Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

VƯỜN XƯA ĐÊM ẤY



Mùa Thương Khó, Phục Sinh đang đến, chúng ta lại có dịp ngắm xem và ngẫm suy sự sống lại vinh diệu của Vua Giê-xu và tinh thần đầu phục tuyệt đối của Ngài trước ý nguyện của Đức Chúa Cha. Tuần này, chúng ta sẽ cùng nhau trở lại vườn Ghết-sê-ma-nê, nơi đã diễn ra một trận chiến quan trọng giữa ý người và ý Trời, có cả kẻ thắng, người thua, để học biết và chọn lựa cho chính mình một quyết định đúng. Một quyết định luôn đảm bảo sự đắc thắng cho chính mình giữa muôn màn cám dỗ, thách thức vây quanh trên hành trình theo Chúa.
Chi tiết của cuộc chiến này được tường thuật rất rõ ràng trong Phúc Âm Mác 14: 26-72
Sau khi hát thánh ca, Đức Chúa Jêsus và các môn đồ ra đi, lên núi Ô-liu. Đức Chúa Jêsus bảo các môn đồ: “Tất cả các con đều sẽ vấp ngã; vì có lời chép rằng: ‘Ta sẽ đánh người chăn, thì chiên sẽ bị tan tác.’ Nhưng sau khi Ta sống lại, Ta sẽ đến Ga-li-lê trước các con.” Phi-e-rơ thưa: “Dù cho tất cả đều vấp ngã, nhưng con thì không.” Đức Chúa Jêsus đáp: “Thật, Ta bảo con, hôm nay, chính đêm nay, trước khi gà gáy hai lượt, con sẽ chối Ta ba lần.” Nhưng Phi-e-rơ càng quả quyết hơn: “Dù có phải chết với Thầy, con sẽ chẳng chối Thầy đâu.” Tất cả các môn đồ khác cũng đều nói như vậy.
Sau đó, Đức Chúa Jêsus và các môn đồ đi đến một nơi, gọi là Ghết-sê-ma-nê. Ngài bảo họ: “Hãy ngồi đây trong khi Ta cầu nguyện.” Ngài đem Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng đi cùng. Ngài bắt đầu cảm thấy vô cùng sầu não và bối rối. Ngài nói với họ: “Linh hồn Ta đau buồn cho đến chết, các con hãy ở đây, và tỉnh thức.” Đi thêm một quãng nữa, Ngài sấp mình xuống đất và cầu nguyện để nếu có thể được thì xin giờ nầy qua khỏi Ngài. Ngài thưa: “A-ba, lạy Cha, mọi việc Cha đều làm được. Xin Cha cất chén nầy khỏi Con, nhưng không theo ý Con mà theo ý Cha.” Rồi Ngài trở lại, thấy ba người đang ngủ; Ngài nói với Phi-e-rơ: “Si-môn, con ngủ ư! Con không thể tỉnh thức được một giờ sao? Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để các con khỏi sa vào sự cám dỗ. Tâm linh thì tha thiết, mà xác thịt lại yếu đuối.” Ngài lại đi và cầu nguyện như lời cầu nguyện trước. Rồi Ngài trở lại và thấy họ vẫn ngủ, vì mắt họ đã đừ quá và họ không biết phải thưa với Ngài như thế nào. Ngài trở lại lần thứ ba, và nói với các môn đồ: “Các con vẫn cứ ngủ và nghỉ ngơi được sao? Đủ rồi, giờ đã đến! Nầy, Con Người sắp bị phản nộp vào tay những kẻ có tội. Hãy trỗi dậy, chúng ta đi. Kìa, kẻ phản Ta đã đến.”
Vừa đến, Giu-đa lập tức tiến lại gần Ngài và nói: “Thưa Thầy!” rồi hôn Ngài. Chúng liền ra tay bắt Ngài …
Họ giải Đức Chúa Jêsus đến nhà thầy tế lễ thượng phẩm. Tất cả các thầy tế lễ cả, các trưởng lão và thầy thông giáo đều tụ họp tại đó. Phi-e-rơ theo Ngài xa xa, vào đến sân dinh thầy tế lễ thượng phẩm, rồi ngồi với quân lính, sưởi ấm bên đống lửa. Các thầy tế lễ cả và toàn thể Hội đồng Công luận đều tìm bằng chứng chống lại Đức Chúa Jêsus để giết Ngài, nhưng không tìm được gì cả …  Thầy tế lễ thượng phẩm lại hỏi: “Ngươi có phải là Đấng Christ, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?”  Đức Chúa Jêsus đáp: “Chính Ta. Rồi đây các ngươi sẽ thấy Con Người ngồi bên phải Đấng Quyền Năng, và hiện đến giữa mây trời.”
Thầy tế lễ thượng phẩm xé áo mình và nói: “Chúng ta đâu cần tìm bằng chứng khác làm gì nữa? Các ông đã nghe lời phạm thượng rồi đó! Các ông quyết định thế nào?” Tất cả đều kết án Ngài đáng tội chết …
Lúc Phi-e-rơ đang ở dưới sân, một trong những đầy tớ gái của thầy tế lễ thượng phẩm đến gần, thấy Phi-e-rơ đang sưởi thì nhìn vào mặt ông và nói: “Ông cũng đã ở với Jêsus, người Na-xa-rét.” Nhưng Phi-e-rơ chối: “Tôi không biết, cũng không hiểu cô đang nói gì.” Rồi ông bỏ đi ra sân trước, thì gà gáy. Đầy tớ gái đó thấy ông, lại nói với những người đứng gần: “Ông nầy cũng thuộc nhóm đó.” Nhưng Phi-e-rơ lại chối một lần nữa. Một lúc sau, những người đứng gần lại nói với ông: “Chắc chắn anh thuộc nhóm đó rồi, vì anh là người Ga-li-lê.” Nhưng Phi-e-rơ liền rủa và thề: “Tôi không hề quen biết với người mà các ông nói đó!” Ngay lúc ấy, gà gáy lần thứ hai. Phi-e-rơ nhớ lại lời Đức Chúa Jêsus đã nói với mình: “Trước khi gà gáy hai lượt, con sẽ chối Ta ba lần.” Ông bật khóc nức nở.
I.          Được Báo Trước Giống Nhau
A.    Phê-rơ đã được cảnh báo rằng sẽ ba lần chối Chúa. (Luca 22: 31-32)
Chúa là Đấng Toàn tri, tức là qua khứ, hiện tại tương lai của mỗi một chúng ta, Chúa đều biết cả. Chúa biết hết những gì sẽ xảy ra với mỗi một chúng ta, nhưng không phải lúc nào Chúa cũng báo trước cho những người theo Ngài tất cả những gì sẽ xảy ra với họ.
Tuy nhiên, đôi khi, theo chủ định của mình, Chúa cho một ai đó biết trước được điều sẽ xảy ra với người ấy. Chúa cho Môi-se biết trước rằng, Pharaon sẽ nhiều lần cứng lòng, từ chối không cho phép dân Y-sơ-ra-ên tự do rời Ai-cập (Xuất hành 3: 19); Chúa báo trước cho Phao-lô về hoạn nạn đang chờ sẵn ông tại Giê-ru-sa-lem (Công vụ 21: 10-11).
Chúa Giê-xu báo trước cho Phê-rơ biết rằng ông sẽ chối Ngài ba lần nhằm mục đích gì? Phải chăng đó là điều Chúa đã định sẵn, chắc chắn sẽ xảy ra, không cách nào thay đổi được? Nếu điều này là đúng thì lời phán của Chúa Giê-xu chính là lời tuyên án đối với Phê-rơ, mà ông không cách gì có thể thoát khỏi được.Thế nhưng, lời phán của Chúa Giê-xu đối với Phê-rơ, trong trường hợp này, không phải là lời tuyên án mà là một lời cảnh báo.
Thông thường, khi nhận được một tín hiệu cảnh báo thì tất cả chúng ta ngay lập tức đều ‘giảm tốc’, ‘dừng lại’ và ‘nhanh chóng đổi hướng’, tức là lập tức lánh xa khu vực, hay hướng đi nguy hiểm.
Khi báo trước cho Phê-rơ điều nầy, Chúa có muốn ông chối Ngài không? – Hẵn nhiên, là không. Chúa báo trước để Phê-rơ biết mà tránh việc đó. Chúa bảo rằng, tất cả các môn đệ sẽ vấp ngã, sẽ bỏ Ngài trốn chạy nhưng riêng Phê-rơ thì sẽ còn công khai xác nhận rằng ông không hề biết Chúa!
Ngày hôm nay cũng vậy, mỗi khi Chúa dùng Lời của Chúa, hay dùng một ai đó hoặc một hoàn cảnh nào đó để báo trước cho chúng ta tai họa hầu đến, đặc biệt là những hiểm họa đe dọa trực tiếp đến đức tin, đến mối quan hệ của chúng ta với Chúa thì chúng ta cần phải nhớ rằng, ấy là Chúa muốn chúng ta cẩn thận; Chúa không muốn chúng ta sa vào cám dỗ; Ngài không muốn chúng ta vấp ngã.
Chúa không muốn một ai trong chúng ta phạm tội; Chúa không muốn bất kỳ ai trong chúng ta vấp ngã; Ngài không muốn bất kỳ ai trong chúng ta chối bỏ đức tin hay lìa xa Chúa. Ngài chọn chúng ta là để thành công chớ không phải để thất bại; Chúa chọn chúng ta không phải để bỏ cuộc mà là để thắng cuộc, để đi trọn con đường Chúa gọi chúng ta đi.
B.    Đức Giê-xu cũng đã biết trước rằng, Ngài sẽ bị bắt và bị giết
Có một điểm tương đồng thú vị trong phần Kinh Thánh này. Ấy là Chúa Giê-xu cũng biết trước điều gì đang chờ đợi mình.
Trên núi Hóa Hình, cùng một câu chuyện được thuật lại như trong Mac 9, nhưng Luca 9: 28-31 cho chúng ta thêm một chi tiết ấn tượng: “Và kìa, có hai người nói chuyện với Ngài, đó là Môi-se và Ê-li. Họ hiện ra trong vinh quang và nói về sự chết của Ngài, là việc Ngài sắp làm ứng nghiệm tại thành Giê-ru-sa-lem”.
Và khởi từ đây, Chúa Giê-xu bắt đầu nói về sự khổ nạn hầu đến của mình.
vì Ngài đang dạy các môn đồ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta, họ sẽ giết Ngài; và ba ngày sau khi bị giết, Ngài sẽ sống lại.” (Mac 9: 31)
Ngài nói: “Nầy, chúng ta lên thành Giê-ru-sa-lem, Con Người sẽ bị nộp cho các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo. Họ sẽ kết án tử hình Người, rồi giao cho dân ngoại. Người ta sẽ chế nhạo Người, khạc nhổ trên Người, đánh đòn và giết chết Người; nhưng sau ba ngày, Người sẽ sống lại.” (Mac 10: 33-34).
Điểm khác biệt duy nhất nằm ở chỗ: điều Phê-rơ biết trước là một sự cảnh báo, còn điều mà Chúa Giê-xu biết trước là ý muốn của Đức Chúa Trời. Nói cách khác, điều mà Phê-rơ biết trước chính là điều mà Chúa không muốn xảy ra, còn điều mà Chúa Giê-xu biết trước lại chính là điều mà Đức Chúa Trời muốn xảy ra.
Như vậy, có hai lãnh vực mà Đức Chúa Trời thường bày tỏ hay ban sự biết trước cho con dân của Ngài. Một là báo trước những tai họa hay hiểm họa đang chực chờ. Và hai là tỏ cho ai đó biết được ý muốn của Ngài đối với người ấy.
II.        Cách Ứng Xử Khác Nhau Đối Với Những Gì Đã Được Báo Trước
A.            Được báo trước, được chỉ dẫn phương cách để đắc thắng (3 lần cả thảy) nhưng cách mà Phê-rơ và đồng bạn của mình đã chọn trong hoàn cảnh này là NGỦ.
Hầu như, Phê-rơ không tin vào những gì Chúa Giê-xu đã báo trước cho mình.
Đức Chúa Jêsus bảo các môn đồ: “Tất cả các con đều sẽ vấp ngã; ...” Phi-e-rơ thưa: “Dù cho tất cả đều vấp ngã, nhưng con thì không.” Đức Chúa Jêsus đáp: “Thật, Ta bảo con, hôm nay, chính đêm nay, trước khi gà gáy hai lượt, con sẽ chối Ta ba lần.” Nhưng Phi-e-rơ càng quả quyết hơn: “Dù có phải chết với Thầy, con sẽ chẳng chối Thầy đâu.”
Ông tin quyết nơi chính mình đến nỗi coi thường hay bỏ qua lời cảnh báo của Chúa. “Làm sao mà mình có thể chối bỏ Chúa được. Ai đó thì có thể, chớ riêng mình thì chắc chắn là không. Mình là sứ đồ trưởng, là anh cả kia mà. Mình từng bao nhiêu lần kinh nghiệm Chúa, bao nhiêu lần chịu ơn Chúa, thì làm thế nào mình có thể chối Thầy cơ chứ. Không, không bao giờ”. Có thể Phê-rơ đã từng nghĩ như vậy.
Có lẽ, giống như Phê-rơ, ai đó trong chúng ta cũng đang có suy nghĩ như vậy. Nếu thật như thế thì khá nhớ rằng, “ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã” (1 Corinhto 10: 12).
Vì không tin nơi lời Chúa cảnh báo, nên Phê-rơ chẳng có hành vi phòng vệ hay chuẩn bị gì cả. Thậm chí, Chúa liên tục đánh thức và chỉ tỏ phương cách cụ thể để tranh khỏi hiểm họa này nhưng Phê-rơ và đồng bạn của mình vẫn bỏ ngoài tai.
Theo Chúa Giê-xu, phương cách để đắc thắng cám dỗ, phương cách để từ bỏ ý riêng, từ chối ham muốn của xác thịt và đầu phục ý muốn của Đức Chúa Trời là “tỉnh thức và cầu nguyện”.
“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để các con khỏi sa vào sự cám dỗ. Tâm linh thì tha thiết, (mong muốn – BDM) mà xác thịt lại yếu đuối” (c. 38). Ở đây, Chúa Giê-xu chỉ ra cho chúng ta thấy một mâu thuẫn nội tại trong đời sống của chúng ta, những người tin theo Chúa. Đó là, trong khi tâm linh của chúng ta, tức là con người bề trong, con người mới của chúng ta, luôn ao ước, luôn có xu hướng sống theo ý Chúa, làm theo Lời Chúa, thì xác thịt của chúng ta, tức con người cũ, con người bề ngoài của chúng ta luôn có xu hướng chìu theo những đòi hỏi của xác thịt, tức là sống theo những thói quen, ham thích tội lỗi xưa cũ, hoặc là có những thái độ hay hành vi luôn nghịch lại với ý muốn của Đức Chúa Trời.
Đây cũng chính là sự tranh chiến mà Phao-lô đã nhận thấy trong đời sống của ông: “Vậy tôi tìm thấy có luật này: Đó là khi tôi muốn làm điều lành thì điều ác cứ vương vấn tôi; Vì theo con người bề trong thì tôi thích kinh luật của Đức Chúa Trời, Nhưng tôi nhận thấy trong chi thể tôi một luật khác tranh chiến với luật của tâm trí tôi, và bắt tôi làm nô lệ cho luật tội lỗi là luật ở trong các chi thể tôi.” (Roma 7: 21-23)
Chúa Giê-xu muốn Phê-rơ ‘thức’ thì ông ‘ngủ’; Chúa bảo ông ‘cầu nguyện’ thì ông ‘không biết trả lời Ngài thế nào’.
Đúng là lúc ấy đã quá khuya, mắt các môn đồ và Phê-rơ đều trĩu nặng hay nói như trong Bản dịch củ là mắt của họ “đã đừ quá rồi”. Thế nhưng, hiểm họa đang đến với họ; tai nạn sắp trút xuống trên họ kia mà. Vậy mà họ vẫn ngủ được. Bị Chúa đánh thức ba bốn lần mà vẫn ngủ được, thậm chí là ngủ say sưa.
Có ai trong chúng ta nếu biết rằng ngày mai mình sẽ bị cảnh sát bắt, hay khuya nay mình sẽ bị tống vào tù, mà đêm nay còn có thể ngủ ngon không? – Chắc chắn là không có ai như vậy cả.
Phê-rơ và đồng bạn của mình ngủ ngon như thế là vì họ không lo. Họ không lo không phải vì không biết, hay là có đức tin lớn mà ngược lại, họ không lo vì họ không tin. Không tin vào những gì Chúa đã cảnh báo.
Ngày hôm nay cũng vậy, biết bao người vẫn miệt mài trong tội lỗi; biết bao người đang say mê trong bia rượu, trong tình dục bất khiết; biết bao người đang ngủ quên trong chuyện làm ăn gian lận, và thậm chí trong những mưu mô gian ác hại người nhằm lợi mình.
Phải chăng những người này không biết hậu quả của những việc họ làm? Phải chăng, chưa từng có ai cảnh báo họ hay tỏ cho họ biết kết cuộc cuối cùng mà họ phải gặt? – Họ biết, thậm chí biết rõ nữa là khác. Họ đã nghe, thậm chí nhiều nữa là khác. Nhưng họ không tin. Mà nếu có tin thì họ chỉ tin rằng, điều đó sẽ xảy ra với người khác chớ không bao giờ xảy ra với họ. Mà nếu có xảy ra với họ thì chắc … cũng không đến nỗi nào! Và thế là NGỦ. Miệt mài ngủ. Say mê ngủ.
B.            Đức Giê-xu cũng có ý muốn riêng (khỏi uống chén này) nhưng sự cầu nguyện liên tục, dốc đổ đã giúp Ngài đắc thắng ý riêng mà đầu phục ý Cha: sự cứu chuộc nhân loại.
Cùng biết trước giống nhau, trong cùng một thời điểm như nhau, tại cùng một địa điểm như nhau, nhưng cách phản ứng của Chúa Giê-xu đối với những gì Ngài được tỏ cho biết lại hoàn toàn khác biệt với Phê-rơ và các môn đồ.
Nhiều người sẽ vội cho rằng, vì Giê-xu là Đức Chúa Trời nên cách Ngài phản ứng đương nhiên là sẽ khác với Phê-rơ, một con người. Đúng. Giê-xu là Đức Chúa Trời nhưng khi sống và thi hành chức vụ trên đất, Ngài hành xử không phải trong tư cách của một Đức Chúa Trời mà là trong tư cách của một con người, một người được đẫy dẫy Đức Thánh Linh. Đó chính là cơ sở mà Ngài đã tuyên phán trong Giăng 14: 12 rằng “Thật vậy, Ta bảo các con: Người nào tin Ta, thì cũng sẽ làm những việc Ta làm, và còn làm những việc vĩ đại hơn nữa, vì Ta trở về cùng Cha”. Nếu những việc Chúa Giê-xu đã từng làm khi Ngài bước đi trên đất là trong tư cách của một Đức Chúa Trời thì ngày hôm nay và mãi mãi về sau, chúng ta không cách chi có thể làm được như thế, chớ đừng nói chi đến những việc vĩ đại hơn.
Thay vì say ngủ như Phê-rơ thì Chúa Giê-xu đã miệt mài cầu nguyện. Chính xác hơn là Ngài đã chiến đấu trong sự cầu nguyện. Kinh Thánh trong Luca 22: 43-44 cho biết: “Một thiên sứ từ trời hiện đến thêm sức cho Ngài. Trong cơn thống khổ, Ngài cầu nguyện càng khẩn thiết, mồ hôi Ngài trở nên như những giọt máu rơi xuống đất”.
Cám dỗ mà Phê-rơ đối diện là chối Chúa, còn cám dỗ mà Chúa Giê-xu đối diện ở đây là từ chối thực hiện ý muốn của Đức Chúa Cha. Về phương diện con người, Chúa Giê-xu không muốn phải chịu chết trên thập giá; Về phương diện con người, Chúa Giê-xu không muốn phải chịu lấy cái chết đau đớn, và nhục nhã này. Đó là lý do mà cả ba lần cầu nguyện, Chúa đã kêu lên: “Cha ơi, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này!” hay “Cha ơi, nếu có thể được, xin cất chén này khỏi con!” (c. 36)
Chúa Giê-xu có quyền chọn không làm theo ý muốn Đức Chúa Trời được không? Chúa Giê-xu có quyền sống theo ý riêng của Ngài được không? – Câu trả lời là có. Chính Chúa Giê-xu xác nhận rằng, “Không ai cất mạng sống Ta đi được, nhưng Ta tự nguyện hi sinh. Ta có quyền hi sinh mạng sống và có quyền lấy lại. Ta đã nhận mệnh lệnh nầy từ nơi Cha Ta” (Giăng 10: 18)
Thoạt trông thì có vẻ như Chúa Giê-xu bị buộc phải chết, trong khi Ngài không muốn chết. Và dường như, Chúa đang cầu xin Cha cho mình thoát khỏi án tử hình này. Thế nhưng, khi suy gẫm kỹ thì ta sẽ thấy việc Chúa Giê-xu phải ‘chiến đấu trong sự cầu nguyện’ là để đầu phục ý muốn của Đức Chúa Cha, chớ không phải đơn giản là xin được thoát khỏi chết.
Năm xưa, Gia-cốp đã vật lộn suốt đêm với Thiên sứ của Đức Chúa Trời trại khe Gia-bốc, trước lúc hồi hương. Tuy được xác nhận là ‘đã toàn thắng’ nhưng rõ ràng là Gia-cốp bị đánh đến ‘trẹo xương hông’, phải đi ‘khập khểnh’ suốt đời và thậm chí, di truyền cả ‘chiến tích’ này cho muôn đời con cháu của ông là người Do Thái! Điểm thú vị là Đấng vật lộn cùng Gia-cốp thuở xưa, theo nhiều thần học gia tin tưởng, cũng chính là Đấng đang ‘vật lộn’ suốt đêm tại vườn Ghết-sê-ma-nê năm nào để đầu phục ý muốn của Đức Chúa Cha.
Nếu Chúa Giê-xu mà khi còn trong thân xác con người mà còn phải vật lộn trong sự cầu nguyện như vậy để đầu phục ý muốn của Đức Chúa Cha thì mỗi một chúng ta cần phải chiến đấu trong sự cầu nguyện mỗi ngày càng hơn là dường nào.
Khi Chúa bảo rằng, “hãy tỉnh thức và cầu nguyện” thì điều đó có nghĩa rằng, tôi và mỗi một anh chị em có khả năng để tỉnh thức và cầu nguyện. Hình ảnh “một thiên sứ từ trời hiện đến thêm sức” cho Chúa Giê-xu khi Ngài chiến đấu trong sự cầu nguyện khích lệ chúng ta rằng, khi chúng ta tin cậy Chúa bước vào thì giờ cầu nguyện, đặc biệt là những lúc nhận được cảnh báo, thì Chúa sẽ thêm sức thiêng cho chúng ta theo cách của Ngài.
III.       Kết Quả Khác Nhau
A.            Cách phản ứng khác nhau thì tất yếu sẽ cho những kết quả khác nhau. Sự việc xảy ra cho Phê-rơ chính xác như những gì Chúa Giê-xu đã báo trước: ông đã chối Chúa ba lần trước khi gà gáy lần thứ hai!
Phê-rơ đã thất bại trước cám dỗ, không phải vì ông yếu đuối, bất toàn mà là vì ông không chịu áp dụng phương cách hay giải pháp ‘tỉnh thức và cầu nguyện’ của Chúa để đắc thắng.
Anh chị em ơi, chúng ta vốn là yếu đuối, không ai trong chúng ta là trọn vẹn hay mạnh mẽ đủ cả. Thế nhưng, tạ ơn Chúa, chúng ta vẫn có thể tránh được và tránh khỏi kết cuộc mà Phê-rơ đã gặp, dù cám dỗ hay thử thách có khốc liệt đến đâu đi nữa. “Sa vào” hay không sa vào sự (chước) cám dỗ là do chính mỗi một chúng ta quyết định. Nói cách khác, phước hay họa là do chính ta quyết định, thành hay bại là do chính ta quyết định, ‘huy hoàng’ hay ‘điêu tàn’ là do chính chúng ta quyết định – quyết định làm theo hay không làm theo lời phán của Đức Chúa Trời.
Hãy gọi tên sự vật cho đúng với bản chất của nó. Đừng bao giờ biện minh rằng, mình thất bại, mình bỏ cuộc là do yếu đuối, mà hãy thành thật xưng nhận: sở dĩ mình thất bại, thua cuộc là do mình không chịu làm theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời.
B.            Chúa Giê-xu là gương mẫu tuyệt vời cho mỗi một chúng ta trong cách sống đạo (sống theo Lời Chúa) mỗi ngày. Từ bỏ ý riêng và chấp nhận thuận theo ý Chúa là một cuộc tranh chiến dai dẵng, liên tục. Đó chính là tiến trình tôn Giê-xu làm Chúa, tức là Chủ trong đời sống của mỗi một chúng ta. Càng đến gần Chúa hơn trong sự cầu nguyện, bạn càng dễ dàng từ bỏ những sở thích, ham muốn, thói quen, toan tính và những mục tiêu của riêng mình, rồi bạn sẽ nhận thấy vui thỏa khi làm theo ý Chúa, sung sướng khi sống theo lời Chúa, và thanh thản, tự do, bình an khi bước đi theo đường lối Chúa.
Vì đã ‘tỉnh thức và cầu nguyện’ nên Chúa Giê-xu đã hoàn toàn vâng phục ý muốn của Đức Chúa Cha; Vì đã ‘tỉnh thức và cầu nguyện’ mà Chúa Giê-xu đã ‘làm xong công việc Cha giao cho Ngài’ – một công việc qua đỗi khó khăn, một công việc mà ngay cả ý riêng của Ngài cũng không muốn: một cái chết đau đớn, nhục nhã trên thập tự giá. Vâng, Chúa Giê-xu đã chết. Nhưng cái chết không phải là kết quả mà Chúa Giê-xu nhận lãnh qua sự vâng lời.
Kết quả là đây: Chính vì thế mà Đức Chúa Trời đã tôn Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, để khi nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, đều phải quỳ xuống, và mọi lưỡi đều phải xưng nhận Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha (Philip 2: 9-11)
Hai kết cuộc sống động ở trước mắt chúng ta. Một của Phê-rơ, và một của Chúa Giê-xu. Quyết định thuộc về mỗi một chúng ta. Bạn chọn loại kết cuộc nào?
MSB
(Bài giảng tại River of Life Sanctuary vào Chúa nhật, 3/3/2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét