Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA TRỌNG DỤNG

Được tín nhiệm hay được chủ tin dùng là một vinh dự hay là niềm tự hào của một người làm công. Được Thiên Chúa tin dùng hay trọng dụng lại càng là niềm ao ước đối với tất cả những ai đang hầu việc Chúa. Thế nhưng, đâu là đặc điểm của một người được Chúa trọng dụng; đâu là chân dung của một người được Chúa tin dùng?
Chúng ta sẽ cùng học biết điều này qua phần chức vụ của tiên tri Elise, được ký thuật trong sách Các Vua thứ hai chương 2: 1-18
I.     Trung Tín Với Sự Kêu Gọi Của Mình
Sự kêu gọi của Elise: hầu việc Eli mà nguyên văn là làm “kẻ rót nước trên tay Eli” (II Vua. 3: 11). Elise được kêu gọi làm người hầu hạ, phục vụ cho tiên tri Eli. Nói theo ngôn ngữ ngày nay là đệ tử, là Timothe hay làm người phụ tá.
Như vậy, trung thành với sự kêu gọi của mình cũng có nghĩa là trung thành với sự kêu gọi của người khác. Chúa Giê-xu đã từng phán trong Tin Lành Giăng 12: 26 rằng, “Nếu ai hầu việc ta, thì phải theo ta, và ta ở đâu, thì kẻ hầu việc ta cũng sẽ ở đó”.
Phân đoạn KT này cho chúng ta biết rằng, Eli đã biết trước việc mình được Chúa cất lên; các môn đồ của các tiên tri cũng biết điều đó và chính Elise cũng biết. Thật đúng như trong A-môt 3: 7 đã nói: “Chúa Giê-hô-va chẳng có làm một việc gì mà Ngài chưa tỏ sự kín nhiệm Ngài ra trước cho tôi tớ Ngài, là các đấng tiên tri”. Mọi người đều biết rằng hôm đó là ngày cuối cùng của Eli, là thời khắc cuối cùng trong chức vụ của ông.
Trung thành với một chức vụ đang độ sung mãn, đang độ thành công; trung thành với một hội thánh đang phấn hưng, đang dư dật tiền bạc, … thì ai cũng có thể trung thành được, nhưng trung thành với một chức vụ đang vào thời kỳ cuối, trung thành với một hội thánh đang trong kỳ khô hạn thì không phải ai cũng làm được.
Châm. 20: 6 “Phần nhiều người khoe khoang sự nhân từ mình; nhưng ai sẽ tìm được một người trung thành?”
Khi Đức Chúa Giê-xu nằm trong huyệt mộ, các sứ đồ tản lạc, các môn đồ trốn chạy nhưng có một số phụ nữ vẫn giữ lòng trung thành với Ngài. Họ trung thành với thầy của mình, dù người ấy giờ đây chỉ còn là một xác chết mà thôi.
Trung thành với những người mình thích, mình quý, mình kính; trung thành với những người còn có lợi cho mình thì ai cũng sẵn sàng để trung thành. Còn trung thành với những người mà mình không thích, không trọng;  gắn bó với những người chỉ nhờ vả, chỉ xin xỏ mình thôi thì phải dụng đến đức tin mới có thể trung thành, mới có thể gắn bó được.
Có thể có một vài thành viên hoặc một vài người hầu việc Chúa trong hội thánh của bạn mà bạn không đồng tình với cách làm việc hoặc cách ứng xử của họ, nhưng vì họ là một phần không thể tách rời được của Hội Thánh mà bạn đang thuộc về, nên bạn phải học để gắn bó với họ, tôn trọng họ và cộng tác với họ.
Trung thành với một sự kêu gọi đang kỳ khô hạn, son sẽ; trung thành với một chức vụ đang vào giai đoạn cuối là một việc khó. Phải nói là rất khó. Nhưng khó Chúa mới chọn chúng ta.
Nếu Elise không đi cùng Eli đến Giô-đanh mà đồng ý chia tay thầy ở Ghinh-ganh, ở Bê-tên hay ở Giê-ri-cô thì cũng không ai trách ông được. Vì chính thầy muốn thế mà. Kinh Thánh ký thuật lại rằng, ba lần Eli nài nĩ với học trò của mình “ta xin người hãy ở lại đây”.
Về lý thì Elise đã hoàn thành nhiệm vụ - rót nước trên tay thầy. “Những gì cần làm tôi đã làm và việc đó … không phải phận sự của tôi” – Elise có thể nói như thế. Hoặc giả, Elise có thể đứng cách xa như môn đồ của các tiên tri bên này sông Giô-đanh mà chờ đợi giờ của thầy mình chấm dứt. Không, Elise đã không nói như thế và cũng không hành động như thế. Ông là một tôi tớ trung thành. Ông trung thành với thầy của mình cho đến phút cuối cùng cuộc đời người. Trung thành không đơn giản là làm tròn bổn phận mà là thể hiện cái tình – tình đối với Chúa và đối với nhau.
Bất chấp những lời nói của thầy có thể làm cho mình nản chí, bất chấp những lời khuyên can của các bạn đồng lao, Elise đã đi với thầy của mình cho đến lúc cuối cùng. Trung thành là như thế.
Có ai đó trong chúng ta đang ấm áp tư tưởng ra đi; có ai đó trong chúng ta đang ấm áp tư tưởng “rời bỏ cuộc chơi”, thì khá nhớ rằng, nếu ta không trung tín với chức vụ của người thì ai dám sẵn sàng gắn bó, sống chết với ta. Có thể người lãnh đạo của anh chị em không có lời khuyên như Eli đã làm đối với Elise, nhưng lời nói của họ cũng đã làm anh em nhụt chí. Có thể những cuộc trao đổi, thông công với bạn đồng lao đã tác động không nhỏ trên anh chị em, nhưng dù gì đi nữa thì chúng ta cũng cần phải nhớ rằng, mình được kêu gọi để làm gì và làm điều đó với ai.
Hãy làm cho trọn điều mà Đức Chúa Trời đã ủy thác. Khá nhớ rằng, trung thành là điều mà người ta trông mong nơi người quản trị. Và trung thành cũng là phẩm chất của một môn đồ Đấng Christ mà sứ đồ Phao-lô khuyên Timothe nên tìm kiếm nơi thế hệ kế thừa.
Bạn có đang trung tín với sự kêu gọi của Chúa trên đời sống của mình? Bạn có đang trung thành với chức phận của những người lãnh đạo thuộc linh Chúa đặt để trên bạn? – Nếu có, thì việc bạn được Chúa đại dụng chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.
Bao nhiêu người trong chúng ta mong muốn trở nên Elise cho dân tộc Việt Nam? – Hãy luôn là người trung thành: trung thành trong hôn nhân của mình, trong phận sự của mình và trung thành đối với chức phận của những người khác, nhất là những người Chúa đặt để trên mình.
II.   Lòng Đói Khát Thuộc Linh Mãnh Liệt
Elise đã chứng tỏ được lòng trung thành của mình đối với sự kêu gọi của Chúa, mà cụ thể là trung thành với chức vụ của Eli. Eli nhìn thấy điều đó. Không điều gì có thể khiến Elise bỏ cuộc. Phước thay cho những người lãnh đạo có được những người phụ tá, những đệ tử trung thành với chức phận của mình như thế.
Khi được thầy yêu cầu: “hãy xin điều gì ngươi muốn ta làm cho ngươi”, Elise ngay lập tức trả lời: “cho con gấp đôi Thần của thầy”.
“Quá tham lam, ngươi là ai kia chớ, trò không hơn thầy, bằng thầy đã là quá lắm rồi. Đằng này lại xin gấp đôi !”
Khác với Salomon, Elise không cầu xin sự khôn ngoan, ông cũng không cầu xin chức danh, hay nhờ thầy giới thiệu, gởi gắm mà ông xin quyền năng đã từng hành động trong chức vụ của thầy mình. Elise xin sự xức dầu. Nhưng không chỉ là sự xức dầu mà là sự xức dầu gấp đôi. Đó là sự đói khát. Đói khát Thánh Linh của Đức Chúa Trời.
Thế nhưng, ngày hôm nay trong hội thánh Chúa, kể cả hội thánh Ngũ Tuần Ân Tứ, nhiều người không còn đói khát Chúa, không còn đói khát quyền năng của Thánh Linh Đức Chúa Trời.
                         Châm Ngôn 27: 7 chép“Kẻ no nê giày đạp tàng mật dưới chân mình”. No nê mà giày đạp thì còn hiểu được, đằng này thiếu đói mà giày đạp thì đúng là đã tới hồi mạt vận rồi.
Không ai trong chúng ta là không tin rằng Chúa còn làm phép lạ; không ai trong chúng ta không tin rằng Chúa còn chữa lành cho người bệnh (ốm) qua việc đặt tay cầu nguyện và hầu hết ai trong chúng ta cũng sẵn lòng bước ra để người khác, nhất là các tôi tớ Chúa cầu nguyện cho mình. Thế nhưng, không phải ai cũng còn tin quyết rằng Chúa muốn chữa lành cho mình; không phải ai cũng còn tin quyết rằng, khi mình đặt tay cầu nguyện cho người bệnh thì người ấy sẽ được lành.
Nhưng có lẽ nghiêm trọng hơn tất cả là còn quá ít người khao khát, dốc lòng tìm kiếm ân tứ này để phục vụ cho bầy chiên. Đây chính là lý do mà phép lạ, dấu kỳ ngày nay hiếm khi xuất hiện trong Hội Thánh Chúa; Đó cũng chính là lý do mà phần lớn những vị quản nhiệm Hội thánh ngày hôm nay có xu hướng “tìm chỗ để gởi con”, dầu ai cũng biết rằng giải cứu, cầu nguyện cho người bệnh là những ân tứ phổ thông, ít nữa là đối với “các trưởng lão của Hội thánh” (Gia-cơ 5: 14)
Elise không chỉ muốn Thánh Linh Chúa từng hành động trong thầy mình tiếp tục hành động trong mình mà ông còn muốn Thánh Linh đó hành động bội phần hơn, tức là với cấp độ, với tầm mức vượt trỗi hơn. Nói cách khác, ông muốn có một chức vụ thành công gấp đôi thầy của mình. Elise có một tham vọng lớn lao, nhưng không là tham vọng ích kỷ mà là tham vọng làm vinh danh Chúa giữa cộng đồng dân Chúa đang dần lìa bỏ Ngài.
Bạn có còn vui thích trong việc chinh phục linh hồn tội nhân hay là bạn thỏa lòng với 15-20 con chiên mỗi tuần trung tín nhóm lại ? Bạn có còn muốn mở rộng chức vụ của mình sang làng, xã bên cạnh hay đang tự nhủ trong lòng rằng, “miễn đủ ăn đủ mặc là thỏa lòng rồi”?
Bạn đang ngồi than thân, trách phận; bạn đang phê phán, chỉ trích sự sa sút, sự vô tín, xác thịt của bà mục sư này, ông truyền đạo khác hay đang hạ mình trước mặt Chúa mà ăn năn kêu khóc cho chính tình trạng thuộc linh suy kiệt của mình?
Nếu hôm nay, người lãnh đạo của anh em hỏi anh em như Eli đã hỏi thì chúng ta sẽ trả lời người thế nào? – “Xin thầy cho em cái điện thoại di động, chiếc xe máy, … “ hay chúng ta sẽ tỏ bày cho tôi tớ Chúa lòng khát khao bỏng cháy về “các sự ban cho thiêng liêng”?
Có thể có người trong anh em có suy nghĩ này: “Eli thì còn có gì đó để cho chớ còn ông thầy của tui đâu còn gì mà xin”.
Nên nhớ rằng, điều Elise xin không phải là điều Eli có. Eli có thể chuyển giao sự xức dầu cho Elise nhưng còn chuyển giao gấp đôi thì là vượt quá khả năng của người. Bởi vì ta không thể cho người khác điều mà ta không có. Đây chính là lý do mà Eli nói rằng: “ngươi đã xin một việc khó”.
Có thể một số người ngày hôm nay không hiểu được điều này nên đã quay lưng lại với các ân tứ Thánh Linh; nhiều tín hữu và thậm chí nhiều người hầu việc Chúa Ngũ Tuần không còn tin vào việc cầu nguyện đặt tay chuyển giao sự xức dầu, và tệ hơn nữa còn nhạo cười trước việc ai đó nói tiên tri.
Nhiều anh em chúng ta trong các hội thánh truyền thống trong ngoài nước đang được Chúa thăm viếng; họ vui mừng trong việc nói tiếng lạ và tập tành vận hành các ân tứ Thánh Linh. Trong khi đó, chúng ta những người Ngũ Tuần lại trở nên coi thường và thậm chí là chối bỏ quyền phép siêu nhiên đó.
Anh chị em ơi, để có được điều mà chúng ta ngày cho là quá đỗi bình thường như báp-têm Thánh Linh, ân tứ Thánh Linh, tức là những lẽ thật về Đức Thánh Linh thì các tôi tớ Chúa đã phải chịu kỷ luật, bị rút phép thông công, bị liệt vào hàng điên khùng, bị cho là tà giáo. Đừng đánh mất di sản vô giá mà Đức Chúa Trời ban cho hội thánh chúng ta.
III.  Sẵn Sàng Trả Giá Để Đạt Được Điều Mình Ước Mong
Mọi sự đều có cái giá của nó. Thế nhưng, có rất nhiều người mong ước song lại có ít người sẵn sàng trả giá.
                        Cái giá phải trả đối với Elise là gì? Nếu ngươi thấy lúc ta được cất lên. Nói cách khác, nếu ngươi học biết cách Thánh Linh hành động hay nếu ngươi tập chú vào chính Chúa. Nhìn lên.
Ai trong chúng ta cũng biết làm thế nào để đầy dẫy sự xức dầu, đầy dẫy sự sống của Chúa. Ai trong chúng ta cũng biết được giá trị của sự cầu nguyện, năng lực của sự kiêng ăn, của việc nuôi mình bằng lời Chúa, … nhưng bao nhiêu người trong chúng ta còn biệt riêng thời giờ để làm việc đó, bao nhiêu người trong chúng ta sẵn lòng đáp ứng những đòi hỏi của Chúa để từng trãi được những điều mình bỏng cháy khát khao.

Elise đã nhận được chiếc áo choàng của Eli, còn bạn và tôi thì sao?