Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

CẦU THAY CHO NGƯỜI


Cầu nguyện không là chỉ là mạng lịnh của Đức Chúa Trời mà còn là nhu cầu sống còn của một người tin Chúa. Cầu nguyện không chỉ có cầu xin mà còn có xưng tội, tôn vinh, cảm tạ và cầu thay nữa. Thực ra, cầu thay cũng là cầu xin nhưng là xin cho người chớ không phải xin cho mình. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau học về sự cầu thay. Đoạn Kinh Thánh được sử dụng làm nền tảng là Mathiơ 8: 5-13 và Thánh thi 107: 20 sẽ được chọn làm câu gốc cho bài học này.

Khi Đức Giê-su vào thành Ca-pha-na-um, một đội trưởng đến xin Ngài: “Thưa Thầy, người đầy tớ của tôi bị bệnh bại liệt đang nằm tại nhà đau đớn vô cùng.” Ngài phán: “Ta sẽ đến chữa lành cho nó.” Nhưng viên đội trưởng đáp: “Thưa Thầy, tôi không xứng đáng tiếp Thầy vào nhà. Xin Thầy chỉ truyền một lời, đầy tớ tôi sẽ được lành. Vì tôi ở dưới quyền người khác, cũng có binh sĩ dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Hãy đi’, thì nó đi, và bảo người kia: ‘Hãy đến’, thì nó đến; hoặc bảo đầy tớ của tôi: ‘Hãy làm việc này’, thì nó làm.” Nghe vậy, Đức Giê-su lấy làm ngạc nhiên; Ngài bảo những người theo mình: “Thật, Ta bảo các con, Ta không thấy ai trong dân Y-sơ-ra-ên có đức tin như thế này. Ta cho các con biết: Nhiều người từ phương đông, phương tây sẽ đến và ngồi đồng bàn với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp trong Nước Thiên Đàng. Nhưng những người đáng lẽ thừa hưởng Nước Thiên Đàng sẽ bị ném ra nơi tối tăm, ở đó sẽ có than khóc và rên xiết.” Đức Giê-su phán bảo viên đội trưởng: “Hãy đi! Con sẽ được như điều mình tin.” Ngay giờ đó người đầy tớ của ông được lành. (Mathiơ 8: 5-13)
“Ngài ban lời của Ngài đến và chữa lành cho họ; Ngài giải cứu họ khỏi huyệt sâu” (Thánh Thi 107: 20)
I.      Để cầu thay cho người khác cách hiệu quả, chúng ta cần có lòng thương xót
Đội trưởng là một sĩ quan quân đội, chỉ huy 100 binh lính. Ông là một người La-mã, tức là dân ngoại bang chớ không phải là người Do Thái, dân thuộc về Chúa
Người đội trưởng là hình ảnh của một người không thuộc về Chúa. Ông không phải là con dân Chúa như chúng ta, nhưng ông vẫn có thể chạy đến với Chúa để kêu cầu. Chúa không những không trách mắng hay xua đuổi mà còn nhanh chóng nhận lời cầu xin của ông.
Nếu một người chưa phải là con dân Chúa mà còn được Chúa nhận lời cầu xin như thế, thì tôi và mỗi một anh chị em sẽ được Chúa nhận lời cầu xin càng hơn là dường nào, nếu chúng ta chạy đến kêu cầu với Ngài.
Người đội trưởng này không cầu xin cho cá nhân mình mà là cầu xin cho người khác – xin Chúa chữa lành cho người đầy tớ của mình. Đây là trường hợp cầu thay, tức là cầu xin cho người khác.
Đây là trường hợp hy hữu vì ít khi người chỉ huy quân đội La-mã lại quan tâm đến quân lính của mình như thế. Việc người đội trưởng này biết đầy tớ của mình bị bại là chuyện tự nhiên, nhưng ông còn biết nó “đang nằm tại nhà đau đớn vô cùng” thì lại là chuyện khác. Điều đó nói lên lòng cảm thông, sự thương xót mà ông dành cho đầy tớ của mình.
Để có thể cầu thay – tức là cầu xin cho người khác – cách hiệu quả, chúng ta cần phải có lòng thương xót, một tấm lòng cảm thông và cưu mang cho chính người mà ta cầu thay cho. Đây chính là chỗ mà những người đã từng trãi qua sự đau ốm, tật nguyền, … rất dễ cảm thông, cưu mang cho những người có cùng cảnh ngộ như mình lúc chưa được lành. Do đó, lời cầu nguyện của họ thường rất hiệu quả.
Người đội trưởng này là một người đầy lòng thương xót đối với đầy tớ của mình, tức là những người dưới quyền của mình. Bởi lòng thương xót này mà ông đã chạy đến với Chúa để cầu xin sự chữa lành cho người đầy tớ và Chúa đã nhanh chóng nhận lời cầu xin của ông.
II.    Để cầu thay cho người khác cách hiệu quả, chúng ta cần có đức tin nơi Chúa
Người đội trưởng được Chúa Giê-xu khen là có đức tin lớn. “Đức tin lớn” của ông thể hiện chỗ nào? – Ở chỗ ông cho rằng, Chúa không cần phải đến gặp hay đến để đặt tay trên đầy tớ của ông, mà chỉ cần “truyền một lời” thôi, thì đầy tớ ông sẽ được lành.
Căn cứ vào đâu mà người sĩ quan này lại xác quyết như thế? – Vào trật tự của uy quyền. Đó là: trên bảo, dưới phải nghe hay cấp trên ra lịnh thì cấp dưới phải chấp hành, dù là nói trực tiếp hay là thông báo gián tiếp qua văn bản, giấy tờ. Dù người dưới có thích với điều người trên bảo hay không hoặc cấp dưới có đồng ý với mệnh lệnh của cấp trên hay không thì cấp dưới vẫn phải thi hành chớ không được quyền kháng lịnh.
Kinh Thánh không cho chúng ta biết, bởi đâu mà người đội trưởng biết được rằng, Chúa Giê-xu có uy quyền trên tất cả mọi bịnh tật. Nhưng rõ ràng, điều ông nói là hoàn toàn chính xác: mọi tật bịnh, đau ốm đều phải quy phục uy quyền của Chúa Giê-xu.
“… Đức Chúa Trời đã tôn Ngài lên và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh hiệu; Để khi nghe đến danh của Đức Giê-su, mọi đầu gối trên trời dưới đất, bên dưới đất đều phải quỳ xuống, và mọi lưỡi phải tuyên xưng Chúa Cứu Thế Giê-su là Chúa mà tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha” (Philip 2: 9-11).
Đó là quyền năng Ngài đã thực hiện trong Đấng Christ khi khiến Đấng Christ từ cõi chết sống lại, và đặt ngồi bên phải Ngài trong các nơi trên trời, vượt trên tất cả mọi quyền thống trị, mọi thẩm quyền, mọi thế lực, mọi chủ quyền, và mọi danh hiệu, không chỉ trong đời nầy mà cả đời sắp đến nữa. Ngài đã đặt vạn vật dưới chân Đấng Christ và lập Đấng Christ làm đầu mọi sự vì Hội Thánh (Epheso 1: 20-22)
Những phân đoạn Kinh Thánh trên cho chúng ta biết rằng, Chúa Giê-xu hiện đang cầm quyền cai trị trên cả cõi trời đất này. “Mọi đầu gối” hay “mọi danh xưng – tên gọi” dù trên trời cao kia hay dưới đất thấp này, đều phải phục dưới chân của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nếu đã là “mọi đầu gối”, “mọi tên gọi” thì có tên một loại bịnh tật hay dịch lệ nào mà không phục dưới uy quyền của Chúa Giê-xu không?
Thế thì, khi Chúa Giê-xu bảo với bịnh ung thư: “Hãy ra khỏi người này!”, hay Chúa truyền cho viêm loét dạ dày: “hãy lìa khỏi người nọ!”, thì điều gì sẽ xảy ra? – Những bịnh tật đó, dù không muốn, cũng phải vâng lời Ngài mà ra khỏi người bịnh. Uy quyền là như thế.
Và mỗi khi đến với Chúa để cầu xin sự chữa lành cho cá nhân mình hay cho người khác thì chính chúng ta cần phải biết rõ rằng, Chúa Giê-xu đang nắm quyền trên mọi tật bệnh, đau ốm và hãy tin chắc như thế. Đó là loại đức tin mà Chúa gọi là đức tin lớn và là loại đức tin mà Chúa muốn nhìn thấy nơi mỗi một chúng ta.
III.   Lời cầu thay của chúng ta sẽ được Chúa nhận theo như điều chúng ta tin
Không phải bởi đức tin của người đầy tớ bị bại liệt mà là bởi đức tin của người đội trưởng đã đem lại sự chữa lành cho người đầy tớ. Bởi đức tin của chúng ta, sự chữa lành từ nơi Chúa sẽ đến trên những người thân trong gia đình của mình, và thậm chí – như trong trường hợp người đội trưởng – ngay cả những người không bà con ruột thịt gì, nếu được ta cưu mang cầu thay thì Chúa vẫn có thể chữa lành cho họ.
Rõ ràng là Chúa đã sẵn sàng đến tận nơi để chữa lành cho người đầy tớ bị bại liệt nhưng người đội trưởng yêu cầu rằng, Chúa chỉ cần phán một lời là đủ, không cần phải đến tận nơi. Như vậy, Chúa không chỉ nhận lời cầu xin của người đội trưởng chữa lành cho đầy tớ của ông đang bị bại liệt mà Ngài còn chữa lành theo cách ông ta tin nữa.
Cách người đội trưởng tin là gì? – Chúa chỉ cần phán một lời thì đầy tớ của ông hết bại liệt ngay. Nói cách khác, ông đã cầu xin Chúa thế này: “Chúa ơi, không cần Chúa phải đến tận nơi để đặt tay trên đầy tớ của con. Chúa chỉ cần truyền một tiếng cho bịnh bại liệt thôi thì bịnh bại liệt sẽ lìa khỏi và đầy tớ con sẽ lành ngay lập tức. Con tin như vậy và con xin Ngài nhậm lời cầu xin của con”.
Và Chúa đã nhận lời ông: Hãy đi! Con sẽ được như điều mình tin”. Kinh Thánh thuật lại rằng, “ngay giờ đó người đầy tớ của ông được lành”. Điều này có nghĩa là khi ông về đến nhà, thì đầy tớ của ông đã có thể chạy ra đón ông từ ngoài cổng, chớ không còn nằm bất động, đau đớn trên giường như trước nữa.
Anh chị em ơi, Chúa Giê-xu mà chữa lành cho người đầy tớ khỏi bịnh bại liệt năm xưa cũng chính là Chúa Giê-xu mà mỗi một chúng ta đang thờ phượng. Kinh Thánh trong Hê-bơ-rơ 13: 8 dạy rằng, Ngài không hề thay đổi.
Mặt khác, một sĩ quan quân đội không phải là con dân Chúa mà còn biết chạy đến với Chúa của chúng ta để cầu xin sự chữa lành cho một đứa đầy tớ của mình, thì chúng ta không thể chạy đến với Ngài để cầu xin sự chữa lành cho người thân của mình, anh chị em của mình trong hội thánh sao?
Một sĩ quan quân đội không phải là con dân Chúa mà Chúa còn nhận lời cầu xin của người thì chẳng lẽ, Chúa không nhận lời của bạn và tôi là con dân của Ngài sao?
MSB

TIẾNG KÊU CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO


Người A-ma-léc đến tấn công dân Y-sơ-ra-ên tại Rê-phi-đim. Môi-se bảo Giô-suê: “Hãy tuyển chọn người của chúng ta để ra chiến đấu chống lại dân A-ma-léc. Ngày mai tôi sẽ đứng trên ngọn đồi với cây gậy của Đức Chúa Trời trong tay.” Như vậy Giô-suê chiến đấu chống lại dân A-ma-léc theo lệnh Môi-se, còn Môi-se, A-rôn và Hu-rơ lên đứng trên đỉnh đồi. Trong khi Môi-se đưa tay lên thì dân Y-sơ-ra-ên thắng thế, nhưng khi nào ông hạ tay xuống thì dân A-ma-léc lại thắng thế. Khi tay Môi-se đã mỏi, A-rôn và Hu-rơ cùng đứng mỗi người một bên để đỡ tay Môi-se và giữ cho tay ông không chuyển động cho đến khi mặt trời lặn. Như vậy Giô-suê dùng gươm đánh bại đạo quân A-ma-léc. (Xuất hành. 17: 8-13)
Phần lớn trong chúng ta đều đã biết, đã từng nghe và thậm chí nhiều người đã từng giảng về phần KT này. Theo đó, việc cầu thay của người lãnh đạo đóng vai trò rất lớn trong sự thành công của dân sự Đức Chúa Trời. “Khi Môi-se đưa tay lên thì dân Y-sơ-ra-ên thắng thế, nhưng khi nào ông hạ tay xuống thì dân A-ma-léc lại thắng thế”. Vẫn Giô-suê đó, vẫn Y-sơ-ra-ên đó, tức là vẫn tương quan lực lượng như thế nhưng lúc thì thắng, lúc lại bại. Thắng hay bại không do cục diện chiến cuộc trên đồng bằng Rê-phi-đim quyết định mà là do đôi tay của nhà lãnh đạo trên đỉnh đồi đang giơ lên hay đang hạ xuống.
Có một thực tế không lấy gì làm vui là ngày nay tại các Hội thánh, đại đa số thành viên “sống” dựa vào lời cầu thay của người lãnh đạo. Dĩ nhiên, Chúa lập người lãnh đạo Hội thánh là để coi sóc, canh giữ bầy chiên của Ngài (Công vụ 20: 28). Người lãnh đạo phải có trách nhiệm cầu thay cho những thành viên trong Hội thánh. Thế nhưng, ta thường hay đòi hỏi rất nhiều nơi người lãnh đạo thuộc linh của mình. Rằng người phải nên thế này, nên thế kia; Rằng người phải thay đổi điều này, chỉnh sửa việc nọ. Riết rồi ta quên luôn việc người lãnh đạo của mình cũng chỉ là người bất toàn, yếu đuối như ta. Ta đòi hỏi người phải làm phần của người cho ta, mà quên thực hiện phần của mình đối với người. Vì quên nên ta buồn, vì buồn nên ta cho rằng người không còn xứng đáng “cầm gậy của Đức Chúa Trời trong tay nữa”, và thế là ta … bước vào cuộc độc hành để tìm người xứng đáng. Nhưng hỡi ơi, ta làm sao tìm cho ra người xứng đáng vì người được Chúa chọn làm lãnh đạo nào phải do tài năng hay trí tuệ – vì giữa vòng những người được chọn làm gì có nhiều người khôn ngoan, nhiều kẻ quyền thế, sang trọng đâu (I Corinhto 1: 26) – mà người được chọn chỉ vì ơn, tức là ân sủng của Chúa mà thôi.
Vì cũng là người “vốn yếu đuối như chúng ta” nên đã có lúc “tay Môi-se mỏi”. Tay mỏi nên đã không ít lần người hạ xuống. Tay người hạ xuống đồng nghĩa với việc Giô-suê và Y-sơ-ra-ên tháo lui. Môi-se ngày xưa thì có A-rôn và Hu-rơ “hộ giá” nhưng có biết bao Môi-se của ngày hôm nay phải đơn độc trên đồi, nhìn sự thối lui, thất bại của thuộc cấp và dân sự nhưng lực bất tòng tâm.
Bạn thân mến, bạn là ai trong bức tranh toàn cảnh trận chiến tại Rê-phi-đim? Bạn là người phải giơ tay lên mỗi ngày [(ít nhất là cho gia đình riêng của bạn (I Timothe 2: 8)] hay bạn là người hưởng lợi từ việc tay người khác giơ lên? Có thể bạn vừa là người phải giơ tay lên, vừa là người hưởng lợi từ việc cầu thay của người lãnh đạo trên mình cũng nên. Nếu là người “hưởng lợi” thì bạn nghỉ sao khi người lãnh đạo của bạn đang bị bỏ cô độc trên đồi? Và nếu người lãnh đạo của bạn không có ai kê đá cho ngồi, không có người đỡ tay hai bên thì liệu có còn “lợi” gì để bạn “hưởng” nữa không? Có thể bạn đang “ăn nên làm ra”, bầy chiên nhỏ của bạn “đang thắng hơn”, thì điều đó không có nghĩa là bởi chính tài năng và trí lực của bạn cùng bầy chiên của bạn mà là bởi vì tay người lãnh đạo trên bạn chưa đến lúc mỏi đó thôi. Dù bạn có đồng ý hay không thì sự che phủ thuộc linh của người lãnh đạo trên bạn vẫn tồn tại. Thế thì, một A-rôn, hoặc là một Hu-rơ của ngày hôm nay tại sao không thể là bạn? Chẳng lẽ, bạn không nghe thấy tiếng kêu của người lãnh đạo trên mình sao?
Nếu bạn là người phải giơ tay lên mỗi ngày thì đã có bao giờ bạn ước ao nhìn thấy lúc nào xung quanh mình cũng luôn sẵn sàng những hộ giá A-rôn hoặc Hu-rơ? Điều gì sẽ xảy ra nếu mỗi một thành viên trong Hội thánh mà Đức Chúa Trời giao cho bạn là những A-rôn, những Hu-rơ cho bạn? Bạn đã thổ lộ điều này với Chúa, Đấng làm thỏa lòng ước ao của người công bình chưa? Hãy cầu xin Đức Chúa Trời đổ linh cầu thay của Ngài trên hết thảy dân sự Chúa, trên hết thảy những người hầu việc Chúa và cầu xin Ngài ban cho bạn chu toàn chức phận của Ngài: làm một người cầu thay trung tín cho người lãnh đạo trên mình. Hãy cầu thay thay vì phê phán, hay chỉ trích. Hãy cầu thay cho những người lãnh đạo Hội thánh, để bạn được dự phần trong chiến thắng vang dội của dân sự Đức Chúa Trời trên dân A-ma-léc thuộc linh trên khắp mọi nơi.
MSB

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

BỆNH VÔ ƠN


Vô ơn là căn bệnh vô cùng đáng sợ của thời đại mà chúng ta đang sống. Vô ơn, bạc nghĩa chính là một trong những dấu hiệu suy thoái đạo đức của thời kỳ cuối cùng. Vì là ‘bệnh’, là ‘dấu hiệu’ của thời kỳ mà chúng ta đang sống nên đã không biết bao lần ta ‘bị người quên ơn’, và không ít lần chính ta ‘quên ơn người’, dù không phải ai trong chúng ta, lúc nào đủ dũng khí để chịu nhìn nhận mình là kẻ vô ơn. Vô ơn là ngược nghĩa với nhớ ơn hay biết ơn.
Cuộc sống là một chuỗi những ân huệ nối tiếp, đan xen nhau. Có những ân huệ do nơi Chúa, cũng có những ơn đến từ con người. Không ai có thể tự sống mà không lãnh nhận như Kinh Thánh chép: “Có điều gì bạn có mà không do nhận lãnh chăng? Nếu bạn đã nhận lãnh, thì sao còn khoe khoang như chưa từng nhận lãnh? (1Corinhto 4: 7) Vậy nếu cuộc sống là lãnh nhận thì người ta sẽ như thế nào nếu không hề biết nói hai tiếng “cám ơn”, hoặc chẳng bao giơ bày tỏ tấm lòng tri ân (?)
Ngày nay, hai tiếng “cám ơn” càng ngày càng thiếu vắng trong cuộc sống hiện tại, ngay cả trong cộng đồng dân Chúa. Chúng ta ngày hôm nay, ngần ngại khi phải nói tiếng “cám ơn”. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy hai tiếng “cám ơn” hình như bớt dần đi theo tuổi tác. Càng lớn tuổi, người ta càng khó nói tiếng “cám ơn”. Đối với ‘người dưng’ ta dễ nói “cám ơn” hơn đối với ‘người nhà’. Càng thân thiết, gần gũi, người ta càng khó mở miệng để nói tiếng “cám ơn”. Nhưng nếu chỉ hai tiếng “cám ơn” mà chúng ta không nói được, thì tình trạng luân lý của xã hội đang tuột dốc một cách nguy hiểm là dường nào.
Vô ơn hay biết ơn luôn là tình trạng của tấm lòng hay lối sống. Đó là lý do mà đi cùng với những cụm từ “vô ơn” hay “nhớ ơn” này bao giờ cũng là các từ “lòng” (lòng vô ơn/biết ơn) hay “lối sống” hoặc “đời sống” (đời sống vô ơn/nhớ ơn). Đành rằng, “lòng đầy dẫy miệng mới nói ra”, nhưng ngày nay, đối với nhiều người, nhiều khi miệng nói cám ơn, nhưng lòng lại … vô ơn. Trong trường hợp này, hai tiếng “cám ơn” chỉ còn là ngôn ngữ giao tiếp, mất đi ý nghĩa thật và những chủ nhân của nó đang lâm bệnh mà không hề biết.
Có những người luôn ghi ơn, nhớ ơn, biết ơn những người ‘thi ơn’ cho mình, tức là những người giúp mình bằng những hành động trả ơn rất cụ thể, như quà cáp, tiền bạc, … mỗi khi lễ, tết hay có dịp tiện. Nếu những việc làm ấy thực sự xuất phát từ một tấm lòng biết ơn chân thành thì người ấy sẽ không đủ chỗ chứa phước như Kinh Thánh dạy. Còn ngược lại, nếu những ‘hành động trả ơn’ như thế được thực hiện vì ‘trách nhiệm’, vì ‘bổn phận’, vì ‘nghĩa vụ’, … thì chủ nhân của nó cũng đang lâm trọng bệnh, mà thậm chí, còn nặng hơn đối tượng ‘ơn … chỉ nơi mồm’ ở trên! ‘Nặng hơn’ vì đang bệnh nhưng lại tưởng mình đang khỏe.
Dù hai đối tượng vừa nêu có ‘dính’ bệnh vô ơn, thậm chí là nặng nhưng cũng chưa đến mức nguy cấp như đối tượng sắp được kể ra đây. Ở mức độ này, người ta thường không ghi nhận công khó của bố hay mẹ, của vợ hay chồng, của con cái trong nhà, của anh chị em trong hội thánh, của đồng nghiệp trong cơ quan hay công ty mà chỉ xem đó là trách nhiệm người kia phải chu toàn, phải thực hiện.
‘Người bệnh’ ở mức độ này thường cho là những gì mình đang được hưởng là hiển nhiên, là tất yếu. Mình là đối tượng mà người khác phải phục vụ, do đó, mình có quyền đòi hỏi, yêu sách người khác phải thỏa mãn yêu cầu, ước muốn của mình. Có thể ban đầu người ấy cũng nhớ ơn, biết ơn những người xung quanh đã giúp đỡ, phục vụ mình nhưng dần về sau thì quên. Vì quên rằng mình là người ‘chịu ơn’, nên người ấy đã trở nên là kẻ vô ơn.
Người vô ơn ở trong trường hợp này không chỉ khiến cho người ‘làm ơn’ buồn, thất vọng, cảm thấy bị lợi dụng, mà lòng vô ơn còn khiến cho người ta nhận thấy sự non trẻ, thiếu trưởng thành nơi người ấy là dường nào. Một người mà cứ ‘gieo’ vào đời những ‘hạt vô ơn’ như thế lại có thể gặt được những vụ mùa ân huệ phúc lành dồi dào ở tương lai sao?
Bao nhiêu người trong chúng ta đã ‘bệnh’ đến giai đoạn này rồi? – Nên nhớ, một trong những hiểm họa của ‘căn bệnh’ này là người bị bệnh không hề nghĩ rằng mình đã lâm bạo bệnh. Nhiều người ‘chết’ là ở chỗ đó.
Chỉ nêu ra một khía cạnh nhỏ trong sinh hoạt hàng tuần của hội thánh tại M’sia này là chúng ta có thể thấy được ‘tình trạng sức khỏe’ của chính mình ngay thôi.
Mỗi tối Chúa nhật, có xe của Hội Thánh mẹ, chúng ta thường quen gọi là xe của nhà thờ, đến đón chúng ta đi thờ phượng Chúa và trả về đến nhà sau buổi nhóm. Một số rất ít Hội Thánh có thuê tài xế, còn lại phần lớn những người chạy xe này là những người tình nguyện, hoặc là những tín hữu người địa phương hoặc là những anh em hay người hầu việc Chúa người Việt đảm trách. Họ cũng là những người phải đi làm ăn hàng ngày, suốt cả tuần như hầu hết tất cả chúng ta, và sáng hôm sau, thứ hai, họ cũng phải vào công việc. Đó là chưa kể, tối Chúa nhật, lẽ ra họ cần phải nghĩ ngơi và dành thời giờ cho gia đình. Thế nhưng họ tình nguyện chạy xe đưa rước anh chị em chúng ta. Họ phục vụ hoàn toàn miễn phí. Họ không ‘mắc nợ’ gì chúng ta hết. Họ không có nghĩa vụ hay bổn phận gì phải phục vụ chúng ta hết. Thế nhưng, điều mà họ nhận được từ nơi chúng ta là gì, hỡi anh chị em?
Bao nhiêu người trong chúng ta đã có lần mua cho họ chai nước; bao nhiêu lần ta nhớ đến họ mà dành phần cho họ một ít hoa quả hay một hộp cơm sau buổi nhóm; bao nhiêu người trong chúng ta nhớ đến họ trong một lời cầu thay, hay chúng ta chỉ dành cho họ những đòi hỏi, phê phán, oán trách khi xe đến trễ, lúc xe về muộn hoặc thậm chí chúng ta không buồn mở miệng nói một lời “cám ơn”, dù chỉ là ‘đầu môi chót lưỡi’, khi họ đã đưa ta đến tận cửa nhà.
Hầu hết, các mục vụ Việt Nam tại M’sia đều có phục vụ miễn phí bữa ăn tối hoặc trước hoặc sau buổi nhóm. Những người nấu – cũng giống như những người lái xe – hoặc là người địa phương, hoặc là anh chị em người Việt trong Hội thánh tình nguyện phục vụ. Mỗi phần ăn thường được Hội Thánh mẹ chi cho 3 ringgit. 3 ringgit trong thời giá hôm nay, chắc ai cũng biết là nó bé thế nào. Ấy vậy mà, Chúa nhật nào ta cũng còn có ‘cơm nóng, thịt sốt’ để mà ăn. Thế nhưng, đa số anh chị em chúng ta không hề biết trân quý công khó của những người phục vụ tình nguyện này. Sao ta vô tình đến thế kia chứ, vô tình đến độ ngay trong lời cầu nguyện trước bữa ăn cũng không hề có một lời nhớ đến người ta. Mỗi người chúng ta tự xét xem, chỉ riêng trong chuyện này thôi, mình là người biết ơn hay là kẻ vô ơn; chỉ riêng trong chuyện này thôi thì mình là người lớn hay vẫn còn trẻ con.
Có lẽ, nhiều người trong chúng ta cho rằng ‘vô ơn’ chỉ là chuyện nhỏ, đâu có chi to tát. Không. ‘Vô ơn’ không hề là ‘chuyện nhỏ’. Hậu quả của tình trạng này là vô cùng nghiêm trọng.
Kinh Thánh chép: Con phải biết điều nầy: trong những ngày cuối cùng sẽ có những thời khó khăn, vì người ta sẽ vị kỷ, tham tiền, khoe khoang, kiêu ngạo, phạm thượng, không vâng lời cha mẹ, VÔ ƠN BẠC NGHĨA, bất kính, không có tình người, cố chấp, vu khống, buông tuồng, hung dữ, ghét điều tốt, phản bội, ngang bướng, tự phụ, ham thích vui thú thế gian hơn yêu mến Đức Chúa Trời, bề ngoài giữ hình thức của sự tin kính nhưng trong lòng chối bỏ quyền năng của sự tin kính ấy; con hãy tránh xa những kẻ như thế” (2 Timothe 3: 1-5)
Phân đoạn Kinh Thánh trên không đề cập đến những người ngoài Chúa, như nhiều người lầm tưởng khi đọc lướt qua. Những đối tượng được mô tả ở trên là ‘người trong nhà Chúa’, chớ không phải người ngoài.
Trong bảng danh sách này thì người vô ơn, bội nghĩa đứng ở đâu? – Bên cạnh người bất kính (không tin kính hay vô tín), tức kẻ ngoại đạo. Trở nên kẻ vô ơn có nghĩa là trở nên người không có Chúa. Bạn không thể vừa trở nên một thánh nhân vừa là một kẻ vô ơn, bạc nghĩa được. Điều thú vị là trong tiếng Hy-lạp (ngôn ngữ được dùng để viết Kinh Tân Ước) thì từ cảm ơn, biết ơn hay tri ân (eucharisto) có liên quan trực tiếp đến gốc từ ân điển (charis). Như thế, có một mối liên hệ trực tiếp giữa ân điển và tri ân. Do đó, có thể nói rằng, người vô ơn là người ở ngoài ân điển của Đức Chúa Trời. Các bạn không thể vừa là người vô ơn, đồng thời là những người hiện ở trong ân điển của Chúa được.
Bạn có đang bị bệnh ‘vô ơn’ không?
MSB

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

BÙ LẠI THỜI GIAN ĐÃ MẤT


Đức Chúa Trời không bao giờ bỏ cuộc trong việc làm ra điều tốt đẹp từ cuộc đời chúng ta.
Hỡi đất, đừng sợ! Hãy vui mừng hoan hỉ, vì Đức Giê-hô-va đã làm những việc lớn. Hỡi các loài thú đồng, đừng sợ, vì các đồng cỏ nơi hoang mạc sẽ lại xanh tươi. Cây cối sẽ ra trái, cây vả và cây nho đều cho quả dồi dào. Hỡi con dân Si-ôn, hãy vui mừng hoan hỉ trong Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi! Vì Ngài ban mưa đầu mùa cho các ngươi; Đổ mưa đầu mùa và mưa cuối mùa xuống cho các ngươi như trước. Các sân đập lúa sẽ đầy lúa mì, các thùng sẽ tràn rượu mới và dầu.
“Ta sẽ đền bù cho các con về những năm mùa màng bị cắn phá, bởi cào cào, sâu lột vỏ, sâu keo và châu chấu, là đạo quân lớn mà Ta đã sai đến giữa các con.
Các con sẽ ăn và được no nê, và sẽ ca ngợi danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các con, là Đấng đã đối xử với các con cách diệu kỳ. Dân Ta sẽ không bao giờ bị xấu hổ nữa.
Các con sẽ biết rằng Ta ở giữa Y-sơ-ra-ên, và biết rằng Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời các con, chẳng có ai khác. Dân Ta sẽ không bao giờ bị xấu hổ nữa.” (Giô-ên 2 : 21-27)
Không ai trong chúng ta có thể nói mình không có gì phải hối tiếc. Chúng ta thường bị dẫn tới những giai đoạn tồi tệ, dài ngắn khác nhau, bởi việc lựa chọn sai lầm của cá nhân mình, và những gia đoạn đó có thể để lại ảnh hưởng lâu dài trên tâm trí, cơ thể, và linh hồn của chúng ta
Một người bạn của tôi từng sống nhiều năm trong rượu chè và lạm dụng ma túy. Nhưng Đức Chúa Trời đã làm một việc kỳ lạ trong đời anh, và mới đây anh đã ăn mừng 25 năm thoát khỏi lạm dụng ma túy. Hiện nay anh đang kinh doanh thành công, có một người vợ chung thủy và con cái yêu mến Chúa. Anh say mê đến với những người sống trong hố sâu cuộc đời, và anh làm người cố vấn khôn ngoan yêu thương trong những hoạt động cứu vớt cuộc đời họ. 
Đức Chúa Trời không bao giờ bỏ cuộc đối với chúng ta! Cho dù chúng ta đã có những lựa chọn sai lầm trong quá khứ, khiến phải hối tiếc, nhưng chúng ta vẫn có thể chọn lại cách sống trong hiện tại. Chúng ta có thể chọn tiếp tục hủy hoại đời sống, rồi đắm mình trong hối tiếc, hoặc chúng ta có thể chạy đến với Đấng Christ tin rằng Ngài có cách để "phục hồi những năm bị cắn phá, bởi cào cào" (Giô-ên 2: 25). Khi chúng ta ăn năn tìm kiếm sự chữa lành cùng quyền năng giải thoát của Ngài, thì Ngài nhân từ đối với chúng ta. 
Dù một số hậu quả từ quá khứ có thể vẫn còn, nhưng chúng ta có thể tin tưởng Đức Chúa Trời có tương lai tốt đẹp và tươi sáng cho người tin cậy Ngài!  - Joe Stowell
 (Theo Our Daily Bread, April 11, 2013)

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

NGÀI VẪN BÊN TA (tt)


Ê-li Gặp Chúa Tại Hô-rếp
Bấy giờ có lời của CHÚA đến với Ê-li rằng: “Hỡi Ê-li, ngươi làm gì ở đây?” Ông đáp: “Con rất nhiệt thành về CHÚA, là Đức Chúa Trời Vạn Quân; vì dân Y-sơ-ra-ên đã lìa bỏ giao ước Ngài, phá đổ các bàn thờ Ngài, dùng gươm giết hại các tiên tri Ngài. Chỉ còn một mình con còn sót lại, mà bây giờ họ đang lùng bắt để lấy mạng con.”
Ngài phán: “Hãy đi ra và đứng trên núi trước mặt CHÚA, vì Chúa sắp đi ngang qua.” Bấy giờ có một trận gió rất mạnh thổi qua, gió mạnh đến nỗi xẻ núi ra và làm vỡ đá ra từng mảnh trước mặt CHÚA, nhưng Chúa không có trong trận gió. Sau trận gió là một cơn động đất, nhưng Chúa cũng không có trong cơn động đất. Sau cơn động đất là một luồng lửa hực, nhưng Chúa cũng không có trong luồng lửa hực đó. Sau luồng lửa hực có một tiếng êm dịu nhỏ nhẹ. Khi Ê-li nghe tiếng đó, ông vội lấy áo choàng che mặt, chạy ra và đứng nơi miệng hang. Bấy giờ có một tiếng nói với ông: “Hỡi Ê-li, ngươi làm gì ở đây?” Ông đáp: “Con rất nhiệt thành về CHÚA, là Đức Chúa Trời Vạn Quân; vì dân Y-sơ-ra-ên đã lìa bỏ giao ước Ngài, phá đổ các bàn thờ Ngài, dùng gươm giết hại các tiên tri Ngài. Chỉ còn một mình con còn sót lại, mà bây giờ họ đang lùng bắt để lấy mạng con.”
Chúa bèn phán với ông: “Hãy đi, hãy trở lại con đường ngươi đã đi, mà đến vùng đồng hoang Đa-mách. Khi đến nơi, ngươi hãy xức dầu cho Ha-xa-ên làm vua A-ram. Ngươi cũng hãy xức dầu cho Giê-hu, con trai Nim-si, làm vua Y-sơ-ra-ên; và ngươi cũng hãy xức dầu cho Ê-li-sê, con trai Sa-phát, ở A-bên Mê-hô-la, làm tiên tri thế cho ngươi. Ai thoát khỏi gươm của Ha-xa-ên, Giê-hu sẽ giết; ai thoát khỏi gươm của Giê-hu, Ê-li-sê sẽ giết. Còn Ta, Ta đã để dành cho Ta bảy ngàn người trong Y-sơ-ra-ên. Tất cả những người nầy chưa hề quỳ gối trước Ba-anh, và môi họ chưa hề hôn nó.”
II. Chúa – Đấng Yên ủi Của Mỗi Một Chúng Ta
A.    Ngài yên ủi bằng lời của Ngài
1.     Eli đang tự dối lòng mình rằng ông muốn chết. Vị tiên tri đang đổ lỗi cho người khác. Đức Chúa Trời có buồn khi nhìn thấy hành vi của tôi tớ Ngài không? Chắc chắn là có buồn nhưng Ngài không giận. Chỉ có một tấm lòng bao dung, nhân từ mới có thể xử sự như vậy mà thôi. Ước mong sao bạn có được một tấm lòng như vậy đối với những người đang thối chí, ngã lòng.
Chúa không hỏi: “Tại sao ngươi vào đây?” mà là “Hỡi Ê-li, ngươi làm gì ở đây?” Bởi câu hỏi này, Chúa muốn nhắc cho Ê-li biết rằng, chỗ của ông không phải là ‘trong hang’, dù đây là một cái hang trên núi Hô-rếp, núi của Đức Chúa Trời!
Vấn đề không phải là bạn có lý do chính đáng để ‘trốn’ vào vị trí hiện tại của bạn hay không; Vấn đề không phải là bạn có lý do chính đáng để làm những việc mà hiện tại bạn đang làm hay không mà là vị trí đó, hay việc làm đó có phải là chỗ hay là công việc mà Chúa muốn bạn làm hay không.
Nếu hôm nay Chúa hỏi: “ngươi làm gì ở đây?” thì bao nhiêu người trong chúng ta sẽ trả lời được: “con đang làm việc Chúa bảo con làm” (?)
2.     Chúa dùng lời Ngài để yên ủi nhưng không bằng giọng sấm truyền mà là tiếng êm dịu, nhỏ nhẹ. Giọng sấm truyền là để giảng, để công bố luật, để tuyên án. Còn lời êm dịu nhỏ nhẹ là để vỗ về, ôm ấp như một người mẹ đang ru con. Lời ru dỗ giấc ngũ cho đứa con đang bị sốt vì không vâng lời mẹ rong chơi suốt ngày ngoài trời nắng. Hãy lắng nghe tiếng vỗ về mà Chúa dành cho bạn trong lúc nầy. Dầu ngày qua bạn có phạm sai lầm thì Chúa cũng không định tội bạn đâu; Ngài không lên án bạn đâu. Hãy lắng nghe! Ngài đang nói: “Hỡi con, Ta yêu con biết dường nào!”
B.    Ngài yên ủi bằng sự uỷ thác trách nhiệm
1.     Việc Chúa sai Eli đi xức dầu cho Haxaen, Giêhu và Elise chứng tỏ rằng Chúa vẫn tiếp tục tin dùng người của Ngài. Còn có sự yên ủi nào lớn hơn dành cho người bỏ cuộc trước đó không (?) Đó chính là điều Giê-xu đã dành cho Phierơ: “Hãy chăn chiên Ta!”. Chúa Giê-xu không sợ Phierơ từ bỏ chiên Ngài như từ bỏ Ngài trước đó.Ước gì mỗi một người lãnh đạo ngày hôm nay có được tấm lòng của Đức Chúa Trời như thế đối với dân sự của mình.
2.     Đức Chúa Trời luôn dành cho chúng ta cơ hội để trở lại, để làm lại cuộc đời. Vẫn còn cơ hội cho bạn ngày hôm nay. Vẫn còn có một Haxaen, một Giêhu chưa được phong Vương đang ở đâu đấy. Vẫn còn có một Elise – đệ tử tương lai của bạn – đang chờ bạn đụng đến để có thể chặt cày, xẽ bò dâng trọn cuộc đời phục vụ Chúa Toàn năng.
Hỡi những Eli của Đức Chúa Trời ngày hôm nay, bạn đang ở đâu? Bạn đang làm gì ở đó? Có phải bạn đang buồn chán, đang tìm cách trốn chạy thực tại, chối bỏ sự kêu gọi của Đức Chúa Trời? Hãy nhìn vào thức ăn hàng ngày của bạn. Hãy lắng nghe tiếng phán êm dịu nhỏ nhẹ đến từ Đức Chúa Trời và đừng bao giờ quên rằng Chúa vẫn còn tin cậy bạn. Eli đã nghe được việc ông cần phải làm từ nơi Đức Chúa Trời, còn bạn?
MSB

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

NGÀI VẪN BÊN TA


Nhân loại đang đi vào thời kỳ cuối cùng: kinh tế sa sút, thu nhập bấp bênh và tình trạng thuộc linh của nhiều Hội thánh Chúa khắp mọi nơi cũng trên đà suy thoái. Trong hoàn cảnh như thế, rất nhiều người rơi vào tình trạng trầm uất, nản lòng, thối chí, kể cả con dân Chúa và những người hầu việc Chúa. Giải pháp cho tình trạng này là gì? Câu trả lời không mới: chính Chúa! Vâng, nhận biết chính Chúa là câu trả lời cho vấn nạn đương đại này.
Nếu Đức Chúa Trời mà chúng ta tin chính là Đức Chúa Trời được tỏ bày trong phân đoạn Kinh Thánh 1 Các Vua 19: 1-18 thì không cớ gì chúng ta phải nản lòng, thối chí; không cớ gì chúng ta phải ấm áp tư tưởng bỏ cuộc, thối lui.
A-háp kể cho Giê-sa-bên mọi sự Ê-li đã làm, thể nào ông đã dùng gươm giết tất cả các tiên tri. Giê-sa-bên bèn sai một sứ giả đến nói với Ê-li rằng: “Nguyện các thần phạt ta cách nặng nề, nếu giờ nầy ngày mai, ta không khiến mạng ngươi giống như mạng một người trong các tiên tri ngươi đã giết.”
Bấy giờ Ê-li sợ hãi. Ông đứng dậy, chạy trốn để cứu mạng. Ông đến Bê-e Sê-ba thuộc nước Giu-đa. Ông để đầy tớ ông lại đó. Còn ông, ông đi thêm bốn ngày, vào sâu trong đồng hoang. Ông đến ngồi dưới bóng một cây kim tước, và cầu xin được chết rằng: “Lạy CHÚA, con thấy đã đủ rồi. Bây giờ xin Ngài hãy cất lấy mạng sống con đi. Vì con không hơn gì các tổ phụ con.” Xong ông nằm dưới bóng cây kim tước đó và ngủ thiếp đi.
Thình lình, một thiên sứ chạm vào người ông và bảo: “Hãy thức dậy và ăn.” Ông nhìn quanh và thấy kề nơi đầu ông nằm có một cái bánh nướng trên than đá và một bình nước. Ông ăn bánh và uống nước, rồi nằm xuống ngủ tiếp.
Thiên sứ của CHÚA đến lần thứ nhì, chạm vào người ông và nói: “Hãy thức dậy và ăn, vì đường còn xa lắm cho ngươi.” Ông thức dậy ăn và uống, rồi nhờ sức lực của thực phẩm đó, ông đi bộ bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, đến Hô-rếp, là núi của Đức Chúa Trời. Đến nơi, ông vào trú ẩn trong một cái hang, và qua đêm tại đó.
Phân đoạn Kinh Thánh tuyệt vời này tỏ cho chúng ta hai hình ảnh về Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về Đấng đó.
I. Chúa – Đấng Luôn ở Cùng Qua Sự Chu Cấp
A.    Sợ hãi, nản lòng khiến người của Đức Chúa Trời không còn thấy Chúa.
1.     Bị người từ chối công lao, sự hy sinh khiến Eli nản lòng.
Ê-li là một tiên tri của Đức Chúa Trời, tức là người phát ngôn của Chúa trong thời bấy giờ, hay nói theo ngôn ngữ ngày hôm nay, ông là một người hầu việc Chúa. Lúc bấy giờ, xứ sở hạn hán kéo dài, đời sống người dân đói khổ. Con dân Chúa không còn phân biệt được đâu là tà, đâu là chánh, đâu là Chúa, đâu là Ba-anh (một dạng Phúc thần) của dân ngoại bang.
Thế rồi, Chúa đã đáp lời Ê-li, xác nhận Ngài là Chân Thần bằng việc giáng lửa trên sinh tế mà ông dâng trên đỉnh núi Cạc-mên. Sự kiện lạ lùng này đã gây chấn động và tỉnh thức toàn dân Y-sơ-ra-ên trở lại thờ phượng Chúa, Đức Chúa Trời của họ. Không những thế, Chúa còn nhậm lời Ê-li ban mưa xuống trên toàn đất nước sau 3 năm dài hạn hán.
Với công trạng như thế, lẽ ra Ê-li phải được những người lãnh đạo đất nước long trọng nghinh tiếp vào hoàng cung với yến tiệc linh đình. Nhưng ngược lại, Ê-li được chào đón bằng một lời hăm dọa của hoàng hậu Giê-sa-bên: “Nếu vào giờ nầy ngày mai, ta không xử mạng sống ngươi như mạng sống của một trong những tiên tri mà ngươi đã giết, nguyện các thần phạt ta cách nặng nề” (c. 2)
Thế là, Ê-li sợ hãi và bỏ chạy. Sức lực và tinh thần của Ê-li bỗng dưng … mất sạch. Không những bị phủ nhận hoàn toàn công lao, mà Ê-li còn bị đe dọa đến tính mạng nữa. “Thế này thì còn hầu việc Chúa để làm gì cơ chứ”. Vậy là … nản, rồi tư tưởng bỏ cuộc liền ập đến, và kết cuộc là bỏ chạy, bỏ tất cả để chạy trốn.
Nản lòng, thối chí đôi khi đến với người của Chúa bằng con đường như vậy đấy. Thất bại thì nản lòng đã đành, đằng này đang thành công, thành công rực rỡ nữa là khác mà lại rơi vào tình trạng nản lòng, nản đến cùng cực. Nản đến độ, người của Chúa phải thốt lên: “chết còn sướng hơn!”
Có ai trong chúng ta đã từng hoặc đang ở trong tình trạng của Ê-li chăng? Nếu là như thế thì hãy ngẫm xem: “tại sao Chúa lại cho phép chuyện này xảy ra với mình?” Phải chăng, từ trước đến giờ mình cứ tưởng là mình ‘hy sinh, tận hiến, lao khổ, xả thân’ là vì Chúa, vì vinh hiển Chúa, … nhưng qua sự vụ này mình mới ngộ ra được rằng, thật sự thì mình chỉ tìm kiếm vinh hiển, tìm kiếm sự công nhận của mọi người cho chính cá nhân mình mà thôi (?)
Bởi lẽ, nếu ta thật sự làm việc này, việc nọ vì Chúa, vì lợi ích cho Chúa thì việc người ta có công nhận, có ghi nhớ công lao hay là có tưởng thướng cho chúng ta hay không cũng chẳng ảnh hưởng chi đến chuyện nản chí hay bền lòng của cá nhân mình. Thật phước cho những ai được Chúa ‘phơi bày’ động cơ kín giấu của mình ra như thế.
2.     Bối cảnh, con người thay đổi hay chính mình thay đổi? Cũng Ahap gian ác đó, cũng Giê-sa-bên lộng quyền, say mê hình tượng đó nhưng trước thì Eli là một tiên tri đầy quyền năng còn lúc nầy, ông là một tiên tri đầy quyền … ‘thăng’! Chúa không hề lấy lại những gì Ngài ban cho Ê-li (Roma 11: 29). Chính điều này bày tỏ “sự yếu đuối” giống như chúng ta của Eli.
Nhiều khi, chúng ta hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác về sự sa sút, về những quyết định thối lui, bỏ cuộc của mình. Thế nhưng, thành thật mà suy xét ta sẽ thấy được đâu là nguyên nhân chính. Một Ê-li, đang bị hoàng triều A-háp truy nã, nhưng lẫm liệt, oai phong, đầy tin quyết nơi Chúa trên đỉnh núi Cạc-mên và một Ê-li, hồn xiêu phách lạc, chạy bán sống bán chết vào sâu trong sa mạc. Hai hình ảnh hoàn toàn tương phản, cách nhau chưa tới 1 ngày!
Bạn thân mến, đừng bám víu vào những chứng lý bề ngoài để ôm ấp lấy tư tưởng bỏ cuộc nữa. Những biến cố, sự kiện bên ngoài, dù có thực đi nữa, cũng không phải là nguyên nhân của tình trạng nản lòng mà bạn đang gặp phải đâu. Nguyên nhân thật sự vốn đang nằm bên trong chúng ta, trong căn bản đức tin của mỗi chúng ta với Chúa. Có thể gọi đó là những ‘lỗ hổng’, nhưng ‘khoảng trống’ cần phải được lấp đầy, cần phải được hàn gắn trong mối quan hệ của mỗi chúng ta với chính Chúa.
Chỉ khi gặp phải những ‘rung chấn’, những ‘cú sốc’ như vậy trên hành trình theo Chúa hay phục vụ Chúa thì chúng ta mới thực sự có cơ hội nhận thấy những ‘lỗ hổng’, nhưng ‘khoảng trống’ chết người đó; chúng ta mới có cơ hội nhận thấy rằng, thì ra mình vẫn còn ‘bé lắm’, vẫn còn ‘yếu ớt’, và thậm chí, vẫn còn ‘xác thịt’ … khác chi ai (!)
Hãy tạ ơn Chúa vì những lời hăm dọa, vì những câu nói ‘vô ơn’ của người khác đối với mình; hãy tạ ơn Chúa vì những ‘rung chấn’, những ‘cú sốc’ như vậy vì đã cho chúng ta cơ hội nhìn thấy con người thật của mình, nhìn thấy động cơ kín giấu của mình, nhìn thấy mặt mạnh, mặt yếu của mình để rồi nài xin ơn của Chúa mà ‘hoàn thiện nhân cách Đấng Christ’ trong đời sống của bản thân.
B.    Dầu vậy, Chúa vẫn bày tỏ sự hiện diện của Ngài qua sự chu cấp.
1.     Chúa không chấp những lời nói lúc nản lòng của tôi tớ Ngài
Trong lúc nản lòng, kiệt sức nằm queo trong sa mạc, không tha thiết gì đến chuyện ăn uống, người của Đức Chúa Trời đã buông ra vô số lời nói tiêu cực, sai trật, đẫm mùi chết chóc.
“Lạy CHÚA, con thấy đã đủ rồi. Bây giờ xin Ngài hãy cất lấy mạng sống con đi. Vì con không hơn gì các tổ phụ con” (c. 4)
Hết tuyệt vọng, lại đến kể công, rồi chỉ trích, phê phán người khác: “Con rất nhiệt thành về CHÚA, là Đức Chúa Trời Vạn Quân; vì dân Y-sơ-ra-ên đã lìa bỏ giao ước Ngài, phá đổ các bàn thờ Ngài, dùng gươm giết hại các tiên tri Ngài. Chỉ còn một mình con còn sót lại, mà bây giờ họ đang lùng bắt để lấy mạng con” (c. 10, 14)
Tại sao Chúa không nhận lời cầu xin của Ê-li trong lúc này? Có thật là Ê-li muốn chết không? Chắc chắn là không, vì nếu muốn thì cần gì phải chạy vào sa mạc. Chúa biết ‘nỗi lòng’ của Ê-li lúc bấy giờ. Chúa không quở trách ông vì những lời nói sai trật như vậy đang khi ‘bức xúc’. Thật, Chúa “không đối xử với chúng ta theo như tội lỗi chúng ta vi phạm; Ngài không báo trả chúng ta theo như gian ác chúng ta đã làm” (Thi thiên 103: 10)
Thế thì hãy tạ ơn Chúa vì Ngài đã không nhớ đến những ‘tuyên bố’, đến những ‘lời thề’ mà chúng ta dại dột công xưng ra trong những giờ phút tuyệt vọng, nản lòng hay bức xúc vừa qua. Đúng là Chúa có nghe hết, nhưng Ngài không ‘chấp’ đến. Halelugia
2.     Ngài vẫn chuẩn bị lương thực cho Eli
Không những không quở trách Ê-li về những phát ngôn tiêu cực của ông trong lúc nản lòng, mà Chúa còn sai sứ giả đem bánh và nước đến cho ông nữa. Dù ông đã bỏ cuộc nhưng Chúa vẫn đến cùng ông qua sứ giả của Ngài, qua sự tiếp trợ bánh ăn, nước uống.
Qua việc tiếp trợ lương thực này, Chúa muốn bày tỏ sự hiện diện của Ngài đối với người đang nản lòng, thối chí, bỏ cuộc. Ngài muốn nói với người ấy rằng, dầu con người có bỏ con, có từ chối con, có đe dọa con, có rượt đuổi con, … nhưng Ta vẫn không hề lìa con, Ta không hề bỏ con (Hê-bơ-rơ 13: 5).
Dù con người có thất bại, nhưng Chúa không hề thất bại. Chúa có cách của Ngài để khiến Ê-li trỗi dậy. Cách đó là ăn và uống những gì Chúa đã chuẩn bị cho qua sứ giả của Ngài. Sứ thần Thiên Chúa không bảo Ê-li ‘hãy ăn đi cho có sức’ hay ‘hãy ăn đi cho lại sức’, mà là “hãy thức dậy và ăn, vì đường còn xa lắm cho ngươi”. Không phải “ăn đi để mà sống” mà là “ăn đi để hoàn thành sự kêu gọi của Đức Chúa Trời”.
Chúa không chấp nhận ‘đơn xin bỏ cuộc’ của Ê-li, đơn giản là vì Chúa không chọn Ê-li để bỏ cuộc. Chúa chọn ông để chạy cho xong cuộc đua đã sẳn dành cho riêng ông từ trước buổi sáng thế.
‘Bánh và nước’ là hình bóng của điều gì chắc phần đông trong chúng ta điều biết. Đó là Lời Chúa. Mà thậm chí, bạn hiểu theo nghĩa đen hoàn toàn thì cũng không có gì sai cả. Nếu bạn đang ở trong sự nãn lòng hay đang ấm áp tư tưởng chạy trốn thì hãy nhìn vào thức ăn mà bạn Bạn cần phải ĂN nếu muốn ra khỏi tình trạng đó. Bạn cần phải ĂN thì mới có thể hoàn thành sứ mạng mà Chúa dành riêng cho bạn trên cõi đời này.
Những thức ăn này (hiểu theo nghĩa nào cũng được) đến từ đâu? – Từ Đức Chúa Trời. Có thể bạn không thấy Ngài nhưng Ngài chưa hề lìa xa bạn. Có lẽ bạn đang cảm thấy mình bị bỏ rơi thì hãy lắng nghe điều Chúa đang nói cùng bạn hôm nay: “Ta không để con mồ côi đâu!”
(Còn tiếp)
MSB

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

NGƯỜI ĐÃ QUÊN RỒI, SAO ... CHA CÒN NHẮC (?)


Viết Tiếp Câu Chuyện: Dũng Sĩ Ghi-đê-ôn
Bấy giờ thiên sứ của CHÚA đến ngồi dưới cây sồi của Óp-ra, trong đất của Giô-ách, thuộc gia tộc A-bi-ê-xê-rít. Ghi-đê-ôn, con trai Giô-ách, đang đập lúa nơi bàn ép rượu, để tránh khỏi dân Ma-đi-an. Thiên sứ của CHÚA hiện ra với ông và phán: “Nguyện CHÚA ở cùng ngươi, hỡi người chiến sĩ anh dũng.” Ghi-đê-ôn đáp: “Thưa Ngài, nếu CHÚA ở cùng chúng tôi, thì tại sao chúng tôi phải ra nông nổi nầy? Nào những việc lạ lùng mà các tổ phụ chúng tôi thường kể lại cho chúng tôi nghe ở đâu? Họ bảo rằng: “CHÚA há chẳng đem các ngươi lên khỏi xứ Ai-cập hay sao?.” Nhưng bây giờ CHÚA đã bỏ chúng tôi, và phó chúng tôi vào tay dân Ma-đi-an.” CHÚA quay lại cùng ông và phán: “Hãy đi, dùng sức ngươi sẵn có mà giải thoát Y-sơ-ra-ên ra khỏi tay dân Ma-đi-an. Ta há chẳng đang sai ngươi đó sao?” Ông đáp: “Nhưng thưa Ngài, làm sao tôi có thể giải thoát dân Y-sơ-ra-ên được? Gia tộc tôi là gia tộc nhỏ nhất trong chi tộc Ma-na-se, còn trong gia đình tôi thì tôi là kẻ nhỏ nhất.” CHÚA phán với ông: “Nhưng Ta sẽ ở với ngươi, và ngươi sẽ đánh bại dân Ma-đi-an như đánh một người vậy” (Quan Xét 6: 11-16)
Nhiều người ngày hôm nay, giống như Ghi-đê-ôn, khi phải chứng kiến vô vàn bất công, hoạn nạn, khốn khó mỗi ngày, đã rút vào hầm ép nho để xoay xở mưu sinh, tìm cách thu mình lại trong phạm vi chu toàn trách nhiệm cho gia đình nhỏ của mình hay cho riêng bản thân mình mà thôi.
Khát vọng ‘giúp đời’ ngày nào giờ bị trấn áp thẳng tay bởi lý lẽ rằng, “… làm sao tôi có thể giải thoát dân Y-sơ-ra-ên được? Gia tộc tôi là gia tộc nhỏ nhất trong chi tộc Ma-na-se, còn trong gia đình tôi thì tôi là kẻ nhỏ nhất” (Quan xét 6: 15). Ngày lại ngày, biết bao nhiêu Ghi-đê-ôn thời nay đang tìm cách chỉ vào vị thế, hoàn cảnh, tình trạng của mình trong gia đình, trong hội thánh và trong cộng đồng nhằm thuyết phục mình lánh xa sự kêu gọi của Chúa; biết bao Ghi-đê-ôn thời nay đang tự giới hạn mình trong những lo toan ích kỷ cho bản thân. Khá nhớ rằng, ‘hầm ép nho’ không bao giờ là chỗ để ‘đập lúa’; ‘hầm ép nho’ không phải là chỗ làm việc của ‘con gặt’. Nơi làm việc của ‘con gặt’ luôn là ngoài cánh đồng. Anh chị em yêu dấu của tôi ơi, anh chị em đang ở đâu: trong hầm hay ngoài đồng? Anh chị em có đang làm việc ‘đúng chỗ’ không vậy?
Cho dù con người có quên đi sự kêu gọi thiên thượng đi nữa thì Chúa cũng không bao giờ quên. Ấy “vì các sự ban cho và sự kêu gọi của Đức Chúa Trời chẳng bao giờ thay đổi (Roma 11: 29). Chúa đã đến để nhắc cho Ghi-đê-ôn nhớ rằng, “Hãy đi, dùng sức ngươi sẵn có mà giải thoát Y-sơ-ra-ên ra khỏi tay dân Ma-đi-an. Ta há chẳng đang sai ngươi đó sao?” (c. 14). Cùng một cách ấy, Chúa Giê-xu phục sinh đã đến cùng Phê-rơ và một số môn đồ bên bờ biển Tiberias để đem họ trở lại với sự kêu gọi từ buổi ban đầu: tay đánh lưới người. Và hôm nay, Chúa đang đến với bạn.
Bạn có biết rằng, Chúa chọn chính bạn, chớ không phải ai khác, để ‘giải thoát Y-sơ-ra-ên’ ra khỏi tình trạng hiện tại không? ‘Y-sơ-ra-ên’ đối với bạn có thể chính là những người thân trong gia đình riêng của bạn; ‘Y-sơ-ra-ên’ cũng có thể là những thành viên trong tổ tế bào, trong khu vực hay hội thánh của bạn; hoặc giả ‘Y-sơ-ra-ên’ cũng có thể là những đồng hương đang sống cùng phòng hay làm việc cùng công ty với bạn.
Bạn có biết rằng, chính bạn là giải pháp, là câu trả lời của Chúa cho những tiếng kêu than vọng ra từ cộng đồng mà bạn đang chung sống mỗi ngày chăng? Bạn có biết rằng, chính bạn là công cụ được Chúa chọn để giải cứu những người đang bị khốn khó khắp xung quanh không?
Có thể, đến đây bạn sẽ buộc miệng thốt lên cùng một câu thắc mắc như Ghi-đê-ôn: “Nhưng thưa Ngài, làm sao tôi có thể giải thoát dân Y-sơ-ra-ên được?” Đừng quá lo lắng về điều đó. Chúa sẽ hướng dẫn bạn cách hết sức cụ thể, chi tiết. Điều tối quan trọng là bạn có a-men với Chúa, bạn đồng ý để Chúa sử dụng mình trong sứ vụ vô cùng trọng đại này hay không. Nói cách ngắn gọn, là bạn có muốn hay không – bạn có muốn được Chúa dùng để ‘giải thoát dân Y-sơ-ra-ên’ hay không mà thôi.
Đấng đã đại dụng Ghi-đê-ôn trong việc giải cứu dân Y-sơ-ra-ên năm xưa khỏi cảnh áp bức của quân thù cũng chính là Đức Chúa Trời mà bạn và tôi hiện đang thờ phượng. Ngài đang đợi câu trả lời tích cực từ nơi bạn. Nguyện xin “Đức Chúa Trời là Đấng đang tác động trong lòng anh chị em để anh chị em vừa muốn vừa làm theo ý chỉ tốt lành của Ngài”. (Philip 2: 13)
MSB