Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

ĐỜI LÀ MỘT CHỮ T

Cuộc đời và chức vụ trên đất của Chúa Giê-xu là một mẫu mực toàn hảo cho mọi khía cạnh của đời sống chúng ta, từ riêng đến chung. Ai cũng mong có được một đời sống và chức vụ thành công như thế. Chúng ta thử nhìn xem một ‘trích đoạn’ trong chức vụ của Ngài
Đang khi Đức Chúa Jêsus phán các điều đó, xảy có người cai nhà hội kia bước vào, quì lạy trước mặt Ngài mà thưa rằng: Con gái tôi mới chết; xin Chúa đến, đặt tay trên nó, thì nó sẽ được sống. Đức Chúa Jêsus bèn đứng dậy, cùng môn đồ Ngài đều đi theo người.
Nầy, có một người đàn bà mắc bịnh mất huyết đã mười hai năm, lại gần sau lưng mà rờ trôn áo Ngài. Vì người đàn bà ấy tự nghĩ rằng: Nếu ta chỉ rờ áo Ngài, thì cũng sẽ được lành. Đức Chúa Jêsus xây mặt lại, thấy người đàn bà, thì phán rằng: Hỡi con, hãy vững lòng, đức tin con đã làm cho con được lành. Liền trong giờ đó, người đàn bà lành bịnh.
Khi Đức Chúa Jêsus đến nhà người cai nhà hội, thấy bọn thổi sáo, và chúng làm om sòm, thì phán rằng: Các ngươi hãy lui ra; con gái nhỏ nầy chẳng phải chết đâu, nhưng nó ngủ. Chúng nghe thì chê cười Ngài. Bọn đó đã bị đuổi ra rồi, Ngài bèn vào, cầm lấy tay đứa gái, thì nó liền chờ dậy. Tin nầy đồn ra khắp cả xứ đó.
Đức Chúa Jêsus ở đó ra đi, có hai người mù theo Ngài mà kêu rằng: Hỡi con cháu vua Đa-vít, xin thương chúng tôi cùng! Khi Ngài đã vào nhà rồi, hai người mù đến; Ngài bèn phán rằng: Hai ngươi tin ta làm được điều hai ngươi ao ước sao? Họ thưa rằng: Lạy Chúa, được. Ngài bèn rờ mắt hai người mà phán rằng: Theo như đức tin các ngươi, phải được thành vậy. Mắt hai người liền mở. Đức Chúa Jêsus lấy giọng nghiêm phán rằng: Hãy giữ, đừng cho ai biết chuyện nầy. Song lúc hai người ra khỏi nhà, thì đồn danh tiếng Ngài khắp cả xứ.
Khi đi khỏi chỗ đó, thì người ta đem tới cho Ngài một người câm bị quỉ ám. Quỉ bị đuổi ra rồi, thì người câm nói được. Đoàn dân lấy làm lạ mà nói rằng: Không hề bao giờ thấy sự như vậy trong dân Y-sơ-ra-ên. Nhưng người Pha-ri-si lại nói rằng: Người nầy cậy phép chúa quỉ mà trừ quỉ.
Đức Chúa Jêsus đi khắp các thành, các làng, dạy dỗ trong các nhà hội, giảng tin lành nước Đức Chúa Trời, và chữa lành các thứ tật bịnh. Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương xót, vì họ cùng khốn, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn. Ngài bèn phán cùng môn đồ rằng: Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình. (Mathiơ 9: 18-38)
Vây quanh Giê-xu là những điều gì? Bịnh tật, quỷ ám, vu khống. Đó là nan đề. Tại sao Giê-xu không bị nhấn chìm trong biển nan đề đó để rồi BỎ CUỘC, THỐI LUI? Ngược lại, Ngài tiếp tục đi khắp các thành, các làng để GIẢNG, DẠY, CHỮA BỆNH. Nói cách khác, Ngài vẫn tiếp tục sống cho Đức Chúa Trời, sống cho lý tưởng mà Ngài đã chọn. Từ phân đoạn Kinh Thánh trên, ta có thể nhận ra 3 điều cần yếu quyết định sự thành công của một người phục vụ Chúa. Đó là: một tầm nhìn đúng, một tấm lòng thương xót và một đời sống thực tế. Hay nói gọn cho dễ nhớ thì rằng, “Đời Là Một Chữ T”
I.      Người Hầu Việc Chúa Cần Phải Có Tầm – Một Tầm Nhìn Đúng
Khi đề cập đến việc phải có một Tầm Nhìn Đúng, thì có nghĩa là đã và hiện đang có một Tầm Nhìn Sai. Tầm nhìn sai chính là cái nhìn tự nhiên. Cái nhìn chỉ toàn thấy nan đề, tiêu cực, bất lợi, chỉ toàn thấy khổ, lỗ, và ... đổ!
Chuyện thường tình là con người ta không ai thích khổ, không ai thích thú khi phải giải quyết nhu cầu, đối diện nan đề. Thế nhưng, nếu đời mà không còn nhu cầu, đời mà không có nan đề thì … còn gì là đời! Mà nếu không còn nan đề, không có nhu cầu thì thử hỏi còn ai cần đến người phục vụ, là anh chị em và tôi.
Nhớ lại nhiều năm về trước khi còn thường xuyên ra Bắc, mỗi lần trở về tôi thường than thở với Chúa: “Chúa ơi, lần này là lần cuối. Con sẽ không đi miền Bắc nữa đâu”. Câu trả lời tôi nhận được là: “Nếu anh em con ngoài đó đã trưởng thành hết, trọn vẹn hết thì Ta đâu cần con ra đấy làm gì!”
Hỡi các bạn đồng lao yêu dấu của tôi, anh chị em thấy gì nơi hôn nhân, gia đình, nơi người bạn đời và con cái của mình? Anh chị em nhìn thấy gì nơi người lãnh đạo, nơi bạn đồng lao, nơi mục vụ, hay nơi những thành viên trong hội thánh của mình?
Phải chăng anh chị em chỉ nhìn thấy toàn nan đề, rắc rối, thương tổn? Phải chăng anh chị em đang mệt mõi, nao sờn khi nhìn thấy xung quanh mình, từ bản thân, gia đình đến mục vụ toàn là một gam màu tối? Phải chăng anh chị em đang ấm áp tư tưởng trốn chạy thực tại?
Nếu anh chị em đang thực sự đang ở trong tình trạng như thế thì hãy dừng lại. Đơn giản là tháo ‘cặp kính màu’ trên mắt ra. Khi đấy, sự vật vẫn là sự vật đấy nhưng chắc chắn là với gam màu khác.
Cùng một hiện tượng như nhau nhưng cái nhìn của Chúa Jesus khác biệt với cách nhìn tự nhiên. Ngài đánh giá sự vật bằng cái nhìn siêu nhiêu, cái nhìn đức tin. Chúa không nhìn thấy nơi bệnh tật, quỷ ám, sự vu khống là nan đề, là tai họa mà là CƠ HỘI để hoàn thành ý muốn của Đức Chúa Cha trên đời sống của mình, cơ hội để hoàn thành lý tưởng sống của Ngài. Đó là trở nên nguồn phúc cho người khác. Đó cũng chính là lý do tại sao Chúa Giê-xu nhìn thấy nơi đoàn dân đông đảo kia là MÙA GẶT BỘI THU
Khi không còn nhìn thấy đoàn dân đông là nan đề thì Chúa Giê-xu cũng không còn nhìn thấy nơi họ sự bất lợi hay phiền toái nữa. Ngược lại, Ngài nhìn thấy nơi nhu cầu của họ CƠ HỘI PHỤC VỤ. Mà đã là cơ hội phục vụ thì không còn là khổ nữa mà là SƯỚNG, sung sướng được phục vụ!
Chính vì được Chúa ban cho tầm nhìn này mà biết bao tôi tớ Chúa, từ ngày xưa cho đến tận hôm nay, vẫn luôn tìm thấy niềm hứng khởi phục vụ giữa chốn lao tù, giữa vòng những người bị bệnh lây nhiễm, tại những vùng quê còn lắm đói nghèo, thiếu thốn hay tại những miền đất còn rất thù ghét đối với Phúc Âm.
Tại sao có quá nhiều người ngày hôm nay không thể nhìn thấy mùa gặt, dù Chúa Giê-xu khẳng định rằng mùa gặt thì thật trúng?
Vì có lẽ, mắt họ đang nhìn xuống chăng. Vì nhìn xuống nên chỉ thấy cái BỤNG, tức là chỉ thấy nhu cầu của riêng mình, chỉ tập chú thỏa mãn nhu cầu vật chất của cá nhân mình mà thôi. Lo cho nhu cầu vật chất của riêng mình không có gì là sai trật cả, chúng ta được chọn để hưởng phước kia mà. Thế nhưng dừng quên rằng, chúng ta được chọn không chỉ để hưởng phước mà còn để trở thành nguồn phước cho người khác nữa.
“Hãy ngước mắt lên và xem những cánh đồng đã vàng sẵn sàng cho mùa gặt” (Giăng 4: 35)
Hãy “ngước mắt lên” để có được một tầm nhìn đúng, một cái nhìn đức tin nơi những con người, công việc và môi trường mà bạn tiếp xúc trực tiếp, cũng như gián tiếp mỗi ngày. Nếu bạn chịu ‘ngước mắt lên’ thì bạn sẽ thấy được những cơ hội phục vụ, những cơ hội giúp đỡ, … vô cùng lớn lao
II.    Người Hầu Việc Chúa Cần Phải Có Tâm – Một Tấm Lòng Thương Xót
Bao giờ cũng vậy, hễ nhận định sai thì sẽ dẫn đến thái độ sai và ngược lại. Có thể nói, tầm nhìn quyết  định thái độ của tấm lòng. Nếu chúng ta cho rằng những người mà chúng ta thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ, làm việc chung là những kẻ ‘báo đời’, ăn hại thì chúng ta sẽ khinh dể, tìm cách xa lánh, tống khứ họ. Ngược lại, nếu chúng ta thấy rằng đây là những người có ích lợi cho ta trong việc dạy ta biết yêu thương, biết lãnh đạo, … thì lòng ta sẽ trở nên quí trọng và thương xót họ.
Bản thân tôi nhận được nhiều bài học bổ ích khi vợ chồng chúng tôi chăm sóc những đứa trẻ đường phố, mồ côi cơ nhỡ trước đây và những bầy ‘chiên thơ’ hiện nay.
Phải chăng, lòng thương xót chính là điều mà những người hầu việc Chúa, con dân Chúa ngày hôm nay đang thiếu. Chúng ta thiếu một tấm lòng thương xót, đồng cảm thực sự đối với những người xung quanh.
Chúng ta không còn biết vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc. Chúng ta trở nên dửng dưng với nan đề của những người xung quanh. Nếu không phải là bổn phận bắt buộc thì chúng ta dễ trở nên vô trách nhiệm.
Thay vì lòng thương cảm là sự ganh tị. Thay vì yên ủi là xa lánh, là nói hành, bêu xấu lẫn nhau. Tại sao chúng ta là con của Đấng yêu thương nhưng chúng ta không còn có thể yêu thương người khác, không còn có thể hy sinh vì người khác, hy sinh cho cơ nghiệp của Đức Chúa Trời.
Khi có cái nhìn đúng, Chúa Giê-xu nhìn thấy tất cả những người đến với Ngài là những đối tượng cần được và đáng được yêu thương, những đối tượng cần được tiếp đãi, cần được chăm sóc, giúp đỡ.
Tuy nhiên, cũng tồn tại trường hợp là có tầm nhưng lại không có tâm. Nếu chúng ta chỉ có tầm nhìn đúng mà không có tình, không có tâm thì những việc chúng ta làm cũng chỉ là máy móc mà thôi. Không có tấm lòng thương xót chúng ta không thể tiếp tục công việc khi nghịch cảnh xảy ra đâu. Đó là lý do mà có nhiều người bỏ cuộc, chia tay vì không còn có LÒNG (tình) với nhau nữa.
Nếu không có lòng (tâm) thì dù bạn có đi làm chứng hay giảng dạy, … cũng chỉ là bổn phận, trách nhiệm và kết quả chắc chắn là khô hạn mà thôi. Vì thiếu cái tâm nên mới có hiện tượng thiếu con gặt trầm trọng trong mùa gặt của Chúa – mùa gặt linh hồn trong thời điểm cuối cùng.
III.   Người Hầu Việc Chúa Phải Là Một Người Thực Tế
“Mùa gặt thật trúng, nhưng thợ gặt thì ít”. Chúa Giê-xu là một thợ gặt xịn nhưng Ngài vẫn cho rằng ÍT, thiếu. Điều này có nghĩa rằng, cung không đủ cầu. Một mình Giê-xu trong xác thịt là không đủ để chạm đến cả thế giới này! Có thể nói rằng, ở đây Chúa Giê-xu rất thực tế. Ngài nhận biết được giới hạn của chính mình đang khi mặc lấy thân thể phàm nhân như chúng ta.
Bao nhiêu người hầu việc Chúa trong chúng ta ngày hôm nay nhận biết được rằng, mình không thể làm được tất cả mọi việc? Bao nhiêu người lãnh đạo Hội Thánh các cấp ngày hôm nay thực sự nhìn nhận rằng mình cần người giúp đỡ (giúp đỡ chớ không phải giúp việc à nghe!)
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, không bao giờ sói hay sư tử hoạt động (bắt mồi) riêng lẻ cả. Chúng luôn đi theo đàn, ít nữa cũng là một đôi. Hóa ra, có lúc thú khôn hơn người ta ơi.
Căn cứ vào câu nói của Chúa Giê-xu thì rõ ràng rằng mùa gặt không phải là vấn đề. Mà vấn đề nằm ở chỗ con gặt hay thợ gặt. Ấy vậy mà vẫn còn nhiều hội thánh và tôi con Chúa khắp mọi nơi đã và đang rất nhiệt thành, miệt mài cầu xin Chúa cho mùa gặt.
Từ thời Chúa Giê-xu cho đến tận hôm nay, nhu cầu thật là thợ gặt chớ không phải mùa gặt. Hiện chúng ta đang thiếu là thiếu con gặt chớ không phải thiếu mùa gặt. Mùa gặt không hề thiếu, thậm chí là đang rất trúng, trúng lớn theo như lời Chúa phán. Ngay trên không gian ảo (internet, mạng xã hội, …), trong lĩnh vực truyền thông, âm nhạc, giải trí, sách báo, … cũng ‘đang vàng sẵn’ chờ thợ gặt đó thôi.
Này, anh chị em có biết rằng Đức Chúa Trời đang cần thợ gặt không? Nếu anh chị em là con trong gia đình mà hôm nay nhà mình gặt lúa thì anh chị em sẽ làm gì? - Trừ phi bạn nằm viện hoặc không còn sinh hoạt trong gia đình đó, còn thì chắc chắn bạn sẽ có mặt cùng với gia đình trong ngày thu hoạch dù bạn còn bé tí.
Đừng so bì với người khác, đừng chờ đợi nơi người khác, đừng đòi hỏi nhiều nơi người khác nữa. Hãy để cho mọi người cùng tiến vào mùa gặt. Hãy cầu xin Chúa sai con gặt vào trong vụ thu hoạch của Ngài và hãy để chính mình là một thay thợ gặt ‘thứ thiệt’ cho Chúa.

MSB

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

ĐỪNG SỢ, CHỈ TIN MÀ THÔI!

Hành trình theo Chúa là một hành trình phước hạnh nhưng đầy dẫy sự thách thức. Hoạn nạn, khó khăn, thách thức là điều tất yếu. Vấn đề là làm thế nào mà mỗi tín nhân có thể ngẩng cao đầu đi qua hết hoạn nạn này đến thách thức khác. Làm thế nào để mỗi người tin có thể vượt qua mọi trở lực trên bước linh trình với tư cách người chiến thắng? Câu trả lời  là “Đừng sợ, chỉ tin mà thôi!”
Chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời nơi chính Chúa Giê-xu, Đấng đã thực thi quyền năng và tỏ bày chính mình Ngài trong câu chuyện được ký thuật nơi sách Phúc Âm Mác đoạn 5: 21-43
Khi Đức Chúa Jêsus lại xuống thuyền qua bờ bên kia, có đoàn dân đông nhóm họp chung quanh Ngài. Ngài đứng trên bờ biển. Bấy giờ, có một người trong những người cai nhà hội tên là Giai-ru, đến, thấy Đức Chúa Jêsus, bèn gieo mình nơi chân Ngài, nài xin mà rằng: Con gái nhỏ tôi gần chết; xin Chúa đến, đặt tay trên nó, đặng nó lành mạnh và sống. Đức Chúa Jêsus đi với người; đoàn dân đông cùng đi theo và lấn ép Ngài.
Vả, tại đó có một người đàn bà bị bịnh mất huyết đã mười hai năm, bấy lâu chịu khổ sở trong tay nhiều thầy thuốc, hao tốn hết tiền của, mà không thấy đỡ gì; bịnh lại càng nặng thêm. Người đã nghe tin về Đức Chúa Jêsus, bèn lẩn vào đằng sau giữa đám đông, mà rờ áo Ngài. Vì người nói rằng: Nếu ta chỉ rờ đến áo Ngài mà thôi, thì ta sẽ được lành. Cùng một lúc ấy, huyết lậu liền cầm lại; người nghe trong mình đã được lành bịnh. Tức thì Đức Chúa Jêsus tự biết có sức mạnh đã ra từ mình, bèn xây lại giữa đám đông mà hỏi rằng: Ai đã rờ áo ta? Môn đồ thưa rằng: Thầy thấy đám đông lấn ép thầy, thầy còn hỏi rằng: Ai rờ đến ta? Ngài nhìn xung quanh mình để xem người đã làm điều đó. Người đàn bà biết sự đã xảy đến cho mình, bèn run sợ đến gieo mình dưới chân Ngài, tỏ hết tình thật. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hỡi con gái ta, đức tin con đã cứu con; hãy đi cho bình an và được lành bịnh.
Đương khi Ngài còn phán, có kẻ đến từ nhà người cai nhà hội mà nói với người rằng: Con gái ông đã chết rồi; còn phiền Thầy làm chi? Nhưng Đức Chúa Jêsus chẳng màng đến lời ấy, phán cùng cai nhà hội rằng: Đừng sợ, chỉ tin mà thôi. Ngài chẳng cho ai theo mình, trừ ra Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng là em Gia-cơ. Khi đã đến nhà người cai nhà hội, Ngài thấy chúng làm om sòm, kẻ khóc người kêu lớn tiếng. Vào nhà rồi, Ngài phán cùng chúng rằng: Sao các ngươi làm ồn ào và khóc lóc vậy? Đứa trẻ chẳng phải chết, song nó ngủ. Chúng nhạo báng Ngài. Ngài bèn đuổi chúng ra hết, đem cha mẹ đứa trẻ với những kẻ theo Ngài, cùng vào chỗ nó nằm. Ngài nắm tay nó mà phán rằng: Ta-li-tha Cu-mi; nghĩa là: Hỡi con gái nhỏ, ta truyền cho mầy, hãy chờ dậy. Tức thì đứa gái chờ dậy mà bước đi, vì đã lên mười hai tuổi. Chúng rất lấy làm lạ. Ngài cấm ngặt chúng đừng cho ai biết sự ấy, và truyền cho đứa trẻ ăn.
I.      Chúa Giê-Xu - Đấng Đáp Lời Cầu Xin Của Chúng Ta
Trong Giê-rê-mi 33: 3 Chúa mời gọi “Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho; ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết”.
Lại một nơi khác, trong Phúc Âm Mathiơ 11: 28, Chúa tiếp tục: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ”. Do đó, bất kỳ ai có nhu cầu, đều có thể chạy đến với Chúa. Bạn đang có nhu cầu? Hãy đến với Chúa Giê-xu, Ngài sẵn sàng lắng nghe bạn và có câu trả lời thỏa đáng cho bạn.
Nếu đọc Kinh Thánh, nhất là các sách Phúc Âm chúng ta sẽ thấy rằng, bất kỳ nơi đâu Chúa Giê-xu xuất hiện, nơi đó liền có người tìm đến, dù là chuồng chiên máng cỏ, sa mạc, nhà thờ, nhà riêng hay bên bờ biển. Tại sao? Vì Ngài là Nguồn sự sống, là Cha từ ái; vì Ngài luôn có câu trả lời cho mọi nhu cầu của mỗi một chúng ta.
Chúng ta hãy trở lại với phần Kinh Thánh vừa đọc: một đám đông vây quanh Chúa, thậm chí lấn ép Chúa vì ai cũng muốn chen vào để “chộ” mặt Chúa. Một đám đông vây quanh Chúa nhưng chỉ có một người quỳ phủ phục trước mặt Chúa. Người đó tên là Giai-ru.
Vào thời bấy giờ, bất cứ nơi nào có cộng đồng người Do thái sinh sống, đều có những nhà nguyện gọi là nhà hội được xây dựng. Đây là nơi người Do thái thờ phượng Đức Chúa Trời vào dịp cuối tuần. Một người được cử ra làm quản lý nhà hội này với nhiệm vụ không chỉ coi sóc tài sản chung mà còn tham gia vào việc thờ tự hàng tuần nữa. Nói chung đây là một địa vị được tôn trọng, có quyền lực cùng quyền lợi trong cộng đồng. Và Giai-ru là một người quản lý như thế.
Thế nhưng, nan đề của vị quản lý này là có một đứa con gái – mà theo sách Luca 8: 42 là đứa con gái độc nhất - bị bệnh thập tử nhất sinh. Với một địa vị, quyền thế, giàu có như thế, lại là đứa con gái duy nhất thì lẽ đương nhiên Giai-ru đã chạy đủ thầy, đủ thuốc rồi. Vậy tại sao giờ ông lại hớt ha hớt hải chạy đến gieo mình trước mặt Chúa Giê-xu? – Vì hết cách rồi.
Đường đường là một người quản lý nhà hội quyền cao, chức trọng trong xã hội lại đi quỳ phủ phục trước Giê-xu trước cả một đoàn dân đông đảo như thế thì còn gì là sĩ diện, còn gì là uy tín. Nhiều người ngày hôm nay không vượt qua được rào cản này nên đã đánh mất cơ hội để nhận được sự cứu rỗi cho chính mình, cho gia đình của mình.
Hành động của Giai-ru có thể là ngu dại trong mắt của con người nhưng đó lại là hành động khôn ngoan trong mắt Đức Chúa Trời. Sớm hay muộn thì mỗi một người từng sống trên đất này cũng phải quỳ gối trước mặt Giê-xu như lời Chúa đã phán trong thơ Philip 2: 10 rằng, “nghe đến Danh Giê-xu, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất thảy đều quỳ xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Giê-xu Christ là Chúa mà tôn vinh ĐCT là Đức Chúa Cha”. Có đều quỳ gối trước Ngài để hưởng ơn cứu rỗi hay quỳ gối trước Ngài để nghe tuyên án mà thôi. Nếu hôm nay, chúng ta quỳ gối xưng nhận Giê-xu là Chúa và là Cứu Chúa thì ta sẽ nhận được sự sống đời đời và được làm con Thiên Chúa. Còn nếu ta để đến kỳ chung kết đời mới quỳ thì hồ lửa đời đời sẽ là điều chờ đợi chúng ta. Được quỳ hay là bị quỳ, hãy chọn cho mình một thời điểm đúng.
Khi Giai-ru nài xin Chúa “Con gái nhỏ tôi gần chết; xin Chúa đến, đặt tay trên nó, đặng nó lành mạnh và sống” thì Chúa liền đi cùng ông. Chúa Giê-xu không quở trách Giai-ru rằng, tại sao giờ mới đến; Chúa không phân biệt người này với kẻ kia: quan chức hay dân thường, giàu hay nghèo, già hay trẻ, dân Chúa hay người lương, … bất kỳ ai, miễn là người ấy có nhu cầu và tin cậy Chúa thì Ngài liền giúp cho.
Đấng nhận lời cầu xin của Giai-ru năm xưa, hiện đang ở đây. Ngài đang sẵn lòng lắng nghe lời khẩn nguyện của quý vị. Hãy hạ lòng xuống trước Chúa mà nói rằng, “Lạy Chúa, xin hãy đến đặt tay trên con, hoặc trên … nan đề của con để nó được lành, hoặc được giải quyết”. Nếu bạn tin như thế và đã nói cách xác quyết như thế thì Chúa Giê-xu đang đến cùng bạn.
Nhưng … công ty bảo hiểm prudence cũng từng ra rả, “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” đấy thôi. Vâng, đúng là như thế nhưng không một người nào, một đấng bậc nào, một tổ chức nào có thể nói rằng, “luôn luôn đáp ứng mọi nan đề của chúng ta”. Tại sao? - Ấy là vì  lực bất tòng tâm.
Duy chỉ có Giê-xu mới có thể gọi mời mỗi một người trên trần thế rằng, “hỡi những kẻ mệt mỏi …”, “hãy kêu cầu Ta …”. Ấy chính vì Ngài là Đấng Toàn năng, tức là việc gì Chúa cũng làm được, việc gì cũng là “chuyện nhỏ” đối với Chúa.
II.    Chúa Giê-xu - Đấng Toàn Năng
Mời được Chúa Giê-xu về nhà để chữa lành cho con là điều vui mừng đối với Giai-ru rồi. Thế nhưng, điều lo sợ nhất trong lòng của ông là gì? – Không kịp, vì Kinh Thánh kể rằng, con ông đang hấp hối. Và điều lo sợ nhất đối với ông đã đến.
Điều này cũng tương tự như ngày hôm nay khi ta nghe bác sĩ báo rằng, người thân của mình mắc chứng bệnh nan y, đang vào thời kỳ cuối. Điều này cũng tương tự như khi người ta nói với bạn rằng, bịnh của anh là hết thuốc rồi; tình trạng hôn nhân của chị là hết cách rồi, con của ông bà là vô phương cứu chữa rồi.
Nếu chính bạn hoặc người thân của bạn đang ở trong tình trạng như thế thì hãy nghe lời của Chúa Giê-xu muốn phán trực tiếp cùng bạn buổi tối hôm nay: “Đừng sợ, chỉ tin mà thôi!”. Đối với con người chết là hết nhưng đối với Chúa Giê-xu chết chưa phải là hết, vì Ngài là sự sống và là sự sống lại. Đối với con người thì tình trạng bệnh tật, hôn nhân, tài chánh, gia đình, … của bạn là hết đường, hết cửa rồi. Nhưng hôm nay, Chúa sai tôi báo cho bạn một tin mừng: vẫn còn một cánh cửa, một lối ra cho tình trạng của bạn. Cánh cửa đó, lối ra đó, tức đường thoát đó có tên là Giê-xu. Vì Ngài là “đường đi, chân lý và sự sống”. Nếu ai bởi cửa đó mà thoát thì sẽ được cứu rỗi, họ sẽ ra và gặp đồng cỏ xanh tươi thay vì sa mạc khốn cùng.
Khi nghe tin dữ từ người nhà Giai-ru, Kinh Thánh kể rằng, Chúa Giê-xu “không màng” đến những lời đó. Không phải là Chúa Giê-xu không nghe, không biết tình trạng hiện tại của con gái Giai-ru, mà là không màng, không quan tâm hay nói nôm na là không thèm chấp mấy cái chuyện vớ vẩn, mấy chuyện đối với Chúa là ‘bé bằng lỗ mũi’ đó.
Nói cách khác, tình trạng bệnh tật của con gái Giai-ru chẳng ảnh hưởng gì đến quyền năng siêu việt của Chúa cả. Cũng một thể ấy, tình trạng bệnh tật của bạn hay người thân của bạn, tình trạng hôn nhân, tài chánh, con cái của bạn dù lớn đến đâu, bi thảm đến đâu, nặng nề đến đâu cũng không khó khăn gì cho Chúa Giê-xu trong việc chữa lành hay giải quyết cả. Dù tình trạng của chúng ta có bi đát đến mấy, sự sống của chúng ta chỉ còn đếm từng ngày đi nữa thì cũng chẳng ‘xi-nhê’ gì đến quyền năng quá đỗi lớn lao của Đức Chúa Trời. Đó chính là lý do mà Chúa Giê-xu khẳng định chắc nịch với Giai-ru rằng, “đừng sợ, chỉ tin mà thôi”.
Nếu bạn tin lời Chúa Giê-xu như Giai-ru đã từng tin; Nếu bạn phó thác nan đề của mình trong tay Chúa, dù không còn gì để hy vọng; Nếu bạnvâng lời Chúa “tống cổ” đám khóc mướn - tức là tống khứ những lời nói tiêu cực, xúi quẩy ra khỏi tâm trí của mình, thì phép lạ mà Chúa Giê-xu đã làm tại nhà Giai-ru năm xưa cũng sẽ xảy ra với bạn và gia đình bạn ngay hôm nay. Chúa Giê-xu Christ hôm qua, hôm nay và cho đến đời đời không hề thay đổi. Ngài là Đấng không hề thiên vị. Chúa không ở tận ngoài bờ biển để chúng ta phải chạy ra đến đó để thỉnh cầu, Ngài đang ở tại đây.
Bao nhiêu người trong bạn sẵn lòng chạy đến với Chúa giờ này để gieo mình trước mặt Chúa và tin nhận Ngài làm Cứu Chúa; bao nhiêu người trong bạnđang có tật bệnh trong thân thể mình muốn nhận được sự chữa lành bởi Chúa hôm nay?

MSB