chúa Trời, thì cuối cùng rồi chúng ta cũng sẽ chấm dứt việc tin nơi Lời Ngài.
Cần hiểu rằng, chỉ đơn sơ tin vào một tín lý hay một lẽ thật thần học nào đó thì chưa phải là tất cả. Những ai mà đức tin chỉ bằng lòng với những điều như thế, thì không bao giờ hưởng được một đời sống dư dật, trọn vẹn mà Đức Chúa Trời sẵn dành cho mình. Mục đích cuối cùng của Chúa là mối quan hệ cá nhân, trực tiếp và mật thiết với chính Ngài. Một khi đã được thiết lập thì những mối quan hệ này sẽ thúc đẩy, định hướng và hỗ trợ mọi việc chúng ta làm. Chúng sẽ là khởi đầu và kết thúc của sự sống. Như vậy, sự giải luận lời tiên tri Ha-ba-cúc “người công chính sẽ sống bởi đức tin” không hướng chúng ta đến với một biểu tượng của đức tin hoặc một hệ thống thần học, mà là đến một mối quan hệ cá nhân, liên tục và phong phú với chính Đức Chúa Trời.
Trong Thi thiên 23: 1, Đa-vít đã đề cập đến mối quan hệ như thế: “CHÚA là Đấng chăn giữ tôi, Tôi sẽ không thiếu thốn gì”. Đa-vit không xây dựng một quan điểm thần học, mà là mô tả những mối quan hệ. Trên cơ sở những mối quan hệ này với Đức Chúa Trời là Đấng chăn giữ mình, ông tuyên bố: “… tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì” (có nghĩa là, tôi luôn đầy đủ mọi sự). Một sự thể hiện tuyệt vời biết bao về sự an ninh toàn vẹn đối với một cá nhân! Trong mọi hoàn cảnh và trong mọi nhu cầu đều có câu trả lời. Đa-vít có thể thêm vào những lời khác, đại loại: “tôi sẽ chẳng thiếu tiền … hoặc thức ăn … hoặc bạn bè … hoặc sức khỏe …” Song nếu như thế, sẽ làm giảm đi hiệu quả lời tuyên bố của ông. Cụm từ “Tôi luôn đầy đủ mọi sự” không cần thêm bất cứ điều gì nữa và là câu trả lời cho tất cả mọi nhu cầu.
Điều khiến tôi kinh ngạc là trong Kinh Thánh, những chân lý sâu nhiệm lại được thể hiện bằng những ngôn từ vô cùng đơn giản. Trong nguyên văn Hê-bơ-rơ, Thi thiên 23: 1 chỉ gồm có 4 từ mà thôi. Thế nhưng, những từ ngắn gọn này lại miêu tả những mối quan hệ sâu sắc và mạnh mẽ, bao trùm mọi nhu cầu trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Vô Tín Là Tội Căn Bản
Chúng ta đã ghi nhận rằng, căn nguyên duy nhất của việc xưng công chính chỉ là đức tin mà thôi. Giờ đây, chúng ta sẽ thấy rõ rằng, điều ngược lại cũng đúng: vô tín là gốc rễ duy nhất của tội lỗi.
Trong Giăng 16: 8, Chúa Giê-xu dạy rằng, công tác của Đức Thánh Linh là cáo trách thế gian về tội lỗi, về sự công chính,và về sự phán xét: “Khi Ngài đến, Ngài sẽ cáo trách thế gian về tội lỗi, về sự công chính, và về sự phán xét”. Sau đó, trong câu tiếp theo, Chúa Giê-xu giải thích rõ thêm về chính tội lỗi nào mà Thánh Linh sẽ phán xét: “Về tội lỗi vì họ không tin Ta”. Tội căn bản mà cả thế gian hiện đang phạm phải là sự vô tín. Đây là nền tảng của tất cả các tội còn lại.
Cả đoạn 3 của thơ Hê-bơ-rơ chỉ đề cập riêng đến tội lỗi này mà thôi. Tác giả nhắc lại cho chúng ta rằng, cả một thế hệ dân Chúa rời Ai-cập dưới sự lãnh đạo của Môi-se, nhưng không vào được đất hứa, mà đều phơi xương trong sa mạc.
Trong câu 12, bài học bi thảm của dân Y-sơ-ra-ên được viện dẫn để thức tỉnh chúng ta là những Cơ-đốc nhân: “Thưa anh chị em, hãy thận trọng để không một ai trong anh chị em có lòng gian ác và vô tín đến nỗi lìa bỏ Đức Chúa Trời hằng sống”. Nhiều Cơ-đốc nhân có xu hướng xem sự vô tín là một điều gì đó đáng tiếc, nhưng vô hại. Thế nhưng, lòng vô tín là sự gian ác. Vô tín là điều ác, vì cớ nó mời gọi người ta lìa xa Đức Chúa Trời. Đức tin thiết lập mối quan hệ với Đức Chúa Trời thể nào, thì vô tín phá hoại cũng đúng như thế. Tác động của chúng đối nghược nhau.
Trong câu 13, tác giả tiếp tục: “Nhưng cứ khuyến cáo nhau hằng ngày đang khi còn được gọi là ‘ngày nay’ để không một ai bị tội lỗi lừa gạt mà cứng lòng”. Sự vô tín làm cứng lòng chúng ta và như thế, nó mở lòng chúng ta cho tội lỗi và Sa-tan lường gạt. Lời cảnh báo về hiểm họa của lòng vô tín là vô cùng hệ trọng. Tác giả của bức thơ vận dụng nó vào hiện tại, “ngày nay”. Điều này liên hệ đến chúng ta là những Cơ-đốc nhân, không khác chi so với những người Y-sơ-ra-ên năm xưa rời Ai-cập dưới sự lãnh đạo của Môi-se cả. Hậu quả của sự vô tín cũng tàn khốc đối với chúng ta như đã từng xảy ra với họ vậy.
Cuối cùng, trong các câu 17-19, tác giả đúc kết sự thất bại của Y-sơ-ra-ên và chỉ ra nguyên nhân của nó:
Đức Chúa Trời nổi giận với ai trong bốn mươi năm? Không phải những kẻ phạm tội phải bỏ xác trong đồng hoang sao? Ngài thề với ai rằng: “Chúng sẽ chẳng được vào sự an nghỉ Ta?” Nếu không phải là những kẻ không vâng phục. Và chúng ta thấy rằng họ không thể vào được vì lòng vô tín
Hãy để ý đến những từ cuối cùng – “vì lòng vô tín”. Những người Y-sơ-ra-ên này đã phạm đủ thứ tội – tà dâm, thờ hình tượng, bất mãn (không thỏa lòng), bất phục, … nhưng có một tội cụ thể mà họ đã thừa hưởng – vô tín. Vô tín là cội rễ của tất cả các tội còn lại.
Điều này trở nên dễ hiểu, vừa khi chúng ta bắt đầu hiểu được rằng, đức tin thật rốt lại là được lập nền trên bản tánh của chính Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta có lòng tin trọn vẹn và không giới hạn vào ba phương diện của bản tánh Chúa – nhân từ, khôn ngoan, và quyền năng của Ngài – thì chúng ta sẽ luôn ở trong sự vâng phục Ngài. Nếu chúng ta có thể tin trong mọi cảnh ngộ rằng, Đức Chúa Trời là nhân từ, rằng Ngài luôn muốn đều tốt lành cho chúng ta, rằng Chúa dư biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta, và rằng Ngài thừa khả năng để làm điều đó, thì không bao giờ chúng ta có bất kỳ cớ nào để mà không vâng phục. Như vậy, mọi hành vi không vâng phục Đức Chúa Trời bắt nguồn từ sự vô tín.
Tóm lại, chỉ có hai khả năng trong quan hệ với Đức Chúa Trời: hoặc là đức tin, kết nối chúng ta với Ngài, hoặc là vô tín, phân rẽ chúng ta với Ngài. Hai khả năng này loại trừ lẫn nhau. Trong Hê-bơ-rơ 10: 38-39, tác giả một lần nữa trích dẫn lời tiên tri Ha-ba-cúc và đặt chúng ta trước sự lựa chọn:
Người công chính của Ta sẽ sống bởi đức tin, và nếu có người nào lui đi, thì linh hồn Ta sẽ chẳng vui về người ấy chút nào., HaKb 2:3-4 LXX Còn chúng ta, chúng ta nào phải là những kẻ lui đi để bị hư mất đâu, nhưng là những người cứ giữ vững đức tin để linh hồn được cứu.
Nếu đã phó dâng cuộc đời mình trên nền tảng đức tin, thì chúng ta không thể cho phép mình lui bước. Về lại với vô tín đồng nghĩa với sự tăm tối và hủy phá. Còn để tiến về phía trước chúng ta cần phải tiếp tục như lúc khởi đầu – trong đức tin!
Kết Luận
Sứ điệp cứu rỗi và xưng công chính của Tân Ước đặt cơ sở trên những lời của sách tiên tri Ha-ba-cúc 2: 4 “Người công chính sẽ sống bởi đức tin”. Thông qua việc tin vào Christ Giê-xu, chúng ta nhận được từ Đức Chúa Trời, tại đây và ngay bây giờ, sự sống mới – sự sống công chính, sự sống đời đời, sự sống của chính Đức Chúa Trời. Tùy theo mức độ chúng ta vận dụng đức tin của mình vào những lĩnh vực khác nhau trong đời sống cá nhân mà đời sống của chúng ta sẽ được đổ đầy và được biến đổi bởi chính sự sống mới này.
Trước hết mọi sự, nguyên tắc đức tin phải có được kết quả trong những lĩnh vực thực tiễn nhất. Trong thơ Rô-ma 14, Phao-lô chỉ dẫn cách áp dụng nguyên tắc này trong việc ăn uống. Ông kết luận rằng, điểm khác nhau không nằm ở chỗ chúng ta ăn gì mà là “chúng ta có ăn bởi đức tin hay không?”
Thế nào là “ăn bởi đức tin”? Thứ nhất, chúng ta xem thức ăn của mình như là tặng phẩm của Đức Chúa Trời. Thứ hai, chúng ta tạ ơn Đức Chúa Trời về nó. Thứ ba, bằng cách đó thức ăn của chúng ta “được thánh hóa”. Thứ tư, chúng ta phó dâng chính sức lực bởi thức ăn đã thánh hóa, để phục vụ Chúa và làm vinh hiển Ngài. Thế là đức tin hoán chuyển những công việc bình thường thành những hành động thánh.
Còn một lĩnh vực thực tế nữa mà đức tin chúng ta cần áp dụng vào – sự cung ứng tài chính và vật chất. Qua Đấng Christ, ân điển của Đức Chúa Trời khiến cho chúng ta được dư dật. Điều này có nghĩa là, Đức Chúa Trời hứa chu cấp mọi nhu cầu của chúng ta đến nỗi chúng ta có thể san sẻ cho người khác. Thế nhưng, sự dư dật không phụ thuộc vào tiền bạc hay của cải vật chất, mà phụ thuộc tuyệt đối nơi đức tin. Nơi chính Chúa Giê-xu, chúng ta nhìn thấy hình mẫu của sự dư dật mà không có tiền và của cải vật chất là như thế nào. Chúng ta cần tiếp nhận lời mời gọi này và noi theo gương của Ngài, nhưng đồng thời, cũng không nên trở thành những kẻ lười nhác, gian dối và vô trách nhiệm.
Để toàn thể dân sự Chúa hưởng được sự dư dật của Ngài, chúng ta cần phải xem mình như là những chi thể trong một Thân Thể duy nhất. Đức Chúa Trời đã dạy dân Y-sơ-ra-ên bài học này qua việc nhặt ma-na mà Ngài ban cho họ trong sa mạc. Để cho ai nấy đều đủ dùng, họ phải san sẻ với nhau. Đối với Thân Thể Đấng Christ cũng phải một thể ấy. Nếu động cơ và các mối quan hệ của chúng ta là đúng đắn, rồi chúng ta biết chia sẻ lẫn nhau, thì tất cả mọi người đều được no đủ. Còn những động cơ và mối quan hệ sai trật có thể làm tắt nghẽn kênh dẫn phước đến với từng chi thể trong Thân.
Sau khi Đức Thánh Linh giáng xuống trên những Cơ-đốc nhân đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem, đức tin trong thực tế đã được bày tỏ trong hai lĩnh vực mà chúng ta đã xem xét: ăn uống và tài chánh. Ăn uống đối với họ là một hành động thờ phượng, song hành với việc ngợi khen. Họ chia sẻ tài vật với nhau, nên trong vòng họ không có ai thiếu thốn chi cả. Sự bày tỏ ân điển Chúa như thế trong đời sống thường nhật của họ đã lôi cuốn lòng người về với Đấng Christ.
Đức tin là cơ sở duy nhất khiến chúng ta có thể đến gần Đức Chúa Trời. Song nếu chỉ đơn giản tin rằng, có Đức Chúa Trời thì chưa đủ. Chúng ta cần phải tin vào sự nhân từ của Ngài. Điều này sẽ chuyển chúng ta từ những hiểu biết thần học đến chỗ có được mối quan hệ trực tiếp và thân mật với Đức Chúa Trời như với một cá nhân. Đó sẽ là sự bảo đảm cho việc cung ứng đầy đủ và sự an ninh của chúng ta.
Cội rễ duy nhất của tội lỗi là vô tín. Nếu có lòng tin trọn vẹn, vững chắc nơi sự nhân từ, sự thông sáng và quyền năng của Chúa, thì chúng ta không bao giờ có cớ để phạm tội. Tác giả thơ Hê-bơ-rơ chỉ ra thể nào lòng vô tín đã ngăn bước dân Y-sơ-ra-ên tiến vào xứ hứa, và cảnh báo Cơ-đốc nhân về sai lầm chết người này. Tóm lại, chỉ có hai khả năng trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời mà thôi: hoặc là đức tin, kết nối chúng ta với Ngài, hoặc là vô tín, phân rẽ chúng ta với Ngài.
DEREK PRINCE – SỐNG BỞI ĐỨC TIN (FAITH TO LIVE BY)



QUẢN LÝ TÀI CHÁNH BỞI ĐỨC TIN

Đức Tin Trong Lĩnh Vực Tài Chính
Thêm một lĩnh vực nữa trong đời sống thường nhật, mà chúng ta cần thực hành đức tin. Đó là lĩnh vực tài chánh và chu cấp nhu cầu vật chất. Trong Kinh Thánh đầy dẫy những trường hợp và cam kết của Đức Chúa Trời về khả năng cung ứng của Ngài cho những nhu cầu của con dân Chúa, thậm chí trong những nơi chốn không người ở hoặc nguồn tiếp trợ tự nhiên. Không một nơi nào trong Kinh Thánh đề cập đến điều này cách mạnh mẽ như trong II Corinhto 9: 8 “Đức Chúa Trời có đủ khả năng khiến cho anh chị em được giàu có, dư dật mọi thứ ơn, hầu cho anh em trong mọi lúc, và trong mọi lĩnh vực có đầy đủ mọi nhu cầu, lại còn có dư dật nữa để làm mọi thứ việc lành”. Thật có ý nghĩa khi xem xét câu này cách chi thiết hơn. Câu Kinh Thánh này được dịch sát theo nguyên văn trong tiếng Hy-lạp. Theo đó, từ “dư dật” – hoặc giàu có hay phong phú – được sử dụng 2 lần trong câu, còn từ “mọi” hay tất cả thì có đến 5 lần. Những từ này diễn tả cách đầy biểu cảm tài nguyên vô tận của Đức Chúa Trời trong việc phủ lấp mọi nhu cầu của con dân Ngài. Mức độ chu cấp – không chỉ đơn thuần là “đầy đủ” mà là “dư dật”.
Trên thực tế, người ta có thể sống ở ba mức độ chu cấp khác nhau: thiếu, đủ và dư. Chúng ta có thể diễn tả điều này bằng một ví dụ thường thấy trong đời sống thường nhật: mua hàng. Để đủ tiền đi một buổi chợ cần có 150 nghìn đồng, song một người nội trợ nọ chỉ có 100 nghìn, thì bà ấy đang thiếu. Người kia có 150 nghìn thì là đủ; và một người nội trợ khác có đến 200 nghìn, thì người ấy đang .
Chúng ta đã đưa ra một ví dụ rất đơn giản về người nội trợ đi chợ. Thế nhưng, cần nhớ rằng, sự giàu có và dư dật không phải lúc nào cũng nói về tiền bạc và của cải vật chất. Sự dư dật đơn giản là Chúa ban cho chúng ta mọi điều chúng ta cần, và những gì chúng ta có thể chia sẻ cho người khác. Minh họa đầy đủ nhất cho sự dư dật kiểu này chúng ta có thể nhìn thấy nơi chính Chúa Giê-xu. Ngài không có nhà riêng, không có của cải vật chất, không có nhiều tiền bạc – mặc dù Giu-đa, một trong các môn đệ của Ngài, có giữ túi tiền mà người ta dâng hiến (Giăng 12: 6; 13: 29). Thế nhưng, cả Chúa Giê-xu lẫn những kẻ theo Ngài không bao giờ gặp thiếu thốn.
Khi Phê-rơ cần tiền gấp để đóng thuế, Chúa Giê-xu thay vì sai Phê-rơ đến với Giu-đa, thì lại bảo ông ra biển hồ Galile, lấy tiền nơi miệng một con cá (Mathiơ 17: 24-27). Một câu hỏi thú vị nảy sinh: điều nào dễ hơn – đến ngân hàng rút tiền hay ra biển thả câu? Dĩ nhiên, phương án hai hấp dẫn hơn nhiều!
Hãy nhớ lại thể nào đoàn dân đang đói vây quanh Chúa Giê-xu (khoảng 12 ngàn người – Giăng 6: 5-13), rồi Ngài cầm lấy 5 ổ bánh mì và 2 con cá của một cậu bé mà cảm tạ Đức Chúa Cha, và kết quả là Ngài đã chu cấp cho cả đoàn dân đông đảo này, và còn thu lại được 12 giỏ đầy từ những phần còn thừa lại. Đó là sự dư dật! Và phép lạ này cũng là một minh chứng đầy thuyết phục về hiệu quả siêu nhiên của lời cảm tạ – lời cảm tạ bởi đức tin dâng lên Đức Chúa Trời về thức ăn!
Về sau, Chúa Giê-xu cấm các môn đồ mang theo vật dụng, tiền bạc, khi sai họ đi ra rao giảng (Luca 9: 1-3; 10: 1-4). Rồi đến trước khi kết thúc chức vụ của mình trên đất, Ngài nhắc lại chuyện đó và hỏi họ rằng, họ có thiếu gì không. Thì họ trả lời: “Không thiếu chi hết” (Luca 22: 35). Đó là sự dư dật!
Một số người trong các bạn có thể phản ứng: “Nhưng đó là Chúa Giê-xu! Làm sao chúng ta có thể làm giống như Ngài được?” Song chính về điều đó mà Chúa Giê-xu đã nói: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ nào tin ta, cũng sẽ làm việc ta làm …” (Giăng 14: 12). Cũng một kiểu như thế, sứ đồ Giăng, người đã chứng kiến mọi điều mà Chúa Giê-xu đã làm, bảo rằng: “Ai nói mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm” (1Giăng 2: 6). Chúa Giê-xu đã để lại cho chúng ta một gương mẫu bước đi trong đức tin.
Nếu chúng ta vẫn còn chưa tiếp nhận lời mời gọi này thì có lẽ là do chúng ta chưa hiểu hết phạm vi của ân điển Đức Chúa Trời. Trong II Corinhto 9: 8 thì ơn hay “ân điển” là từ chìa khóa. “Đức Chúa Trời có đủ khả năng khiến cho anh chị em được giàu có, dư dật mọi thứ ơn …”. Ân điển của Đức Chúa Trời là nguồn tiếp trợ hay cung ứng của chúng ta, chớ không phải sự khôn ngoan hay khả năng của chính chúng ta. Do đó, để có thể sử dụng ân điển Chúa cho, chúng ta cần hiểu biết hai nguyên tắc vận hành căn bản của nó.
Nguyên tắc thứ nhất được thể hiện trong Giăng 1: 17 Vì luật pháp được ban hành bởi Môi-se, còn ân điển và lẽ thật thì bởi Giê-xu Christ mà đến”. Ân điển chỉ có một kênh dẫn duy nhất – Chúa Giê-xu Christ. Không thể nhận được nó bằng việc tuân giữ những qui định của luật pháp hay của đạo giáo nào đó, bèn là chỉ duy nhất qua Đấng Christ mà thôi.
Nguyên tắc thứ hai được thể hiện trong Epheso 2: 8-9 “Thật vậy, nhờ ân sủng, bởi đức tin mà anh chị em được cứu rỗi, … cũng không phải do công đức anh chị em làm, để không ai có thể khoe mình”. Ân điển vượt trội nhiều lần hơn những gì mà chúng ta có thể đạt được hay đáng được vào một lúc nào đó bằng khả năng tự nhiên của chính mình. Do đó, cách duy nhất, mà nhờ đó chúng ta có thể sử dụng ân điển Chúa cho, chính là đức tin. Nếu bằng lòng với những gì mình đáng được hoặc có thể đạt được, thì chúng ta không khi nào có thể tận hưởng được ân điển của Chúa cách trọn vẹn.
Vậy thì làm thế nào để những nguyên tắc này vận hành được trong lĩnh vực tài chánh? Trước hết, chúng ta cần ghi nhớ rằng, Đức Chúa Trời không bao giờ ban phước cho những người gian dối, lười nhác và vô trách nhiệm trong lĩnh vực tài chánh. Trong Châm ngôn 10: 4, chúng ta thấy: “Cánh tay lười biếng gây nên nghèo khổ, nhưng bàn tay siêng năng làm cho giàu có”. Còn trong Epheso 4: 28 thì Phao-lô khuyên dạy: “Kẻ quen trộm cắp, đừng trộm cắp nữa, nhưng hãy siêng năng tự tay mình làm ăn lương thiện để có thể giúp người túng thiếu”. Chúa mong đợi chúng ta, theo khả năng của mình, hãy làm việc cách trung thực để không chỉ nuôi mình, mà còn có điều kiện để giúp những người túng thiếu nữa. Phao-lô còn phản ánh tư tưởng này cách mạnh mẽ hơn nữa trong 2Tesalonica 3: 10 “… Nếu ai không muốn làm việc thì cũng đừng ăn”. Đức Chúa Trời sẽ không rải ân điển của Ngài trước mặt kẻ bất lương và người biếng nhác đâu.
Tuy nhiên, có thể, dù đã làm tất cả những gì có thể cách trung thực, với lương tâm ngay thật nhưng chúng ta vẫn cứ thiếu trước hụt sau trong việc chu cấp cho cá nhân và gia đình của mình. Ta có cần phải cho rằng, đó là ý Chúa không? Ngược lại, chúng ta có thể hướng đức tin của mình vào Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu Christ và tin cậy Ngài, ngõ hầu Ngài nâng chúng ta – theo sự khôn ngoan của Ngài – lên mức độ mà các nhu cầu của chúng ta được đáp ứng, là mức độ mà chúng ta không thể nào có được bằng chính sự khôn ngoan hay bằng khả năng của mình.
Nhu Cầu Của Chúng Ta Và Các Mối Quan Hệ Của Chúng Ta Liên Quan Với Nhau
Trước khi kết thúc vấn đề, thể nào Đức Chúa Trời đáp ứng những nhu cầu của chúng ta, chúng ta cần phải lưu ý một nguyên tắc quan trọng khác: Đức Chúa Trời nhìn xem chúng ta trong một thể thống nhất, khi chăm sóc chúng ta. Ngài không xem chúng ta theo từng cá nhân riêng biệt, mà là những chi thể của một Thân Thể thống nhất, gắn bó chung thủy với nhau bằng những khớp nối chặc chẽ. Trong Epheso 4: 15-16, khi giới thiệu Đấng Christ như là Đầu của Thân Thể, Phao-lô mô tả, thể nào Đức Chúa Trời phân định trước chức năng cho Thân Thể này:
Từ đầu đó toàn thân được gắn liền và nối kết với nhau bằng những cơ cốt gân mạch, nhờ đó mỗi bộ phận được trang bị để hoạt động theo chức năng của mình, khiến cho thân thể được tăng trưởng và tự gây dựng trong tình yêu thương.
Phao-lô nhấn mạnh ở đây tầm quan trọng của những gân mạch với hai chức năng. Thứ nhất, chúng gắn kết Thân Thể, và thứ hai, chúng là kênh dẫn cho sự cung ứng. “Những gân mạch” là mối liên kết qua lại giữa các chi thể khác nhau. Nếu chúng ở trong tình trạng ổn định, thì Đức Chúa Trời chu cấp cho mọi chi thể của Thân, không một chi thể nào phải thiếu thốn. Nhưng nếu những gân mạch này trục trặc, tức là các chi thể không có được mối quan hệ đúng đắn với nhau, thì cá nhân mỗi chi thể trong Thân Thể Đấng Christ có thể sẽ gặp thiếu thốn. Điều này xảy ra, không phải vì Đức Chúa Trời không có khả năng chu cấp, mà là vì những động cơ và mối quan hệ sai trật của chúng ta đã ngăn cản nguồn tài nguyên của Ngài đến được với những người đang  có nhu cầu.
Trong thời Cựu Ước, khi đem dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập, Đức Chúa Trời đã dạy cho họ nguyên tắc này bằng một cách hết sức thực tế. Hai hoặc ba triệu người trong sa mạc mà không có một nguồn dự trữ lương thực thông thường nào cả. Mỗi ngày, Chúa đáp ứng nhu cầu của họ bằng việc ban cho ma-na. Dân Y-sơ-ra-ên phải hoàn tất việc nhặt ma-na trước khi mặt trời mọc, vì cớ ma-na sẽ tan chảy khi xuất hiện những tia nắng mặt trời đầu tiên. “Ô-me” là định lượng cần có cho mỗi người Y-sơ-ra-ên. Tuy vậy, có người đã nhặt được nhiều hơn một ô-me, trong khi đó có người thì nhặt ít hơn. Thế nhưng, khi họ chia sẻ với nhau thì điều lạ lùng đã xảy ra là mỗi một người đều nhận được vừa đúng với số mình cần – một ô-me! (Xuất Hành 16: 14-18). Song, nếu như họ không chia sẻ với nhau, thì chắc chắn sẽ có ai đó không đủ định lượng. Rõ ràng rằng, Đức Chúa Trời có thể khiến cho mỗi người nhặt vừa đúng định lượng cho mình, nhưng Ngài đã làm khác đi, vì cớ Chúa muốn cho dân sự Ngài học biết cách sống có trách nhiệm với nhau.
Nguyên tắc này cũng trãi rộng khắp thời Tân Ước. Trong 2 Corinhto 8, Phao-lô đã đề cập đến cuộc lạc quyên đặc biệt mà ông đã tiến hành tại các Hội Thánh thuộc vùng Macedonia và A-chai, nhằm giúp đỡ những thánh đồ gốc Do-thái tại xứ Giu-đê đang gặp cơn đói kém. Ông giải thích cho những tín hữu tại Cô-rinh-tô rằng, Đức Chúa Trời quan tâm cách bình đẳng đến mọi chi thể khác nhau trong Thân Đấng Christ, không bắt chẹt một số người và không đòi hỏi quá nhiều nơi số khác, khi dẫn chứng câu chuyện Y-sơ-ra-ên chia sẻ ma-na trong sa mạc. Trong câu 13-15, ông nói:
Tôi không có ý muốn để những người khác được thong thả còn anh chị em lại bị cơ cực, nhưng tôi muốn có sự quân bình. Hiện tại anh chị em đang dư dả thì giúp đỡ cho họ trong lúc túng thiếu; để khi được dư dả họ sẽ giúp đỡ anh chị em khi anh chị em bị túng thiếu. Như vậy là bằng nhau. Như có lời chép rằng: “Kẻ thu nhiều cũng không thừa, Người thu ít cũng chẳng thiếu!”
Hội Thánh đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem, sau ngày lễ Ngũ Tuần cũng đã hành xử như thế. Luca ký thuật lại điều đó trong Công Vụ 4: 32-35:
Bấy giờ cả cộng đồng tín hữu đều đồng tâm nhất trí, không ai coi tài sản mình là của riêng, nhưng kể mọi vật là của chung. Các sứ đồ cậy quyền năng lớn lao cứ làm chứng về sự sống lại của Chúa Giê-xu và tất cả đều được ân sủng dồi dào. Trong các tín hữu, không còn ai nghèo thiếu, vì những người có ruộng, có nhà đều bán đi, đem tiền bán tài sản đặt nơi chân các sứ đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu cá nhân.
Có ba yếu tố liên quan mật thiết với nhau cần lưu ý trong phân đoạn Kinh Thánh này. Thứ nhất, “Các sứ đồ … làm chứng về sự sống lại của Chúa Giê-xu”. Thứ hai, “tất cả đều được ân sủng dồi dào”. Thứ ba, “trong các tín hữu, không còn ai nghèo thiếu”. Lời chứng của các sứ đồ cung ứng đủ ân điển của Đức Chúa Trời, một cách rõ ràng, giữa vòng các tín hữu; và kết quả thực tiễn nằm ở chỗ: mọi nhu cầu của họ đều được thỏa mãn. Như vậy, cả dân sự Chúa là mẫu mực của sự hiệp nhất, là lời chứng tiếp theo về ân điển đầy trọn của Ngài trong mọi lĩnh vực của đời sống họ. Thế giới hôm nay cần những bằng chứng tương tự của Cơ-đốc nhân, một sự liên kết với Đức Chúa Trời thông qua đức tin nơi Đấng Christ và một lòng son sắt với nhau, để đáp ứng mọi nhu cầu cho nhau. (còn tiếp)
DEREK PRINCE – SỐNG BỞI ĐỨC TIN (FAITH TO LIVE BY)

ĂN BỞI ĐỨC TIN

Thế Nào Là Ăn Bởi Đức Tin?
Chúng ta đã ghi nhận rằng, “phần ba” của “bản giao hưởng” Rô-ma được dành riêng cho vấn đề áp dụng đức tin của chúng ta vào thực tiễn. “Phần” này được bắt đầu từ đâu? Từ một vấn đề xa vời và phù du chăng? – Không! Ngược lại, từ câu đầu tiên đã đề cập đến thân thể của chúng ta.
Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.
Phao-lô dạy rằng, “sự thờ phượng phải lẽ” của chúng ta nằm ở việc phó dâng chính thân thể mình cho Đức Chúa Trời. Có nghĩa là phần thiêng liêng, phần “đạo” của chúng ta cũng chính là những gì rất thực tế, rất “đời”. Nó được bắt đầu từ cái cách mà chúng ta đối đãi với thân thể của mình (trong chương Mười, chúng ta sẽ xem xét cách chi tiết kết quả của việc “dâng thân thể mình cho Đức Chúa Trời”).
Kể từ đây, Phao-lô xét đến những cung bậc khác nhau trong những lĩnh vực thực tiễn của đời sống cơ-đốc. Trong đoạn 14, ông đặc biệt chú ý đến vấn đề ăn uống. (Rõ ràng rằng, không có gì quan trọng hơn đối với thân thể của chúng ta là chuyện ăn!). Phao-lô nêu ra hai loại tín hữu: “Người nầy tin có thể ăn được cả mọi thứ; người kia là kẻ yếu đuối, chỉ ăn rau mà thôi” (Roma 14: 2). Ông không khẳng quyết rằng, ăn rau là đúng và ăn thịt là sai hoặc ngược lại. Đúng hơn, ông khẳng định rằng, tất cả những gì mà chúng ta làm bởi đức tin thì đó là đúng, còn điều gì mà chúng ta làm không bởi đức tin thì là sai. Rồi ông kết luận ở cuối đoạn: “Nhưng ai có lòng nghi ngại về thức ăn nào, thì bị định tội rồi, vì chẳng bởi đức tin mà làm; vả, phàm làm điều chi không bởi đức tin thì điều đó là tội lỗi”. (Roma 14: 23)
Ở đây, Phao-lô xác nhận chính nguyên tắc mà ông đã nói đến trong phần mở đầu của lá thơ này. Trong Roma 1: 17, ông trình bày nguyên tắc này dưới dạng tích cực: “người công chính sống bởi đức tin”, còn trong đoạn 14: 23, thì nó được trình bày dưới dạng tiêu cực: “tất cả điều gì không bởi đức tin là tội lỗi”. Xem xét hai hình thức, cả tích cực lẫn tiêu cực, duy chỉ một kết luận được rút ra: đức tin là cơ sở hay nền tảng duy nhất của một đời sống công chính.
Bây giờ chúng ta sẽ xem xét làm thế nào chúng ta có thể áp dụng đức tin của mình vào chuyện ăn uống. Chúng ta bị đòi buộc là phải “ăn bởi đức tin”. Có vẽ khó nghe quá, đúng không? Làm thế nào có thể thực hiện được việc này trong thực tế?
Ở đây, chúng ta cần ghi nhớ một vài yếu tố. Trước hết, phải nhìn nhận rằng, chúng ta lệ thuộc nơi Đức Chúa Trời trong vấn đề thức ăn. Chúng ta nhận lãnh thức ăn như là quà tặng từ Chúa. Nếu Ngài không chu cấp đủ thì chúng ta sẽ đói.
Thứ hai, theo đúng quy luật, chúng ta cảm tạ Đức Chúa Trời vì thức ăn. Sự cảm tạ còn mang lại một kết quả, mà Phao-lô có giải thích trong 1Timothe 4: 4-5:
Vì mọi vật do Đức Chúa Trời dựng nên đều tốt cả, không vật gì đáng bỏ, miễn là biết cảm tạ mà nhận lấy. Vì nhờ lời Đức Chúa Trời và lời cầu nguyện mà vật đó được thánh hóa
Nếu chúng ta ăn với lời cầu nguyện cảm tạ, thì thức ăn sẽ được “thánh hóa”, tức là trở nên một vật thánh, được Chúa định trước vì cớ lợi ích của chúng ta. Thậm chí, nếu trong thức ăn có thành phần nào đó không sạch hoặc độc hại thì bởi lời cầu nguyện cảm tạ mà những độc tố ấy cũng bị tiêu trừ.
Thứ ba, việc ăn uống bởi đức tin còn mang lại một kết quả vượt ra khỏi giới hạn của chuyện ẩm thực. Thức ăn của chúng ta là nguồn sức lực tự nhiên của chúng ta, còn Đức Chúa Trời là cội nguồn thức ăn của chúng ta.
Như vậy, sức lực của chúng ta tự thân nó là một tặng phẩm của Chúa. Chúng ta không có quyền sử dụng nó cho những mục đích tội lỗi hay ích kỷ, nhưng phải có trách nhiệm biệt riêng nó để phục vụ Đức Chúa Trời và làm vinh hiển Ngài.
Nếu chúng ta bằng cách đó áp dụng nguyên tắc đức tin vào trong chuyện ăn uống, thì mọi lĩnh vực của đời sống chúng ta sẽ có một ý nghĩa mới. Chúng ta hiểu thể nào, Phao-lô khuyên dạy tín hữu tại Cô-rinh-tô: “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” (1Corinhto 10: 31). Thông qua đức tin, thậm chí chuyện ăn uống hàng ngày của chúng ta cũng trở nên một hành động thánh thiện, mà tại đó chúng ta có thể làm vinh hiển Đức Chúa Trời. Đó chính là một trong những kết quả trực tiếp và rõ ràng nơi đời sống của những tín hữu đã được đổ đầy Đức Thánh Linh trong ngày lễ Ngũ Tuần. Việc ăn uống của họ đã trở nên bữa tiệc thiêng liêng của sự phục vụ và ngợi khen. Trong Công vụ 2: 46-47, Luca mô tả:
Hằng ngày, họ cứ đồng tâm chuyên cần đến Đền Thờ, họp nhau bẻ bánh từ nhà này sang nhà khác, dùng bữa với nhau cách vui vẻ rộng lượng, ca ngợi Đức Chúa Trời và được lòng tất cả mọi người. Mỗi ngày, Chúa tăng thêm số người được cứu.
Trong việc ăn uống của những Cơ-đốc nhân này có một điều gì đó khác thường, mà đã đánh động cảm tình nơi những người láng giềng chưa tin và rải ra ơn cứu rỗi. Điều này cũng có thể xảy ra với chúng ta, nếu chúng ta khởi sự thực hành đức tin trong chuyện ăn uống của mình!
Nếu kết quả của việc “ăn uống bởi đức tin” lớn lao như thế, thì đâu là hậu quả của việc khinh thường nguyên tắc đức tin trong lĩnh vực này? Để có một khái niệm rõ nét về một người ăn không bởi đức tin, chúng ta sẽ cùng xem trong sách Truyền Đạo.
Trong phần lớn của sách này, Sa-lô-môn mô tả một “con người tự nhiên”, tức là người sống trọn cả đời mình trong sự vô tín, không có được ân huệ và sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Bữa ăn của người đó được mô tả như thế này trong đoạn 5: 17: “Lại trọn đời mình, mình ăn trong sự tối tăm, phải nhiều sự buồn rầu đau đớn và phiền não”.
Hình ảnh mới kinh ngạc làm sao: “người ăn trong sự tối tăm”! Điều này có nghĩa gì? Đó là tình trạng ngược lại của việc “ăn bởi đức tin”. Người như thế không cho rằng thức ăn là do Chúa ban tặng, và người sẽ không vì nó mà cảm tạ Ngài. Do đó, thức ăn sẽ không được ban phước và thánh hóa. Kết quả sẽ là gì? – Nhiều sự buồn rầu đau đớn và phiền não.
Chúng ta đã xem xét khá chi tiết, cách áp dụng nguyên tắc đức tin vào trong một sinh hoạt thường nhật là chuyện ăn uống. Giờ đây, chúng ta nhận biết đầy đủ hơn về lĩnh vực áp dụng của Roma 1: 17 – “người công chính sống bởi đức tin”. Như chúng ta đã thấy, đức tin là kênh dẫn của sự sống Đức Chúa Trời. Càng sử dụng đức tin chừng nào, chúng ta càng kinh nghiệm sự sống đó chừng nấy. Mọi công việc mà chúng ta áp dụng đức tin vào đó, đều sẽ được thông suốt bởi sự sống của Đức Chúa Trời. Nó sẽ không còn nhàm tẻ, tầm thường mà trở nên tươi mới, phấn khích và vui mừng – và đó sẽ là lý do để thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa! (còn tiếp)
DEREK PRINCE – SỐNG BỞI ĐỨC TIN (FAITH TO LIVE BY)