Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

BỆNH VÔ ƠN


Vô ơn là căn bệnh vô cùng đáng sợ của thời đại mà chúng ta đang sống. Vô ơn, bạc nghĩa chính là một trong những dấu hiệu suy thoái đạo đức của thời kỳ cuối cùng. Vì là ‘bệnh’, là ‘dấu hiệu’ của thời kỳ mà chúng ta đang sống nên đã không biết bao lần ta ‘bị người quên ơn’, và không ít lần chính ta ‘quên ơn người’, dù không phải ai trong chúng ta, lúc nào đủ dũng khí để chịu nhìn nhận mình là kẻ vô ơn. Vô ơn là ngược nghĩa với nhớ ơn hay biết ơn.
Cuộc sống là một chuỗi những ân huệ nối tiếp, đan xen nhau. Có những ân huệ do nơi Chúa, cũng có những ơn đến từ con người. Không ai có thể tự sống mà không lãnh nhận như Kinh Thánh chép: “Có điều gì bạn có mà không do nhận lãnh chăng? Nếu bạn đã nhận lãnh, thì sao còn khoe khoang như chưa từng nhận lãnh? (1Corinhto 4: 7) Vậy nếu cuộc sống là lãnh nhận thì người ta sẽ như thế nào nếu không hề biết nói hai tiếng “cám ơn”, hoặc chẳng bao giơ bày tỏ tấm lòng tri ân (?)
Ngày nay, hai tiếng “cám ơn” càng ngày càng thiếu vắng trong cuộc sống hiện tại, ngay cả trong cộng đồng dân Chúa. Chúng ta ngày hôm nay, ngần ngại khi phải nói tiếng “cám ơn”. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy hai tiếng “cám ơn” hình như bớt dần đi theo tuổi tác. Càng lớn tuổi, người ta càng khó nói tiếng “cám ơn”. Đối với ‘người dưng’ ta dễ nói “cám ơn” hơn đối với ‘người nhà’. Càng thân thiết, gần gũi, người ta càng khó mở miệng để nói tiếng “cám ơn”. Nhưng nếu chỉ hai tiếng “cám ơn” mà chúng ta không nói được, thì tình trạng luân lý của xã hội đang tuột dốc một cách nguy hiểm là dường nào.
Vô ơn hay biết ơn luôn là tình trạng của tấm lòng hay lối sống. Đó là lý do mà đi cùng với những cụm từ “vô ơn” hay “nhớ ơn” này bao giờ cũng là các từ “lòng” (lòng vô ơn/biết ơn) hay “lối sống” hoặc “đời sống” (đời sống vô ơn/nhớ ơn). Đành rằng, “lòng đầy dẫy miệng mới nói ra”, nhưng ngày nay, đối với nhiều người, nhiều khi miệng nói cám ơn, nhưng lòng lại … vô ơn. Trong trường hợp này, hai tiếng “cám ơn” chỉ còn là ngôn ngữ giao tiếp, mất đi ý nghĩa thật và những chủ nhân của nó đang lâm bệnh mà không hề biết.
Có những người luôn ghi ơn, nhớ ơn, biết ơn những người ‘thi ơn’ cho mình, tức là những người giúp mình bằng những hành động trả ơn rất cụ thể, như quà cáp, tiền bạc, … mỗi khi lễ, tết hay có dịp tiện. Nếu những việc làm ấy thực sự xuất phát từ một tấm lòng biết ơn chân thành thì người ấy sẽ không đủ chỗ chứa phước như Kinh Thánh dạy. Còn ngược lại, nếu những ‘hành động trả ơn’ như thế được thực hiện vì ‘trách nhiệm’, vì ‘bổn phận’, vì ‘nghĩa vụ’, … thì chủ nhân của nó cũng đang lâm trọng bệnh, mà thậm chí, còn nặng hơn đối tượng ‘ơn … chỉ nơi mồm’ ở trên! ‘Nặng hơn’ vì đang bệnh nhưng lại tưởng mình đang khỏe.
Dù hai đối tượng vừa nêu có ‘dính’ bệnh vô ơn, thậm chí là nặng nhưng cũng chưa đến mức nguy cấp như đối tượng sắp được kể ra đây. Ở mức độ này, người ta thường không ghi nhận công khó của bố hay mẹ, của vợ hay chồng, của con cái trong nhà, của anh chị em trong hội thánh, của đồng nghiệp trong cơ quan hay công ty mà chỉ xem đó là trách nhiệm người kia phải chu toàn, phải thực hiện.
‘Người bệnh’ ở mức độ này thường cho là những gì mình đang được hưởng là hiển nhiên, là tất yếu. Mình là đối tượng mà người khác phải phục vụ, do đó, mình có quyền đòi hỏi, yêu sách người khác phải thỏa mãn yêu cầu, ước muốn của mình. Có thể ban đầu người ấy cũng nhớ ơn, biết ơn những người xung quanh đã giúp đỡ, phục vụ mình nhưng dần về sau thì quên. Vì quên rằng mình là người ‘chịu ơn’, nên người ấy đã trở nên là kẻ vô ơn.
Người vô ơn ở trong trường hợp này không chỉ khiến cho người ‘làm ơn’ buồn, thất vọng, cảm thấy bị lợi dụng, mà lòng vô ơn còn khiến cho người ta nhận thấy sự non trẻ, thiếu trưởng thành nơi người ấy là dường nào. Một người mà cứ ‘gieo’ vào đời những ‘hạt vô ơn’ như thế lại có thể gặt được những vụ mùa ân huệ phúc lành dồi dào ở tương lai sao?
Bao nhiêu người trong chúng ta đã ‘bệnh’ đến giai đoạn này rồi? – Nên nhớ, một trong những hiểm họa của ‘căn bệnh’ này là người bị bệnh không hề nghĩ rằng mình đã lâm bạo bệnh. Nhiều người ‘chết’ là ở chỗ đó.
Chỉ nêu ra một khía cạnh nhỏ trong sinh hoạt hàng tuần của hội thánh tại M’sia này là chúng ta có thể thấy được ‘tình trạng sức khỏe’ của chính mình ngay thôi.
Mỗi tối Chúa nhật, có xe của Hội Thánh mẹ, chúng ta thường quen gọi là xe của nhà thờ, đến đón chúng ta đi thờ phượng Chúa và trả về đến nhà sau buổi nhóm. Một số rất ít Hội Thánh có thuê tài xế, còn lại phần lớn những người chạy xe này là những người tình nguyện, hoặc là những tín hữu người địa phương hoặc là những anh em hay người hầu việc Chúa người Việt đảm trách. Họ cũng là những người phải đi làm ăn hàng ngày, suốt cả tuần như hầu hết tất cả chúng ta, và sáng hôm sau, thứ hai, họ cũng phải vào công việc. Đó là chưa kể, tối Chúa nhật, lẽ ra họ cần phải nghĩ ngơi và dành thời giờ cho gia đình. Thế nhưng họ tình nguyện chạy xe đưa rước anh chị em chúng ta. Họ phục vụ hoàn toàn miễn phí. Họ không ‘mắc nợ’ gì chúng ta hết. Họ không có nghĩa vụ hay bổn phận gì phải phục vụ chúng ta hết. Thế nhưng, điều mà họ nhận được từ nơi chúng ta là gì, hỡi anh chị em?
Bao nhiêu người trong chúng ta đã có lần mua cho họ chai nước; bao nhiêu lần ta nhớ đến họ mà dành phần cho họ một ít hoa quả hay một hộp cơm sau buổi nhóm; bao nhiêu người trong chúng ta nhớ đến họ trong một lời cầu thay, hay chúng ta chỉ dành cho họ những đòi hỏi, phê phán, oán trách khi xe đến trễ, lúc xe về muộn hoặc thậm chí chúng ta không buồn mở miệng nói một lời “cám ơn”, dù chỉ là ‘đầu môi chót lưỡi’, khi họ đã đưa ta đến tận cửa nhà.
Hầu hết, các mục vụ Việt Nam tại M’sia đều có phục vụ miễn phí bữa ăn tối hoặc trước hoặc sau buổi nhóm. Những người nấu – cũng giống như những người lái xe – hoặc là người địa phương, hoặc là anh chị em người Việt trong Hội thánh tình nguyện phục vụ. Mỗi phần ăn thường được Hội Thánh mẹ chi cho 3 ringgit. 3 ringgit trong thời giá hôm nay, chắc ai cũng biết là nó bé thế nào. Ấy vậy mà, Chúa nhật nào ta cũng còn có ‘cơm nóng, thịt sốt’ để mà ăn. Thế nhưng, đa số anh chị em chúng ta không hề biết trân quý công khó của những người phục vụ tình nguyện này. Sao ta vô tình đến thế kia chứ, vô tình đến độ ngay trong lời cầu nguyện trước bữa ăn cũng không hề có một lời nhớ đến người ta. Mỗi người chúng ta tự xét xem, chỉ riêng trong chuyện này thôi, mình là người biết ơn hay là kẻ vô ơn; chỉ riêng trong chuyện này thôi thì mình là người lớn hay vẫn còn trẻ con.
Có lẽ, nhiều người trong chúng ta cho rằng ‘vô ơn’ chỉ là chuyện nhỏ, đâu có chi to tát. Không. ‘Vô ơn’ không hề là ‘chuyện nhỏ’. Hậu quả của tình trạng này là vô cùng nghiêm trọng.
Kinh Thánh chép: Con phải biết điều nầy: trong những ngày cuối cùng sẽ có những thời khó khăn, vì người ta sẽ vị kỷ, tham tiền, khoe khoang, kiêu ngạo, phạm thượng, không vâng lời cha mẹ, VÔ ƠN BẠC NGHĨA, bất kính, không có tình người, cố chấp, vu khống, buông tuồng, hung dữ, ghét điều tốt, phản bội, ngang bướng, tự phụ, ham thích vui thú thế gian hơn yêu mến Đức Chúa Trời, bề ngoài giữ hình thức của sự tin kính nhưng trong lòng chối bỏ quyền năng của sự tin kính ấy; con hãy tránh xa những kẻ như thế” (2 Timothe 3: 1-5)
Phân đoạn Kinh Thánh trên không đề cập đến những người ngoài Chúa, như nhiều người lầm tưởng khi đọc lướt qua. Những đối tượng được mô tả ở trên là ‘người trong nhà Chúa’, chớ không phải người ngoài.
Trong bảng danh sách này thì người vô ơn, bội nghĩa đứng ở đâu? – Bên cạnh người bất kính (không tin kính hay vô tín), tức kẻ ngoại đạo. Trở nên kẻ vô ơn có nghĩa là trở nên người không có Chúa. Bạn không thể vừa trở nên một thánh nhân vừa là một kẻ vô ơn, bạc nghĩa được. Điều thú vị là trong tiếng Hy-lạp (ngôn ngữ được dùng để viết Kinh Tân Ước) thì từ cảm ơn, biết ơn hay tri ân (eucharisto) có liên quan trực tiếp đến gốc từ ân điển (charis). Như thế, có một mối liên hệ trực tiếp giữa ân điển và tri ân. Do đó, có thể nói rằng, người vô ơn là người ở ngoài ân điển của Đức Chúa Trời. Các bạn không thể vừa là người vô ơn, đồng thời là những người hiện ở trong ân điển của Chúa được.
Bạn có đang bị bệnh ‘vô ơn’ không?
MSB

2 nhận xét:

  1. Chuyện thật 100%:
    Xóm tôi có hai người có đạo người A và người B , họ đi nhà thờ cầu nguyện mỗi tuần rất siêng năng. Người A lớn tuổi lúc nào cũng tru tréo chửi người hàng xóm (C) của mình cũng trạc tuổi bà ta. Người bị chửi (C) không nói gì suốt 17 năm. Người B trẻ đáng tuổi con người C , cất nhà gặp muôn vàn khó khăn, phường khóm bắt tháo dở do xây trên đất bị quy hoạch, người C đích thân gặp chủ tịch phường xin dùm một cách vô vụ lợi, cho người B xài điện, nước, xin tách thửa, tách thuế ra bản vẽ cho người B... Rốt cục xong việc người B không một tiếng cảm ơn, ngoảnh mặt liền còn hùa theo người A không dám nhìn mặt người C vì sợ vạ lây, chửi hổn cả với người C. Ngán ngẩm tình đời người C dọn nhà đi, vậy nhà thờ dạy con chiên của mình ra sao mà họ sống giả dối vô ơn vậy? Xem tới đây chắc mấy Cha tự hỏi không có lửa sao có khói, chắc người C đã làm gì. Thật 100% là người C không làm gì, sống một mình và tốt bụng thật thà đến ngu.

    Trả lờiXóa
  2. T cảm thấy t mắc bệnh nd thù sẽ làm ntn với ng có ơn ạ t mắc nhìu lỗi r bh ngta ghét t lắm lun mình thì hk có ý nd đâu :'( bh pải làm s cho đúng ạ cho e xin chút ý kiến ik ạ

    Trả lờiXóa