Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

CƠ HỘI CUỐI CÙNG


Mùa Thương Khó, Phục Sinh đang đến. Đây là thời khắc để ôn lại những gì mà Đấng Christ đã làm cho chúng ta trên thập giá. Nói đến Thương Khó, Phục Sinh là nói đến Tình Trời đã đổ ra cho nhân thế. Mà đã là tình yêu thì không thể không có hiến dâng. Trời yêu ta đã phó chính Con Ngài, còn ta yêu Trời thì ta sẽ hiến dâng chi. Có một câu chuyện mà đến Mùa Phục Sinh thì con dân Chúa thường được nghe nói đến. Đó là chuyện Chúa Giê-xu được xức dầu ở làng Bê-tha-ni được ký thuật trong Mac 14: 3-9. Một câu chuyện đáng được suy gẫm về lòng tận hiến trước tình Trời trong Mùa Thương Khó, Phục Sinh.
Đức Chúa Jêsus ở tại làng Bê-tha-ni, trong nhà của Si-môn là người phong hủi. Khi Ngài đang ngồi tại bàn ăn thì có một phụ nữ vào, mang theo một bình bằng ngọc đựng dầu cam tùng nguyên chất, rất đắt tiền. Bà ấy đập bể bình và đổ dầu thơm lên đầu Ngài. Có vài người tức giận nói với nhau: “Sao lại phung phí dầu thơm như vậy? Vì dầu nầy có thể bán được hơn ba trăm đơ-ni-ê để cho người nghèo.” Họ nặng lời với bà. Nhưng Đức Chúa Jêsus phán: “Hãy để mặc người. Tại sao các con gây phiền hà cho người ấy? Người đã làm một việc tốt cho Ta. Vì các con luôn có người nghèo bên mình, muốn làm phước cho họ lúc nào cũng được; nhưng không phải lúc nào cũng có Ta đâu. Người đã làm điều mình có thể làm, đã xức xác Ta để chuẩn bị cho việc chôn cất. Thật, Ta bảo các con, trên khắp thế giới nầy, bất cứ nơi nào Tin Lành được rao giảng, việc người phụ nữ nầy làm sẽ được nhắc đến để tưởng nhớ người.”
I.      Bất Kể Lúc Nào Cũng Có Thể Là Cơ Hội Cuối Cùng Để Phục Vụ Chúa Đối Với Mỗi Chúng Ta
A.    Xức dầu là một hành động thường thấy mà người ta dành cho khách quý của gia đình người Do Thái. Nghi thức này bao gồm: rửa chân, hôn và xức dầu trên đầu (Luca 7: 44-46). Nếu là thông thường tại sao các môn đồ lại giận dữ với cô ấy? Chúa Giê-xu đã ghé nhà Mary không ít lần để giảng dạy (Luca 10: 38-42), để chữa bệnh (Giăng 11), thì việc xức dầu cho Chúa thì lúc nào chẳng được. Thế nhưng, Chúa Giê-xu lại bảo rằng đây là điều mà cô ấy “có thể làm được”. Như vậy, vấn đề không nằm ở nghi thức mà là ở giá trị của lễ vật. Đây chính là nguyên do mà một số người, trong đó có Giu-đa nổii giận cùng Mary và oán trách cô vì hành động này.
Điều mà cô ấy “có thể làm được” là gì? Phải chăng đó là khả năng dâng hiến một lễ vật quý giá đến thế. Nếu tính theo thời giá thì bình dầu cam tòng khoảng nữa lít này có giá bán bằng một năm tiền công lao động (300 đơ-ni-ê). Thế nhưng, giá trị thật của một món đồ không phải lúc nào cũng tỉ lệ thuận với giá tiền mà người ta định cho nó.
Tại sao một số người thì tiếc khi nhìn thấy hành động của Mary, dù bình dầu quý không phải của họ, trong khi Mary lại không tiếc? Vì cô quá yêu Giê-xu nên mê muội hay là vì cô thật sự nhận thấy rằng Giê-xu người Nazaret xứng đáng được tôn trọng như thế? Kinh Thánh không cho biết điều này, song có một điều mà chúng ta biết được – qua lời Chúa Giê-xu đã nói – rằng, Mary đã làm được điều mà mình có thể làm. Điều mà Mary có thể hay có khả năng làm là gì? – Dâng bình dầu quý để xức trên đầu Chúa. Không phải là dâng bình dầu quý để Chúa sử dụng theo nhu cầu của Ngài mà cụ thể là đổ nữa lít dầu thơm trên đầu Chúa.
Đổ nữa lít dầu thơm trên đầu. Ừ thơm thì có thơm, Giăng 12: 3 kể lại rằng, “cả nhà thơm nức mùi dầu đó”. Nếu mà Chúa Giê-xu không trong tư thế nằm nghiêng, tay chống đầu khi dự tiệc theo phong tục Do Thái thì có lẽ, số dầu nầy đủ để chảy xuống đến ngực Ngài là cái chắc. Thơm thì có thơm, song chỉ có vậy thôi thì đúng là quá phí phạm. Chính cái chỗ có vẽ như là “phung phí” này mà chỉ có Mary mới làm được mà thôi.
Thật ra, nếu xem kỹ lời Chúa Giê-xu đã nói thì ta sẽ thấy rằng, việc dâng hiến này là nằm trong khả năng của Mary. Đây là việc mà cô ấy “có thể làm được”, chớ không phải là việc “quá sức loài người” đối với cô ấy đâu. Điều khác biệt duy nhất giữa Mary và những người khác có mặt hôm đó, kể cả các sứ đồ là cô ấy “ĐÃ làm điều mình có thể làm được” còn người khác, Giu-đa chẳng hạn, thì không làm (chớ không phải không thể).
Do đó, những gì Chúa muốn ta dâng hiến – dù quý đến đâu – đều nằm trong khả năng của chúng ta. Điều Chúa muốn dù là đứa con trai duy nhất của Apraham (Sáng thế ký 22) hay là số tiền ít ỏi của người Ma-xê-đoan trong thời loạn lạc, khó nghèo (2 Corinh 8: 1-5) đều là những gì ta “có thể làm được” cả. Vấn đề còn lại là ta có dâng hay không, ta có MUỐN hiến hay không mà thôi. Chúa không bao giờ đòi hỏi chúng ta dâng những gì chúng ta không có; Ngài không bao giờ đòi hỏi chúng ta làm những việc mà chúng ta không thể.
Như vậy, điều ta cần phải hỏi chính mình không phải là “tôi có gì để dâng cho Chúa trong mùa Thương Khó, Phục Sinh này hay không?” mà là “Tôi có muốn dâng những gì quý nhất của tôi cho Chúa hay không?” Nếu bạn muốn dâng thì bạn có thể dâng. Bạn có khả năng để làm việc đó.
B.    Đây là thời điểm duy nhất: Khi đổ bình dầu quý trên đầu Chúa, chắc chắn Mary không hề biết rằng đây là cơ hội cuối cùng mà cô có được để phục vụ Chúa. Cô cung hiến vì quý, vì mến, hay vì tôn trọng Chúa chớ làm sao cô biết được rằng cô đang xức xác Chúa trước khi chôn. Và chắc rằng, những người khác trong phòng cũng không ai nghĩ như vậy. Nếu họ đã biết như Chúa biết thì họ đã không oán trách Mary cách nặng nề đến vậy; Nếu họ đã biết như Chúa biết thì họ tiếc gì với Chúa một bình dầu.
“Các ngươi chẳng có ta ở luôn với đâu” có nghĩa rằng, cơ hội để phục vụ Chúa đối với các môn đồ sẽ không còn nữa. Hôm đó là cơ hội cuối cùng. Dù giúp đỡ người nghèo cũng là một công việc quan trọng nhưng nếu không làm hôm đó thì vẫn còn hôm khác. Nhưng nếu hôm đó họ không dâng cho Chúa thì lúc khác họ không thể nào dâng được, dù có muốn cách mấy đi nữa.
