Hành
trình theo Chúa là một hành trình đầy phước hạnh, song cũng không thiếu những
khó khăn thách thức như lời bài một bài thánh ca đã diễn tả: “Đường sự sống
chắc chắn vui mừng khôn xiết; đường sự sống chắc chắn đau buồn không thiếu …”
Chính những gian khó trên con đường hẹp của bước linh trình đã khiến cho không
biết bao thánh nhân đã rơi vào tình trạng ngã lòng, thối chí, và không loại trừ
những giây phút đâm ra nghi ngờ cả Chúa.
Làm
thế nào để đắc thắng sự ngã lòng trên hành trình theo Chúa? Làm thế nào để giữ
vẹn lòng mình với Chúa khi những nan đề trong đời đang chờ chực bóp chết đức
tin ta ? Đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 11: 2-6 với câu chuyện về cuộc đối thoại giữa
Chúa Giê-xu và môn đệ của Giăng Báp-tít sẽ chỉ tỏ cho mỗi chúng ta câu trả lời của Thánh
Kinh cho vấn nạn thường nhật này.
Khi
Giăng ở trong ngục nghe nói về các công việc của Đấng Christ, thì sai môn đồ
mình đến thưa cùng Ngài rằng: Thầy
có phải là Đấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi đấng khác chăng? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hãy về,
thuật lại cùng Giăng những điều các ngươi nghe và thấy: Kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ
phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại, kẻ khó khăn được
nghe giảng tin lành. Phước
cho ai chẳng vấp phạm vì cớ ta!
I.
Nguyên Nhân
Của Sự Nản Lòng
Giăng
Báp-tít là ai? – Người mở đường của Chúa Cứu Thế, người được đầy dẫy Đức Thánh
Linh từ trong lòng mẹ (Luca 1: 15), người đã từng có một chức vụ thành công
mang tầm mức quốc gia (Mac 1: 5), người được Đức Chúa Trời trực tiếp mách bảo
dấu chỉ để nhận ra Đấng Christ (Giăng 1: 31-34) và ông đã chứng kiến điều đó
sau khi làm báp-têm cho Chúa Giê-xu tại sông Giô-đanh (Mac 1: 10-11). “Có phải Thầy là Đấng sẽ đến hay
chúng tôi phải đợi Đấng khác?” Một người
đầy kinh nghiệm như thế mà có lúc cũng đâm ra nghi ngờ Chúa sao?
Chúng
ta cùng xem Ê-li, một tiên tri lớn của Đức Chúa Trời thời Cựu ước. Trong 1 Vua
18, một mình Ê-li dạn dĩ đối địch cùng với 850 tiên tri giả và vua A- hát gian ác
trên đỉnh Cạt-mên, làm cho mưa sa xuống đất sau ba năm rưỡi hạn hán. Nhưng qua
đoạn 19, ta lại thấy một Ê-li nản lòng, bỏ cuộc, bỏ chạy
lấy thân và muốn chấm dứt chức vụ, chấm dứt cuộc đời (Xem 1Vua 19: 1-4)
Còn
Giô-suê 1: 6-7, 9, 18, chỉ trong một
đoạn mà cụm từ “hãy vững lòng, bền chí” được lập lại đến 4 lần. Tại sao như thế?
– Vì người của Đức Chúa Trời dễ rơi vào tình trạng “nản lòng,
thối chí” trên hành trình bước đi theo Chúa, trong công trường phục vụ Chúa.
Nói cách khác, tình trạng nản lòng, thối chí; việc người
theo Chúa, người hầu việc Chúa ấm áp tư tưởng bỏ cuộc, thối lui là chuyện “thường
ngày ở huyện”, là chuyện thường xảy ra.
“Có
phải Thầy là Đấng sẽ đến hay chúng tôi phải đợi Đấng khác?” Một khi rơi
vào tình trạng nản lòng, nao sờn, chúng ta thường có xu
hướng nghi ngờ Chúa, nghi ngờ sự thành tín của Chúa, nghi ngờ tính chân thật
nơi những Lời Hứa của Chúa, thậm chí nghi ngờ cả sự kêu gọi của Chúa dành cho
mình.
“Không
biết có thật không nữa?” – Đây là câu hỏi quay quắt trong chúng ta mỗi khi nao
sờn, mệt mỏi vì thất bại, vì bị từ chối, vì lời cầu xin
không nhận được câu trả lời. Khi bị nản lòng, thối chí, ta
đọc Kinh Thánh không vào; Khi bị nản lòng thối chí, ta nghe
giảng nhưng bán tín bán nghi: “nói dzậy chớ chắc chi đã dzậy”, “nói dzậy chớ
hổng phải dzậy”
Phải
chăng anh chị em đang mệt mỏi, nao sờn? Phải chăng anh chị
em đang nản lòng, thối chí, đang ấm áp tư tưởng bỏ cuộc,
thối lui, lìa bỏ cuộc chơi, trở nên người thụ động? Đừng lấy làm lạ về chuyện
đó, biết bao người đi trước chúng ta cũng đã từng nao núng, cũng đã từng toan
tính tẻ tách, dừng bước như thế. Nếu anh chị em đang rơi vào tình trạng như thế
thì hãy nhớ rằng, Giăng Báp-tít, người mở đường cho Chúa Cứu Thế Giê-xu cũng đã
từng bị như thế.
Nhưng
tại sao, một người đã từng được Đức Chúa Trời mách bảo, từng được nghe lời xác
chứng từ trời, từng được thấy Đức Thánh Linh lấy hình chim bồ câu ngự xuống
trên Chúa Giê-xu lại đâm ra nghi ngờ rằng, không biết Chúa Giê-xu có phải là
Đấng Christ, là Đấng Mê-sia, tức là vị Vua của Lời Hứa hay không?
Sở
dĩ, Giăng đâm ra nghi ngờ không biết Giê-xu người Nazaret có phải là Đấng
Mê-sia hay không là vì ông “đang ở trong ngục”.
Ông
đang bị giam vì đã nói thẳng nói thật (Mac 6: 17-20). Nói cách khác, ông bị
hoạn nạn không phải vì làm chuyện sai mà là làm chuyện đúng. Ông bị giam trong
tù, trong khi Chúa Giê-xu vẫn thực thi chức vụ ở bên ngoài.
“Nếu
Chúa Giê-xu là Đấng Mê-sia thì tại sao lại không cứu mình ra khỏi ngục, mình là
người mở đường cho Chúa kia mà?”; “Nếu Giê-xu không thể cứu mình ra khỏi ngục,
thì liệu những sự bày tỏ, những sự hiện thấy trước đây có thật sự là đến từ Đức
Chúa Trời không? Biết đâu đó chỉ là sự lừa dối của ma quỉ hay là do mình tự
tưởng tượng ra thì sao?” Có thể, đây là những ý tưởng tranh chiến liên tục nơi
tâm trí của Giăng suốt những ngày tháng lao tù.
Giăng
nghi ngờ Chúa Giê-xu không phải khi ông đang thành công, Giăng không nghi ngờ
Chúa khi nhu cầu hàng ngày của ông được đáp ứng, dù chỉ là châu chấu và mật ong
rừng. Giăng nghi ngờ Chúa khi quanh ông chỉ còn vài môn đồ thân tín, Giăng nghi
ngờ Chúa khi ông phải sống trong một chỗ chật hẹp, bẩn thỉu; ông nghi ngờ Chúa
khi ông không còn được tự do để làm công việc mà Chúa gọi ông làm; ông nghi ngờ
Chúa khi điều ông ước mong, ông chờ đợi đã không xảy ra.
Anh
chị em ơi, không khi nào chúng ta nghi ngờ Chúa nếu mọi đều chúng ta cầu xin
Chúa đều nhanh chóng trả lời; Chúng ta không khi nào nghi ngờ Chúa nếu công ăn
việc làm của chúng ta luôn thuận lợi, thu nhập của chúng ta luôn ổn định; Chúng
ta không bao giờ nghi ngờ về sự kêu gọi của Chúa nếu chức vụ của chúng ta luôn
thành công, hội thánh luôn tăng trưởng: số người nhóm lại gia tăng, tiền dâng
hiến gia tăng, …
Chúng
ta chỉ nghi ngờ khi những lời cầu xin của chúng ta dường như Chúa không nghe
thấy, khi bệnh tật của chúng ta kêu van mãi mà vẫn không được lành; Chúng ta
chỉ nghi ngờ khi tài chánh của chúng ta ngày một eo hẹp, thiếu trước hụt sau, …
Chúng ta đâm ra nghi ngờ sự kêu gọi của Chúa khi thấy HT mà mình lãnh đạo, chăm
sóc ngày một teo tóp lại: số người nhóm lại ít dần, số tiền dâng không đủ chi
dùng cho những nhu cầu tối thiểu trong hội thánh, … “Không biết mình có nên
tiếp tục hầu việc Chúa nữa không?”
Anh
chị em ơi, phải chăng anh chị em đang có cùng tâm trạng như Giăng Báp-tít: “Có phải Thầy là Đấng sẽ đến hay
chúng tôi phải đợi Đấng khác?” thì hãy nghe câu trả lời của Chúa
Giê-xu để nhanh chóng bước ra khỏi sự nản lòng
II.
Bí Quyết
Vượt Qua Sự Nản Lòng
Chúa
Giê-xu không trả lời “phải” hoặc “không” cho câu hỏi của Giăng, câu hỏi của một
người đang rơi vào tình trạng lung lay đức tin. Chúa không khẳng định cũng
không hề phủ định rằng, mình là Đấng Mê-sia. Ngài chỉ bảo các môn đệ của Giăng
hãy về “thuật lại”.
Thuật
lại có nghĩa là nhắc lại, là điểm lại, là nhớ lại, là kể lại. Kể lại điều gì? –
Trước hết là những gì họ đã nghe về những việc Chúa Giê-xu đã làm, tức là những
gì họ biết được cách gián tiếp. Sau đó, là những điều họ đã thấy, tức là những
gì Chúa đã làm mà họ tận mắt chứng kiến.
“Điều đã nghe”
tức là những gì mà Chúa Giê-xu đã từng làm trên đời sống của những người khác.
Còn “điều đã thấy” bao gồm cả những gì Chúa đã làm cho chính họ, tức là những
gì họ đã từng kinh nghiệm.
Điều
gì các môn đồ của Giăng đã nghe và thấy? – “Kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được
nghe, kẻ chết được sống lại, kẻ khó khăn được nghe giảng tin lành”.
Nói cách khác, điều mà các môn đồ của Giăng đã nghe và thấy là những công việc
quyền năng, những dấu kỳ, phép lạ mà Chúa Giê-xu đã làm trên đời sống của người
khác và ngay trên chính đời sống của họ.
Anh
chị em đang nao núng đức tin vì bệnh tật của mình đã lâu mà không được chữa
lành chăng? – Hãy đếm lại những lần Chúa chữa lành cho mình; hãy nhớ lại những
phép lạ chữa lành Chúa đã làm trong hội thánh của mình.
Anh
chị em đang lo lắng vì sự thiếu thốn tài chánh đang vây bủa, đang sợ hãi vì nợ
nần đang đến kỳ thanh toán mà chưa biết lấy đâu ra chăng? – Hãy nhớ lại những
lần Chúa đã tiếp trợ cách siêu nhiên cho anh chị em; hãy ôn lại những điều mà
Chúa đã làm cho những người có nhu cầu về tài chánh trong những ngày qua trong hội
thánh của mình.
Anh
chị em đang nghi ngờ rằng không biết Chúa có kêu gọi mình hầu việc Chúa hay
không khi nhìn thấy bầy chiên ngày một ít đi, khi thấy hội thánh ngày càng khô
hạn đi chăng? Anh chị em đang tranh chiến trong lòng rằng, không biết Chúa có
kêu gọi mình hầu việc Chúa trọn thì giờ không khi đối diện với nan đề tài chánh
lớn lao của gia đình? – Hãy nhớ lại những ngày tháng trước đây, chúng ta bắt
đầu phục vụ Chúa thế nào, Chúa nuôi chúng ta và gia đình chúng ta ra làm sao;
Hãy nhớ lại những ngày tháng phước hạnh khi hội thánh tăng trưởng, hãy nhớ lại
từng con người đã trưởng thành, đã được đổi đời từ nơi hội thánh của chúng ta
mà ra.
Đối
với một người đang nao núng đức tin, đối với một người đang sờn ngã trong chức
vụ, và thậm chí đang nghi ngờ Chúa thì lời nói – dù là hay đến đâu cũng khó
lòng thuyết phục được người. Đó là lý do mà Chúa bảo các môn đồ của Giăng hãy
về thuật lại cho ông những gì họ đã thấy và đã nghe, tức là “kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ
phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại, kẻ khó khăn được
nghe giảng tin lành”.
Tại
sao? – Tại vì nếu họ không thể tin nơi những gì Chúa nói thì họ cũng sẽ tin nơi
những gì Chúa làm (Giăng 10: 37-38)
“Hãy
về thuật lại cho người những gì các ngươi đã nghe và thấy”, không chỉ là giải
pháp cho mỗi một chúng ta khi rơi vào tình trạng nản lòng
hay rúng động đức tin, mà còn là giải pháp để chúng ta giúp đỡ những người khác
ra khỏi tình trạng nghi ngờ Chúa. Biết bao nhiêu người quanh ta đang vật lộn
với chính đức tin của mình trong ngục tù của sự thiếu thốn tài chánh; của tật
bệnh, ốm đau; của thất bại trong hôn nhân hay trong chức vụ. Họ đang đợi câu
trả lời của Chúa từ nơi mỗi một chúng ta. Hãy đến với họ ngay hôm nay.
III.
Phần Thưởng Dành Cho Người Đắc Thắng Sự Nản Lòng
Không
chỉ nêu ra giải pháp để giúp chúng ta đắc thắng sự nản lòng,
thối chí mà Chúa Giê-xu còn có lời hứa dành cho người đắc thắng: “Phước cho ai chẳng vấp phạm vì cớ
ta!”, Bản Diễn Ý
dịch là “Phúc cho người nào không nghi ngờ
Ta”, còn Bản
Phổ Thông thì dịch: “Phúc cho
người nào không nao núng trong đức tin vì ta”. Nói cách khác, người nào đứng
vững trong đức tin thì sẽ được phước!
Đây
là lời hứa được lập lại khắp mọi nơi trong Kinh Thánh, và Kinh Thánh không
thiếu những tấm gương kiên định trong đức tin được Đức Chúa Trời chứng nhận.
Hê-bơ-rơ đoạn 11 là danh sách của những vị anh hùng đức tin như thế.
Đứng
vững trong đức tin là người được phước hay nói cách khác, người không nghi ngờ
Chúa khi đang đối diện với thử thách, khi điều mình cầu xin không thấy Chúa trả
lời thì đó là người được phước.
Anh
chị em ơi, khi tôi và anh chị em đang đối diện với những nan đề, khi tôi và anh
chị em cầu xin mà không thấy Chúa trả lời thì đó không phải là tai họa đâu, mà
là phước hạnh đó. Đó là cơ hội để chúng ta nhìn thấy “lượng đức tin” thật của
mình; Đó là lúc mà động cơ theo Chúa, động cơ phục vụ Chúa kín dấu của chúng ta
mới thật sự lộ ra; Đó là lúc mà lòng chúng ta mới thật sự hạ xuống vì ta sẽ
thấy mình cũng tầm thường, cũng xác thịt, cũng non trẻ, cũng yếu đuối, … như và
thậm chí hơn bao người khác, kể cả những người mà từ trước đến giờ ta vẫn coi
thường, vẫn xem là kẻ ngồi chiếu dưới so với ta.
Hãy
vững lòng, bền chí! Hãy ôn lại những điều Chúa đã làm, hãy đếm những ơn phước
Chúa cho. Chúa Giê-xu của những phép lạ, dấu kỳ ngày hôm qua vẫn còn y nguyên
như vậy trong ngày hôm nay. Chúa không hề thay đổi. Đừng nghi ngờ Chúa, đừng
rúng động vì những ngoại cảnh bất lợi mà bạn đang đối diện. Đừng nghi ngờ sự
thành tín của Chúa, đừng nghi ngờ tính chân thật của Lời Chúa, chớ khinh dể các lời tiên tri, cũng đừng nghi ngờ sự kêu gọi của
Chúa dành cho mình.
Hãy
thuật lại những gì mà anh chị em đã nghe và thấy Chúa từng làm, để giục lòng
mạnh mẽ, để vững chí trượng phu mà chạy cho xong cuộc đua, với tư thế của người
chiến thắng. “Phước cho
người chịu đựng sự thử thách, vì khi đã chịu nổi sự thử nghiệm, họ sẽ nhận mão
triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho những người yêu mến Ngài” (Gia-cơ 1:
12)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét