Nhân loại đang đi
vào thời kỳ cuối cùng: kinh tế sa sút, thu nhập bấp bênh và tình trạng thuộc
linh của nhiều Hội thánh Chúa khắp mọi nơi cũng trên đà suy thoái. Trong hoàn
cảnh như thế, rất nhiều người rơi vào tình trạng trầm uất, nản lòng, thối chí,
kể cả con dân Chúa và những người hầu việc Chúa. Giải pháp cho tình trạng này
là gì? Câu trả lời không mới: chính Chúa! Vâng, nhận biết chính Chúa là câu trả
lời cho vấn nạn đương đại này.
Nếu Đức Chúa Trời
mà chúng ta tin chính là Đức Chúa Trời được tỏ bày trong phân đoạn Kinh Thánh 1
Các Vua 19: 1-18 thì không cớ gì chúng ta phải nản lòng, thối chí; không cớ gì
chúng ta phải ấm áp tư tưởng bỏ cuộc, thối lui.
A-háp kể cho Giê-sa-bên mọi sự Ê-li đã làm,
thể nào ông đã dùng gươm giết tất cả các tiên tri. Giê-sa-bên bèn
sai một sứ giả đến nói với Ê-li rằng: “Nguyện các thần phạt ta cách nặng nề, nếu
giờ nầy ngày mai, ta không khiến mạng ngươi giống như mạng một người trong các
tiên tri ngươi đã giết.”
Bấy giờ Ê-li sợ hãi. Ông đứng dậy, chạy trốn
để cứu mạng. Ông đến Bê-e Sê-ba thuộc nước Giu-đa. Ông để đầy tớ ông lại đó. Còn ông, ông đi thêm bốn ngày, vào sâu trong đồng hoang. Ông đến ngồi dưới
bóng một cây kim tước, và cầu xin được chết rằng: “Lạy CHÚA, con thấy đã đủ rồi.
Bây giờ xin Ngài hãy cất lấy mạng sống con đi. Vì con không hơn gì các tổ phụ
con.” Xong ông nằm dưới bóng cây kim tước đó và ngủ thiếp đi.
Thình
lình, một thiên sứ chạm vào người ông và bảo: “Hãy thức dậy và ăn.” Ông
nhìn quanh và thấy kề nơi đầu ông nằm có một cái bánh nướng trên than đá và một
bình nước. Ông ăn bánh và uống nước, rồi nằm xuống ngủ tiếp.
Thiên sứ của CHÚA đến lần thứ nhì, chạm vào
người ông và nói: “Hãy thức dậy và ăn, vì đường còn xa lắm cho ngươi.” Ông
thức dậy ăn và uống, rồi nhờ sức lực của thực phẩm đó, ông đi bộ bốn mươi ngày
và bốn mươi đêm, đến Hô-rếp, là núi của Đức Chúa Trời. Đến nơi,
ông vào trú ẩn trong một cái hang, và qua đêm tại đó.
Phân đoạn Kinh
Thánh tuyệt vời này tỏ cho chúng ta hai hình ảnh về Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ
cùng nhau tìm hiểu về Đấng đó.
I. Chúa – Đấng Luôn ở Cùng Qua Sự Chu Cấp
A.
Sợ hãi, nản lòng khiến người của Đức Chúa Trời không còn
thấy Chúa.
1. Bị người từ chối công lao, sự hy sinh khiến Eli nản lòng.
Ê-li là một tiên tri của Đức Chúa Trời, tức là
người phát ngôn của Chúa trong thời bấy giờ, hay nói theo ngôn ngữ ngày hôm
nay, ông là một người hầu việc Chúa. Lúc bấy giờ, xứ sở hạn hán kéo dài, đời
sống người dân đói khổ. Con dân Chúa không còn phân biệt được đâu là tà, đâu là
chánh, đâu là Chúa, đâu là Ba-anh (một dạng Phúc thần) của dân ngoại bang.
Thế rồi, Chúa đã đáp lời Ê-li, xác nhận Ngài
là Chân Thần bằng việc giáng lửa trên sinh tế mà ông dâng trên đỉnh núi
Cạc-mên. Sự kiện lạ lùng này đã gây chấn động và tỉnh thức toàn dân Y-sơ-ra-ên
trở lại thờ phượng Chúa, Đức Chúa Trời của họ. Không những thế, Chúa còn nhậm
lời Ê-li ban mưa xuống trên toàn đất nước sau 3 năm dài hạn hán.
Với công trạng như thế, lẽ ra Ê-li phải được
những người lãnh đạo đất nước long trọng nghinh tiếp vào hoàng cung với yến
tiệc linh đình. Nhưng ngược lại, Ê-li được chào đón bằng một lời hăm dọa của
hoàng hậu Giê-sa-bên: “Nếu vào giờ nầy ngày mai, ta không xử mạng sống ngươi như mạng sống
của một trong những tiên tri mà ngươi đã giết, nguyện các thần phạt ta cách
nặng nề” (c. 2)
Thế là, Ê-li sợ hãi
và bỏ chạy. Sức lực và tinh thần của Ê-li bỗng dưng … mất sạch. Không những bị
phủ nhận hoàn toàn công lao, mà Ê-li còn bị đe dọa đến tính mạng nữa. “Thế này
thì còn hầu việc Chúa để làm gì cơ chứ”. Vậy là … nản, rồi tư tưởng bỏ cuộc
liền ập đến, và kết cuộc là bỏ chạy, bỏ tất cả để chạy trốn.
Nản lòng, thối chí
đôi khi đến với người của Chúa bằng con đường như vậy đấy. Thất bại thì nản
lòng đã đành, đằng này đang thành công, thành công rực rỡ nữa là khác mà lại
rơi vào tình trạng nản lòng, nản đến cùng cực. Nản đến độ, người của Chúa phải
thốt lên: “chết còn sướng hơn!”
Có ai trong chúng
ta đã từng hoặc đang ở trong tình trạng của Ê-li chăng? Nếu là như thế thì hãy
ngẫm xem: “tại sao Chúa lại cho phép chuyện này xảy ra với mình?” Phải chăng,
từ trước đến giờ mình cứ tưởng là mình ‘hy sinh, tận hiến, lao khổ, xả thân’ là
vì Chúa, vì vinh hiển Chúa, … nhưng qua sự vụ này mình mới ngộ ra được rằng,
thật sự thì mình chỉ tìm kiếm vinh hiển, tìm kiếm sự công nhận của mọi người
cho chính cá nhân mình mà thôi (?)
Bởi lẽ, nếu ta thật
sự làm việc này, việc nọ vì Chúa, vì lợi ích cho Chúa thì việc người ta có công
nhận, có ghi nhớ công lao hay là có tưởng thướng cho chúng ta hay không cũng
chẳng ảnh hưởng chi đến chuyện nản chí hay bền lòng của cá nhân mình. Thật
phước cho những ai được Chúa ‘phơi bày’ động cơ kín giấu của mình ra như thế.
2. Bối cảnh, con người thay đổi hay chính mình thay đổi? Cũng
Ahap gian ác đó, cũng Giê-sa-bên lộng quyền, say mê hình tượng đó nhưng trước
thì Eli là một tiên tri đầy quyền năng còn lúc nầy, ông là một tiên tri đầy
quyền … ‘thăng’! Chúa không hề lấy lại những gì Ngài ban cho Ê-li (Roma 11: 29).
Chính điều này bày tỏ “sự yếu đuối” giống như chúng ta của Eli.
Nhiều khi, chúng ta hay đổ lỗi cho hoàn cảnh,
cho người khác về sự sa sút, về những quyết định thối lui, bỏ cuộc của mình.
Thế nhưng, thành thật mà suy xét ta sẽ thấy được đâu là nguyên nhân chính. Một
Ê-li, đang bị hoàng triều A-háp truy nã, nhưng lẫm liệt, oai phong, đầy tin
quyết nơi Chúa trên đỉnh núi Cạc-mên và một Ê-li, hồn xiêu phách lạc, chạy bán
sống bán chết vào sâu trong sa mạc. Hai hình ảnh hoàn toàn tương phản, cách
nhau chưa tới 1 ngày!
Bạn thân mến, đừng bám víu vào những chứng lý
bề ngoài để ôm ấp lấy tư tưởng bỏ cuộc nữa. Những biến cố, sự kiện bên ngoài,
dù có thực đi nữa, cũng không phải là nguyên nhân của tình trạng nản lòng mà
bạn đang gặp phải đâu. Nguyên nhân thật sự vốn đang nằm bên trong chúng ta,
trong căn bản đức tin của mỗi chúng ta với Chúa. Có thể gọi đó là những ‘lỗ
hổng’, nhưng ‘khoảng trống’ cần phải được lấp đầy, cần phải được hàn gắn trong
mối quan hệ của mỗi chúng ta với chính Chúa.
Chỉ khi gặp phải những ‘rung chấn’, những ‘cú
sốc’ như vậy trên hành trình theo Chúa hay phục vụ Chúa thì chúng ta mới thực
sự có cơ hội nhận thấy những ‘lỗ hổng’, nhưng ‘khoảng trống’ chết người đó;
chúng ta mới có cơ hội nhận thấy rằng, thì ra mình vẫn còn ‘bé lắm’, vẫn còn
‘yếu ớt’, và thậm chí, vẫn còn ‘xác thịt’ … khác chi ai (!)
Hãy tạ ơn Chúa vì những lời hăm dọa, vì những
câu nói ‘vô ơn’ của người khác đối với mình; hãy tạ ơn Chúa vì những ‘rung
chấn’, những ‘cú sốc’ như vậy vì đã cho chúng ta cơ hội nhìn thấy con người
thật của mình, nhìn thấy động cơ kín giấu của mình, nhìn thấy mặt mạnh, mặt yếu
của mình để rồi nài xin ơn của Chúa mà ‘hoàn thiện nhân cách Đấng Christ’ trong
đời sống của bản thân.
B.
Dầu vậy, Chúa vẫn bày tỏ sự hiện diện của Ngài qua sự chu
cấp.
1. Chúa không chấp những lời nói lúc nản lòng của tôi tớ Ngài
Trong lúc nản lòng, kiệt sức nằm queo trong sa
mạc, không tha thiết gì đến chuyện ăn uống, người của Đức Chúa Trời đã buông ra
vô số lời nói tiêu cực, sai trật, đẫm mùi chết chóc.
“Lạy CHÚA, con thấy đã đủ rồi. Bây giờ xin Ngài hãy cất lấy mạng
sống con đi. Vì con không hơn gì các tổ phụ con” (c. 4)
Hết tuyệt vọng, lại
đến kể công, rồi chỉ trích, phê phán người khác: “Con rất nhiệt thành về
CHÚA, là Đức Chúa Trời Vạn Quân; vì dân Y-sơ-ra-ên đã lìa bỏ giao ước Ngài, phá
đổ các bàn thờ Ngài, dùng gươm giết hại các tiên tri Ngài. Chỉ còn một mình con
còn sót lại, mà bây giờ họ đang lùng bắt để lấy mạng con” (c. 10, 14)
Tại sao Chúa không nhận lời cầu xin của
Ê-li trong lúc này? Có thật là Ê-li muốn chết không? Chắc chắn là không, vì nếu
muốn thì cần gì phải chạy vào sa mạc. Chúa biết ‘nỗi lòng’ của Ê-li lúc bấy giờ.
Chúa không quở trách ông vì những lời nói sai trật như vậy đang khi ‘bức xúc’.
Thật, Chúa “không đối xử với chúng ta theo như tội lỗi
chúng ta vi phạm; Ngài không báo trả chúng ta theo như gian ác chúng ta đã làm” (Thi thiên 103: 10)
Thế thì hãy tạ ơn Chúa vì Ngài đã không nhớ
đến những ‘tuyên bố’, đến những ‘lời thề’ mà chúng ta dại dột công xưng ra
trong những giờ phút tuyệt vọng, nản lòng hay bức xúc vừa qua. Đúng là Chúa có
nghe hết, nhưng Ngài không ‘chấp’ đến. Halelugia
2. Ngài vẫn chuẩn bị lương thực cho Eli
Không những không quở trách Ê-li về những phát
ngôn tiêu cực của ông trong lúc nản lòng, mà Chúa còn sai sứ giả đem bánh và
nước đến cho ông nữa. Dù ông đã bỏ cuộc nhưng Chúa vẫn đến cùng ông qua sứ giả
của Ngài, qua sự tiếp trợ bánh ăn, nước uống.
Qua việc tiếp trợ lương thực này, Chúa muốn
bày tỏ sự hiện diện của Ngài đối với người đang nản lòng, thối chí, bỏ cuộc.
Ngài muốn nói với người ấy rằng, dầu con người có bỏ con, có từ chối con, có đe
dọa con, có rượt đuổi con, … nhưng Ta vẫn không hề lìa con, Ta không hề bỏ con
(Hê-bơ-rơ 13: 5).
Dù con người có thất bại, nhưng Chúa không hề
thất bại. Chúa có cách của Ngài để khiến Ê-li trỗi dậy. Cách đó là ăn và uống
những gì Chúa đã chuẩn bị cho qua sứ giả của Ngài. Sứ thần Thiên Chúa không bảo
Ê-li ‘hãy ăn đi cho có sức’ hay ‘hãy ăn đi cho lại sức’, mà là “hãy thức dậy và
ăn, vì đường còn xa lắm cho ngươi”. Không phải “ăn đi để mà sống” mà là “ăn đi
để hoàn thành sự kêu gọi của Đức Chúa Trời”.
Chúa không chấp nhận ‘đơn xin bỏ cuộc’ của
Ê-li, đơn giản là vì Chúa không chọn Ê-li để bỏ cuộc. Chúa chọn ông để chạy cho
xong cuộc đua đã sẳn dành cho riêng ông từ trước buổi sáng thế.
‘Bánh và nước’ là hình bóng của điều gì chắc
phần đông trong chúng ta điều biết. Đó là Lời Chúa. Mà thậm chí, bạn hiểu theo
nghĩa đen hoàn toàn thì cũng không có gì sai cả. Nếu bạn đang ở trong sự nãn
lòng hay đang ấm áp tư tưởng chạy trốn thì hãy nhìn vào thức ăn mà bạn Bạn cần
phải ĂN nếu muốn ra khỏi tình trạng đó. Bạn cần phải ĂN thì mới có thể hoàn
thành sứ mạng mà Chúa dành riêng cho bạn trên cõi đời này.
Những thức ăn này (hiểu theo nghĩa nào cũng
được) đến từ đâu? – Từ Đức Chúa Trời. Có thể bạn không thấy Ngài nhưng Ngài
chưa hề lìa xa bạn. Có lẽ bạn đang cảm thấy mình bị bỏ rơi thì hãy lắng nghe
điều Chúa đang nói cùng bạn hôm nay: “Ta không để con mồ côi đâu!”
(Còn tiếp)
MSB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét