Cầu
nguyện không là chỉ là mạng lịnh của Đức Chúa Trời mà còn là nhu cầu sống còn
của một người tin Chúa. Cầu nguyện không chỉ có cầu xin mà còn có xưng tội, tôn
vinh, cảm tạ và cầu thay nữa. Thực ra, cầu thay cũng là cầu xin nhưng là xin
cho người chớ không phải xin cho mình. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau học về sự
cầu thay. Đoạn Kinh Thánh được sử dụng làm nền tảng là Mathiơ 8: 5-13 và Thánh
thi 107: 20 sẽ được chọn làm câu gốc cho bài học này.
Khi
Đức Giê-su vào thành Ca-pha-na-um, một đội trưởng đến xin Ngài: “Thưa Thầy, người đầy tớ của tôi bị bệnh bại liệt đang nằm
tại nhà đau đớn vô cùng.” Ngài phán: “Ta sẽ đến chữa lành cho nó.”
Nhưng viên đội trưởng đáp: “Thưa Thầy, tôi không xứng đáng tiếp Thầy vào nhà.
Xin Thầy chỉ truyền một lời, đầy tớ tôi sẽ được lành. Vì tôi ở dưới quyền người
khác, cũng có binh sĩ dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Hãy đi’, thì nó đi,
và bảo người kia: ‘Hãy đến’, thì nó đến; hoặc bảo đầy tớ của tôi: ‘Hãy làm việc
này’, thì nó làm.” Nghe vậy, Đức Giê-su lấy làm ngạc nhiên; Ngài bảo
những người theo mình: “Thật, Ta bảo các con, Ta không thấy ai trong dân
Y-sơ-ra-ên có đức tin như thế này. Ta cho các
con biết: Nhiều người từ phương đông, phương tây sẽ đến và ngồi đồng bàn với
Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp trong Nước Thiên Đàng. Nhưng
những người đáng lẽ thừa hưởng Nước Thiên Đàng sẽ bị ném ra nơi tối tăm, ở đó
sẽ có than khóc và rên xiết.” Đức Giê-su phán
bảo viên đội trưởng: “Hãy đi! Con sẽ được như điều mình tin.” Ngay giờ đó người
đầy tớ của ông được lành. (Mathiơ 8: 5-13)
“Ngài ban lời của Ngài đến và chữa
lành cho họ; Ngài giải cứu họ khỏi huyệt sâu” (Thánh Thi 107: 20)
I. Để cầu thay cho
người khác cách hiệu quả, chúng ta cần có lòng thương xót
Đội
trưởng là một sĩ quan quân đội, chỉ huy 100 binh lính. Ông là một người La-mã,
tức là dân ngoại bang chớ không phải là người Do Thái, dân thuộc về Chúa
Người
đội trưởng là hình ảnh của một người không thuộc về Chúa. Ông không phải là con
dân Chúa như chúng ta, nhưng ông vẫn có thể chạy đến với Chúa để kêu cầu. Chúa
không những không trách mắng hay xua đuổi mà còn nhanh chóng nhận lời cầu xin
của ông.
Nếu
một người chưa phải là con dân Chúa mà còn được Chúa nhận lời cầu xin như thế,
thì tôi và mỗi một anh chị em sẽ được Chúa nhận lời cầu xin càng hơn là dường
nào, nếu chúng ta chạy đến kêu cầu với Ngài.
Người
đội trưởng này không cầu xin cho cá nhân mình mà là cầu xin cho người khác –
xin Chúa chữa lành cho người đầy tớ của mình. Đây là trường hợp cầu thay, tức
là cầu xin cho người khác.
Đây
là trường hợp hy hữu vì ít khi người chỉ huy quân đội La-mã lại quan tâm đến
quân lính của mình như thế. Việc người đội trưởng này biết đầy tớ của mình bị
bại là chuyện tự nhiên, nhưng ông còn biết nó “đang nằm tại nhà đau đớn vô cùng” thì lại là
chuyện khác. Điều đó nói lên lòng cảm thông, sự thương xót mà ông dành cho đầy
tớ của mình.
Để
có thể cầu thay – tức là cầu xin cho người khác – cách hiệu quả, chúng ta cần
phải có lòng thương xót, một tấm lòng cảm thông và cưu mang cho chính người mà
ta cầu thay cho. Đây chính là chỗ mà những người đã từng trãi qua sự đau ốm,
tật nguyền, … rất dễ cảm thông, cưu mang cho những người có cùng cảnh ngộ như
mình lúc chưa được lành. Do đó, lời cầu nguyện của họ thường rất hiệu quả.
Người
đội trưởng này là một người đầy lòng thương xót đối với đầy tớ của mình, tức là
những người dưới quyền của mình. Bởi lòng thương xót này mà ông đã chạy đến với
Chúa để cầu xin sự chữa lành cho người đầy tớ và Chúa đã nhanh chóng nhận lời
cầu xin của ông.
II. Để cầu thay cho
người khác cách hiệu quả, chúng ta cần có đức tin nơi Chúa
Người
đội trưởng được Chúa Giê-xu khen là có đức tin lớn. “Đức tin lớn” của ông thể
hiện chỗ nào? – Ở chỗ ông cho rằng, Chúa không cần phải đến gặp hay đến để đặt
tay trên đầy tớ của ông, mà chỉ cần “truyền một lời” thôi, thì đầy tớ ông sẽ
được lành.
Căn
cứ vào đâu mà người sĩ quan này lại xác quyết như thế? – Vào trật tự của uy
quyền. Đó là: trên bảo, dưới phải nghe hay cấp trên ra lịnh thì cấp dưới phải
chấp hành, dù là nói trực tiếp hay là thông báo gián tiếp qua văn bản, giấy tờ.
Dù người dưới có thích với điều người trên bảo hay không hoặc cấp dưới có đồng
ý với mệnh lệnh của cấp trên hay không thì cấp dưới vẫn phải thi hành chớ không
được quyền kháng lịnh.
Kinh
Thánh không cho chúng ta biết, bởi đâu mà người đội trưởng biết được rằng, Chúa
Giê-xu có uy quyền trên tất cả mọi bịnh tật. Nhưng rõ ràng, điều ông nói là
hoàn toàn chính xác: mọi tật bịnh, đau ốm đều phải quy phục uy quyền của Chúa
Giê-xu.
“… Đức Chúa Trời đã tôn Ngài lên và
ban cho Ngài danh trên hết mọi danh hiệu; Để khi nghe đến danh của Đức Giê-su,
mọi đầu gối trên trời dưới đất, bên dưới đất đều phải quỳ xuống, và mọi lưỡi phải
tuyên xưng Chúa Cứu Thế Giê-su là Chúa mà tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa
Cha” (Philip 2: 9-11).
“Đó là quyền năng Ngài đã thực hiện trong Đấng Christ khi khiến Đấng
Christ từ cõi chết sống lại, và đặt ngồi bên phải Ngài trong các nơi trên trời,
vượt trên tất cả mọi quyền thống trị, mọi thẩm
quyền, mọi thế lực, mọi chủ quyền, và mọi danh hiệu, không chỉ trong đời nầy mà
cả đời sắp đến nữa. Ngài đã đặt vạn vật dưới
chân Đấng Christ và lập Đấng Christ làm đầu mọi sự vì Hội Thánh” (Epheso 1: 20-22)
Những
phân đoạn Kinh Thánh trên cho chúng ta biết rằng, Chúa Giê-xu hiện đang cầm
quyền cai trị trên cả cõi trời đất này. “Mọi đầu gối” hay “mọi danh xưng – tên
gọi” dù trên trời cao kia hay dưới đất thấp này, đều phải phục dưới chân của
Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nếu đã là “mọi đầu gối”, “mọi tên gọi” thì có tên một loại
bịnh tật hay dịch lệ nào mà không phục dưới uy quyền của Chúa Giê-xu không?
Thế
thì, khi Chúa Giê-xu bảo với bịnh ung thư: “Hãy ra khỏi người này!”, hay Chúa
truyền cho viêm loét dạ dày: “hãy lìa khỏi người nọ!”, thì điều gì sẽ xảy ra? –
Những bịnh tật đó, dù không muốn, cũng phải vâng lời Ngài mà ra khỏi người
bịnh. Uy quyền là như thế.
Và
mỗi khi đến với Chúa để cầu xin sự chữa lành cho cá nhân mình hay cho người
khác thì chính chúng ta cần phải biết rõ rằng, Chúa Giê-xu đang nắm quyền trên
mọi tật bệnh, đau ốm và hãy tin chắc như thế. Đó là loại đức tin mà Chúa gọi là
đức tin lớn và là loại đức tin mà Chúa muốn nhìn thấy nơi mỗi một chúng ta.
III. Lời cầu thay của
chúng ta sẽ được Chúa nhận theo như điều chúng ta tin
Không
phải bởi đức tin của người đầy tớ bị bại liệt mà là bởi đức tin của người đội
trưởng đã đem lại sự chữa lành cho người đầy tớ. Bởi đức tin của chúng ta, sự
chữa lành từ nơi Chúa sẽ đến trên những người thân trong gia đình của mình, và
thậm chí – như trong trường hợp người đội trưởng – ngay cả những người không bà
con ruột thịt gì, nếu được ta cưu mang cầu thay thì Chúa vẫn có thể chữa lành
cho họ.
Rõ
ràng là Chúa đã sẵn sàng đến tận nơi để chữa lành cho người đầy tớ bị bại liệt
nhưng người đội trưởng yêu cầu rằng, Chúa chỉ cần phán một lời là đủ, không cần
phải đến tận nơi. Như vậy, Chúa không chỉ nhận lời cầu xin của người đội trưởng
chữa lành cho đầy tớ của ông đang bị bại liệt mà Ngài còn chữa lành theo cách
ông ta tin nữa.
Cách
người đội trưởng tin là gì? – Chúa chỉ cần phán một lời thì đầy tớ của ông hết
bại liệt ngay. Nói cách khác, ông đã cầu xin Chúa thế này: “Chúa ơi, không cần
Chúa phải đến tận nơi để đặt tay trên đầy tớ của con. Chúa chỉ cần truyền một
tiếng cho bịnh bại liệt thôi thì bịnh bại liệt sẽ lìa khỏi và đầy tớ con sẽ
lành ngay lập tức. Con tin như vậy và con xin Ngài nhậm lời cầu xin của con”.
Và
Chúa đã nhận lời ông: “Hãy đi! Con
sẽ được như điều mình tin”. Kinh Thánh thuật lại rằng, “ngay giờ đó người đầy tớ của ông được lành”. Điều này có nghĩa là khi ông về
đến nhà, thì đầy tớ của ông đã có thể chạy ra đón ông từ ngoài cổng, chớ không
còn nằm bất động, đau đớn trên giường như trước nữa.
Anh
chị em ơi, Chúa Giê-xu mà chữa lành cho người đầy tớ khỏi bịnh bại liệt năm xưa
cũng chính là Chúa Giê-xu mà mỗi một chúng ta đang thờ phượng. Kinh Thánh trong
Hê-bơ-rơ 13: 8 dạy rằng, Ngài không hề thay đổi.
Mặt
khác, một sĩ quan quân đội không phải là con dân Chúa mà còn biết chạy đến với
Chúa của chúng ta để cầu xin sự chữa lành cho một đứa đầy tớ của mình, thì
chúng ta không thể chạy đến với Ngài để cầu xin sự chữa lành cho người thân của
mình, anh chị em của mình trong hội thánh sao?
Một
sĩ quan quân đội không phải là con dân Chúa mà Chúa còn nhận lời cầu xin của
người thì chẳng lẽ, Chúa không nhận lời của bạn và tôi là con dân của Ngài sao?
MSB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét