Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

THIÊN MỆNH & NHÂN ĐỊNH

Ngẫm hay muôn sự tại trời,
trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Có đâu thiên vị người nào,
chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.
Có tài mà cậy chi tài,
chữ tài liền với chữ tai một vần.
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
(Trích trong Truyện Kiều, câu 3241-3252).
Những câu thơ trong đoạn kết của Truyện Kiều được trích dẫn ở trên hiển hiện hai ý niệm Thiên Mệnh cũng như Nghiệp Báo – hai triết thuyết chủ đạo của Nho Giáo và Phật Giáo. Trường hợp của Thúy Kiều có thể chỉ là một câu chuyện văn chương, một phương tiện để diễn tả, chuyên chở quan điểm riêng của đại thi hào Nguyễn Du nhưng trong đời sống thực tế thì cũng có rất nhiều những trường hợp tương tự như của Thúy Kiều, hoặc thương tâm hơn nữa ở mọi thời đại. Thiên Mệnh hay Thiên Định là ám chỉ một sự việc do trời hay do quy luật của vũ trụ sắp đặt trước. Còn Nghiệp là hành động có tác ý, hay hành động phát sinh từ tâm được thể hiện qua hành động (Thân nghiệp), ngôn ngữ (Khẩu nghiệp) và tư duy (Ý nghiệp).  Nghiệp do mình tạo ra rồi trở lại chi phối chính mình. Nghiệp có thể được hiểu là ý chí tự do của con người sắp đặt và quyết định sự việc hay còn được gọi là Nhân Định [1]. Như vậy, quan điểm của Nguyễn Du là vừa có Mệnh lại vừa có Nghiệp; vừa có Thiên Định mà cũng vừa có Nhân Định trong đó.
Thế nhưng giữa Mệnh và Nghiệp hay giữa Thiên Định và Nhân Định thì điều gì đóng vai trò quyết định: Thiên Chúa/Trời/vũ trụ lập trình mọi sự kiện, mọi biến cố (thiên định), hay con người ta tự quyết định lấy số mệnh của mình (nhân định), hay là… theo tỉ lệ năm - năm? Trong suốt chiều dài lịch sử đây là một câu hỏi đau đầu, một vấn đề rất gai gốc liên hệ đến mọi tôn giáo, mọi triết thuyết, mọi khía cạnh nhân văn, xã hội, luật pháp, đạo đức v.v… Có vô số những lời giải đáp, có vô số những câu trả lời, đưa đến vô số những quan điểm và nhận định hoàn toàn trái ngược nhau. 
Trong sự hiểu biết giới hạn của cá nhân, người viết cố gắng trình bày những suy luận của mình về mối tương quan giữa quyền tự do của con người với sự tể trị của Đức Chúa Trời trên cơ sở khổ thơ Kiều đã được chọn.
Dường như mọi dân tộc trên thế giới, kể cả tại các nước Ả Rập, đều tin tưởng nơi thuyết “thiên định/định mệnh”, tức là họ tin rằng mọi sự xảy ra trong cuộc đời của mỗi con người trong vũ trụ này đều do bàn tay sắp xếp của một “Ông Trời”. Nhưng trong số đó, có lẽ đại đa số người Việt Nam tin vào thuyết này mạnh mẽ hơn. Thậm chí đến khi ăn, gắp miếng thịt đưa lên miệng, chẳng may miếng thịt rớt xuống bát, cũng vội cho là ... ý trời –  “Nhất ẩm nhất trác giai do tiền định”! Xuất phát từ bối cảnh văn hóa và tín ngưỡng như thế, nên có lẽ sẽ là không quá lời khi nói rằng một số không nhỏ Cơ-đốc nhân Việt Nam tin có số trời. Niềm tin này ẩn trong vô thức bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian về luật nhân quả. Qua thời gian nó lồng vào niềm tin “Chúa Quan Phòng” một cách rất tự nhiên. Họ tin có số mệnh vì một sợi tóc trên đầu rơi xuống cũng do Chúa định (Mathiơ 10: 29-31).
Cũng có nhiều Cơ-đốc nhân không tin vào số mệnh nhưng lại không thể làm sáng tỏ vài sự kiện được nêu ra trong Thánh Kinh như việc Giuđa phản bội chẳng hạn. Vì Chúa Giê-xu đã nói trước những gì xảy ra (Mathiơ 26: 24) , nên họ thắc mắc: “Phải chăng hành động của Giuđa Ích-ca-ri-ốt cũng nằm trong chương trình cứu rỗi đã được tiền định? Phải chăng Giuđa chỉ là nạn nhân của một định mệnh cũng như Thúy Kiều phải chịu số kiếp tiền định “thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần”?
Trước hết, chúng ta hãy học hỏi khái niệm tiền định và sự thần hựu của Đức Chúa Trời qua những biến cố được ghi trong Thánh Kinh. Rõ ràng là trong Kinh Thánh – cả kinh Cựu Ước lẫn kinh Tân Ước – đầy dẫy những ý tưởng, những hình ảnh và những lời xác chứng rằng, Đức Chúa Trời là Đấng định đoạt mọi sự việc xảy ra hay nói theo ngôn ngữ của Nguyễn Du là “muôn sự tại trời”. Chúa sắp đặt mọi sự, hành động trong mọi sự và chắc chắn sẽ làm thành mọi sự: Ta tuyên bố sự cuối cùng từ buổi ban đầu,Ta tuyên bố từ thời cổ đại những việc chưa xảy ra. Ta phán: Mục đích của Ta sẽ đứng vững, Ta sẽ làm tất cả những gì Ta đẹp ý… Điều Ta đã phán, Ta sẽ hoàn thành, Điều Ta đã định, Ta sẽ thực hiện” (Esai 46: 10-12). Bởi vì Chúa thành tín đối với những mục đích mà Ngài đã phán truyền, nên việc tìm cách chống cải lại mệnh trời chỉ là vô ích: “Vì Đức Giê-hô-va vạn quân đã toan định, thì ai bãi đi được? Tay Ngài đã dang ra, thì ai day lại được?” (Esai 14: 27)[2]. Chính vì vậy, nên hễ trời đã “bắt phong trần phải phong trần; cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Ai trong chúng ta lại chẳng muốn mình thành đạt và có một cuộc sống sung túc. Thế nhưng, có người thì thành công, đạt được mục đích mong muốn một cách rất thuận lợi và dễ dàng, trong khi đó người khác thì "tận nhân lực" mà vẫn không thể nào “tri thiên mệnh” và còn luôn gặp những khó khăn trở ngại ngoài ý muốn.
Đến đây, chúng ta phải nêu lên câu hỏi rằng, phải chăng Đức Chúa Trời ngăn cản, hạn chế, nếu không muốn nói là tước đoạt hoàn toàn tự do của con người? Mà nếu là như thế thì Thiên Chúa đã làm tổn thương đến phẩm giá cao quý của con người – vì con người chỉ thực sự xứng đáng là người khi có một cuộc sống hoàn toàn tự do mà thôi!
Rõ ràng, một số không ít các điều răn của Chúa được xem như là những ngăn cấm: CHỚ làm điều này, CHỚ làm điều nọ, … khi ấy Thiên Chúa chẳng khác nào viên cảnh sát giao thông. Mà ngay cả những điều răn mang hình thức tích cực, khuyến thiện, như: HÃY làm điều này, HÃY làm điều nọ… cũng được xem như là hạn chế tự do của con người, vì con người buộc phải hướng về một cái THIỆN do Đức Chúa Trời áp đặt, chứ không phải do chính con người mình tự thiết định ra.
Nhưng thế nào là tự do? Trong đời sống hàng ngày có vẻ như ta rất tự do. Ta muốn đi, đứng, nằm, ngồi, hay làm bất cứ việc gì đó, tất cả là do quyết định của ta, tức là do ý chí của ta. Nhưng có đôi khi ta lại thấy dường như không phải vậy. Ngay cả đối với bản thân ta nhiều khi – và oái ăm thay là rất nhiều khi – ta chẳng có quyết định gì được cả. Ta không muốn già, không muốn bệnh, nhưng cơ thể vẫn cứ già, cứ bệnh. Hoặc ta rất muốn có đủ khôn ngoan để bươn chãi với đời, hoặc ta rất muốn hoàn tất một dự định, hoặc ta rất muốn thành đạt; nhưng muốn là một chuyện, còn có thực hiện được không lại là một chuyện khác. Cầu thủ được phân công đá quả phạt đền rất muốn sút vào khung thành đối phương, tất cả cổ động viên của đội bóng ngồi trên khán đài đều muốn như thế, nhưng muốn là một chuyện, còn bóng có đi vào lưới hay không đó là chuyện khác. Rõ ràng là “Việc toan liệu của lòng thuộc về loài người; Còn sự đáp lời của lưỡi do Đức Giê-hô-va mà đến!” (Châm ngôn 16: 1).  
Nói đến tự do, người ta thường đề cập đến hai kiểu tự do: tự do bên ngoài hay tự do ngoại tại và tự do bên trong hay tự do nội tại. Tự do bên ngoài thường được hiểu như là không bị bất cứ một cái gì bên ngoài cản trở, muốn làm gì thì làm: tôi muốn nằm ngủ hay muốn cầu nguyện hoặc muốn vào quán bar nhậu nhẹt, … đều được, không bị ai ngăn cấm, không bị ai cản trở cả, … thế là tôi có tự do bên ngoài. Theo nghĩa này thì một dòng nước chảy xuôi từ nguồn ra biển không bị cản trở; một nồi nước đun sôi, hơi nước bốc lên không bị nắp vung chặn lại… cũng có thể xem như là được tự do bên ngoài. Và một người sống buông thả theo dục vọng, không bị điều kiện vật lý hạn chế, không bị luật lệ xã hội ngăn cấm, cũng được xem như là có tự do bên ngoài. Muốn có loại tự do này, con người phải đấu tranh hoặc về phương diện kỹ thuật hoặc về phương diện chính trị, xã hội.
Về loại tự do bên trong thì có nhiều triết thuyết phủ nhận rằng con người không có thứ tự do này, vì con người cũng như các vạn vật khác đều do luật tất định hay mặc định (default) chi phối hoàn toàn. Chắc chắn là chúng ta có bị quy trình hóa. Anh thích đàn bà, chị thích đàn ông, là một quy trình hiển nhiên. Thế nhưng, người ta vẫn nghĩ là mình có tự do chọn lựa. Những anh ‘ba phải’ thì cho là có tự do chọn lựa, nhưng tự do đó bị hạn chế trong một số chọn lựa đã được “lập trình” sẵn. Người viết nghĩ rằng khi nói “tôi chọn” thì vấn đề nằm ở cái “tôi” nhiều hơn là sự “chọn”. Cái tôi chỉ là một tập hợp do những nhân duyên phức tạp cấu tạo nên, vì thế sự chọn lựa không thể là gì khác hơn là kết quả của những nhân duyên ảnh hưởng vào nó. Vì thế, sứ đồ Phao-lô đã nói: “tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là chính Chúa sống trong tôi”. Tức là sự lựa chọn của tôi trong cuộc sống tùy thuộc những Quy Luật kết tụ trong điều mà ta gọi là Ý Chúa.
Ở đây ta đi từ giả sử là con người CÓ thứ tự do bên trong này để xem như vậy thì Thiên Chúa có cản trở hay tước đoạt tự do này của con người hay không.
Nhưng tự do này là gì? Là con người khác hẳn các vật khác ở chỗ con người có khả năng khởi đầu tuyệt đối, không bị mặc định bởi bất cứ cái gì trước đó, ngay cả đối với chính mình trong quá khứ cũng không. Tự do này không phải là ở chỗ muốn gì làm nấy, mà là ở chỗ: có thể muốn cái gì tự mình khởi điểm ngay trong hiện tại chứ không có ngoại vật mà cũng không có quá khứ bản thân tất định.
Thứ tự do này (nếu có) chính là cái làm cho con người vượt lên trên tất cả mọi loài gần như sánh ngang với Đức Chúa Trời. Vì sự tự do này làm cho con người có khả năng sáng tạo (nghĩa là làm ra cái mới hoàn toàn, không có cái gì có trước làm nên cả, chẳng khác gì Chúa sáng tạo từ hư không). Vì vậy, có người bảo rằng Đức Chúa Trời tạo nên con người theo hình ảnh của Ngài tức là tạo nên con người tự do theo nghĩa này. Mà quả vậy, ta sẽ thấy ngay cả sự toàn năng của Đức Chúa Trời cũng phải bó tay trước sự tự do của con người, và rồi sự chí ái của Ngài cũng đành bất lực trước sự tự do của con người, khi mà con người trả lời “KHÔNG” trước ân sủng của Tình Yêu Thiên Chúa.
Bây giờ, chúng ta thử xét xem Đức Chúa Trời có hạn chế sự tự do bên ngoài của con người không? Sở dĩ chúng ta có cảm tưởng Đức Chúa Trời hạn chế, tước đoạt tự do bên ngoài của con người, là vì chúng ta thấy rằng nhiều ước muốn của mình bị các điều răn cản trở. Chúng ta phải nhìn nhận rằng vì những thiếu sót sai lầm trong nền giáo dục mà các “điều răn” của Thiên Chúa – đối với một số người chưa trưởng thành đủ – còn mang một bộ mặt áp chế, thường kèm theo sự hăm doạ. Nhưng thực ra mà nói, trong một giai đoạn nào đó, hình thức “răn đe” đôi khi cũng cần thiết và hữu ích (vì trong chúng ta, ai có lòng thành thực khiêm tốn mà lại không nhìn nhận rằng, dẫu đến lúc “đầu râu tóc bạc” rồi, mà có khi chúng ta vẫn còn “sợ ăn đòn” – thứ rào cản cuối cùng giúp ta khỏi bị cơn lốc dục vọng lôi cuốn vào vực thẳm sa đoạ) để dần huấn luyện con người đi đến chỗ làm chủ lấy chính mình ngõ hầu tự mình lựa chọn và trung thành với nấc thang giá trị làm tiêu chuẩn cho cuộc sống, để trở nên người tự do, bên ngoài không bị ngoại vật chi phối, bên trong không bị dục vọng lôi cuốn nhận chìm. Mới nhìn qua thì hơi mâu thuẫn, nhưng mục đích của răn đe, chính là để hướng dẫn con người từ từ tiến lên trình độ tự điều khiển chính mình không cần ai răn đe nữa. Tại sao như thế? Chính là vì con người có tự do (bên trong) vậy!
Chúng ta có thể nói như thế này: Tất cả vạn vật trừ con người ra đều đạt tới kết cuộc (the end) của mình, thể hiện được chính mình một cách trọn vẹn tuyệt hảo vì chúng đều do luật mặc định chi phối: một tảng đá, trọng lượng bao nhiêu đó, nằm trên một mặt nghiêng với một độ dốc bao nhiêu đó, thì nhất định sẽ lăn xuống với một tốc độ nào đó, và sẽ ngừng ở một điểm nhất định nào đó, vào một thời điểm nào đó. Một nụ hoa nào đó, với độ nắng mưa nào đó, đã được vun xới, bón phân với mức độ nào đó, thì nhất định sẽ nở ra như thế nào đó, và cuối cùng sẽ tàn rụng lúc nhất định nào đó… Nhất nhất mọi sự đều tuyệt hảo, không sai một li, một tấc nào cả! Có lẽ vì vậy mà khi tạo nên mọi sự - trừ con người, Đức Chúa Trời đều thấy là “tốt lành”, vì tất cả đều răm rắp hiện ra trong sự hữu hình của mình cách vẹn toàn, hoàn hảo đúng y như quy luật do bản chất của mình,  thể hiện chính mình một cách tuyệt mức, không hơn được mà cũng không kém được. Nhưng có một điều là chúng không tự thể hiện chính mình, mà hoàn toàn bị thể hiện, bị chi phối theo luật mặc định! Vì vậy, chẳng ai khen một trụ cầu chịu đựng được sức nặng hàng tấn, cũng chẳng ai chê một chiếc đòn gánh gãy vì quá yếu không kham nổi một trọng lượng quá lớn, chẳng ai cười một bông hoa nở muộn, hay chẳng ai hoan hô một chồi non mọc sớm v.v… Cũng vì vậy mà Đức Chúa Trời chẳng phải răn đe khuyến khích, mời mọc hay hăm doạ gì cả, hay không ai mất công hô hào hoặc đe doạ để cho một cội mai vàng nở đúng ngày xuân.
Thế nhưng, với con người thì khác hẳn! Một mặt con người cũng chỉ đạt được kết cuộc của mình, thể hiện được chính mình bằng cách sống đúng theo bản tính trung thực, đích đáng của mình – tức là sống đúng theo phẩm giá con người. Tức là cũng phải theo những quy luật phù hợp với bản tính, với kết cuộc của mình mới đạt được hạnh phúc đích thực của mình, cũng tương tự như vạn vật đều tuân theo các quy luật tự nhiên vậy! Nhưng phước thay, vinh thay, hoặc là khốn thay – những quy luật của con người, không mặc định chi phối con người, mà phải do con người tự nhận thức lấy, tự chọn lấy và tự thực hành lấy! Biết đâu chẳng phải vì vậy mà Đức Chúa Trời đã thấy là “rất tốt lành” sau khi dựng nên con người đó sao (?)
Con người có khả năng tự chọn lấy, tự làm lấy những điều ngược lại với quy luật của mình, và như thế tự đi lệch ra ngoài con đường đúng đắn, và hụt mất cứu cánh hay kết cuộc (the end) của mình, tự huỷ lấy mình, tự đánh mất chính mình: mất linh hồn là vậy đấy! Thiên Chúa vì không muốn con người bị mặc định – và mặc định thì vô tri, vô giác, đâu còn là con người nữa – mà để cho con người hoàn toàn tự do, tự quyết định lấy, tự lựa chọn lấy, để hoặc là tự thể hiện chính mình, đạt được kết cuộc – hạnh phúc thật của mình, hoặc là tự đánh mất, tự đày ải mình, tự mình làm hụt mất kết cuộc hạnh phúc của mình. “Ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, sự phước lành và sự rủa sả. Vậy, hãy chọn sự sống, hầu cho ngươi và dòng dõi ngươi được sống” (Phục truyền 30: 19)
Những giới hạn của Thiên Chúa là những mũi tên chỉ đường cho con người biết đâu là đường sống, còn theo hay không, Thiên Chúa nhường quyền hoàn toàn cho con người TỰ DO quyết định. Những điều răn chẳng những không vi phạm đến tự do con người, mà còn giúp cho con người nhận thức đúng để TỰ mình chọn lấy con đường sống hay con đường chết một cách có ý thức: Tiếng nói lương tâm không phải là một mệnh lệnh độc đoán áp chế, trái lại đó là lời cảnh tỉnh, là tiếng chuông báo động, là mũi tên, bảng hiệu vẽ đường chỉ lối, là lời mời mọc ân cần, âu yếm nhưng nghiêm túc đứng đắn (chứ không phải đường mật quyến rũ, dụ dỗ) để con người tự do mà chọn lựa; con người có toàn quyền tự bịt mắt, bưng tai, ngoảnh mặt lại đi vào chỗ chết mà!
Chẳng những Thiên Chúa không cưỡng bức ép buộc, mà Ngài cũng không hề doạ dẫm: Ngài chỉ nói rõ cho biết là hậu quả sẽ ra sao, rồi mong con người tỉnh ngộ mà thôi. Nếu trong Thánh Kinh có những lời xem ra như doạ nạt, thì cũng như mẹ doạ con vì thương con, chứ bản chất là những lời thiết tha nài nỉ van xin con người hãy tự mình trở lại, của một thân vị có tự do đến một thân vị có tự do, tôn trọng chờ đợi lời đáp trả trong tự do tuyệt đối chứ không hề có gì là cưỡng ép cả! Và có thể nói cả chương trình Cứu rỗi: lựa chọn dân Do Thái, gởi các tiên tri, gởi chính Con Một của Ngài thành lập Hội Thánh cho đến ngày tận thế, cũng chỉ là những phương thế để gởi lời mời gọi tha thiết đến người tình phụ đã tự do chối bỏ Tình Yêu! Ai đã yêu cũng đều biết tình yêu chỉ có thể có được trong tự do mà thôi, vì nếu phạm đến tự do thì là cưỡng hôn chứ đâu còn có tình yêu nữa!
Mari có một vị trí quan trọng trong chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Nhưng rõ ràng Mari không phải là “nạn nhân” của một định mệnh. Thiên Chúa sai Gáp-ri-ên đến thông báo cho Mari thánh ý của Ngài nhưng câu trả lời “xin vâng” hay “xin không” là tùy ở Mari. Thánh Kinh cho chúng ta thấy Chúa Giê-xu không hề chấp nhận hành động của Giuđa Ich-ca-ri-ốt. Há chẳng phải Ngài đã cảnh báo nhiều lần về sự sai lầm của người đó sao (Mathiơ 26:21-25). Nếu Giuđa là công cụ của cái gọi là số mệnh, Chúa Giê-xu đã không phản ứng như thế.
Đọc truyện Kiều, từ bậc trí thức đến kẻ thường dân đều cho là phản ánh tích cực nhất về triết thuyết "thiên mệnh" hay còn gọi là "định mệnh". Từ đó, người ta đã hè nhau than thở, khóc lóc bằng bút mực, suốt trên hai trăm năm, để tỏ ý xót thương cho số phận cay nghiệt của nàng, và đổ riệt cái đại tội ác đức này cho Trời cao (!) Nhưng trong hoàn cảnh đó liệu con người có thể hay có quyền chọn khác đi không? Thúy Kiều có thể chọn lựa khác thay vì “bán mình” để chuộc cha nàng không? Xét trong tất cả các hành vi và ngôn ngữ của nàng Kiều, kể từ khi mới gặp Kim Trọng nhân dịp lễ Thanh Minh, cho đến ngày nàng gieo mình xuống sông Tiền Đường, để phủi sạch nợ trần, đều chứng tỏ cách hết sức rõ rệt: nàng ĐÃ CÓ THỂ có những quyết định khác và kết quả cũng sẽ khác thay vì “thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần” trong cuộc đời 15 năm lưu lạc, ê chề, "sống làm vợ khắp người ta, hại thay thác xuống làm ma không chồng” của nàng.
A-đam đã có thể chọn không nghe theo Ê-va; Giô-sép có thể chọn một người con gái khác làm vợ thay vì Mari, và mỗi một người được Chúa kêu gọi cách đặc biệt này hôm nay có thể từ chối sự mời gọi này, nếu họ muốn. Phật Giáo gọi điều này là mệnh hay là định mệnh tự tạo. Còn trong ngôn từ Cơ-đốc giáo, ta gọi là ý chí tự do hay là sự tự do chọn lựa của con người.
Như vậy, hành động của con người nằm trong chương trình của Đức Chúa Trời. Con người có quyền tự quyết, có quyền nói “vâng” hoặc nói “không” trước lời mời gọi hay cảnh báo của Thiên Chúa. Thế nhưng, liệu rằng chương trình toàn diện của Đức Chúa Trời có triệt tiêu động cơ hành động của con người hay không? Nếu như Ngài đã làm cho chắc chắn điều sẽ xảy ra thì những gì con người chọn lựa có thực sự tạo ra tác dụng gì so với điều sẽ xảy ra không? Liệu có thể “hóa giải” được Thiên Mệnh trên một cá nhân, một cộng đồng, một quốc gia, … qua sự chọn lựa khác đi của con người chăng?
Người viết thích thú với cách trả lời của Erickson cho vấn đề này. Theo đó, nếu Đức Chúa Trời làm cho kết cuộc trở thành chắc chắn, thì chương trình của Ngài cũng bao gồm cả những phương tiện để đi đến kết cuộc này. Công tắc điện không khiến cho bóng đèn phát sáng nhưng nó là công cụ cần yếu để bóng đèn có thể kết nối được với điện – nguồn năng lượng khiến cho bóng tỏa sáng. Thế thì, hành động của con người không thay đổi điều mà Chúa đã định thực hiện. Hành động của con người là phương tiện mà qua đó Ngài làm trọn mục đích của Ngài.
Về một khía cạnh nào đó thì khái niệm tiền định của Đức Chúa Trời  có ý nghĩa tương tự như ý niệm định mệnh của người Hy Lạp khi cho rằng số phận con người là do ý chí của một sức mạnh siêu nhân. Tuy nhiên, điều mà Kinh Thánh nhấn mạnh là ý chí và chủ đích riêng tư của Chúa, trong khi ý tưởng thần hựu (providence) lại bao hàm và cần đến ý niệm tự do của con người. Ý chí của Chúa được thực hiện thông qua ý chí và hành động con người.
Thật bí ẩn, ở chừng mực nào đó mà con người không thể thấu hiểu nổi, thần hựu kết hợp sự tiền định thiêng thượng với tự do con người. Trong Kinh Thánh, con người có thể phản đối ý chí của Chúa hoặc cưỡng chống lại sứ mệnh đã được giao phó, nhưng sau cùng ý chí của Chúa cũng sẽ thắng vượt và con người sẽ phục tùng nó. Dự án của Chúa gạt qua một bên mọi dự án của con người và bắt ý chí con người phục tùng ý chí của Ngài. Nhưng thiên hựu không phải bất biến như định mệnh. Nó dành chỗ cho tự do con người.
Mặc dù được nhà tiên tri lưỡng lự Giô-na của Chúa báo trước thảm họa, dân chúng thành Ninive vẫn được cứu thoát, vì họ biết hối lỗi. Dự định của Chúa là cứu chuộc, chứ không phải kết án. Trí khôn và sức mạnh siêu việt của Chúa đem điều thiện ra từ cái ác, đem sự đón nhận ra từ sự khước từ. Các nhà tiên tri ngoại giáo, trái lại, nói trước những gì bị kết án sẽ diễn ra và không thể diễn ra khác đi được.
Tóm lại,  Đức Chúa Trời có sẵn mục tiêu cho vũ trụ là đưa vạn vật tới mức trọn hảo và cho con người sống với Thiên Chúa trên thiên đàng. Mục tiêu tối hậu này chính là sự tiền định của Chúa. Vì con người không thể tự mình đạt mục tiêu, nên con người cần sự trợ giúp của Đức Chúa Trời. Sự trợ giúp này được gọi là sự thần hựu của Thiên Chúa. Sự thần hựu là sự nâng đỡ trong yêu thương. Khái niệm về mục tiêu và sự thần hựu thường được nhiều người diễn dịch lệch lạc như là một định mệnh. Thực ra mục tiêu chỉ là lời hứa của Đức Chúa Trời  và sự thần hựu chỉ là lời mời gọi hợp tác hướng về một viễn tượng huy hoàng. Mục tiêu “trở nên hoàn hảo để về sống cùng Chúa” là cái đích để hướng tới chứ không phải là một áp chế. Đức Chúa Trời muốn con người, trong ý chí tự do, cộng tác với Ngài để hoàn tất công trình sáng tạo. Quyết định thế nào là tùy thuộc nơi mỗi một chúng ta. Nguyện xin Chúa bởi Thần Linh Ngài cảm động lòng mỗi một người trên dương thế “vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Ngài”. A-men.
(Bài khóa luận của MSB, Môn Thần Học Hệ Thống 1, M.Div, UUC, 9/2008)




[1] Thư Viện Hoa Sen. Phật Học Vấn Đáp, câu hỏi 55. Online. Truy cập ngày 16/9/2008
[2] Millard. Erickson. Thần Học Cơ Đốc Giáo, Tập I. Hà nội: NXB Văn Hóa Thông Tin, 2007, 380-381

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

ĐỜI LÀ MỘT CHỮ T

Cuộc đời và chức vụ trên đất của Chúa Giê-xu là một mẫu mực toàn hảo cho mọi khía cạnh của đời sống chúng ta, từ riêng đến chung. Ai cũng mong có được một đời sống và chức vụ thành công như thế. Chúng ta thử nhìn xem một ‘trích đoạn’ trong chức vụ của Ngài
Đang khi Đức Chúa Jêsus phán các điều đó, xảy có người cai nhà hội kia bước vào, quì lạy trước mặt Ngài mà thưa rằng: Con gái tôi mới chết; xin Chúa đến, đặt tay trên nó, thì nó sẽ được sống. Đức Chúa Jêsus bèn đứng dậy, cùng môn đồ Ngài đều đi theo người.
Nầy, có một người đàn bà mắc bịnh mất huyết đã mười hai năm, lại gần sau lưng mà rờ trôn áo Ngài. Vì người đàn bà ấy tự nghĩ rằng: Nếu ta chỉ rờ áo Ngài, thì cũng sẽ được lành. Đức Chúa Jêsus xây mặt lại, thấy người đàn bà, thì phán rằng: Hỡi con, hãy vững lòng, đức tin con đã làm cho con được lành. Liền trong giờ đó, người đàn bà lành bịnh.
Khi Đức Chúa Jêsus đến nhà người cai nhà hội, thấy bọn thổi sáo, và chúng làm om sòm, thì phán rằng: Các ngươi hãy lui ra; con gái nhỏ nầy chẳng phải chết đâu, nhưng nó ngủ. Chúng nghe thì chê cười Ngài. Bọn đó đã bị đuổi ra rồi, Ngài bèn vào, cầm lấy tay đứa gái, thì nó liền chờ dậy. Tin nầy đồn ra khắp cả xứ đó.
Đức Chúa Jêsus ở đó ra đi, có hai người mù theo Ngài mà kêu rằng: Hỡi con cháu vua Đa-vít, xin thương chúng tôi cùng! Khi Ngài đã vào nhà rồi, hai người mù đến; Ngài bèn phán rằng: Hai ngươi tin ta làm được điều hai ngươi ao ước sao? Họ thưa rằng: Lạy Chúa, được. Ngài bèn rờ mắt hai người mà phán rằng: Theo như đức tin các ngươi, phải được thành vậy. Mắt hai người liền mở. Đức Chúa Jêsus lấy giọng nghiêm phán rằng: Hãy giữ, đừng cho ai biết chuyện nầy. Song lúc hai người ra khỏi nhà, thì đồn danh tiếng Ngài khắp cả xứ.
Khi đi khỏi chỗ đó, thì người ta đem tới cho Ngài một người câm bị quỉ ám. Quỉ bị đuổi ra rồi, thì người câm nói được. Đoàn dân lấy làm lạ mà nói rằng: Không hề bao giờ thấy sự như vậy trong dân Y-sơ-ra-ên. Nhưng người Pha-ri-si lại nói rằng: Người nầy cậy phép chúa quỉ mà trừ quỉ.
Đức Chúa Jêsus đi khắp các thành, các làng, dạy dỗ trong các nhà hội, giảng tin lành nước Đức Chúa Trời, và chữa lành các thứ tật bịnh. Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương xót, vì họ cùng khốn, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn. Ngài bèn phán cùng môn đồ rằng: Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình. (Mathiơ 9: 18-38)
Vây quanh Giê-xu là những điều gì? Bịnh tật, quỷ ám, vu khống. Đó là nan đề. Tại sao Giê-xu không bị nhấn chìm trong biển nan đề đó để rồi BỎ CUỘC, THỐI LUI? Ngược lại, Ngài tiếp tục đi khắp các thành, các làng để GIẢNG, DẠY, CHỮA BỆNH. Nói cách khác, Ngài vẫn tiếp tục sống cho Đức Chúa Trời, sống cho lý tưởng mà Ngài đã chọn. Từ phân đoạn Kinh Thánh trên, ta có thể nhận ra 3 điều cần yếu quyết định sự thành công của một người phục vụ Chúa. Đó là: một tầm nhìn đúng, một tấm lòng thương xót và một đời sống thực tế. Hay nói gọn cho dễ nhớ thì rằng, “Đời Là Một Chữ T”
I.      Người Hầu Việc Chúa Cần Phải Có Tầm – Một Tầm Nhìn Đúng
Khi đề cập đến việc phải có một Tầm Nhìn Đúng, thì có nghĩa là đã và hiện đang có một Tầm Nhìn Sai. Tầm nhìn sai chính là cái nhìn tự nhiên. Cái nhìn chỉ toàn thấy nan đề, tiêu cực, bất lợi, chỉ toàn thấy khổ, lỗ, và ... đổ!
Chuyện thường tình là con người ta không ai thích khổ, không ai thích thú khi phải giải quyết nhu cầu, đối diện nan đề. Thế nhưng, nếu đời mà không còn nhu cầu, đời mà không có nan đề thì … còn gì là đời! Mà nếu không còn nan đề, không có nhu cầu thì thử hỏi còn ai cần đến người phục vụ, là anh chị em và tôi.
Nhớ lại nhiều năm về trước khi còn thường xuyên ra Bắc, mỗi lần trở về tôi thường than thở với Chúa: “Chúa ơi, lần này là lần cuối. Con sẽ không đi miền Bắc nữa đâu”. Câu trả lời tôi nhận được là: “Nếu anh em con ngoài đó đã trưởng thành hết, trọn vẹn hết thì Ta đâu cần con ra đấy làm gì!”
Hỡi các bạn đồng lao yêu dấu của tôi, anh chị em thấy gì nơi hôn nhân, gia đình, nơi người bạn đời và con cái của mình? Anh chị em nhìn thấy gì nơi người lãnh đạo, nơi bạn đồng lao, nơi mục vụ, hay nơi những thành viên trong hội thánh của mình?
Phải chăng anh chị em chỉ nhìn thấy toàn nan đề, rắc rối, thương tổn? Phải chăng anh chị em đang mệt mõi, nao sờn khi nhìn thấy xung quanh mình, từ bản thân, gia đình đến mục vụ toàn là một gam màu tối? Phải chăng anh chị em đang ấm áp tư tưởng trốn chạy thực tại?
Nếu anh chị em đang thực sự đang ở trong tình trạng như thế thì hãy dừng lại. Đơn giản là tháo ‘cặp kính màu’ trên mắt ra. Khi đấy, sự vật vẫn là sự vật đấy nhưng chắc chắn là với gam màu khác.
Cùng một hiện tượng như nhau nhưng cái nhìn của Chúa Jesus khác biệt với cách nhìn tự nhiên. Ngài đánh giá sự vật bằng cái nhìn siêu nhiêu, cái nhìn đức tin. Chúa không nhìn thấy nơi bệnh tật, quỷ ám, sự vu khống là nan đề, là tai họa mà là CƠ HỘI để hoàn thành ý muốn của Đức Chúa Cha trên đời sống của mình, cơ hội để hoàn thành lý tưởng sống của Ngài. Đó là trở nên nguồn phúc cho người khác. Đó cũng chính là lý do tại sao Chúa Giê-xu nhìn thấy nơi đoàn dân đông đảo kia là MÙA GẶT BỘI THU
Khi không còn nhìn thấy đoàn dân đông là nan đề thì Chúa Giê-xu cũng không còn nhìn thấy nơi họ sự bất lợi hay phiền toái nữa. Ngược lại, Ngài nhìn thấy nơi nhu cầu của họ CƠ HỘI PHỤC VỤ. Mà đã là cơ hội phục vụ thì không còn là khổ nữa mà là SƯỚNG, sung sướng được phục vụ!
Chính vì được Chúa ban cho tầm nhìn này mà biết bao tôi tớ Chúa, từ ngày xưa cho đến tận hôm nay, vẫn luôn tìm thấy niềm hứng khởi phục vụ giữa chốn lao tù, giữa vòng những người bị bệnh lây nhiễm, tại những vùng quê còn lắm đói nghèo, thiếu thốn hay tại những miền đất còn rất thù ghét đối với Phúc Âm.
Tại sao có quá nhiều người ngày hôm nay không thể nhìn thấy mùa gặt, dù Chúa Giê-xu khẳng định rằng mùa gặt thì thật trúng?
Vì có lẽ, mắt họ đang nhìn xuống chăng. Vì nhìn xuống nên chỉ thấy cái BỤNG, tức là chỉ thấy nhu cầu của riêng mình, chỉ tập chú thỏa mãn nhu cầu vật chất của cá nhân mình mà thôi. Lo cho nhu cầu vật chất của riêng mình không có gì là sai trật cả, chúng ta được chọn để hưởng phước kia mà. Thế nhưng dừng quên rằng, chúng ta được chọn không chỉ để hưởng phước mà còn để trở thành nguồn phước cho người khác nữa.
“Hãy ngước mắt lên và xem những cánh đồng đã vàng sẵn sàng cho mùa gặt” (Giăng 4: 35)
Hãy “ngước mắt lên” để có được một tầm nhìn đúng, một cái nhìn đức tin nơi những con người, công việc và môi trường mà bạn tiếp xúc trực tiếp, cũng như gián tiếp mỗi ngày. Nếu bạn chịu ‘ngước mắt lên’ thì bạn sẽ thấy được những cơ hội phục vụ, những cơ hội giúp đỡ, … vô cùng lớn lao
II.    Người Hầu Việc Chúa Cần Phải Có Tâm – Một Tấm Lòng Thương Xót
Bao giờ cũng vậy, hễ nhận định sai thì sẽ dẫn đến thái độ sai và ngược lại. Có thể nói, tầm nhìn quyết  định thái độ của tấm lòng. Nếu chúng ta cho rằng những người mà chúng ta thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ, làm việc chung là những kẻ ‘báo đời’, ăn hại thì chúng ta sẽ khinh dể, tìm cách xa lánh, tống khứ họ. Ngược lại, nếu chúng ta thấy rằng đây là những người có ích lợi cho ta trong việc dạy ta biết yêu thương, biết lãnh đạo, … thì lòng ta sẽ trở nên quí trọng và thương xót họ.
Bản thân tôi nhận được nhiều bài học bổ ích khi vợ chồng chúng tôi chăm sóc những đứa trẻ đường phố, mồ côi cơ nhỡ trước đây và những bầy ‘chiên thơ’ hiện nay.
Phải chăng, lòng thương xót chính là điều mà những người hầu việc Chúa, con dân Chúa ngày hôm nay đang thiếu. Chúng ta thiếu một tấm lòng thương xót, đồng cảm thực sự đối với những người xung quanh.
Chúng ta không còn biết vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc. Chúng ta trở nên dửng dưng với nan đề của những người xung quanh. Nếu không phải là bổn phận bắt buộc thì chúng ta dễ trở nên vô trách nhiệm.
Thay vì lòng thương cảm là sự ganh tị. Thay vì yên ủi là xa lánh, là nói hành, bêu xấu lẫn nhau. Tại sao chúng ta là con của Đấng yêu thương nhưng chúng ta không còn có thể yêu thương người khác, không còn có thể hy sinh vì người khác, hy sinh cho cơ nghiệp của Đức Chúa Trời.
Khi có cái nhìn đúng, Chúa Giê-xu nhìn thấy tất cả những người đến với Ngài là những đối tượng cần được và đáng được yêu thương, những đối tượng cần được tiếp đãi, cần được chăm sóc, giúp đỡ.
Tuy nhiên, cũng tồn tại trường hợp là có tầm nhưng lại không có tâm. Nếu chúng ta chỉ có tầm nhìn đúng mà không có tình, không có tâm thì những việc chúng ta làm cũng chỉ là máy móc mà thôi. Không có tấm lòng thương xót chúng ta không thể tiếp tục công việc khi nghịch cảnh xảy ra đâu. Đó là lý do mà có nhiều người bỏ cuộc, chia tay vì không còn có LÒNG (tình) với nhau nữa.
Nếu không có lòng (tâm) thì dù bạn có đi làm chứng hay giảng dạy, … cũng chỉ là bổn phận, trách nhiệm và kết quả chắc chắn là khô hạn mà thôi. Vì thiếu cái tâm nên mới có hiện tượng thiếu con gặt trầm trọng trong mùa gặt của Chúa – mùa gặt linh hồn trong thời điểm cuối cùng.
III.   Người Hầu Việc Chúa Phải Là Một Người Thực Tế
“Mùa gặt thật trúng, nhưng thợ gặt thì ít”. Chúa Giê-xu là một thợ gặt xịn nhưng Ngài vẫn cho rằng ÍT, thiếu. Điều này có nghĩa rằng, cung không đủ cầu. Một mình Giê-xu trong xác thịt là không đủ để chạm đến cả thế giới này! Có thể nói rằng, ở đây Chúa Giê-xu rất thực tế. Ngài nhận biết được giới hạn của chính mình đang khi mặc lấy thân thể phàm nhân như chúng ta.
Bao nhiêu người hầu việc Chúa trong chúng ta ngày hôm nay nhận biết được rằng, mình không thể làm được tất cả mọi việc? Bao nhiêu người lãnh đạo Hội Thánh các cấp ngày hôm nay thực sự nhìn nhận rằng mình cần người giúp đỡ (giúp đỡ chớ không phải giúp việc à nghe!)
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, không bao giờ sói hay sư tử hoạt động (bắt mồi) riêng lẻ cả. Chúng luôn đi theo đàn, ít nữa cũng là một đôi. Hóa ra, có lúc thú khôn hơn người ta ơi.
Căn cứ vào câu nói của Chúa Giê-xu thì rõ ràng rằng mùa gặt không phải là vấn đề. Mà vấn đề nằm ở chỗ con gặt hay thợ gặt. Ấy vậy mà vẫn còn nhiều hội thánh và tôi con Chúa khắp mọi nơi đã và đang rất nhiệt thành, miệt mài cầu xin Chúa cho mùa gặt.
Từ thời Chúa Giê-xu cho đến tận hôm nay, nhu cầu thật là thợ gặt chớ không phải mùa gặt. Hiện chúng ta đang thiếu là thiếu con gặt chớ không phải thiếu mùa gặt. Mùa gặt không hề thiếu, thậm chí là đang rất trúng, trúng lớn theo như lời Chúa phán. Ngay trên không gian ảo (internet, mạng xã hội, …), trong lĩnh vực truyền thông, âm nhạc, giải trí, sách báo, … cũng ‘đang vàng sẵn’ chờ thợ gặt đó thôi.
Này, anh chị em có biết rằng Đức Chúa Trời đang cần thợ gặt không? Nếu anh chị em là con trong gia đình mà hôm nay nhà mình gặt lúa thì anh chị em sẽ làm gì? - Trừ phi bạn nằm viện hoặc không còn sinh hoạt trong gia đình đó, còn thì chắc chắn bạn sẽ có mặt cùng với gia đình trong ngày thu hoạch dù bạn còn bé tí.
Đừng so bì với người khác, đừng chờ đợi nơi người khác, đừng đòi hỏi nhiều nơi người khác nữa. Hãy để cho mọi người cùng tiến vào mùa gặt. Hãy cầu xin Chúa sai con gặt vào trong vụ thu hoạch của Ngài và hãy để chính mình là một thay thợ gặt ‘thứ thiệt’ cho Chúa.

MSB

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

ĐỪNG SỢ, CHỈ TIN MÀ THÔI!

Hành trình theo Chúa là một hành trình phước hạnh nhưng đầy dẫy sự thách thức. Hoạn nạn, khó khăn, thách thức là điều tất yếu. Vấn đề là làm thế nào mà mỗi tín nhân có thể ngẩng cao đầu đi qua hết hoạn nạn này đến thách thức khác. Làm thế nào để mỗi người tin có thể vượt qua mọi trở lực trên bước linh trình với tư cách người chiến thắng? Câu trả lời  là “Đừng sợ, chỉ tin mà thôi!”
Chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời nơi chính Chúa Giê-xu, Đấng đã thực thi quyền năng và tỏ bày chính mình Ngài trong câu chuyện được ký thuật nơi sách Phúc Âm Mác đoạn 5: 21-43
Khi Đức Chúa Jêsus lại xuống thuyền qua bờ bên kia, có đoàn dân đông nhóm họp chung quanh Ngài. Ngài đứng trên bờ biển. Bấy giờ, có một người trong những người cai nhà hội tên là Giai-ru, đến, thấy Đức Chúa Jêsus, bèn gieo mình nơi chân Ngài, nài xin mà rằng: Con gái nhỏ tôi gần chết; xin Chúa đến, đặt tay trên nó, đặng nó lành mạnh và sống. Đức Chúa Jêsus đi với người; đoàn dân đông cùng đi theo và lấn ép Ngài.
Vả, tại đó có một người đàn bà bị bịnh mất huyết đã mười hai năm, bấy lâu chịu khổ sở trong tay nhiều thầy thuốc, hao tốn hết tiền của, mà không thấy đỡ gì; bịnh lại càng nặng thêm. Người đã nghe tin về Đức Chúa Jêsus, bèn lẩn vào đằng sau giữa đám đông, mà rờ áo Ngài. Vì người nói rằng: Nếu ta chỉ rờ đến áo Ngài mà thôi, thì ta sẽ được lành. Cùng một lúc ấy, huyết lậu liền cầm lại; người nghe trong mình đã được lành bịnh. Tức thì Đức Chúa Jêsus tự biết có sức mạnh đã ra từ mình, bèn xây lại giữa đám đông mà hỏi rằng: Ai đã rờ áo ta? Môn đồ thưa rằng: Thầy thấy đám đông lấn ép thầy, thầy còn hỏi rằng: Ai rờ đến ta? Ngài nhìn xung quanh mình để xem người đã làm điều đó. Người đàn bà biết sự đã xảy đến cho mình, bèn run sợ đến gieo mình dưới chân Ngài, tỏ hết tình thật. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hỡi con gái ta, đức tin con đã cứu con; hãy đi cho bình an và được lành bịnh.
Đương khi Ngài còn phán, có kẻ đến từ nhà người cai nhà hội mà nói với người rằng: Con gái ông đã chết rồi; còn phiền Thầy làm chi? Nhưng Đức Chúa Jêsus chẳng màng đến lời ấy, phán cùng cai nhà hội rằng: Đừng sợ, chỉ tin mà thôi. Ngài chẳng cho ai theo mình, trừ ra Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng là em Gia-cơ. Khi đã đến nhà người cai nhà hội, Ngài thấy chúng làm om sòm, kẻ khóc người kêu lớn tiếng. Vào nhà rồi, Ngài phán cùng chúng rằng: Sao các ngươi làm ồn ào và khóc lóc vậy? Đứa trẻ chẳng phải chết, song nó ngủ. Chúng nhạo báng Ngài. Ngài bèn đuổi chúng ra hết, đem cha mẹ đứa trẻ với những kẻ theo Ngài, cùng vào chỗ nó nằm. Ngài nắm tay nó mà phán rằng: Ta-li-tha Cu-mi; nghĩa là: Hỡi con gái nhỏ, ta truyền cho mầy, hãy chờ dậy. Tức thì đứa gái chờ dậy mà bước đi, vì đã lên mười hai tuổi. Chúng rất lấy làm lạ. Ngài cấm ngặt chúng đừng cho ai biết sự ấy, và truyền cho đứa trẻ ăn.
I.      Chúa Giê-Xu - Đấng Đáp Lời Cầu Xin Của Chúng Ta
Trong Giê-rê-mi 33: 3 Chúa mời gọi “Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho; ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết”.
Lại một nơi khác, trong Phúc Âm Mathiơ 11: 28, Chúa tiếp tục: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ”. Do đó, bất kỳ ai có nhu cầu, đều có thể chạy đến với Chúa. Bạn đang có nhu cầu? Hãy đến với Chúa Giê-xu, Ngài sẵn sàng lắng nghe bạn và có câu trả lời thỏa đáng cho bạn.
Nếu đọc Kinh Thánh, nhất là các sách Phúc Âm chúng ta sẽ thấy rằng, bất kỳ nơi đâu Chúa Giê-xu xuất hiện, nơi đó liền có người tìm đến, dù là chuồng chiên máng cỏ, sa mạc, nhà thờ, nhà riêng hay bên bờ biển. Tại sao? Vì Ngài là Nguồn sự sống, là Cha từ ái; vì Ngài luôn có câu trả lời cho mọi nhu cầu của mỗi một chúng ta.
Chúng ta hãy trở lại với phần Kinh Thánh vừa đọc: một đám đông vây quanh Chúa, thậm chí lấn ép Chúa vì ai cũng muốn chen vào để “chộ” mặt Chúa. Một đám đông vây quanh Chúa nhưng chỉ có một người quỳ phủ phục trước mặt Chúa. Người đó tên là Giai-ru.
Vào thời bấy giờ, bất cứ nơi nào có cộng đồng người Do thái sinh sống, đều có những nhà nguyện gọi là nhà hội được xây dựng. Đây là nơi người Do thái thờ phượng Đức Chúa Trời vào dịp cuối tuần. Một người được cử ra làm quản lý nhà hội này với nhiệm vụ không chỉ coi sóc tài sản chung mà còn tham gia vào việc thờ tự hàng tuần nữa. Nói chung đây là một địa vị được tôn trọng, có quyền lực cùng quyền lợi trong cộng đồng. Và Giai-ru là một người quản lý như thế.
Thế nhưng, nan đề của vị quản lý này là có một đứa con gái – mà theo sách Luca 8: 42 là đứa con gái độc nhất - bị bệnh thập tử nhất sinh. Với một địa vị, quyền thế, giàu có như thế, lại là đứa con gái duy nhất thì lẽ đương nhiên Giai-ru đã chạy đủ thầy, đủ thuốc rồi. Vậy tại sao giờ ông lại hớt ha hớt hải chạy đến gieo mình trước mặt Chúa Giê-xu? – Vì hết cách rồi.
Đường đường là một người quản lý nhà hội quyền cao, chức trọng trong xã hội lại đi quỳ phủ phục trước Giê-xu trước cả một đoàn dân đông đảo như thế thì còn gì là sĩ diện, còn gì là uy tín. Nhiều người ngày hôm nay không vượt qua được rào cản này nên đã đánh mất cơ hội để nhận được sự cứu rỗi cho chính mình, cho gia đình của mình.
Hành động của Giai-ru có thể là ngu dại trong mắt của con người nhưng đó lại là hành động khôn ngoan trong mắt Đức Chúa Trời. Sớm hay muộn thì mỗi một người từng sống trên đất này cũng phải quỳ gối trước mặt Giê-xu như lời Chúa đã phán trong thơ Philip 2: 10 rằng, “nghe đến Danh Giê-xu, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất thảy đều quỳ xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Giê-xu Christ là Chúa mà tôn vinh ĐCT là Đức Chúa Cha”. Có đều quỳ gối trước Ngài để hưởng ơn cứu rỗi hay quỳ gối trước Ngài để nghe tuyên án mà thôi. Nếu hôm nay, chúng ta quỳ gối xưng nhận Giê-xu là Chúa và là Cứu Chúa thì ta sẽ nhận được sự sống đời đời và được làm con Thiên Chúa. Còn nếu ta để đến kỳ chung kết đời mới quỳ thì hồ lửa đời đời sẽ là điều chờ đợi chúng ta. Được quỳ hay là bị quỳ, hãy chọn cho mình một thời điểm đúng.
Khi Giai-ru nài xin Chúa “Con gái nhỏ tôi gần chết; xin Chúa đến, đặt tay trên nó, đặng nó lành mạnh và sống” thì Chúa liền đi cùng ông. Chúa Giê-xu không quở trách Giai-ru rằng, tại sao giờ mới đến; Chúa không phân biệt người này với kẻ kia: quan chức hay dân thường, giàu hay nghèo, già hay trẻ, dân Chúa hay người lương, … bất kỳ ai, miễn là người ấy có nhu cầu và tin cậy Chúa thì Ngài liền giúp cho.
Đấng nhận lời cầu xin của Giai-ru năm xưa, hiện đang ở đây. Ngài đang sẵn lòng lắng nghe lời khẩn nguyện của quý vị. Hãy hạ lòng xuống trước Chúa mà nói rằng, “Lạy Chúa, xin hãy đến đặt tay trên con, hoặc trên … nan đề của con để nó được lành, hoặc được giải quyết”. Nếu bạn tin như thế và đã nói cách xác quyết như thế thì Chúa Giê-xu đang đến cùng bạn.
Nhưng … công ty bảo hiểm prudence cũng từng ra rả, “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” đấy thôi. Vâng, đúng là như thế nhưng không một người nào, một đấng bậc nào, một tổ chức nào có thể nói rằng, “luôn luôn đáp ứng mọi nan đề của chúng ta”. Tại sao? - Ấy là vì  lực bất tòng tâm.
Duy chỉ có Giê-xu mới có thể gọi mời mỗi một người trên trần thế rằng, “hỡi những kẻ mệt mỏi …”, “hãy kêu cầu Ta …”. Ấy chính vì Ngài là Đấng Toàn năng, tức là việc gì Chúa cũng làm được, việc gì cũng là “chuyện nhỏ” đối với Chúa.
II.    Chúa Giê-xu - Đấng Toàn Năng
Mời được Chúa Giê-xu về nhà để chữa lành cho con là điều vui mừng đối với Giai-ru rồi. Thế nhưng, điều lo sợ nhất trong lòng của ông là gì? – Không kịp, vì Kinh Thánh kể rằng, con ông đang hấp hối. Và điều lo sợ nhất đối với ông đã đến.
Điều này cũng tương tự như ngày hôm nay khi ta nghe bác sĩ báo rằng, người thân của mình mắc chứng bệnh nan y, đang vào thời kỳ cuối. Điều này cũng tương tự như khi người ta nói với bạn rằng, bịnh của anh là hết thuốc rồi; tình trạng hôn nhân của chị là hết cách rồi, con của ông bà là vô phương cứu chữa rồi.
Nếu chính bạn hoặc người thân của bạn đang ở trong tình trạng như thế thì hãy nghe lời của Chúa Giê-xu muốn phán trực tiếp cùng bạn buổi tối hôm nay: “Đừng sợ, chỉ tin mà thôi!”. Đối với con người chết là hết nhưng đối với Chúa Giê-xu chết chưa phải là hết, vì Ngài là sự sống và là sự sống lại. Đối với con người thì tình trạng bệnh tật, hôn nhân, tài chánh, gia đình, … của bạn là hết đường, hết cửa rồi. Nhưng hôm nay, Chúa sai tôi báo cho bạn một tin mừng: vẫn còn một cánh cửa, một lối ra cho tình trạng của bạn. Cánh cửa đó, lối ra đó, tức đường thoát đó có tên là Giê-xu. Vì Ngài là “đường đi, chân lý và sự sống”. Nếu ai bởi cửa đó mà thoát thì sẽ được cứu rỗi, họ sẽ ra và gặp đồng cỏ xanh tươi thay vì sa mạc khốn cùng.
Khi nghe tin dữ từ người nhà Giai-ru, Kinh Thánh kể rằng, Chúa Giê-xu “không màng” đến những lời đó. Không phải là Chúa Giê-xu không nghe, không biết tình trạng hiện tại của con gái Giai-ru, mà là không màng, không quan tâm hay nói nôm na là không thèm chấp mấy cái chuyện vớ vẩn, mấy chuyện đối với Chúa là ‘bé bằng lỗ mũi’ đó.
Nói cách khác, tình trạng bệnh tật của con gái Giai-ru chẳng ảnh hưởng gì đến quyền năng siêu việt của Chúa cả. Cũng một thể ấy, tình trạng bệnh tật của bạn hay người thân của bạn, tình trạng hôn nhân, tài chánh, con cái của bạn dù lớn đến đâu, bi thảm đến đâu, nặng nề đến đâu cũng không khó khăn gì cho Chúa Giê-xu trong việc chữa lành hay giải quyết cả. Dù tình trạng của chúng ta có bi đát đến mấy, sự sống của chúng ta chỉ còn đếm từng ngày đi nữa thì cũng chẳng ‘xi-nhê’ gì đến quyền năng quá đỗi lớn lao của Đức Chúa Trời. Đó chính là lý do mà Chúa Giê-xu khẳng định chắc nịch với Giai-ru rằng, “đừng sợ, chỉ tin mà thôi”.
Nếu bạn tin lời Chúa Giê-xu như Giai-ru đã từng tin; Nếu bạn phó thác nan đề của mình trong tay Chúa, dù không còn gì để hy vọng; Nếu bạnvâng lời Chúa “tống cổ” đám khóc mướn - tức là tống khứ những lời nói tiêu cực, xúi quẩy ra khỏi tâm trí của mình, thì phép lạ mà Chúa Giê-xu đã làm tại nhà Giai-ru năm xưa cũng sẽ xảy ra với bạn và gia đình bạn ngay hôm nay. Chúa Giê-xu Christ hôm qua, hôm nay và cho đến đời đời không hề thay đổi. Ngài là Đấng không hề thiên vị. Chúa không ở tận ngoài bờ biển để chúng ta phải chạy ra đến đó để thỉnh cầu, Ngài đang ở tại đây.
Bao nhiêu người trong bạn sẵn lòng chạy đến với Chúa giờ này để gieo mình trước mặt Chúa và tin nhận Ngài làm Cứu Chúa; bao nhiêu người trong bạnđang có tật bệnh trong thân thể mình muốn nhận được sự chữa lành bởi Chúa hôm nay?

MSB

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

CẦU THAY CHO NGƯỜI


Cầu nguyện không là chỉ là mạng lịnh của Đức Chúa Trời mà còn là nhu cầu sống còn của một người tin Chúa. Cầu nguyện không chỉ có cầu xin mà còn có xưng tội, tôn vinh, cảm tạ và cầu thay nữa. Thực ra, cầu thay cũng là cầu xin nhưng là xin cho người chớ không phải xin cho mình. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau học về sự cầu thay. Đoạn Kinh Thánh được sử dụng làm nền tảng là Mathiơ 8: 5-13 và Thánh thi 107: 20 sẽ được chọn làm câu gốc cho bài học này.

Khi Đức Giê-su vào thành Ca-pha-na-um, một đội trưởng đến xin Ngài: “Thưa Thầy, người đầy tớ của tôi bị bệnh bại liệt đang nằm tại nhà đau đớn vô cùng.” Ngài phán: “Ta sẽ đến chữa lành cho nó.” Nhưng viên đội trưởng đáp: “Thưa Thầy, tôi không xứng đáng tiếp Thầy vào nhà. Xin Thầy chỉ truyền một lời, đầy tớ tôi sẽ được lành. Vì tôi ở dưới quyền người khác, cũng có binh sĩ dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Hãy đi’, thì nó đi, và bảo người kia: ‘Hãy đến’, thì nó đến; hoặc bảo đầy tớ của tôi: ‘Hãy làm việc này’, thì nó làm.” Nghe vậy, Đức Giê-su lấy làm ngạc nhiên; Ngài bảo những người theo mình: “Thật, Ta bảo các con, Ta không thấy ai trong dân Y-sơ-ra-ên có đức tin như thế này. Ta cho các con biết: Nhiều người từ phương đông, phương tây sẽ đến và ngồi đồng bàn với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp trong Nước Thiên Đàng. Nhưng những người đáng lẽ thừa hưởng Nước Thiên Đàng sẽ bị ném ra nơi tối tăm, ở đó sẽ có than khóc và rên xiết.” Đức Giê-su phán bảo viên đội trưởng: “Hãy đi! Con sẽ được như điều mình tin.” Ngay giờ đó người đầy tớ của ông được lành. (Mathiơ 8: 5-13)
“Ngài ban lời của Ngài đến và chữa lành cho họ; Ngài giải cứu họ khỏi huyệt sâu” (Thánh Thi 107: 20)
I.      Để cầu thay cho người khác cách hiệu quả, chúng ta cần có lòng thương xót
Đội trưởng là một sĩ quan quân đội, chỉ huy 100 binh lính. Ông là một người La-mã, tức là dân ngoại bang chớ không phải là người Do Thái, dân thuộc về Chúa
Người đội trưởng là hình ảnh của một người không thuộc về Chúa. Ông không phải là con dân Chúa như chúng ta, nhưng ông vẫn có thể chạy đến với Chúa để kêu cầu. Chúa không những không trách mắng hay xua đuổi mà còn nhanh chóng nhận lời cầu xin của ông.
Nếu một người chưa phải là con dân Chúa mà còn được Chúa nhận lời cầu xin như thế, thì tôi và mỗi một anh chị em sẽ được Chúa nhận lời cầu xin càng hơn là dường nào, nếu chúng ta chạy đến kêu cầu với Ngài.
Người đội trưởng này không cầu xin cho cá nhân mình mà là cầu xin cho người khác – xin Chúa chữa lành cho người đầy tớ của mình. Đây là trường hợp cầu thay, tức là cầu xin cho người khác.
Đây là trường hợp hy hữu vì ít khi người chỉ huy quân đội La-mã lại quan tâm đến quân lính của mình như thế. Việc người đội trưởng này biết đầy tớ của mình bị bại là chuyện tự nhiên, nhưng ông còn biết nó “đang nằm tại nhà đau đớn vô cùng” thì lại là chuyện khác. Điều đó nói lên lòng cảm thông, sự thương xót mà ông dành cho đầy tớ của mình.
Để có thể cầu thay – tức là cầu xin cho người khác – cách hiệu quả, chúng ta cần phải có lòng thương xót, một tấm lòng cảm thông và cưu mang cho chính người mà ta cầu thay cho. Đây chính là chỗ mà những người đã từng trãi qua sự đau ốm, tật nguyền, … rất dễ cảm thông, cưu mang cho những người có cùng cảnh ngộ như mình lúc chưa được lành. Do đó, lời cầu nguyện của họ thường rất hiệu quả.
Người đội trưởng này là một người đầy lòng thương xót đối với đầy tớ của mình, tức là những người dưới quyền của mình. Bởi lòng thương xót này mà ông đã chạy đến với Chúa để cầu xin sự chữa lành cho người đầy tớ và Chúa đã nhanh chóng nhận lời cầu xin của ông.
II.    Để cầu thay cho người khác cách hiệu quả, chúng ta cần có đức tin nơi Chúa
Người đội trưởng được Chúa Giê-xu khen là có đức tin lớn. “Đức tin lớn” của ông thể hiện chỗ nào? – Ở chỗ ông cho rằng, Chúa không cần phải đến gặp hay đến để đặt tay trên đầy tớ của ông, mà chỉ cần “truyền một lời” thôi, thì đầy tớ ông sẽ được lành.
Căn cứ vào đâu mà người sĩ quan này lại xác quyết như thế? – Vào trật tự của uy quyền. Đó là: trên bảo, dưới phải nghe hay cấp trên ra lịnh thì cấp dưới phải chấp hành, dù là nói trực tiếp hay là thông báo gián tiếp qua văn bản, giấy tờ. Dù người dưới có thích với điều người trên bảo hay không hoặc cấp dưới có đồng ý với mệnh lệnh của cấp trên hay không thì cấp dưới vẫn phải thi hành chớ không được quyền kháng lịnh.
Kinh Thánh không cho chúng ta biết, bởi đâu mà người đội trưởng biết được rằng, Chúa Giê-xu có uy quyền trên tất cả mọi bịnh tật. Nhưng rõ ràng, điều ông nói là hoàn toàn chính xác: mọi tật bịnh, đau ốm đều phải quy phục uy quyền của Chúa Giê-xu.
“… Đức Chúa Trời đã tôn Ngài lên và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh hiệu; Để khi nghe đến danh của Đức Giê-su, mọi đầu gối trên trời dưới đất, bên dưới đất đều phải quỳ xuống, và mọi lưỡi phải tuyên xưng Chúa Cứu Thế Giê-su là Chúa mà tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha” (Philip 2: 9-11).
Đó là quyền năng Ngài đã thực hiện trong Đấng Christ khi khiến Đấng Christ từ cõi chết sống lại, và đặt ngồi bên phải Ngài trong các nơi trên trời, vượt trên tất cả mọi quyền thống trị, mọi thẩm quyền, mọi thế lực, mọi chủ quyền, và mọi danh hiệu, không chỉ trong đời nầy mà cả đời sắp đến nữa. Ngài đã đặt vạn vật dưới chân Đấng Christ và lập Đấng Christ làm đầu mọi sự vì Hội Thánh (Epheso 1: 20-22)
Những phân đoạn Kinh Thánh trên cho chúng ta biết rằng, Chúa Giê-xu hiện đang cầm quyền cai trị trên cả cõi trời đất này. “Mọi đầu gối” hay “mọi danh xưng – tên gọi” dù trên trời cao kia hay dưới đất thấp này, đều phải phục dưới chân của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nếu đã là “mọi đầu gối”, “mọi tên gọi” thì có tên một loại bịnh tật hay dịch lệ nào mà không phục dưới uy quyền của Chúa Giê-xu không?
Thế thì, khi Chúa Giê-xu bảo với bịnh ung thư: “Hãy ra khỏi người này!”, hay Chúa truyền cho viêm loét dạ dày: “hãy lìa khỏi người nọ!”, thì điều gì sẽ xảy ra? – Những bịnh tật đó, dù không muốn, cũng phải vâng lời Ngài mà ra khỏi người bịnh. Uy quyền là như thế.
Và mỗi khi đến với Chúa để cầu xin sự chữa lành cho cá nhân mình hay cho người khác thì chính chúng ta cần phải biết rõ rằng, Chúa Giê-xu đang nắm quyền trên mọi tật bệnh, đau ốm và hãy tin chắc như thế. Đó là loại đức tin mà Chúa gọi là đức tin lớn và là loại đức tin mà Chúa muốn nhìn thấy nơi mỗi một chúng ta.
III.   Lời cầu thay của chúng ta sẽ được Chúa nhận theo như điều chúng ta tin
Không phải bởi đức tin của người đầy tớ bị bại liệt mà là bởi đức tin của người đội trưởng đã đem lại sự chữa lành cho người đầy tớ. Bởi đức tin của chúng ta, sự chữa lành từ nơi Chúa sẽ đến trên những người thân trong gia đình của mình, và thậm chí – như trong trường hợp người đội trưởng – ngay cả những người không bà con ruột thịt gì, nếu được ta cưu mang cầu thay thì Chúa vẫn có thể chữa lành cho họ.
Rõ ràng là Chúa đã sẵn sàng đến tận nơi để chữa lành cho người đầy tớ bị bại liệt nhưng người đội trưởng yêu cầu rằng, Chúa chỉ cần phán một lời là đủ, không cần phải đến tận nơi. Như vậy, Chúa không chỉ nhận lời cầu xin của người đội trưởng chữa lành cho đầy tớ của ông đang bị bại liệt mà Ngài còn chữa lành theo cách ông ta tin nữa.
Cách người đội trưởng tin là gì? – Chúa chỉ cần phán một lời thì đầy tớ của ông hết bại liệt ngay. Nói cách khác, ông đã cầu xin Chúa thế này: “Chúa ơi, không cần Chúa phải đến tận nơi để đặt tay trên đầy tớ của con. Chúa chỉ cần truyền một tiếng cho bịnh bại liệt thôi thì bịnh bại liệt sẽ lìa khỏi và đầy tớ con sẽ lành ngay lập tức. Con tin như vậy và con xin Ngài nhậm lời cầu xin của con”.
Và Chúa đã nhận lời ông: Hãy đi! Con sẽ được như điều mình tin”. Kinh Thánh thuật lại rằng, “ngay giờ đó người đầy tớ của ông được lành”. Điều này có nghĩa là khi ông về đến nhà, thì đầy tớ của ông đã có thể chạy ra đón ông từ ngoài cổng, chớ không còn nằm bất động, đau đớn trên giường như trước nữa.
Anh chị em ơi, Chúa Giê-xu mà chữa lành cho người đầy tớ khỏi bịnh bại liệt năm xưa cũng chính là Chúa Giê-xu mà mỗi một chúng ta đang thờ phượng. Kinh Thánh trong Hê-bơ-rơ 13: 8 dạy rằng, Ngài không hề thay đổi.
Mặt khác, một sĩ quan quân đội không phải là con dân Chúa mà còn biết chạy đến với Chúa của chúng ta để cầu xin sự chữa lành cho một đứa đầy tớ của mình, thì chúng ta không thể chạy đến với Ngài để cầu xin sự chữa lành cho người thân của mình, anh chị em của mình trong hội thánh sao?
Một sĩ quan quân đội không phải là con dân Chúa mà Chúa còn nhận lời cầu xin của người thì chẳng lẽ, Chúa không nhận lời của bạn và tôi là con dân của Ngài sao?
MSB