Đức
Chúa Trời của chúng ta là Đấng Tể trị mọi sự. Ngài là Đấng Công Bình nhưng đồng
thời Ngài cũng là Đấng Yêu Thương. Kinh Thánh cho biết rằng, Ngài yêu chúng ta
khi chúng ta còn ở trong tội lỗi. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá một
khía cạnh trong đức yêu thương của Chúa qua bài học: “Đức Chúa Trời và Tội
Lỗi”. Đoạn Kinh Thánh nền tảng cho bài học này là Sáng thế ký 20: 1-18, và Châm
ngôn 28: 13 sẽ được chọn làm câu gốc cho bài học hôm nay.
I.
Đôi
Khi, Đức Chúa Trời Cho Phép Tội Lỗi Xảy Ra
A-bi-mê-léc
không phải là tên riêng của một người mà là danh hiệu để gọi một vị vua của
người Philitin, tương tự như Pha-ra-ôn đối với người Ai-cập; Sê-sa đối với
người La-mã vậy. A-bi-mê-léc nghĩa đen là Vua-Cha (Phụ Vương).
Áp-ra-ham
đã dối gạt vua Philitin khi bảo Sa-ra, vợ mình là em gái. Đây không phải là lần
đầu tiên, Áp-ra-ham phạm tội này. Ông đã từng một lần sém mất vợ vào tay vua
Ai-cập cũng vì tội gọi vợ là em gái (Sáng. 12: 10-20). Đây là lần tái phạm của
ông – người được Đức Chúa Trời chọn làm tổ phụ đức tin của cả người Do-thái lẫn
người ngoại bang!
Chúa
là Đức Chúa Trời chân thật, Ngài là Đấng A-men nên lẽ đương nhiên, Chúa không
chấp nhận sự dối trá hay sự gian dối. Thế nhưng trong trường hợp này, Chúa lại
cho phép tội lỗi này một lần nữa xảy ra bởi chính miệng Áp-ra-ham.
Hãy
xem cách Áp-ra-ham lý giải tại sao ông làm như vậy: “Tôi tự nghĩ rằng: Trong xứ nầy thật
không có ai kính sợ Đức Chúa Trời, thì họ sẽ vì cớ vợ tôi mà giết tôi chăng” (c. 11).
Nói cách ngắn gọn thì sở dĩ Áp-ra-ham làm như thế là vì SỢ!
Sợ
ai? – Sợ dân địa phương vì ông chỉ là dân ngụ cư, thân cô thế cô. Chính vì nỗi
sợ chết này đã khiến ông phạm tội, khiến ông gian dối, thậm chí xem nhẹ cả tình
nghĩa vợ chồng.
Thật
ra, nguyên nhân sâu xa khiến cho Áp-ra-ham sợ là vì ông chưa biết nhiều về
Giê-hô-va Đức Chúa Trời mà ông thờ phượng. Ông đã nghe theo tiếng phán của
Ngài, từ bỏ quê hương, gia đình, từ bỏ cách thờ phượng cũ tại xứ U-rơ, thuộc
I-ran ngày nay, để đến xứ Ca-na-an, thuộc vùng Trung Đông hiện tại, sống đời du
mục và thờ phượng một Đức Chúa Trời mà ông không hề thấy mặt. Ông còn lo sợ là
vì lòng tin cậy của ông nơi Đức Chúa Trời chưa thật sự được vững lập.
Tin
Chúa? – Ông tin chớ, vì nếu không tin thì làm sao ông dám từ bỏ mọi điều để dấn
thân theo Ngài nơi đất khách, quê người trong lúc tuổi già, không con nối dõi.
Nhưng mà đối diện trước quyền thế, trước áp lực, trước nguy hiểm, … chực chờ
hàng ngày, người của Đức Chúa Trời đã có lúc rúng động, chao đảo, lo sợ. Lòng
tin nơi Đức Chúa Trời trong ông chưa đủ lớn để thắng hơn sự sợ hãi con người,
thế là ông đã hành động theo sự khôn ngoan riêng để “tự cứu lấy mình trước khi
Trời cứu” và kết cuộc là tai họa đã xảy
ra.
Đôi
khi, Đức Chúa Trời cho phép chúng ta phạm tội; Đôi khi, Chúa cho phép chúng ta
làm theo ý riêng của mình, không phải để sửa phạt chúng ta mà là để cho chúng
ta nhận ra được cái sai của mình cách “tâm phục, khẩu phục”. Không biết đó có
phải là một trong những “phương pháp sư phạm” mà Chúa thường sử dụng để cảm hóa
những đứa con ngỗ nghịch, cứng đầu, ngang bướng của Ngài hay không, nhưng sau
lần đó, thì không chỗ nào trong Kinh Thánh nói rằng, Áp-ra-ham còn tái phạm tội
này một lần nữa!
II.
Thường
Khi Đức Chúa Trời Ngăn Chặn Tội Lỗi Xảy Ra Để Bảo Vệ Con Dân Của Ngài.
Tội
lỗi mà vua Philitin đã phạm là do tội của Áp-ra-ham mà ra. Nhiều khi, chính
những sai lầm của chúng ta khiến cho người khác phạm tội trước mặt Chúa và cũng
chính những sai lầm của chúng ta tạo cớ cho sự tổn hại, tàn phá bước vào trong
đời sống của mình, của gia đình mình và hậu tự của mình.
Áp-ra-ham
vì sợ chết mà dối gạt vua, Sa-ra vì thương chồng nên đồng lõa và hậu quả là
Áp-ra-ham mất vợ, Sa-ra thuộc về người đàn ông khác.
Điều
gì sẽ xảy ra, nếu vua ngoại bang Philitin ăn nằm với Sa-ra? – Không chỉ danh
tiếng của Sa-ra bị hoen ố mà giao ước thánh giữa bà và Áp-ra-ham đã bị đổ vỡ.
Nếu về sau họ có tái hợp trở lại thì hậu tự của họ cũng không còn là hậu tự
thánh nữa, và chương trình cứu chuộc nhân loại của Đức Chúa Trời qua Đấng
Christ sẽ bị tổn hại là dường nào.
Tạ
ơn Đức Chúa Trời vì thường khi Ngài ngăn chặn hoặc cản trở không cho con người
thực hiện những hành động tội lỗi. Chúa làm điều đó, rõ ràng, là để bảo vệ con
dân của Ngài và trong trường hợp này còn là bảo vệ một dòng dõi thánh nữa.
Không
ít lần, Kinh Thánh cho chúng ta thấy rằng, Đức Chúa Trời ngăn cản những hành
động hay những quyết định sai trật của con người. Chúa ngăn không cho vua Đa-vit
xây Đền Thờ (II Samuen 7); cấm Rô-bô-am, con Sa-lô-môn tiến đánh nhà Y-sơ-ra-ên
do Giê-rô-bô-am lãnh đạo (I Vua 12: 20-24); hay sai thiên sứ Gáp-ri-ên đến cản
Giô-sép không được hủy hôn ước đối với Ma-ri, người mang thai và sinh hạ Chúa
Cứu Thế về sau. Đây là lý do mà Chúa Giê-xu dạy chúng ta phải cầu nguyện mỗi
ngày: “Xin cứu chúng con khỏi điều ác” (Mathiơ 6: 13).
Đức
Chúa Trời ngăn chặn hành vi phạm tội của A-bi-mê-léc không có nghĩa là bao che
cho tội lỗi của Áp-ra-ham và Sa-ra, mà là nhằm bảo vệ, gìn giữ họ khỏi điều ác.
Đây là hành động của một người cha, khi thấy con mình bị tai họa. Cứu con trước
rồi mới sửa dạy sau!
Điều
này không có nghĩa là chúng ta cứ tiếp tục phạm tội đi vì đằng nào Chúa cũng
cứu mình khỏi tai họa. Cần nhớ rằng, Áp-ra-ham phạm tội vì “yếu đuối”, vì lòng
tin cậy của ông nơi Đức Chúa Trời chưa thật sự được vững lập, còn nếu chúng ta
phạm tội theo như lý luận vừa nêu, thì chúng ta đã biết rõ Chúa mình mà vẫn cố
tình “lách luật”, định lợi dụng sự nhân từ của Ngài thì một kết cuộc khác biệt
hoàn toàn đang chờ sẵn ở tương lai.
Cách
Chúa bảo vệ vợ chồng Áp-ra-ham khỏi tai họa hầu đến từ người không tin Chúa
khích lệ và yên ũi chúng ta rất nhiều trong bước đường theo Chúa. Nếu vợ chồng
Áp-ra-ham phạm tội với Chúa mà Ngài còn binh vực, bảo vệ như thế, thì chúng ta
là những người tin kính, sống chân thật, ngay thẳng thì Ngài lại chẳng bảo vệ
chính chúng ta, gia đình của chúng ta và con cái của chúng ta càng hơn như vậy
sao.
“Vậy thì chúng ta sẽ nói gì về những điều này? Nếu Đức Chúa
Trời đứng với chúng ta thì còn ai chống nghịch được chúng ta?” (Roma. 8: 31)
III. Đức Chúa Trời Đối Xử Nhân Từ Với Những Người
Biết Xưng Nhận Tội Lỗi
Chúa
không hạch tội Áp-ra-ham nhưng vua Philitin thì có. “Ngươi làm gì cho
chúng ta vậy? Ta đã làm gì xấu đối với ngươi đến nỗi ngươi làm cho ta và nước
ta mắc tội lớn như vậy? … Ngươi đã làm cho ta điều mà ngươi không nên làm. Lý
do nào khiến ngươi làm như thế ?” (c. 9-10). Và Áp-ra-ham đã xưng nhận: “Tôi tự nghĩ rằng: Trong xứ nầy thật không có ai kính sợ Đức Chúa Trời,
thì họ sẽ vì cớ vợ tôi mà giết tôi chăng” (c. 11).
Áp-ra-ham
đã xưng nhận sai phạm của mình, không phải trong chốn kín nhiệm riêng tư mà là
công khai giữa bàn dân thiên hạ, giữa triều thần của A-bi-mê-léc.
“Người nào giấu tội lỗi mình sẽ không được may mắn (được thịnh vượng – BDM) nhưng ai xưng nó ra và
lìa bỏ nó sẽ được thương xót” (Châm. 28:
13).
“Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công
bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” (Gi. 1: 9).
“Xưng
nhận tội” là điều Đức Chúa Trời muốn nhìn thấy nơi mỗi một chúng ta khi chúng
ta phạm tội. Cũng như Áp-ra-ham, chúng ta là những người đại diện của Chúa trên
đất này, nên khi phạm tội với người khác, chúng ta đã làm tổn hại đến thanh
danh của Chúa – nhất là trong trường hợp phạm tội với người không có Chúa.
Nếu
như “phạm tội” là mở cửa đời sống chúng ta, gia đình chúng ta cho tổn hại, tàn
phá, thì “xưng tội” là đóng sập cửa lại đối với tai họa và mở toang cửa cho
phước lành và sự bình an.
Sự
nhân từ của Đức Chúa Trời dành cho A-bi-mê-léc được bày tỏ ra trong việc Chúa
ngăn cản ông phạm tội cùng Sa-ra. Vì Chúa còn thương vị vua này nên Ngài đã
hiện ra trong giấc mộng mà cảnh báo ông. Và khi ông vâng lời Chúa không phạm
tội thì “Ngài chữa lành cho
A-bi-mê-léc, vợ vua, và các đầy tớ gái để họ có thể sinh sản được” (c. 18).
Nói cách khác, khi ông vâng lời Chúa không phạm tội thì nan đề của ông và cả
vương triều của ông đều được giải quyết.
Sự
nhân từ của Chúa dành cho Áp-ra-ham được thể hiện qua việc A-bi-mê-léc đem tặng cho Áp-ra-ham
nhiều chiên bò, tôi trai tớ gái và giao trả Sa-ra lại cho ông. Áp-ra-ham
được lại vợ mình. (Đã là điều phải công khai thì giấu giếm chỉ thêm phạm tội).
Hơn thế nữa, ông được tự do sinh sống trong xứ đó, ở đâu tùy thích. Không chỉ
vậy, Áp-ra-ham còn được vua Philitin đền bù danh dự cho Sa-ra tới 1000 nén bạc.
Đó
là kết cuộc dành cho một người biết xưng nhận tội lỗi của mình. Sự nhân từ của
Chúa dành cho con loài người dành cho chúng ta là như thế. Ngoài Đức Chúa Trời
của Cơ-đốc giáo ra, không ai có thể chịu đựng chúng ta, yêu thương chúng ta đến
như thế.
Lần
nọ, suy gẫm về cuộc đời của mình, những gì mình hiện đang có, những sai lầm
mình đã trải trước khi biết Chúa mà đặc biệt là những tội lỗi mình đã phạm sau
khi tin Chúa và kể cả khi đã là người hầu việc Chúa, tôi đã bật lên câu hỏi:
“Chúa ơi, con không hiểu được tại sao Chúa lại nhân từ, sủng ái con đến thế?”
Và rồi thật bất ngờ, ngay lập tức một tiếng phán êm dịu đến với tôi: “Vì Ta
muốn cho mọi người khi nhìn vào con thì biết rằng, tình yêu Ta dành cho nhân
gian là lớn dường bao!”
Chúa
của chúng ta là như thế. Đức Chúa Trời mà tôi và anh chị em tin thờ là như thế.
“CHÚA có lòng thương
xót và ban ân huệ; Ngài chậm nóng giận và nhiều tình yêu thương. Ngài không quở trách
chúng ta luôn luôn, cũng không tức giận chúng ta mãi mãi. Ngài không đối xử với
chúng ta theo như tội lỗi chúng ta vi phạm;
Ngài không báo trả chúng ta theo như
gian ác chúng ta đã làm” (Thánh thi
103: 8-10)
Chúng ta cùng cầu nguyện:
Thưa Cha, chúng
con cảm ơn Cha vì Ngài qua nhân từ đối cùng chúng con. Cảm ơn Chúa vì sự tể trị
của Ngài trên đời sống của mỗi chúng con, gia đình của chúng con. Đôi lúc, Ngài
có cho phép chúng con làm theo ý riêng của mình, phạm tội với người khác và
phạm tội trước mặt Chúa. Nhưng bởi lòng thương xót lớn lao của mình, Ngài không
đối xử với chúng con theo sự vi phạm của chúng con. Ngài đã ngăn cản tội lỗi
của người khác để bảo vệ chúng con, binh vực chúng con. Chúng con lớn tiếng cảm
ơn Ngài. Mỗi khi chúng con phạm lỗi với Ngài (vì chẳng có người nào mà không
phạm tội), thì Chúa ơi, xin thương ban cho chúng con lòng ăn năn cách nhanh
chóng để tội chúng con được tha, lỗi chúng con được xóa và để chúng con sớm
được phục hồi mối quan hệ với Ngài, hưởng ơn thương xót của Ngài. A-men