Biết bao lần ta bỏ lỡ những cơ hội cuối cùng như thế để cứu một tội nhân, để thăm viếng, giúp đỡ một người, … Ta đã cố tình không vâng theo tiếng phán giục trong lòng để cho đến tận hôm nay, ta vẫn còn ray rứt, vẫn còn chất vẫn lương tâm.
Vì cớ chúng ta, cũng như Mary, không biết khi nào là cơ hội cuối cùng để phục vụ Chúa. Nên “khi có dịp tiện” thì hãy dâng hiến, khi có dịp tiện thì hãy phục vụ, khi có dịp tiện thì hãy tiếp đãi như thể là cơ hội cuối cùng mà mình có được đối với Chúa. Há Kinh Thánh chẳng từng bảo rằng, nhiều người đã từng tiếp đãi thiên sứ vì lòng hiếu khách mà không biết đó sao (Hê-bơ-rơ 13: 2).
II.    Chúa Luôn Đánh Giá Cao Những Còn Người Biết Tận Dụng Cơ Hội Cuối Cùng Để Phục Vụ Chúa
A.    Đối với con người thì hành động của Mary là đáng trách, nhưng đối với Chúa thì hành động đó là đáng khen. Đáng khen vì Mary đã làm một việc tốt cho Chúa. Hành động dâng hiến của Mary thực sự có ý nghĩa đối với Chúa nhưng trong mắt của con người có thể đó là một hành động vô nghĩa, phung phí.
Biết bao lần ta đã “dè xẻn” trong các nghi thức, các nhạc cụ chúc tụng tôn vinh Chúa nhưng lại rất hào phóng cho các bữa tiệc thông công sau các buổi lễ. Ta là những môn đồ có đầu óc rất thực tế như Giu-đa hay đối với chúng ta Chúa Giê-xu không thực sự xứng đáng để ta dâng hiến khoản tiền bằng một năm lương. Những nhạc cụ, âm thanh, áo lễ, hoặc những vật dụng trang trí trong hội thánh là do ngân quỹ chung mua sắm hay là do những cá nhân trong hội thánh cung hiến?
Nếu có một ai đó trong hội thánh dâng hiến khoảng từ 1.000 đến 5.000 đô-la Mỹ hay ringgit Malaysia  để mua sắm hay chi dùng vào một điều gì đó (trang hoàng sân khấu lộ thiên để truyền giảng chẳng hạn), trong một lần duy nhất, thì khi biết chuyện chúng ta có quở trách người, như Giu-đa đã làm với Mary không.
Nếu người đó là con của bạn, là chồng, là vợ của bạn và số tiền đó là tất cả số tiền đang gỡi trong ngân hàng, hoặc là số vốn dành dụm được thì bạn sẽ phản ứng thế nào? Dầu so sánh có vẽ khập khiển nhưng trong hoàn cảnh còn thiếu trước hụt sau của dân sự Chúa như hiện nay thì dễ lắm những lời mà Mary đã nghe khi xưa, cũng còn đây đó xuất hiện giữa vòng chúng ta hôm nay.
Giáng sinh năm 2000, vợ chồng tôi được Chúa dẫn dắt chuẩn bị 10.000 món quà. Đó là những chứng đạo đơn được gói lại như những phần quà. Tổng số tiền cho công việc này từ in ấn, giấy gói, … khoảng chừng 8 triệu đồng. Số tiền đó có thể là không lớn lắm đối với người khác nhưng đối với vợ chồng tôi, quản nhiệm một hội thánh vừa thành lập 4 tháng với 13 người cả lớn lẫn nhỏ, vào thời điểm mà phụ cấp hàng tháng chỉ có 300 ngàn thì là vô cùng, vô cùng to lớn.
Tôi được Chúa hướng dẫn tổ chức cho các bạn thanh niên đi từng đôi và phân phát tất cả số quà này trong đêm 24/12. Những người lãnh đạo trực tiếp của tôi không đồng ý lắm với những gì chúng tôi làm vì cho rằng, chỉ gieo không như vậy mà không kêu gọi tin Chúa thì là phí phạm, vô bổ. Thế nhưng, tôi được Chúa xác chứng bằng Lời Ngài rằng, Người nầy thì gieo, người kia thì gặt, là rất phải. Ta đã sai các ngươi gặt nơi mình không làm (Giăng 4: 37-38). Và rồi Chúa phán trực tiếp trong lòng tôi rằng, “ngươi phải gieo thì mới có gặt, dù là gặt nơi người không gieo”.
Lời đó, ứng nghiệm hoàn toàn vào ngay năm sau 2001, hàng trăm người đã được Chúa cứu vào trong hội thánh của chúng tôi. Rạng sáng ngày 25/12 năm đó, khi tôi đem ly trà đường cho người thanh niên cuối cùng đi phát quà về, lời Chúa trong Giăng 17: 4 đến cùng tôi “Con đã tôn vinh Cha trên đất, đã làm xong công việc Cha giao con làm”. Một cảm giác sung sướng tuyệt trần xâm chiếm lấy tôi, không thể nào diễn tả. Mọi mệt nhọc, vất vã đều tan biến hoàn toàn, công khó của chúng tôi được chuẩn thuận. Còn hạnh phúc nào hơn!
Dù con người có đánh giá thế nào đi nữa thì Mary cũng đã làm được cái việc mà cô có thể làm được. Và Chúa Giê-xu xác nhận rằng, đó là một việc tốt cho Chúa. Thật, ý tưởng Chúa cao hơn ý tưởng con người khác chi trời cao hơn đất (Esai. 55: 9). Đừng đánh giá lễ vật của chúng ta theo thang giá trị của con người mà hãy dâng cho Chúa những gì quý nhất. Hãy làm cho Chúa một việc tốt trong mùa thương khó phục sinh 2013 này.
B.    Hành động dâng hiến của Mary không chỉ được Chúa đánh giá cao ngay lúc đó mà còn được hậu thế lưu danh. Việc làm của Mary không chỉ được lưu danh tại Palestin mà còn tại khắp nơi trên thế giới. Nói cách khác, việc làm của Mary không chỉ được Chúa khen ngợi tại thời điểm đó mà thôi, nhưng như lời Chúa Giê-xu đã nói thì trong khắp cả thế gian, hễ nơi nào Tin lành nầy được giảng ra, việc người đã làm cũng sẽ được nhắc lại để nhớ đến người.
Việc chúng ta làm cho Chúa, những gì chúng ta dâng cho Chúa – dù nhỏ hay lớn, dù được người đời khen hay chê – thì luôn có ảnh hưởng đến lâu dài khắp trên cộng đồng dân Chúa.
Nhiều người trên thế giới ngày hôm nay muốn trở nên nổi tiếng đã tìm cách tạo xì-căn-đan với những người nổi tiếng hoặc gài bẫy tình, hoặc ám sát hay vu khống, tống tiền, … Mary không đổ bình dầu trên đầu Chúa để được trở nên nổi tiếng. Thật ra, cô cũng không nghĩ rằng việc làm của mình sẽ được hậu thế lưu danh. Cô đơn giản chỉ là muốn làm một điều gì đó cho chính Chúa, người mà cô quý mến. Thế nhưng, những gì cô làm lại được Chúa tưởng thưởng một cách xứng đáng. Có thể nói, việc dâng bình dầu quý này là điều duy nhất mà Mary đã làm được cho Chúa, thế nhưng cô lại trở nên người được nhớ đến khắp thế giới. Thật như Phao-lô đã nói: “Hãy vững vàng chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu (1Corinhto 15: 58).
Anh chị em yêu dấu, Mary đã làm được cái việc mà cô ấy có thể làm. Mary đã tận dụng được cơ hội cuối cùng để phục vụ Chúa và cô đã làm được một việc tốt cho Chúa. Còn chúng ta thì sao? Có cơ hội phục vụ nào mà bạn đang trì hoãn thưa vâng với Chúa không, có cơ hội dâng hiến nào mà bạn còn cân nhắc thiệt hơn không? Hãy dâng hiến, hãy thưa vâng với Chúa vì có thể đó là cơ hội cuối cùng mà Chúa dành cho bạn trong ngày hôm nay.
MSB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét