Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

NGÀY VỀ QUÊ MẸ


Nhiều năm qua, Đức Chúa Trời trong sự tể trị của Ngài đã đưa hàng trăm ngàn người Việt Nam sang lao động tại Malaysia để tiếp nhận sự cứu rỗi thông qua việc tin nhận Đức Giê-xu làm Cứu Chúa cuộc đời mình. Biết bao cuộc đời được biến đổi, bao phép lạ đã xảy ra nơi đất khách quê người. Nhiều HT, nhiều Trung tâm sinh hoạt cộng đồng đã được thành lập khắp nơi trên đất nước Malaysia này nhằm mục đích gây dựng và phát triển đức tin cho những người theo Chúa.
Thế nhưng, khi trở về đất mẹ, đại đa số những người tin Chúa tại Malaysia đều lui  đi trong đức tin, kể cả những người vốn rất mạnh mẽ, yêu mến Chúa và thậm chí là những chấp sự của HT. Đâu là nguyên nhân của thảm trạng này và làm thế nào để ngăn chận nó, ngõ hầu giúp cho những cơ-đốc nhân trẻ tuổi này đứng vững trong đức tin nơi Chúa và trở thành người phục vụ Chúa đầy kết quả tại quê hương?
Là một người đã từng tin Chúa và tập tành hầu việc Chúa khi còn ở nước ngoài (Liên-xô cũ) trong 7 năm (1988-1995), rồi về nước phục vụ Chúa trong chức phận của một Mục Sư trực tiếp chăn bầy từ năm 1996 đến nay, người viết hy vọng rằng, những đúc kết của mình trong 13 năm chức vụ đầy thử thách tại quê nhà sẽ giúp đỡ được phần nào cho những người tin Chúa sắp trở về Việt Nam tiếp tục cuộc đua mà Chúa đã bày sẵn trước mặt.
Anh Chị Em thân mến
Hành trình theo Chúa là một hành trình đầy gian khó, là bước đi trên con đường hẹp chớ chẳng phải con đường rãi đầy hoa hồng hay là trên một xa lộ đâu. Những người đi trước đã cảnh báo rằng, “phải trải qua nhiều nỗi khó khăn mới vào được nước Đức Chúa Trời” (Công vụ 14: 22) và thậm chí Chúa Giê-xu còn báo trước: “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian” (Giăng 16: 31) kia mà. Như vậy, thử thách đức tin đối với người theo Chúa là không tránh khỏi và không miễn trừ ai hết.
Khi còn ở Malaysia, dù cũng phải đối diện với những nan đề trong cuộc sống như: lương bổng, cướp giật, lừa đảo, tai nạn, hay thậm chí là bạn bè cùng phòng, cùng xưởng nặng nhẹ vì cớ theo Chúa, … nhưng đức tin của anh chị em chưa thật sự phải chịu một áp lực nào từ bên ngoài cả. Sáng đến công ty, chiều về nhà, Chúa Nhật đến Nhà Thờ thờ phượng Chúa, gặp gỡ anh chị em đồng đức tin, cứ đều đặn như thế, không có gì phải lo lắng cả. Thế nhưng, một khi bạn trở về Việt Nam thì cảnh êm đềm kia sẽ nhanh chóng chấm dứt. Niềm tin nơi Chúa Giê-xu của các bạn sẽ là đối tượng bị “soi xét”, nhất là đối với những người mà gia đình vốn thờ ông bà, theo Đạo Phật hay là một tôn giáo nào khác. Bạn sẽ bị “chất vấn” – trước hết – bởi những người thân trong gia đình, họ tộc (bố mẹ, ông bà, anh chị em, …) rồi đến hàng xóm và không loại trừ khả năng là chính quyền cũng có thể “hỏi thăm”. Ta phải trả lời làm sao?
Khi nghe điều này, sẽ có nhiều người lo lắng song cũng có nhiều người rất tự tin tuyên bố như Phi-e-rơ rằng, “Dầu mọi người vấp phạm vì cớ thầy, nhưng tôi chẳng hề làm vậy … Dầu tôi phải chết cùng thầy, tôi cũng chẳng chối thầy đâu” (Mac 14: 29-31). Chắc chắn, Phi-e-rơ không phải là một người bốc đồng, nông nỗi. Ông là vị Sứ đồ trưởng kia mà, đâu phải một cơ đốc nhân non trẻ. Ấy vậy mà ông đã chối Chúa, thậm chí đến … ba lần! Sở dĩ, Phi-e-rơ không giữ được đức tin trong giờ thử thách là vì ông không nghe theo lời cảnh báo của Chúa Giê-xu mà chuẩn bị chính mình, và cũng có thể ông không nghĩ rằng, tình hình lại căng thẳng đến thế. Mong rằng, không một ai trong anh chị em lại đi vào “vết xe đổ” của người xưa.
Có hai loại thử thách đức tin đối với mỗi Cơ-đốc nhân: một là thử thách khổ và hai là thử thách sướng. Đây là điều mà Chúa Giê-xu đã nói trong Phúc Âm Mathiơ 13: 20-22 “Người nào chịu lấy hột giống nơi đất đá sỏi, tức là kẻ nghe đạo, liền vui mừng chịu lấy; song trong lòng không có rễ, chỉ tạm thời mà thôi, đến khi vì đạo mà gặp sự cực khổ, sự bắt bớ, thì liền vấp phạm. Kẻ nào chịu lấy hột giống nơi bụi gai, tức là kẻ nghe đạo; mà sự lo lắng về đời nầy, và sự mê đắm về của cải, làm cho nghẹt ngòi đạo và thành ra không kết quả”
Chúa Giê-xu phán: “Kìa, ta sai các ngươi đi khác nào như chiên vào giữa bầy muông sói. Vậy, hãy khôn khéo như rắn, đơn sơ như chim bồ câu” (Mathiơ 10: 16). Là chiên của Chúa, chúng ta vốn dĩ đơn sơ rồi, thế thì điều cần yếu còn lại khi bảo vệ niềm tin của mình trước mọi người là sự khôn khéo. Vì thiếu sự khôn ngoan trong cách ứng xử mà nhiều cơ-đốc nhân chẳng những không đem được gia đình mình, họ tộc mình đến với Chúa sau khi về nước, mà còn gây ra sự xung đột, căng thẳng và thậm chí chống đối quyết liệt, dẫn đến việc bị bắt bỏ Chúa, quay lại thờ hình tượng hay bị chính gia đình mình chối từ.
Điều đầu tiên bạn cần làm là giải thích cho gia đình: Tại sao bạn tin theo Chúa hay Đạo Chúa. Đây không phải là làm chứng về Chúa Giê-xu cho người thân theo kiểu Lời Chứng Cá Nhân đâu nghe. Với kinh nghiệm mục vụ của mình, tôi nhận thấy rằng, người thân của chúng ta bị Chúa bắt phục không phải bởi lời chứng của chúng ta, mà là bởi cách sống của chúng ta. Do đó, đừng cố gắng thuyết phục họ tin Chúa vào lúc này. Việc bạn giải thích cho gia đình: “tại sao mình tin Chúa” chỉ là nhằm mục đích tìm sự hậu thuẫn từ gia đình cho “những thử thách trăm bề” hầu đến mà thôi. Không có sự bảo vệ hay binh vực nào tốt hơn dành cho bạn trong những ngày đầu mới về lại quê hương là sự bảo vệ hay binh vực của chính gia đình bạn.
Bạn có thể trình bày đại loại thế này: “Bố mẹ biết rồi đấy, ở Mã-lai đầy dẫy những nguy hiểm rình rập: nào cướp giật, bắt cóc, đột tử, tai nạn, … khi mới sang lúc nào chúng con cũng ở trong sự sợ hãi, lo lắng. Trong hoàn cảnh như thế, bạn bè rủ con đi Nhà Thờ để cầu xin ơn trên phù hộ, gìn giữ cho tai qua nạn khỏi, được bình an trở về với bố mẹ, với gia đình. Con có khấn hứa với Chúa và Người đã nhận lời con, đem con bình an về với gia đình. Cho nên, xin bố mẹ thương mà cho con tiếp tục giữ lời nguyện hứa với các Đấng Bậc thiêng liêng, Người khuất mày, khuất mặt. Đừng bắt con phải bỏ lời nguyền với Thần Linh, e con của bố mẹ phải bị quở phạt mà mất mạng chăng”.
Cần nhớ rằng, người Việt ta rất tin vào thần linh thế giới; không ai dám giỡn mặt với thánh thần, nhất là những gì đã khấn nguyện hay thề nguyện trước các vị ấy. Huống chi, bạn không làm một việc này vì động cơ sai nên sự cảm thông từ nơi gia đình là rất dễ nhận được. Không bố mẹ nào muốn con mình bị thần thánh phạt đâu. Nếu tại đây, bố mẹ và gia đình thấu hiểu và chấp nhận (mà luôn luôn là như thế) thì bạn sẽ gặp thuận lợi rất nhiều trong những thách thức đức tin tiếp theo sau trong đời sống thường nhật mỗi ngày.
Loạt thử thách tiếp theo mà bạn phải đối diện liên quan đến người chết. Đó là đốt hương trên bàn thờ gia tiên, vái lạy người chết và ăn đồ cúng. Lời Chúa dạy: “Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác. Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, … cũng chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ tà, …” (Xuất Ê-díp-tô 20: 3-5) và “anh em phải kiêng ăn của cúng thần tượng, huyết, thú vật chết ngột, và chớ tà dâm; ấy là mọi điều mà anh em khá kiêng giữ lấy vậy” (Công Vụ. 15: 29).
Nếu đã giải trình niềm tin của mình cho gia đình, họ tộc như trên đã nói thì mỗi khi gặp phải những tình huống này (đốt hương, vái lạy, đồ cúng), bạn chỉ cần báo cho họ biết đây là những món kiêng kỵ mà mình đã thề nguyện với Chúa, không dám mạo phạm là êm xuôi. Đừng bao giờ bảo rằng, “đồ cúng là đồ đã dâng cho ma quỷ, hay vái lạy là thờ hình tượng, là thờ ma lạy quỷ, …”. Cũng đừng bao giờ dại dột mà “phán” rằng, “tôi giờ đã tin Chúa rồi nên không làm chuyện đó nữa, không ăn mấy món đó nữa”.
Đồng ý rằng, những điều đó hoàn toàn là sự thật nhưng nếu bạn nói ra như thế thì đó lại là thiếu khôn ngoan, chưa kể bạn còn bị quy cho cái tội là báng bổ niềm tin của gia đình, họ tộc nữa cũng nên. Cứ nhẹ nhàng đại loại thế này: “Dạ thưa … con có lời nguyền với Chúa (Bề Trên, Đấng Thiêng Liêng, Thần Linh) nên cho phép con không phải vái lạy/đốt hương/dùng món này ạ”. Thật ra, thì chính bố mẹ hay người thân của bạn sẽ đứng ra bảo vệ bạn, nếu họ có mặt ở đó.
Nếu bạn phải đến nhà thờ họ, thì tốt nhất là tranh thủ sự ủng hộ của bố hoặc mẹ trước khi lên đường. Thường thì, bố hoặc mẹ sẽ đi cùng để “chống đỡ” cho bạn. Nếu bạn phải đi viếng mộ người thân (tôi khuyến khích bạn nên đi), thì thay vì đem hương bạn nên mua hoa thế vào đó. Khi đến nơi, người thân của bạn có thể đốt hương, khấn vái nhưng bạn thì đặt hoa hoặc vào lọ hoặc trên thành mộ, rồi có thể đứng lên im lặng một lúc, như thể đang cầu nguyện vậy. (Nhớ là như thể, chớ không phải là thật sự cầu nguyện đâu nhé). Nếu bạn phải đến tham dự một đám giỗ của họ tộc hay gia đình, thì hãy vui vẽ mà đến, rồi thưa thật với chủ nhà đại loại thế này: “Hôm nay là ngày kỵ/giỗ của …, con tranh thủ đến chơi với mọi người nhưng như (bác, cậu, …) đã biết là con đang giữ Lời Nguyền nên con xin phép (bác, cậu, …) không dùng cỗ bữa nay”.
Lần nọ, tôi đến đám tang một người bà con phía ngoại mà tôi gọi bằng Dượng. Đến nơi, tôi cũng vào bên cạnh quan tài, đứng im lặng một lúc. Rồi tôi nói với Dì tôi rằng, “thành thật chia buồn cùng Dì, con xin dự phần với Dì ít nhiều đây (đưa phong bì phúng điếu) để lo hậu sự cho Dượng. Con xin phép được miễn vái lạy vì con đang có Đạo”. Bà cảm ơn và tiếp nhận thôi không bắt bẽ gì cả. Các bạn có thể thay thế cụm từ “đang có Đạo” ở cuối câu bằng “đang giữ Lời Thề Nguyện với Đấng Bề Trên” cũng được.
Bạn có thể dùng nguyên tắc “đang giữ lời Thề Nguyền” này mà từ chối việc uống bia rượu hay những việc làm trái nghịch với niềm tin Cơ-đốc. Chẳng hạn, “xin lỗi mấy bạn, mình đang có một lời thề nguyện với Đấng Thiêng Liêng nên dùng món này không được. Ăn vô, ổng vật chết ngay. Mình ngồi chơi, uống nước được rồi. Thông cảm nghe”.
Ngoài những thử thách đức tin liên quan đến niềm tin cũ của gia đình như đã đề cập ở trên, thì còn có loại thử thách đức tin khác đối với những người tin Chúa từ nước ngoài trở về. Nếu những loại thử thách ở trên là KHỔ, là CHỐNG ĐỐI, thì ngược lại những loại thử thách sắp đề cập lại là SƯỚNG, là CHÀO MỜI. Nhiều người không bị mất đức tin bởi những loại thử thách khổ mà là những thử thách sướng, đặc biệt là những anh chị em vốn xuất thân từ Công Giáo.
Sau bao năm lao nhọc xứ người, giờ là lúc bạn bè gặp mặt. Dù gì cũng là ở nước ngoài về, chẳng lẽ không có nỗi một bữa tiệc mừng hội ngộ sao. Vì sĩ diện, vì nễ bạn, vì vui, … mà rất nhiều người đã “chối” Chúa ngay từ những giây phút “tiếp đất”. Mặc khác, khi còn ở Mã-lai thì lúc nào cũng nơm nớp âu lo, chẳng dám đi đâu mấy, dù cho có điều kiện tài chánh đi nữa. Còn giờ thì về “ao nhà” rồi, tự do, không sợ hãi gì, thì tại sao lại không thưởng thức bao điều vui thú cho bõ những năm tháng tha hương, trong khi tiền bạc còn rủng rẻng trong túi. Thôi thì, “kính thưa các thể loại ăn chơi” và thế là … trượt dài trở lại trong con đường tội lỗi.
Loại thử thách khổ là điều bạn không muốn, nên luôn cầu nguyện cùng Chúa và tìm cách để ra khỏi đó, thì loại thử thách sướng này lại khiến cho người bị thử thách không muốn ra. Chính vì người bị thử thách không muốn ra, nên không ai có thể làm chi được để cứu người ấy cả, trừ khi Chúa lấy lòng nhân từ tỉnh thức người khỏi cơn mê đắm mà thôi.
Anh Chị Em thân mến,
Dù muốn hay không thì chúng ta cũng phải trở về nhà. Gia đình thân yêu đang chờ đón chúng ta, và những thử thách khác nhau cũng đang chờ đón mỗi một chúng ta, không miễn trừ ai cả. Liệu bạn có vững vàng qua cơn những cơn thử thách với tư cách của người chiến thắng trong Chúa Giê-xu Christ hay bạn cũng sẽ giống như bao nhiêu người trở về và liền chối bỏ đức tin (?)
Khá nhớ rằng, Chúa không chọn anh chị em để thất bại hay bỏ cuộc mà là để thành công và tiếp tục cuộc đua. Vậy, hãy cậy ơn của Chúa mà tỉnh thức và cầu nguyện, để anh chị em khỏi sa vào vòng cám dỗ; vì tâm linh thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối (Mac 14: 38).
Lời Chúa hứa rằng, “Phước cho người chịu đựng thử thách, vì sau cơn thử luyện sẽ được lãnh mão sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho Người yêu kính Ngài” (Gia-cơ 1: 12). Nguyện xin Chúa ban cho anh chị em sự đắc thắng luôn luôn.
Trong Christ Giê-xu
Ms. Barnabas

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét