Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

TIN VUI CHO MỌI NGƯỜI

Khắp mọi nơi người ta đang chào đón Giáng sinh, dù người có Đạo hay là chưa có Đạo. Phần lớn chúng ta đều biết rằng, lễ Giáng sinh hay Noel (nói theo tiếng Pháp) là Sinh nhật của Chúa Giê-xu. Thế nhưng, tại sao việc ra đời của Đức Giê-xu ngày càng được người ta khắp mọi nơi chú ý đến như thế? Chúng ta có thể hiểu được điều này khi tra cứu trong Thánh Kinh, nơi ký thuật lại thông điệp Giáng sinh mà sứ thần Thiên Chúa cao rao trong giờ phút Con Thiên Chúa trở thành người. Thông điệp này được tìm thấy trong sách Phúc Âm Luca đoạn 2 từ câu 10 đến câu 12 nhưng chúng ta sẽ đọc từ câu 1 đến câu 20 của đoạn Kinh Văn này để hiểu rõ văn mạch.
Vào thời ấy, Hoàng Đế Âu-gút-tơ ra chiếu chỉ kiểm tra dân số khắp đế quốc La Mã. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên được thực hiện, khi Qui-ri-ni-u làm thống đốc Sy-ri. Mọi người đều phải về quê quán đăng ký.
Vì Giô-sép thuộc giòng họ nhà Đa-vít nên cũng từ thành Na-xa-rét, thuộc vùng Ga-li-lê xuống Giu-đê, đến Bết-lê-hem, thành của Đa-vít, để đăng ký cho mình và cho Ma-ri, người đã đính hôn với mình, đang có thai. Trong khi ở đó thì Ma-ri chuyển bụng sinh nở. Nàng sinh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc hài nhi đặt nằm trong máng cỏ, vì quán trọ không còn chỗ.
Trong vùng đó, có mấy người chăn chiên ở ngoài đồng, thức đêm canh bầy chiên. Một thiên sứ của Chúa hiện đến, hào quang Chúa tỏa sáng chung quanh nên họ rất khiếp sợ. Thiên sứ bảo: “Đừng sợ! Vì này tôi báo cho các anh một Tin Mừng, một niềm vui lớn cũng là Tin Mừng cho mọi người. Hôm nay, tại thành Đa-vít, một Đấng Cứu Rỗi vừa giáng sinh cho các anh. Ngài là Chúa Cứu Thế, là Chúa. Đây là dấu hiệu cho các anh nhận ra Ngài: Các anh sẽ gặp một hài nhi bọc trong khăn đặt nằm trong máng cỏ.”
Bỗng nhiên, một đạo thiên binh xuất hiện cùng với thiên sứ ấy, ca ngợi Đức Chúa Trời:  “Vinh danh Thượng Đế trên trời. Bình an dưới đất cho người Ngài thương.”
Sau khi các thiên sứ lìa họ về trời, mấy người chăn chiên rủ nhau: “Chúng ta hãy vào thành Bết-lê-hem, xem việc vừa xảy ra mà Chúa đã cho ta hay!”
Họ vội vàng ra đi, tìm gặp được Ma-ri với Giô-sép, và thấy hài nhi đang nằm trong máng cỏ. Thấy vậy, họ thuật lại lời thiên sứ nói về hài nhi. Ai nghe cũng đều ngạc nhiên về những lời tường thuật của mấy người chăn chiên. Còn Ma-ri thì ghi khắc những lời ấy và để tâm suy nghiệm. Mấy người chăn chiên trở về, tôn vinh và ca ngợi Đức Chúa Trời vì tất cả những điều họ nghe và thấy, đúng như lời thiên sứ đã báo trước cho mình.
Tại sao Đức Giê-xu ra đời lại là “tin vui cho mọi người”? Ấy là vì mọi người đều cần có Ngài, mọi người đều cần một Đấng Cứu Thế. Cho dù bạn có nhận thấy hay không nhận thấy thì bạn cũng luôn cần một Đấng Cứu độ. Điều này cũng giống như việc dù một người có nhận biết hay không nhận biết sự tồn tại của không khí thì người ấy vẫn cần không khí để thở.
Cho nên, dù các bạn có tin hay không thì Đấng Cứu Thế Giê-xu này vẫn đang ảnh hưởng, liên quan đến cuộc đời của các bạn. Năm sinh của các bạn cho thấy rằng, Chúa đang ở đó. Mỗi ngày các bạn bóc một tờ lịch, Ngài đang hiện diện tại đó. Ngài hiện diện qua năm sinh của bạn, Ngài hiện diện qua từng mốc thời gian trong lịch sử của từng cá nhân, từng quốc gia, từng dân tộc vì thời điểm Chúa giáng trần được chọn làm mốc của niên lịch mà chúng ta hiện đang dùng.
Có thể bạn sẽ hỏi “nhưng tại làm sao tôi lại cần đến một Đấng Cứu Rỗi?” - Ấy là vì “nhân vô thập toàn”, vì “mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Đức Chúa Trời” (Roma 3: 23). Có thể bạn chưa hề vi phạm Luật Đời nhưng bạn có dám đoan chắc rằng, mình không bao giờ vi phạm Luật Trời?
Ước mơ “trường sinh bất tử” có tự ngàn xưa và cho dù hôm nay, nhân loại đã đạt được những thành tựu kỳ vĩ trong lĩnh vực y khoa, sinh học nhưng con người vẫn không thể nào tiêu diệt được sự chết. Sự chết hiện diện là minh chứng sống động rằng, thật “mọi người đều đã phạm tội” vì “tiền công của tội lỗi là sự chết” (Roma 6: 23).
Phải chăng sự chết là “công lệ thiên nhiên”, là “quy luật của Tạo hoá” như bao người vẫn nghĩ? Không. Sự chết là hậu quả của Tội! Mọi người đều phải chết. Ai cũng phải chết. Sự chết không miễn trừ ai cả. Bạn có cho rằng mình là người bất tử không? Nếu không thì có một điều chắc chắn rằng, bạn đã phạm tội, dù bạn có biết hay không; dù người ta có phát hiện ra hay không. Mà nếu bạn là một tội nhân thì chắc chắn rằng, bạn cần một Đấng Cứu Thế.
“Nhưng Đạo nào cũng thế, gia đình tôi đang thờ Phật, bản thân tôi cũng thường xuyên lễ Phật, chẳng lẽ Đức Phật không thể là Đấng Cứu độ của tôi sao?”
Có hai điều mà tôi muốn các bạn cần lưu ý. Ấy là sự kiện Đức Phật ra đời – dù Ngài ra đời trong cung vàng, điện ngọc – nhưng không một tài liệu nào nói rằng, đó là sự vui mừng lớn cho muôn dân. Có thể ngày thái tử Tất Đạt Đa chào đời cũng là một ngày vui, nhưng là ngày vui cho Hoàng tộc Shakya, một tiểu quốc thuộc Ấn Độ. Trong khi đó, ngày Giê-xu chào đời – dù là chào đời trong chuồng chiên, máng cỏ - lại được thiên thần xác nhận là “sự vui mừng lớn cho muôn dân”. “Muôn dân” bao gồm cả bạn và tôi trong đó!
Giả sử tôi và các bạn bây giờ nhìn thấy một bức tranh vẽ Đức Phật bị đóng đinh trên thập tự giá, chúng ta sẽ nói gì. Tôi đoan chắc rằng ai trong chúng ta cũng thốt lên rằng: “Thiệt là bậy bạ quá cỡ, báng bổ, xuyên tạc hết sức!” Đúng, làm gì có chuyện Đức Phật bị treo trên thập giá. Đó là chỗ của Đức Chúa. Vì Đức Phật không chào đời để chết thay cho chúng sinh, Ngài chưa từng gánh hình phạt thay cho ai trên thập tự giá. Đó là việc của Đức Giê-xu, người Na-xa-ret.
Có một câu nói của Đức Phật mà nhiều người biết. Đó là lời mà Ngài nói cùng vị tì-kheo thân tín trước khi chết rằng, “Ta không phải là chân lý, Đấng đến sau ta mới là Chân Lý … và các ngươi phải đốt đuốc đi tìm chân lý!” Thế nhưng khi Giê-xu, người Na-xa-rét xuất hiện thì Ngài công bố rằng, “Ta là … Chân Lý, … chẳng bởi Ta thì không ai đến được cùng Cha” (Giăng 14: 6). Có nhiều điều hợp lý, hữu lý, … hay nói nôm na là có nhiều điều có lý trong thế gian này. Nhưng không phải mọi điều nào có lý cũng là Chân Lý. Và chúng ta đừng quên rằng Chân lý thì chỉ có một mà thôi.
Từ ngày 15/12/2007, tại Việt Nam, theo quyết định 32 của Thủ Tướng Chính Phủ thì mọi người đi xe máy đều phải đội mũ bảo hiểm. Thế là ai cũng phải sắm cho mình một mũ bảo hiểm. Nhưng trước một rừng mũ bảo hiểm đủ chủng loại, mẫu mã, khách hàng không biết đâu là mũ thật, còn đâu là mũ giả, mũ dỏm. Chiếc mũ nào có thể bảo vệ chúng ta khỏi chấn thương sọ não, chiếc mũ nào có thể bảo vệ sự sống cho chúng ta? Phần lớn mọi người đều phó mặc cho hên xui. Chỉ có một cách biết được nón thật hay giả là khi ta thật sự bị tai nạn giao thông. Chỉ có điều là khi đó, liệu ta còn có cơ hội để thay nón, để đội nón nữa không?
Tương tự như thế, đời sống tâm linh của chúng ta cũng cần có sự bảo vệ, chúng ta cần một Đấng Cứu Độ. Vấn đề còn lại là Đấng mà bạn đang thờ có thật là Chân Thần, Đấng đó có khả năng phù hộ độ trì, rồi cứu bạn ra khỏi mọi tai ương trần thế. Và quan trọng nhất là Đấng ấy có cứu linh hồn bạn ra khỏi hình phạt của tội lỗi, tức là khỏi Hồ Lửa và ban cho bạn sự sống đời đời trong đời này, cũng như trong đời hầu đến không?
Ngày nay, Chúa Giê-xu không còn là một em bé mới sinh được quấn tã nằm trong máng cỏ nữa mà Ngài đã là một Vị Vua, Đấng Chủ Tể của cả cõi trời và đất này. Đấng đó sắp trở lại thế gian để phán xét kẻ chết cùng kẻ sống.
Bạn có thể tìm gặp Chúa nơi những người nam, người nữ thật lòng tin thờ Ngài. Bạn có thể biết được Đức Giê-xu có thật là Đấng Cứu Nhân Độ Thế hay không bằng cách nhìn vào đời sống của những người tin Chúa thật lòng. Có thể họ chưa giàu có, dư dật về của cải, đất ruộng, tiền bạc, … nhưng tâm tánh họ thay đổi, con cái họ ngoan hiền, gia đình họ hoà thuận, bình an, … Hãy nhìn vào đó và suy gẫm. Liệu đó có phải là điều mà bạn thật sự cần, thật sự cầu mong?
Chúa Giê-xu đã sẵn dành cho bạn tất cả những điều đó và còn hơn thế nữa … Ngài sẵn dành cho bạn sự sống đời đời. Khi sứ thần Thiên Chúa loan báo: “hôm nay đây tại thành Đa-vit đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu Thế”, thì điều đó có nghĩa rằng, Chúa Giê-xu giáng trần là vì chúng ta. Vì bạn và tôi mà Chúa Giê-xu đã lìa bỏ Ngôi Trời để mang lấy thân xác phàm nhân, để gánh thay cho chúng ta hình phạt của tội lỗi, tức là sự chết.
2014 năm đã qua, kể từ khi Con Thiên Chúa giáng thế làm người; Đã hơn 2000 năm rồi, vì bạn và tôi mà Chúa đã hạ sinh. Nếu Đức Giê-xu chưa thật sự là Cứu Chúa của bạn, thì có nghĩa rằng đã hơn 2014 năm rồi Chúa vẫn đợi chờ bạn. Dù Chúa Giê-xu có ngàn lần hạ sinh trong máng cỏ nhưng chưa từng một lần Giáng sinh trong tấm lòng của chúng ta thì Niềm Vui Thật, Sự Vui Mừng Lớn và sự “Bình An dưới thế” mà thiên thần hoan ca vẫn là của người chớ chưa phải là của ta.
Khi Chúa Giê-xu ra đời, cả thành Bê-lem không ai hay, chỉ có một số người chăn cừu được biết. Ngày nay cũng vậy, dù đã qua 2014 năm rồi nhưng không phải mọi người đều nhận được thông điệp Giáng sinh. Những người chăn chiên xưa được Chúa thương, được hưởng “ân trạch” (tức là không xứng đáng để nhận) của Chúa. Đó là thiên cơ, là căn duyên. Cũng một thể ấy, Bạn là người có “căn”, có “duyên” với Chúa. Ngài chọn bạn để hưởng ân cứu rỗi hôm nay.

Bạn là ai trong Mùa Giáng sinh này? Là quán trọ không còn chỗ cho Chúa hay là những người chăn chiên sẵn lòng ra mắt Chúa khi được biết tin. Dù bạn là ai thì Chúa Giê-xu cũng đã giáng trần vì bạn. Và dù bạn nghĩ về Ngài thế nào thì việc Chúa ra đời thật sự đã là tin mừng lớn cho muôn dân. Hãy quyết định đúng để niềm vui lớn của muôn dân này trở thành niềm vui của chính bạn ngay hôm nay.

Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

SỰ CHỌN LỰA CỦA CHÚA

Giáng sinh đã về. Ngày lễ trọng đối với những người tin thờ Chúa đã điểm. Từ bao ngày qua, Hội Thánh Chúa khắp nơi đang tất bật chuẩn bị cho sứ mệnh “đem Tin Vui Lớn” này đến cùng thế giới, trong nhiều hình thức và tầm mức khác nhau. Nói như nhà truyền giáo Reihard Bonnke thì Tin Mừng mà không được rao truyền thì Tin Mừng và tin buồn có khác chi nhau. Mà để truyền rao Tin Mừng, để giới thiệu Chúa Cứu Thế Giê-xu cho muôn dân thì cần phải có những con người sẵn sàng rao báo. Đó là những con người được Chúa chọn lựa.
Chúng ta hãy dành thời gian, trở lại với Lời của Chúa để học biết về sự chọn lựa của Đức Chúa Trời từ nơi những con người được trực tiếp tham gia trong mùa Giáng Sinh đầu tiên. Liệu còn …‘có cửa’ cho bạn và tôi để được Chúa tin dùng trong Mùa Giáng Sinh này hay chăng?
Xin hãy cùng mở ra Phúc Âm Luca 1: 24-56
I.     Đức Chúa Trời Là Đấng Chọn Lựa Con Người Để Tham Gia Vào Trong “Công Trình” Của Chúa.
Trước hết, Chúa chọn một người không phụ thuộc vào việc người đó là ai: Xachari là một thầy tế lễ, tức là người hầu việc Chúa chuyên nghiệp, nói theo ngôn ngữ ngày hôm nay là người phục vụ Chúa trọn thời gian. Mary là một thôn nữ vào tuổi thành niên, còn Giô-sép là một thanh niên có nghề mộc (Mathiơ 13: 5)
Điều này cho thấy, người được chọn đủ mọi thành phần, giới tính, tuổi tác, … Hay nói cách khác, ai cũng có thể được Chúa chọn lựa, ai cũng có thể có chỗ trong chương trình, kế hoạch của Đức Chúa Trời.
Không cứ phải là một mục sư, một người hầu việc Chúa trọn thời gian, hay một người có nhiều kinh nghiệm bước đi với Chúa, Đức Chúa Trời có thể chọn lựa bất kỳ ai để thực thi kế hoạch của Ngài. Dù bạn chỉ là một tín hữu, một người trẻ tuổi hay thậm chí chỉ là một em bé, Đức Chúa Trời vẫn có thể chọn bạn để hoàn thành kế hoạch của Ngài trong Mùa Giáng sinh 2014 này, giống như Ngài đã từng chọn Xachari, Giô-sép hay Mary trong Mùa Giáng sinh đầu tiên.
Điểm chung duy nhất nơi những con người được Chúa chọn để kiến tạo nên Mùa Giáng sinh đầu tiên là lòng tin của họ. Nói cách khác, họ được chọn không phải vì họ đáng tin mà là vì họ … dễ tin; họ là người dễ bảo! Họ dễ tin – không phải dễ tin vào con người, mà là đơn sơ tin vào những gì Chúa nói.
Điều cần lưu ý nơi Luca 1: 18 “Xa-cha-ri thưa với thiên sứ: ‘Làm sao tôi biết việc nầy sẽ xảy ra? Vì tôi đã già, vợ tôi đã cao tuổi rồi”1: 34 “Ma-ri thưa với thiên sứ: ‘Tôi chưa ăn ở với người nam nào thì làm sao có được điều đó?’”
Tại sao cùng một câu thắc mắc mà Xachari thì bị phạt còn Mari thì không. Phải chăng vì Xachari là “thầy”: “Thưa anh em của tôi, trong anh em không nên có nhiều người tự lập làm thầy, vì anh em biết rằng hễ là thầy, chúng ta sẽ phải chịu phán xét nghiêm khắc hơn” (Gia-cơ 3: 1)
Một điểm khác cần lưu ý là những người được chọn cho Mùa Giáng sinh đầu tiên, không hề cầu xin được Chúa đại dụng. Có thể họ muốn được, muốn có vinh dự đó nhưng rõ ràng là họ không dám mơ được như thế. Xachari có cầu xin nhưng chắc hẳn ông chưa từng cầu xin cho đứa con tương lai của mình là người mở đường, là vị “tiền hô” của Đấng Cứu Thế.
Có thể, các bạn cũng là người như thế. Bạn biết rằng, “được Chúa đại dụng”, “được Chúa tin dùng”, “được đầy ơn Chúa” … là quá đỗi tuyệt vời nhưng chưa bao giờ mình “dám mơ, dám mộng”, chưa từng bao giờ nghĩ đến. Cũng có thể bạn có cầu nguyện bền đỗ cho một người nào đó, một việc hay một điều gì đó, … nhưng chưa từng bao giờ nghĩ rằng con người, công việc hay điều mà mình cầu xin đó sẽ trở thành một sự tỉnh thức cho cả một dân tộc, một quốc gia (?)
Nếu thật như thế thì bạn cần phải biết rằng, Chúa là Đấng làm trỗi hơn vô cùng điều chúng ta cầu xin và suy tưởng (Epheso 3: 20); rằng ý tưởng của Ngài không phải là ý tưởng của chúng ta, cách hành xử của Ngài vượt trỗi hơn vô cùng cách hành xử của chúng ta, thật chẳng khác chi đất thấp hơn trời (Esai 55: 8-9)!
Như vậy, rõ ràng Chúa chọn một người không phụ thuộc  vào việc người đó là ai. Thế thì sự chọn lựa của Chúa căn cứ trên cơ sở nào? – Sự chọn lựa của Chúa tuỳ thuộc vào lòng nhân từ của Ngài
“Đừng Sợ”, “hỡi người được ơn” là những cụm từ mà sứ giả của Đức Chúa Trời thông báo cho những người được Chúa chọn. Điều đó bày tỏ ý nghĩa: “Hỡi người được Đức Chúa Trời thương xót”.
Chúa chọn chúng ta không phải vì chúng ta là người thế nào, là người tốt, học giỏi, có tài hay con nhà giàu có mà là vì chúng ta đáng được thương xót, vì chúng ta cần được thương xót.
Không những thế, khi Rê-bê-ca mang thai đôi bởi một người là Y-sác, tổ phụ chúng ta; dù hai con chưa được sinh ra, chưa làm điều lành hay điều dữ nào — để duy trì mục đích của Đức Chúa Trời trong việc lựa chọn, không tùy thuộc vào việc làm nhưng tùy thuộc Đấng kêu gọi — thì người mẹ đã được bảo trước rằng: “Đứa lớn sẽ phục dịch đứa nhỏ.” Như đã có chép: “Ta yêu Gia-cốp nhưng ghét Ê-sau.” Vậy chúng ta sẽ nói thế nào? Có phải Đức Chúa Trời bất công không? Không hề như vậy! Vì Ngài phán với Môi-se: ‘Ta sẽ nhân từ với người nào Ta muốn nhân từ, Ta sẽ thương xót người nào Ta muốn thương xót’. Vậy điều đó không tùy thuộc vào ước muốn hay sự bôn ba của con người, mà bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời. (Rom. 9: 10-16)
Đức Giê-hô-va tỏ lòng yêu mến và chọn lựa anh em không phải vì anh em đông hơn mọi dân khác, thật ra anh em là dân tộc ít nhất trong các dân tộc (Phục Truyền 7: 7)
Vì Chúa là Đức Chúa Trời luôn  thương xót (Thánh Thi 86: 15), nên bạn và tôi có tràn trề cơ hội để được chọn. Vì Chúa là Đức Chúa Trời hay thương xót, nên dù bạn là ai, tin Chúa bao lâu, đảm đương trọng trách gì trong Hội thánh thì vẫn tràn trề hy vọng được Chúa tin dùng trong Mùa Giáng sinh này.
II.    Chúa Chọn Mỗi Người Cho Những Công Việc, Nhiệm Vụ Khác Nhau.
Chúng ta không được kêu gọi làm cùng một công việc. Xachari & Elisabet được chọn để làm cha mẹ của Giăng Báp-tít, người dọn đường cho Chúa Cứu Thế. Mary được chọn để mang thai Chúa Giê-xu, còn  Giô-sép thì được chọn để nuôi dưỡng Chúa Giê-xu. Như vậy, Mary và Giô-sép được chọn để  chuẩn bị nhân vật chính cho Đức Chúa Trời.
Không hề có công việc nào quan trọng hơn, cao trọng hơn công việc nào. Không có chuyện việc của người này quý hơn việc của người kia. Mọi công việc Chúa giao phó đều có giá trị, đều được tôn trọng như nhau ở trước mặt Chúa.
Có thể, bạn đang đợi một nhiệm vụ trọng đại, một “giờ khắc lịch sử” của đời mình. Hãy nhớ rằng, công việc vĩ đại là công việc mà Chúa thật sự giao cho bạn. Hãy làm (chớ không phải đợi) cho trọn, cho tốt,  cho xuất sắc công việc đó. Vấn đề nằm ở chỗ: bạn đã biết điều gì Chúa muốn bạn làm, việc gì Chúa muốn bạn tham gia trong Mùa Giáng sinh này chưa?
Vì Đức Chúa Trời là Đấng biết hết mọi sự (khả năng, hoàn cảnh, …) nên việc gì Chúa giao cho ai là phù hợp cho người đó, ở thời điểm, hoàn cảnh đó. Elisabet không ước muốn được thực hiện nhiệm vụ của Mary (mang thai Chúa Giê-xu) vì Elisabet không thể là Mari và ngược lại.
Chúng ta không thể là người khác và ngược lại người khác không thể là chúng ta, nên đừng đòi hỏi người khác phải được như mình, phải làm được những công việc như mình trong Mùa Giáng sinh này và cũng đừng tự định tội mình, nếu trong Mùa Giáng sinh này mình không làm cùng một công việc giống như người khác. Đừng cố gắng làm những công việc mà Chúa không gọi bạn làm nhưng hãy làm cho trọn những gì mà Chúa muốn bạn làm trong Mùa Giáng sinh năm nay.
Như vậy, mỗi người đều được Chúa chọn để làm những công việc, những nhiệm vụ khác nhau. Và công việc nào từ Chúa cũng mang lại sự vui mừng
Công việc Chúa giao cho mỗi người trong Mùa Giáng sinh khác nhau, mức độ phức tạp, hy sinh, … khác nhau. Nhưng có một điểm chung là nếu người được giao việc ý thức được rằng, công việc đó đến từ Chúa thì người luôn có sự vui mừng, luôn có sức để “chịu trận”, để vượt qua những thách thức khác nhau trong quá trình thực thi sứ mạng, mà người không được kêu gọi không có cách gì chịu nỗi.
Nếu không được kêu gọi, tức là người ngoài cuộc, thì bạn không cách gì hiểu được tại sao người này, người kia (những người được Chúa kêu gọi) lại có thể “siêng” đến thế, “chăm” đến thế; tại làm sao họ lại có thể làm được những việc vất vã, nặng nề, khó nhọc, … và thậm chí “nhục” đến thế. Vì cớ không hiểu được tại sao, nên nhiều người đã vội đoán xét, nghĩ xấu, xuyên tạc công khó hay lòng hy sinh không vụ lợi của người khác.
Đó chính là lý do mà Elisabet, rồi Mary – những người được Chúa chọn lựa – đã bất chấp những thách thức đang chờ đón đã “xuất khẩu thành thơ”, tôn tụng Thiên Chúa, và những thi phẩm đó đã được truyền lưu cho hậu thế. Đó cũng chính là lý do, mà Giô-sép không chỉ vâng mạng Thiên Chúa cưới Mary, người vợ hứa đã có thai không phải với mình, mà còn không sinh hoạt vợ chồng ít nhất là tròn cả năm sau ngày cưới!
Vậy, công việc của bạn đang làm hoặc sắp làm cho Mùa Giáng sinh có còn đem lại cho bạn niềm vui, có còn đem lại cho bạn năng lực để vượt qua thử thách? Điều bạn cần hỏi chính mình là bạn có còn cho rằng công việc mà mình đang làm là do Chúa giao phó không. Nếu thật sự đó là công việc mà Chúa giao cho bạn thì chắc chắn bạn sẽ hoàn thành. Và nếu nó được Chúa giao cho bạn thì cần phải luôn luôn ghi nhớ rằng, không phải con người hay hoàn cảnh mà là chính công việc hay nhiệm vụ đó mới đem lại cho bạn niềm vui.
Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh hay định tội người khác, hãy tập chú vào công việc, nhiệm vụ được giao thì môi miệng bạn sẽ không thiếu những lời ca “xuất thần” dâng lên Thiên Chúa như Elisabet hay Mary đã làm trong Mùa Giáng sinh thuở đầu tiên.
III.  Người Được Chọn Có Quyền Đồng Ý Hoặc Không Đồng Ý Đối Với Sự Chọn Lựa Của Đức Chúa Trời Dành Cho Mình.
Tuy là Đấng cầm quyền tể trị trên khắp muôn loài vạn vật nhưng Chúa luôn tôn trọng quyền tự do của mỗi chúng ta. Qua sứ thần Gáp-ri-ên, Chúa tỏ cho Mary biết rằng, Ngài chọn cô để mang thai Chúa Cứu Thế. Nhưng điều đó không có nghĩa là Mary đã bị tước mất quyền lựa chọn. Mary có quyền nói ‘không’. Mary có quyền từ chối sự chọn lựa của Chúa.
Điều này cũng tương tự như khi thiên sứ truyền đạt ý muốn của Đức Chúa Trời cho Giô-sép trong giấc mơ vậy. “Hỡi Giô-sép con dòng Đa-vít, ngươi chớ ngại cưới Ma-ri làm vợ, vì thai mà nàng đang mang đó là bởi Đức Thánh Linh. Nàng sẽ sinh một con trai; ngươi hãy đặt tên là Jêsus, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Mathiơ 1: 20-21).
Chúa không bắt ép Giô-sép phải cưới Mary. Anh ấy có quyền chọn lựa: làm theo ý Chúa hay không làm theo.
Chúa mà chúng ta đang thờ phượng là như thế. Ngài luôn tôn trọng quyền tự do chọn lựa của mỗi chúng ta. Chính vì vậy mà ngày hôm nay còn có biết bao nhiêu người, dù biết Chúa là tốt lành nhưng vẫn tiếp tục xây lưng lại với Chúa, từ chối Chúa.
Tại sao Chúa lại để cho họ làm như thế? – Câu trả lời là vì Chúa tôn trọng quyền tự do chọn lựa của mỗi một người. Khá nhớ rằng, chính quyền tự do chọn lựa – một đặc quyền mà Chúa ban cho con người – khiến một người mới thực sự là … người. Chính quyền tự do chọn lựa khiến loài người trở nên khác với loài vật.
Thế thì, vì chúng ta là người nên “đừng dại dột cứng cổ như ngựa, như la, phải dùng hàm thiếc, dây cương mới chịu vâng phục” (Thánh thi 32: 9).
Thế thì, bạn có toàn quyền trong việc đồng ý hay từ chối sự chọn lựa của Đức Chúa Trời. Chúa không bắt ép bạn phải dâng hiến, Ngài không buộc bạn phải hy sinh, phải thế này, phải thế kia, mà nếu không như thế thì sẽ bị phạt thế này, thế nọ. Đức Chúa Trời của Cơ-đốc giáo không bao giờ là như thế. Ngài sẵn sàng tỏ cho bạn biết kế hoạch của Ngài dành cho bạn, cho lối sống của bạn, cho hôn nhân của bạn, cho tài chánh của bạn, … nhưng bạn có quyền chấp nhận, tin theo hay từ chối.
Ngày nay, ta bắt trời và đất làm chứng cho các ngươi rằng ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, sự phước lành và sự rủa sả. Vậy, hãy chọn sự sống, hầu cho ngươi và dòng dõi ngươi được sống. (Phục truyền 30: 19).
Mary có quyền chọn lựa, và cô đã chọn thuận theo ý Chúa. “Tôi đây là tớ gái của Chúa. Xin điều ấy xảy đến cho tôi như lời ngài truyền!” (Luca 2: 38). Mary đã có một chọn lựa đúng.
Điều gì xảy ra sau đó? – Qua môi miệng Elisabeth, Chúa xác nhận rằng, Mary là người có phước. “Cô thật có phước trong giới phụ nữ, thai nhi trong bụng cô cũng được phước. Phước cho cô đã tin, vì lời Chúa phán với cô sẽ được ứng nghiệm!” (Luca 2: 42-45)
Một bản dịch khác, dịch câu 45 thế này: “Phước thay cho người tin rằng Chúa sẽ thực hiện những điều Ngài đã phán với mình”.
Mary được xác nhận là người có phước. Khi được Chúa chọn để mang thai Giê-xu thì Mary được kể là “người được ơn”, tức là người được Chúa thương (dù không xứng đáng), nhưng sau khi Mary thưa vâng với Chúa, chấp thuận kế hoạch của Ngài thì cô liền được kể là người có phước!
Mary không được kể là người có phước khi được Chúa chọn để mang thai Đấng Cứu Thế, mà chỉ được xác nhận là có phước kể từ lúc cô đồng ý làm việc đó mà thôi.
Thế thì anh chị em yêu dấu của tôi ơi, anh chị em chỉ thật sự là một người có phước khi và chỉ khi anh chị em gật đầu đồng ý, cho phép Chúa làm công việc của Ngài qua đời sống của anh chị em mà thôi.

Phước thay cho những người đồng ý với sự chọn lựa của Đức Chúa Trời. Không phải chỉ một mình người bà con của Mary là Elisabeth xác nhận cô ấy có phước, mà là “muôn đời sẽ khen cô là người có phước” (Luca 2: 48). Mary, một người con gái thôn quê, bình dị đã thật sự nếm trãi được phước hạnh dư dật từ thiên đàng đến trên đời sống mình, kể từ khi cô thưa ‘vâng’ với Chúa. Còn bạn và tôi thì sao? Chúa đang chờ nghe câu trả lời chân thật từ nơi tấm lòng của mỗi chúng ta.

Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

ĐỨC TIN NĂNG ĐỘNG

Đoạn 2 thơ Gia-cơ từ câu 14 đến 26 được dành riêng nói về đức tin. Chúng ta sẽ chia phân đoạn Kinh Thánh này thành sáu phần chính và lần lượt phân tích từng phần một.
Phần 1, gồm các câu 14-17:  Lời Tuyên Xưng Suông
Thưa anh chị em, nếu có ai bảo mình có đức tin nhưng không hành động thì có ích gì không? Đức tin ấy cứu người đó được không? Nếu gặp anh chị em nào đó thiếu cơm ăn áo mặc, mà có người bảo: “Chúc anh chị bình an! Cứ mặc cho ấm, ăn cho no nhé!” Nhưng không cung ứng cho họ nhu cầu thể xác, thì có ích lợi gì? Đức tin cũng thế, nếu đức tin không có hành động thì tự nó chết đi.
Hãy lưu ý, Gia-cơ mô tả một người nói rằng mình có đức tin. Nói cách khác, người này chỉ có đức tin trên môi miệng, chớ không có trong việc làm. Gặp những anh em đang lâm vào cảnh thiếu thốn vật chất, người này chỉ có lời an ủi suông, chớ thực tế thì không giúp gì cả. Điều này nói lên rằng, lời an ủi của người ấy là rỗng tuếch và không chân thật. Cũng một thể ấy đối với lời tuyên xưng đức tin của chúng ta. Nếu đức tin không có những hành vi tương ứng cặp theo, thì nơi chúng ta chỉ còn là những lời nói vô hồn, không còn chút gì của sự thực hữu bề trong nữa.
Phần 2, câu 18: Thần Học và Sự Sống
Nhưng có người sẽ nói: “Anh có đức tin, còn tôi có hành động.” Anh hãy chỉ cho tôi đức tin không có hành động của anh, rồi tôi sẽ cho anh thấy đức tin bằng hành động của tôi.
Tôi luôn xem câu Kinh Thánh này như là một sự thách thức cá nhân. Đức tin của tôi chỉ là thần học trừu tượng hay tôi phản ánh bằng công việc những gì tôi tin? Thế gian đã quá mệt mỏi với loại đức tin trừu tượng rồi. Cá nhân tôi tin quyết rằng, thần học mà không đi vào thực tiển, thì vô ích.
Phần 3, câu 19: Niềm Tin Của Quỷ
Anh tin có một Đức Chúa Trời. Tốt lắm các ác quỷ cũng tin điều ấy và run sợ.
Đức tin vào sự hiện hữu của một Chân Thần duy nhất xác nhận tính tôn giáo của nó. Nhưng điều đó thì chưa đủ, vì thậm chí các quỷ cũng tin và run sợ ! Tôi tin quyết rằng, ma quỷ tin tất cả những gì được chép trong Kinh Thánh. Chúng còn sùng đạo hơn khối nhà thần học! Thế nhưng, loại đức tin của chúng còn thiếu điều gì? Câu trả lời rất đơn giản: Sự Vâng Lời! Mặc dù, Sa-tan và ma quỷ tin rằng, chỉ có một Đức Chúa Trời, những chúng vẫn tiếp tục loạn nghịch cùng Ngài. Đức tin thật dẫn đến sự thuận phục và vâng lời, còn nếu khác đi thì đức tin có cũng như không !
Phần 4, các câu 20-24: Gương Của Ap-ra-ham
Hỡi kẻ dại khờ! Anh muốn biết đức tin không có hành động là vô ích không? Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, chẳng từng được kể là công chính do hành động hiến dâng con mình là Y-sác trên bàn thờ sao? Anh thấy đức tin đồng công với các hành động của ông và nhờ các hành động mà đức tin được kiện toàn, Và lời Kinh Thánh này được ứng nghiệm: “Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời nên được kể là công chính và được gọi là bạn hữu của Đức Chúa Trời.” Anh chị em thấy con người được công chính bởi hành động, chứ không phải chỉ bởi đức tin mà thôi.
Để hiểu được ý tưởng của thơ Gia-cơ, chúng ta hãy quay trở lại thời điểm quan trọng trong cuộc đời của vị tổ phụ này. Trong sách Sáng thế ký đoạn 12, Đức Chúa Trời kêu gọi Ap-ra-ham lìa khỏi U-rơ, thuộc về xứ Canh-đê, để đi đến miền đất mà ông sẽ được hưởng làm sản nghiệp. Khi Ap-ra-ham đã vâng phục, thì Đức Chúa Trời đem ông vào đất Ca-na-an. Trong đoạn 15 của sách Sáng Thế Ký, Ap-ra-ham than phiền với Chúa rằng dù gì đi nữa thì ông không vẫn không có người nối dõi, được sinh ra bởi chính ông, để thừa hưởng đất đó. Trả lời ông, Đức Chúa Trời đã chỉ vào bầu trời đầy sao đêm và bảo: “Dòng dõi con sẽ đông như thế”. Ap-ra-ham phản ứng thế nào? “Áp-ram tin CHÚA, nên Ngài kể cho người là công chính” (Sáng. 15: 6). Tại thời điểm đó, Đức Chúa Trời đã kể Ap-ra-ham là công chính mà không căn cứ trên những việc lành ông đã làm, nhưng chỉ duy nhất trên một lý do là ông đã tin Ngài.
Tuy nhiên, Gia-cơ không dừng lại nơi đức tin của Ap-ra-ham vào Đức Chúa Trời. Khi đã tin Chúa và đã được xưng nghĩa chỉ trên cơ sở đức tin, Ap-ra-ham sau đó đã bày tỏ đức tin của mình trong một loạt các hành động liên tiếp. Trong bảy đoạn tiếp theo của sách Sáng Thế Ký, chúng ta thấy: thể nào Đức Chúa Trời dẫn Ap-ra-ham từng bước một, từ hành động vâng lời này đến hành động vâng lời khác, từng bước đem đức tin ông đến chỗ trọn vẹn trong một giai đoạn 40 năm.
Cuối cùng, trong thời khắc của cuộc đời, được ký thuật trong đoạn 22, Ap-ra-ham đã đối diện với sự thử thách đức tin lớn lao nhất: dâng con trai mình là Y-sác làm tế lễ thiêu cho Đức Chúa Trời. Ông đã thực hiện điều đó (Heb. 11: 17-19), vì tin chắc rằng Đức Chúa Trời có khả năng khiến Y-sac sống lại từ kẻ chết. Do đó, ông đã đắc thắng trong sự thử thách này.
Ap-ra-ham chưa được chuẩn bị cho sự thử thách này ở đoạn 15 sách Sáng Thế Ký. Đòi hỏi phải có một sự chuẩn bị và tranh chiến đáng kể, cũng như sự vâng lời tiếp theo sau, trước khi ông có thể đặt Y-sác lên bàn thờ. Gia-cơ giải thích rằng, “đức tin phối hợp với các hành động, và nhờ các hành động mà đức tin được nên trọn vẹn”. Đức tin luôn là khởi điểm, không thể có cách khác. Vừa khi được sản sinh, đức tin bắt đầu trãi qua một loạt các thử thách liên tục, và nó sẽ phản ứng lại với những thử thách này bằng các hành động vâng lời tương ứng. Mỗi hành động vâng lời sẽ phát triển và củng cố đức tin và như thế, nó chuẩn bị đức tin cho thử thách tiếp theo. Rồi cuối cùng, qua hàng loạt thử thách và hành động vâng lời như thế, thì đức tin sẽ tăng trưởng và nên trọn vẹn.
Phần 5, câu 25: Gương Của Ra-háp
Cũng vậy, kỵ nữ Ra-háp không phải được kể là công chính bởi hành động sao? Nàng đã tiếp đãi các sứ giả và đưa họ ra đi theo một con đường khác.
Ra-háp được Gia-cơ chọn làm ví dụ cuối cùng cho mối tương quan giữa đức tin và việc làm. Chuyện về được ký thuật trong sách Giô-suê 2: 1-22 và 6: 21-25. Tôi thích câu chuyện này, vì cớ nó cho thấy rằng luôn có hy vọng cho những người tuyệt vọng. Ra-háp là một phụ nữ đầy tội lỗi, người ngoại bang, sống tại Giê-ri-cô, thành phố đã bị Đức Chúa Trời định cho sự hủy diệt. Thế nhưng, nhờ đức tin của mình, cô ấy đã cứu được chính mình, cả nhà mình và được nhận làm dân tuyển của Chúa, rồi lấy một người chồng mà về sau ông bà trở thành tổ phụ, tổ mẫu của Chúa Giê-xu Christ (Mathiơ 1: 5).
Thế nhưng, đức tin của Ra-hap không chỉ là lời tuyên xưng suông, mà còn được thể hiện trong những hành động tương ứng. Cô rước hai thám tử của Giô-suê vào nhà, và khi họ bị nguy hiểm thì cô liều mạng sống của mình mà giấu họ trên mái nhà. Trước khi hai thám tử rút đi, Ra-háp đã giao hẹn với họ: “Tôi đã cứu mạng sống quý vị, đổi lại, xin quý vị hãy cứu tôi và gia đình tôi”. Các thám tử đã đồng ý và thề nguyện là sẽ thực hiện như vậy. Trên thực tế, họ đã thề nguyện nhân danh Chúa, vì cớ thành phố Giê-ri-cô đã bị Chúa định cho sự hủy diệt cách siêu nhiên (Giô-suê 6: 20). Sau khi đã kết ước, Ra-hap lại một lần nữa liều mạng sống mình, khi thả hai thám tử từ cửa sổ.
Trước khi rút đi, các thám tử đã nói cùng Ra-hap lời dặn dò cuối cùng: “Nếu muốn được cứu, cô hãy cột sợi dây thừng màu đỏ nơi cửa sổ nhà mình. Nếu nơi cửa sổ nhà cô không có sợi dây thừng, thì cô sẽ không được cứu đâu”. Sợi dây thừng màu đỏ nói lên một điều gì đó. Nó là bằng chứng cho đức tin của Ra-hap nơi lời hứa của các thám tử. Còn đối với chúng ta, dưới ánh sáng của Tân Ước, sợi thừng màu đỏ là hình bóng tuyệt vời cho lời tuyên xưng của đức tin chúng ta nơi huyết Chúa Giê-xu.
Câu chuyện của Ra-háp minh họa cách rõ ràng mối tương quan giữa đức tin, lời tuyên xưng và những hành động tương ứng. Ra-háp tin nơi những thám tử rằng, thành Giê-ri-cô đã bị định cho sự hủy diệt. Cô cũng tin nơi lời hứa giải cứu của họ đối với chính mình và với gia đình của mình. Nhưng chừng đó chưa đủ, Ra-háp còn cần phải xưng nhận đức tin của mình khi buộc sợi dây thừng màu đỏ nơi cửa sổ. Bấy nhiêu đó cũng chưa đủ, cô còn cần phải hành động tương xứng với đức tin của mình, thậm chí liều mạng sống của mình, mà đầu tiên là giấu các thám tử trên mái nhà, và sau đó là thả họ xuống theo lối cửa sổ nhà mình. Vì thế, sợi dây thừng màu đỏ cũng cần phải được buộc vào ngay chính ô cửa sổ đó. Sợi dây thừng này sẽ không cứu được Ra-hap, nếu như cô đã không dùng chính ô cửa sổ này để cứu mạng các thám tử. Câu chuyện Ra-hap tỏ rõ mối tương quan giữa ba hiện tượng: đức tin, lời tuyên xưng và những hành động tương ứng.
Phần 6, câu 26: Kết Luận
Xác không hồn thì chết, đức tin không hành động cũng chết như vậy.
Gia-cơ kết thúc sự phân tích của mình bằng một nhát cắt, nhưng mang tính loại suy rỏ ràng: đức tin mà không có hành động cặp theo thì chỉ là một xác chết. Nó có thể là một xác ướp, được bảo quản trong một hình thức tôn giáo vô cùng long trọng, nhưng dù gì đi nữa thì cũng chỉ là một xác chết mà thôi. Chỉ có tâm linh mới khiến cho thân xác sống động. Cùng một cách như thế, chỉ có việc làm, tức là những hành động tương ứng, mới có thể khiến cho đức tin sống động mà thôi.
(Derek Prince - Sống Bởi Đức Tin)


SỰ DẪN DẮT THIÊN THƯỢNG

Nói đến Giáng sinh là nói đến việc Thiên Chúa trở thành người để cứu độ nhân loại. Chúa đã trở thành người để con người có thể gặp Ngài. Thiên Chúa toàn năng đã chủ động hoàn toàn trong việc bày tỏ chính mình cho nhân gian, cũng như trong việc hướng dẫn những người được chọn tìm gặp được chính Ngài. Hôm nay, chúng ta cùng suy gẫm với nhau về sự dẫn dắt thiêng thượng, trong tinh thần vọng Giáng sinh qua phân đoạn Kinh Thánh Mathiơ 2: 1-12.
     I. Sự Dẫn Dắt Thiên Thượng Luôn Sẵn Dành Cho Những Người Có Lòng Tìm Kiếm (Thành Tâm)
Tại nhiều quốc gia Trung Đông và Nam Á thời bấy giờ, nhà vua luôn sử dụng những học giả uyên thâm trong ban cố vấn của mình. Đây là những chuyên gia trong lĩnh vực thiên văn học cũng như chiêm tinh học (buổi ban đầu không có sự phân biệt như bây giờ) và là những người góp phần quan trọng trong các quyết sách của quốc gia. Những nhà thông thái trong phân đoạn Kinh Thánh này là những người như thế.
Kinh Thánh không cho chúng ta biết bằng cách nào mà những nhà thông thái Đông Phương nhận biết rằng “ngôi sao” mà họ nhìn thấy là báo hiệu về một vị Vua Do Thái mới ra đời. Chắc chắn là có nhiều học giả Đông phương nhìn thấy “ngôi sao lạ” này nhưng chỉ có mấy vị này – theo truyền thống là có 3 – hiểu được huyền nhiệm của nó.
Tôi thấy Ngài, nhưng chẳng phải bây giờ. Tôi trông Ngài, nhưng không phải ở gần; Một ngôi sao hiện ra từ Gia-cốp, Một vương trượng sẽ trỗi dấy từ Y-sơ-ra-ên; Ngài sẽ đập vỡ màng tang của Mô-áp, Và vương miện của dòng dõi Sết (Dân số ký 24: 17)
“Vậy ngươi hãy biết và hiểu rằng từ khi lệnh phục hồi và xây lại Giê-ru-sa-lem cho đến khi Đấng Chịu Xức Dầu xuất hiện, thì được bảy tuần lễ và sáu mươi hai tuần lễ. Thành đó sẽ được xây lại, có đường phố và chiến hào, ngay trong thời kỳ khó khăn” (Đa-ni-ên 9: 25)
Nhiều người cho rằng, những nhà thông thái Đông phương đã căn cứ vào những lời tiên tri trên mà luận ra như thế.
Kinh thánh không cho chúng ta biết cách rỏ ràng về điều này. Song có một điều chắc chắn là những người này đã nhận được sự mạc khải thiên thượng. Không biết bằng cách nào nhưng rõ ràng, họ đã không sai lầm khi đến Israel để tìm Cứu Chúa.
Họ nhận được mạc khải không phải vì họ là nhà thông thái (người khôn ngoan, có học thức) mà là vì họ THÀNH TÂM. Hành trình của họ từ vùng I-ran, I-rắc ngày nay đã bày tỏ tấm lòng của họ. Của lễ họ cung hiến nói lên sự chân thành của họ.
Như vậy, bất kỳ ai thành tâm, có lòng tìm kiếm Chúa – dù là học giả hay binh lính, anh chăn chiên hay nhà tiên tri, là dân ngoại hay dân Chúa; dù người đó đang ở đâu, làm bất cứ việc gì, … –  thì cũng đều có cơ hội gặp được Ngài.
“Các con sẽ tìm Ta và gặp được, khi các con tìm kiếm Ta hết lòng” (Giê-rê-mi 29: 13)
Thật ra, không phải con người mà là chính Chúa đang tìm kiếm những người có lòng như thế
“Vì mắt của Đức Giê-hô-va soi xét khắp thế gian để giúp sức cho người nào trọn lòng đối với Ngài” (II Sử ký 16: 9)
“Giờ sắp đến và đã đến rồi, khi những người thờ phượng chân thật sẽ thờ phượng Cha bằng tâm linh và chân lý; ấy là những người thờ phượng mà Cha tìm kiếm” (Giăng 4: 23).
Abraham, Môi-se, Đavit, Giô-sép, Mary, … là những người có lòng nên Đức Chúa Trời đã không ngần ngại mà chọn họ, dùng họ để thực thi kế hoạch của Ngài trên đất.
Còn bạn thì sao? Bạn có còn thành tâm với Chúa, bạn có còn son sắt với Ngài. Mỗi buổi mai và mỗi buổi chiều, bạn có còn hướng “tâm hồn lên”, bạn có còn “tìm kiếm những việc thiêng thượng”, bạn có còn khao khát sự hiện diện sống động của Chúa ngay chính trong tâm linh mình không?
Nếu còn, thì bạn là người Chúa đang tìm; nếu còn thì những gì đã xảy ra với những nhà thông thái, những gì đã xảy ra với Abraham, với Môi-se, với Đa-vit, với Giô-sép, với Mary, cũng như với bao người trong Thánh kinh, cũng chắc chắn sẽ xảy ra với chính bạn ngay trong mùa Giáng sinh này. Tức là bạn được Chúa chọn để trở nên người thờ phượng thật, để được gặp chính Ngài.
II.    Mọi Sự Soi Dẫn (Mạc Khải) Thiên Thượng Đều Dẫn Đến Việc Thờ Phượng (Tôn Vinh, Chúc Tụng, Cảm Tạ) Đức Chúa Trời.
Đối tượng mà các nhà thông thái Đông Phương thờ lạy là em bé Giê-xu, chớ không phải là mẹ Mary và nghi thức quỳ lạy chỉ dành cho một mình “bé” Giê-xu chớ không phải cho cả hai mẹ con!
Hãy tưởng tượng những nhà trí thức Đông Phương danh giá lại quỳ mọp trước một em bé, lại là một em bé con nhà nghèo, sống ở miền quê!
Có 3 trường hợp có thể xảy ra qua hành động này. Trước hết, những nhà trí thức này quỳ lạy bé Giê-xu vì muốn lấy lòng ai đó. Mà ngoài Mary (và có thể có cả Giô-sép) thì ở đó còn có ai đâu để họ lấy lòng. Mà nếu họ muốn lấy lòng Mary – một cô gái quê nghèo, khác chủng tộc với họ - thì nhằm mục đích gì?
Điều này cũng tương tự như ngày nay, người ta thường nói mấy người theo Chúa là bị dụ dỗ. Nhưng dụ dỗ mấy người nghèo là để lấy cái gì của họ cơ chứ?
Nếu không phải như thế thì mấy ông trí thức Đông Phương này chắc là học quá hoá rồ (khùng), trông gà hoá cuốc, nhìn thấy quạ mà cứ ngỡ thiên nga. Thế nhưng cái cách họ vào cung vua Hê-rốt để hỏi về Ấu Chúa chứng tỏ rằng họ đâu có khùng, thậm chí quá khôn là đằng khác.
Vậy nếu hai trường hợp trên là sai thì chỉ còn duy nhất một kết luận: em bé đó (Giê-xu) thực sự là Vua, không chỉ là vua của người Do thái mà còn là Vua của mọi dân tộc.
Trong mắt của người đời thì việc những người trí thức mà đi quỳ lạy Hài nhi Giê-xu là RỒ DẠI, thế nhưng đối với Đức Chúa Trời thì đó lại là một việc làm khôn ngoan. Vì điều xem như điên rồ của Đức Chúa Trời còn khôn ngoan hơn loài người; … Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những điều dại dột ở thế gian để làm hổ thẹn những người khôn ngoan; Đức Chúa Trời đã chọn những gì yếu đuối ở thế gian để làm hổ thẹn những người mạnh mẽ. (I Corinhto 1: 25-27). Bởi vì, sớm hay muộn thì “mọi đầu gối trên trời, dưới đất và bên dưới đất đều phải quỳ xuống trước mặt Giê-xu” (Philip 2: 10).
Thà quỳ trước mặt Giê-xu hôm nay để được tha thứ, để hưởng được hồng ân cứu rỗi, còn hơn là đến ngày cuối cùng rồi cũng phải quỳ trước Ngài nhưng để chịu án “chung thân” nơi hồ lửa đời đời.
Lạy Hài nhi đã bị coi là RỒ, còn dâng vàng, nhủ hương, một dược cho một đứa bé lại càng rồ hơn. Nên nhớ rằng, đây là những nhà thông thái, tức là những người khôn. Có phải họ dâng số báu vật này cho Chúa để được một điều gì đó phải không? Nếu đúng là như thế, thì hoá ra họ đang hối lộ Chúa chớ có tốt lành gì.
Tiếc là, sự thật thì không phải như thế. Vàng, nhủ hương, mộc dược là TẤM LÒNG, là thiện tâm của họ dành cho Chúa. Đó là những cống phẩm, lễ vật xứng đáng … dành cho một vị vua, dầu cho vị vua đó vẫn còn đang ẳm ngữa.
“Vì của cải các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó” (Mathiơ 6: 21)
Tấm lòng luôn đồng nghĩa với Tình yêu. Nhiều khi ta yêu Chúa hết sức, hết trí, hết linh hồn nhưng … không hết túi tiền. Cách chúng ta nộp 1/10, cách chúng ta dâng tiền cho công việc Chúa, giúp đỡ anh em mình chỉ cho chúng ta thấy được chúng ta yêu Chúa cỡ nào.
Đã bao nhiêu lần bạn đến thờ phượng Chúa với số tiền chuẩn bị sẳn để dâng cùng một tấm lòng rộn rả vui mừng? Những điều bạn đã dâng cho Chúa có phải là điều tốt nhất, là những của lễ tự nguyện và thật sự vui mừng?
Của dâng không bằng cách dâng, của cho không bằng cách cho. Bạn có biết Đức Chúa Trời yêu loại người dâng hiến nào không? – Những người dâng hiến cách vui mừng, tức là những người tự nguyện; những người thấy việc dâng hiến là cơ hội, là “được dâng” chớ không phải “bị dâng”.
Bạn có yêu Chúa hơn … số tiền mà bạn đang có trong túi không? Bạn có yêu Chúa hơn số tiền thu nhập hàng tháng không? Nếu Chúa không còn cho bạn số tiền đó hoặc hơn số đó, bạn có còn gắn bó với Ngài nữa không?
Nói đến Giáng sinh là nói đến tinh thần thờ phượng. Mà nói đến thờ phượng là nói đến sự hy sinh: hy sinh cái tôi ích kỷ, kiêu ngạo, tham lam; hy sinh những gì mình đang sở hữu – không phải vì bổn phận hay vì trách nhiệm mà là YÊU.


Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

TRÔNG ĐỢI CHÚA

Mathiơ 2: 1 – 12
Ngày nay, có một sự kiện mà trên khắp thế giới, hầu như ai cũng biết. Đó là sự kiện Chúa Giáng Sinh; Điều này cũng tương tự như dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa, từ vua đến dân, ai cũng biết Lời Hứa về Đấng Messia, tức là Đấng Cứu Thế. Ai cũng muốn việc đó xảy ra nhưng ko phải ai cũng ĐỢI nó xảy ra. Vậy thì thật ra ai là người đang đợi và thế nào là thái độ, là hành vi cần phải có của một người đang thật sự đợi chờ? Chúng ta cùng tra xem Kinh thánh để tìm câu trả lời cho vấn đề này
Khi Đức Giê-su giáng sinh tại Bết-lê-hem thuộc Giu-đê vào thời vua Hê-rốt, có mấy nhà thông thái từ phương đông đến Giê-ru-sa-lem hỏi thăm: “Vua Do Thái mới hạ sinh ở đâu? Vì chúng tôi thấy ngôi sao Ngài bên phương đông nên đến để tôn thờ Ngài.” Nghe vậy, vua Hê-rốt và cả thành Giê-ru-sa-lem đều bối rối. Vua triệu tập tất cả thượng tế và chuyên gia kinh luật trong dân chúng, và hỏi xem Chúa Cứu Thế giáng sinh ở đâu. Họ tâu: “Tại Bết-lê-hem thuộc xứ Giu-đê, vì có lời tiên tri chép: ‘ Còn ngươi, Bết-lê-hem thuộc xứ Giu-đê, Ngươi đâu phải là nhỏ bé nhất trong hàng lãnh đạo Giu-đa, Vì một lãnh tụ sẽ xuất phát từ ngươi, Ngài sẽ chăn dắt dân Y-sơ-ra-ên của Ta.’”
Thế rồi, Hê-rốt bí mật mời các nhà thông thái đến gạn hỏi về thời gian ngôi sao xuất hiện.  Vua sai họ đi đến Bết-lê-hem và dặn: “Hãy đi dò hỏi cho chính xác về con trẻ. Khi tìm được rồi, hãy trình cho ta biết để ta cũng đến tôn thờ Ngài.” Nghe vua phán xong họ lên đường. Kìa, ngôi sao họ đã thấy ở phương đông đi trước họ cho đến khi dừng lại ngay trên chỗ con trẻ ở. Thấy ngôi sao, các nhà thông thái mừng rỡ vô cùng.  Bước vào nhà, thấy con trẻ và Ma-ri, mẹ Ngài, họ quỳ xuống thờ lạy Ngài, rồi mở hộp châu báu dâng lên Ngài các lễ vật: vàng, trầm hương và một dược. Được báo mộng không nên trở lại với vua Hê-rốt, các nhà thông thái đi đường khác trở về quê hương mình.
... Bấy giờ, vua Hê-rốt thấy mình bị các nhà thông thái đánh lừa, nên tức giận vô cùng, liền hạ lệnh tàn sát tất cả trẻ em từ hai tuổi trở xuống, tại Bết-lê-hem và các vùng phụ cận, theo như thời gian các nhà thông thái cho biết. (Mathiơ 2: 1-12, 16)
Thượng tế và chuyên gia kinh luật là ai? – Đó là những người hầu việc Chúa , những người thông làu kinh sách. Bằng chứng: Vua vừa hỏi Đấng Christ sinh ở đâu, họ trả lời ngay mà không cần tra cứu.
Điều này cũng tương tự như ngày nay, nếu những người bạn ngoài Chúa đặt câu hỏi bao giờ là Giáng sinh thì đại đa số con dân Chúa trả lời rất nhanh: 25 tháng 12 và Chấm Hết !
Không thấy Kinh Thánh đề cập gì đến việc những thượng tế và chuyên gia kinh luật này hỏi thăm, chuẩn bị đi tìm vị Vua của Lời Hứa cả. Ngoại trừ một người có lòng tìm kiếm thật, nhưng mà  tìm để HẠI, tìm để giết. Đó là Hê-rốt Đại đế. Phải chăng những người này không cần Đấng Messia? Có lẽ, họ cho rằng chỉ người ngoại hoặc hạng dân đen mới cần đến Chúa Cứu Thế chớ họ thì … không cần.
Tinh thần “bất cần Chúa” này – tiếc thay – vẫn còn tồn tại giữa vòng con dân Chúa và nhất là giữa vòng những “cựu tín đồ”, giữa vòng những người hầu việc Chúa ngày nay. Năm nào Hội thánh lại chẳng tổ chức Giáng sinh. Nhưng những buổi nhóm, buổi lễ đó là nhằm cho ai: dân Chúa hay dân ngoại? Đồng ý rằng, cứu người là cực kỳ quan trọng nhưng còn lòng của những người tổ chức, những ‘diễn viên chính’ của những buổi lễ này có thật sự được Chúa ghé thăm (?) Nếu những buổi nhóm, lễ Giáng sinh là niềm mong chờ, là sự cống hiến hết lòng của mọi người tham dự (dù thụ động hay năng động) thì đó là những giờ hạnh phước. Còn nếu ta tổ chức những buổi nhóm vì thông lệ, vì truyền thống, vì bổn phận, trách nhiệm mà lòng ta “lạnh” thì Giáng sinh chỉ dành cho người chớ chẳng dành cho ta, dầu đích thực ta là người nhà, đã là con của Chúa.
Đừng để thái độ của chúng ta đối với Giáng sinh như nhiều bậc làm cha, làm mẹ ngày nay phải gượng cười chuẩn bị Tết nguyên đán. Chuẩn bị cho con cái khỏi tủi thân chớ mình nào có đợi mong gì!
Như vậy, tình trạng của những thượng tế và chuyên gia kinh luật đối với sự kiện Thiên Chúa giáng trần là Biết nhưng không ĐỢI, thậm chí biết rằng việc đó đã xảy ra rồi nhưng cũng chẳng quan tâm.
Là những người hầu việc Chúa thời bấy giờ nhưng tại sao những thượng tế và chuyên gia kinh luật lại không quan tâm gì đến việc xuất hiện của Đấng Cứu Thế? Là những người hiểu biết Lời của Đức Chúa Trời nhưng tại sao những người này lại không tha thiết gì đến sự kiện quan trọng như thế? Phải chăng, có một điều gì đó đã thu hút sự chú ý của họ?
Đối với người Do Thái, Đấng Messia, Đấng Cứu Thế xuất hiện đồng nghĩa với một thời kỳ thanh thản, tự do, phát đạt. Nói cách khác, đó là lúc đổi đời. Vậy nếu việc ĐỔI ĐỜI không còn khiến cho những người này quan tâm nữa, thì ta có thể khẳng định rằng, họ đang thoả lòng với cuộc sống hiện tại. Họ thoả lòng với địa vị, công việc, gia đình, con cái, hôn nhân, … của họ.
Cũng có thể một vài người trong số họ vẫn còn mong ước được ĐỔI ĐỜI nhưng trước một thực tế xã hội “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” hay “nhất thân, nhì thế”, niềm tin vào một Cứu Chúa, một cuộc đổi đời cách siêu nhiên không còn có chỗ trong họ. Điều này cũng tương tự như một số con dân Chúa đây đó hy vọng được đổi đời nhờ vé số, nhờ cờ bạc online hay cá độ hơn là nhờ sự vùa giúp của Chúa.
Bạn có còn ĐỢI ngày Giáng Sinh không? Tôi không hỏi rằng, bạn có biết Giáng sinh nhằm ngày mấy không mà là “bạn có còn Đợi ngày Giáng sinh không?”
Bạn có thật sự muốn Chúa làm một điều gì đó cho mình trong mùa Giáng Sinh 2014 này không?
Vấn đề không đơn thuần nằm ở chỗ những gì chúng ta muốn; cũng không nằm ở chỗ bạn có tin rằng Chúa có thể làm điều đó hay không mà là nằm ở chỗ: bạn có ĐỢI điều đó không.
ĐỢI không hề mang tính thụ động. Đợi Chờ Chúa không đồng nghĩa với việc ngồi bó gối, bất động mà là chuẩn bị, là sẳn sàng để nhận lãnh.
Nếu bạn và tôi thật sự mong đợi ĐỔI ĐỜI – chấm dứt tình trạng hiện tại (thuộc linh, thuộc thể, hôn nhân, việc làm, …) của mình – thì hãy khởi hành ngay hôm nay. Hãy lìa khỏi quê hương như những nhà thông thái Đông phương xưa để ra mắt Chúa. Hãy lìa khỏi cách sống hiện tại, hãy lìa bỏ thái độ đối với Chúa như hiện nay, hãy lìa khỏi những gì đang khiến bạn dần xa Chúa: ăn uống, tiện nghi, thu nhập, công việc, …
Ngày xưa những nhà thông thái Đông phương ra mắt Hài Nhi Giê-xu bằng châu báu, dược liệu quí. Còn hôm nay, tôi và bạn sẽ ra mắt Vua Giê-xu với của lễ gì? Chẳng lẽ, chúng ta tiếp tục bỏ ngoài tai mạng lệnh Chúa ban trong Phục truyền 16: 16, “… đi tay không mà ra mắt Chúa” sao?
Điều gì là “vàng” đối với bạn? Có phải thời giờ, sức khoẻ, đất ruộng – nhà cửa (bất động sản) là vàng của bạn? Và bạn có chuẩn bị để trao phó số “vàng” này cho Chúa trong mùa Giáng sinh này không?
Còn điều gì là “trầm hương” và “một dược” của chúng ta? Nói cách khác, điều gì khiến bạn cảm thấy thỏa mái, hứng khởi, vui vẻ; Điều gì khiến bạn dậy hương thơm: nổi tiếng; điều gì nơi bạn khiến bạn tự hào, hãnh diện, người ta ngưỡng mộ? Bạn có sẳn sàng dâng – tức là đoạn tuyệt – số “dược liệu” này cho Chúa trong mùa Giáng Sinh này không?
Bạn sẽ là ai trong mùa Giáng Sinh này? Là Hê-rốt chân thành, nhưng chân thành chống nghịch Chúa; là thượng tế, là chuyên gia kinh luật những người biết lẽ thật, những người được chọn để phục vụ Chúa nhưng chẳng tha thiết, mong đợi gì việc Chúa Cứu Thế giáng trần; hay bạn sẽ là nhà thông thái sẳn sàng từ bỏ lối sống quen thuộc, sẳn sàng hy sinh sở thích, hy sinh những điều quí giá nhất của mình để thực sự được gặp gỡ Con Đức Chúa Trời, Đấng đang kiên nhẫn gõ cửa lòng của mỗi một chúng ta.
Thật ra, CHÚA chờ đợi để ban ơn cho các ngươi. Thật vậy, Ngài sẽ đứng lên để tỏ lòng thương xót các ngươi. Vì CHÚA là Đức Chúa Trời công bình. Phước cho người nào trông đợi Ngài. (Esai 30: 18)