Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

THIÊN MỆNH & NHÂN ĐỊNH

Ngẫm hay muôn sự tại trời,
trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Có đâu thiên vị người nào,
chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.
Có tài mà cậy chi tài,
chữ tài liền với chữ tai một vần.
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
(Trích trong Truyện Kiều, câu 3241-3252).
Những câu thơ trong đoạn kết của Truyện Kiều được trích dẫn ở trên hiển hiện hai ý niệm Thiên Mệnh cũng như Nghiệp Báo – hai triết thuyết chủ đạo của Nho Giáo và Phật Giáo. Trường hợp của Thúy Kiều có thể chỉ là một câu chuyện văn chương, một phương tiện để diễn tả, chuyên chở quan điểm riêng của đại thi hào Nguyễn Du nhưng trong đời sống thực tế thì cũng có rất nhiều những trường hợp tương tự như của Thúy Kiều, hoặc thương tâm hơn nữa ở mọi thời đại. Thiên Mệnh hay Thiên Định là ám chỉ một sự việc do trời hay do quy luật của vũ trụ sắp đặt trước. Còn Nghiệp là hành động có tác ý, hay hành động phát sinh từ tâm được thể hiện qua hành động (Thân nghiệp), ngôn ngữ (Khẩu nghiệp) và tư duy (Ý nghiệp).  Nghiệp do mình tạo ra rồi trở lại chi phối chính mình. Nghiệp có thể được hiểu là ý chí tự do của con người sắp đặt và quyết định sự việc hay còn được gọi là Nhân Định [1]. Như vậy, quan điểm của Nguyễn Du là vừa có Mệnh lại vừa có Nghiệp; vừa có Thiên Định mà cũng vừa có Nhân Định trong đó.
Thế nhưng giữa Mệnh và Nghiệp hay giữa Thiên Định và Nhân Định thì điều gì đóng vai trò quyết định: Thiên Chúa/Trời/vũ trụ lập trình mọi sự kiện, mọi biến cố (thiên định), hay con người ta tự quyết định lấy số mệnh của mình (nhân định), hay là… theo tỉ lệ năm - năm? Trong suốt chiều dài lịch sử đây là một câu hỏi đau đầu, một vấn đề rất gai gốc liên hệ đến mọi tôn giáo, mọi triết thuyết, mọi khía cạnh nhân văn, xã hội, luật pháp, đạo đức v.v… Có vô số những lời giải đáp, có vô số những câu trả lời, đưa đến vô số những quan điểm và nhận định hoàn toàn trái ngược nhau. 
Trong sự hiểu biết giới hạn của cá nhân, người viết cố gắng trình bày những suy luận của mình về mối tương quan giữa quyền tự do của con người với sự tể trị của Đức Chúa Trời trên cơ sở khổ thơ Kiều đã được chọn.
Dường như mọi dân tộc trên thế giới, kể cả tại các nước Ả Rập, đều tin tưởng nơi thuyết “thiên định/định mệnh”, tức là họ tin rằng mọi sự xảy ra trong cuộc đời của mỗi con người trong vũ trụ này đều do bàn tay sắp xếp của một “Ông Trời”. Nhưng trong số đó, có lẽ đại đa số người Việt Nam tin vào thuyết này mạnh mẽ hơn. Thậm chí đến khi ăn, gắp miếng thịt đưa lên miệng, chẳng may miếng thịt rớt xuống bát, cũng vội cho là ... ý trời –  “Nhất ẩm nhất trác giai do tiền định”! Xuất phát từ bối cảnh văn hóa và tín ngưỡng như thế, nên có lẽ sẽ là không quá lời khi nói rằng một số không nhỏ Cơ-đốc nhân Việt Nam tin có số trời. Niềm tin này ẩn trong vô thức bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian về luật nhân quả. Qua thời gian nó lồng vào niềm tin “Chúa Quan Phòng” một cách rất tự nhiên. Họ tin có số mệnh vì một sợi tóc trên đầu rơi xuống cũng do Chúa định (Mathiơ 10: 29-31).
Cũng có nhiều Cơ-đốc nhân không tin vào số mệnh nhưng lại không thể làm sáng tỏ vài sự kiện được nêu ra trong Thánh Kinh như việc Giuđa phản bội chẳng hạn. Vì Chúa Giê-xu đã nói trước những gì xảy ra (Mathiơ 26: 24) , nên họ thắc mắc: “Phải chăng hành động của Giuđa Ích-ca-ri-ốt cũng nằm trong chương trình cứu rỗi đã được tiền định? Phải chăng Giuđa chỉ là nạn nhân của một định mệnh cũng như Thúy Kiều phải chịu số kiếp tiền định “thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần”?
Trước hết, chúng ta hãy học hỏi khái niệm tiền định và sự thần hựu của Đức Chúa Trời qua những biến cố được ghi trong Thánh Kinh. Rõ ràng là trong Kinh Thánh – cả kinh Cựu Ước lẫn kinh Tân Ước – đầy dẫy những ý tưởng, những hình ảnh và những lời xác chứng rằng, Đức Chúa Trời là Đấng định đoạt mọi sự việc xảy ra hay nói theo ngôn ngữ của Nguyễn Du là “muôn sự tại trời”. Chúa sắp đặt mọi sự, hành động trong mọi sự và chắc chắn sẽ làm thành mọi sự: Ta tuyên bố sự cuối cùng từ buổi ban đầu,Ta tuyên bố từ thời cổ đại những việc chưa xảy ra. Ta phán: Mục đích của Ta sẽ đứng vững, Ta sẽ làm tất cả những gì Ta đẹp ý… Điều Ta đã phán, Ta sẽ hoàn thành, Điều Ta đã định, Ta sẽ thực hiện” (Esai 46: 10-12). Bởi vì Chúa thành tín đối với những mục đích mà Ngài đã phán truyền, nên việc tìm cách chống cải lại mệnh trời chỉ là vô ích: “Vì Đức Giê-hô-va vạn quân đã toan định, thì ai bãi đi được? Tay Ngài đã dang ra, thì ai day lại được?” (Esai 14: 27)[2]. Chính vì vậy, nên hễ trời đã “bắt phong trần phải phong trần; cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Ai trong chúng ta lại chẳng muốn mình thành đạt và có một cuộc sống sung túc. Thế nhưng, có người thì thành công, đạt được mục đích mong muốn một cách rất thuận lợi và dễ dàng, trong khi đó người khác thì "tận nhân lực" mà vẫn không thể nào “tri thiên mệnh” và còn luôn gặp những khó khăn trở ngại ngoài ý muốn.
Đến đây, chúng ta phải nêu lên câu hỏi rằng, phải chăng Đức Chúa Trời ngăn cản, hạn chế, nếu không muốn nói là tước đoạt hoàn toàn tự do của con người? Mà nếu là như thế thì Thiên Chúa đã làm tổn thương đến phẩm giá cao quý của con người – vì con người chỉ thực sự xứng đáng là người khi có một cuộc sống hoàn toàn tự do mà thôi!
Rõ ràng, một số không ít các điều răn của Chúa được xem như là những ngăn cấm: CHỚ làm điều này, CHỚ làm điều nọ, … khi ấy Thiên Chúa chẳng khác nào viên cảnh sát giao thông. Mà ngay cả những điều răn mang hình thức tích cực, khuyến thiện, như: HÃY làm điều này, HÃY làm điều nọ… cũng được xem như là hạn chế tự do của con người, vì con người buộc phải hướng về một cái THIỆN do Đức Chúa Trời áp đặt, chứ không phải do chính con người mình tự thiết định ra.
Nhưng thế nào là tự do? Trong đời sống hàng ngày có vẻ như ta rất tự do. Ta muốn đi, đứng, nằm, ngồi, hay làm bất cứ việc gì đó, tất cả là do quyết định của ta, tức là do ý chí của ta. Nhưng có đôi khi ta lại thấy dường như không phải vậy. Ngay cả đối với bản thân ta nhiều khi – và oái ăm thay là rất nhiều khi – ta chẳng có quyết định gì được cả. Ta không muốn già, không muốn bệnh, nhưng cơ thể vẫn cứ già, cứ bệnh. Hoặc ta rất muốn có đủ khôn ngoan để bươn chãi với đời, hoặc ta rất muốn hoàn tất một dự định, hoặc ta rất muốn thành đạt; nhưng muốn là một chuyện, còn có thực hiện được không lại là một chuyện khác. Cầu thủ được phân công đá quả phạt đền rất muốn sút vào khung thành đối phương, tất cả cổ động viên của đội bóng ngồi trên khán đài đều muốn như thế, nhưng muốn là một chuyện, còn bóng có đi vào lưới hay không đó là chuyện khác. Rõ ràng là “Việc toan liệu của lòng thuộc về loài người; Còn sự đáp lời của lưỡi do Đức Giê-hô-va mà đến!” (Châm ngôn 16: 1).  
Nói đến tự do, người ta thường đề cập đến hai kiểu tự do: tự do bên ngoài hay tự do ngoại tại và tự do bên trong hay tự do nội tại. Tự do bên ngoài thường được hiểu như là không bị bất cứ một cái gì bên ngoài cản trở, muốn làm gì thì làm: tôi muốn nằm ngủ hay muốn cầu nguyện hoặc muốn vào quán bar nhậu nhẹt, … đều được, không bị ai ngăn cấm, không bị ai cản trở cả, … thế là tôi có tự do bên ngoài. Theo nghĩa này thì một dòng nước chảy xuôi từ nguồn ra biển không bị cản trở; một nồi nước đun sôi, hơi nước bốc lên không bị nắp vung chặn lại… cũng có thể xem như là được tự do bên ngoài. Và một người sống buông thả theo dục vọng, không bị điều kiện vật lý hạn chế, không bị luật lệ xã hội ngăn cấm, cũng được xem như là có tự do bên ngoài. Muốn có loại tự do này, con người phải đấu tranh hoặc về phương diện kỹ thuật hoặc về phương diện chính trị, xã hội.
Về loại tự do bên trong thì có nhiều triết thuyết phủ nhận rằng con người không có thứ tự do này, vì con người cũng như các vạn vật khác đều do luật tất định hay mặc định (default) chi phối hoàn toàn. Chắc chắn là chúng ta có bị quy trình hóa. Anh thích đàn bà, chị thích đàn ông, là một quy trình hiển nhiên. Thế nhưng, người ta vẫn nghĩ là mình có tự do chọn lựa. Những anh ‘ba phải’ thì cho là có tự do chọn lựa, nhưng tự do đó bị hạn chế trong một số chọn lựa đã được “lập trình” sẵn. Người viết nghĩ rằng khi nói “tôi chọn” thì vấn đề nằm ở cái “tôi” nhiều hơn là sự “chọn”. Cái tôi chỉ là một tập hợp do những nhân duyên phức tạp cấu tạo nên, vì thế sự chọn lựa không thể là gì khác hơn là kết quả của những nhân duyên ảnh hưởng vào nó. Vì thế, sứ đồ Phao-lô đã nói: “tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là chính Chúa sống trong tôi”. Tức là sự lựa chọn của tôi trong cuộc sống tùy thuộc những Quy Luật kết tụ trong điều mà ta gọi là Ý Chúa.
Ở đây ta đi từ giả sử là con người CÓ thứ tự do bên trong này để xem như vậy thì Thiên Chúa có cản trở hay tước đoạt tự do này của con người hay không.
Nhưng tự do này là gì? Là con người khác hẳn các vật khác ở chỗ con người có khả năng khởi đầu tuyệt đối, không bị mặc định bởi bất cứ cái gì trước đó, ngay cả đối với chính mình trong quá khứ cũng không. Tự do này không phải là ở chỗ muốn gì làm nấy, mà là ở chỗ: có thể muốn cái gì tự mình khởi điểm ngay trong hiện tại chứ không có ngoại vật mà cũng không có quá khứ bản thân tất định.
Thứ tự do này (nếu có) chính là cái làm cho con người vượt lên trên tất cả mọi loài gần như sánh ngang với Đức Chúa Trời. Vì sự tự do này làm cho con người có khả năng sáng tạo (nghĩa là làm ra cái mới hoàn toàn, không có cái gì có trước làm nên cả, chẳng khác gì Chúa sáng tạo từ hư không). Vì vậy, có người bảo rằng Đức Chúa Trời tạo nên con người theo hình ảnh của Ngài tức là tạo nên con người tự do theo nghĩa này. Mà quả vậy, ta sẽ thấy ngay cả sự toàn năng của Đức Chúa Trời cũng phải bó tay trước sự tự do của con người, và rồi sự chí ái của Ngài cũng đành bất lực trước sự tự do của con người, khi mà con người trả lời “KHÔNG” trước ân sủng của Tình Yêu Thiên Chúa.
Bây giờ, chúng ta thử xét xem Đức Chúa Trời có hạn chế sự tự do bên ngoài của con người không? Sở dĩ chúng ta có cảm tưởng Đức Chúa Trời hạn chế, tước đoạt tự do bên ngoài của con người, là vì chúng ta thấy rằng nhiều ước muốn của mình bị các điều răn cản trở. Chúng ta phải nhìn nhận rằng vì những thiếu sót sai lầm trong nền giáo dục mà các “điều răn” của Thiên Chúa – đối với một số người chưa trưởng thành đủ – còn mang một bộ mặt áp chế, thường kèm theo sự hăm doạ. Nhưng thực ra mà nói, trong một giai đoạn nào đó, hình thức “răn đe” đôi khi cũng cần thiết và hữu ích (vì trong chúng ta, ai có lòng thành thực khiêm tốn mà lại không nhìn nhận rằng, dẫu đến lúc “đầu râu tóc bạc” rồi, mà có khi chúng ta vẫn còn “sợ ăn đòn” – thứ rào cản cuối cùng giúp ta khỏi bị cơn lốc dục vọng lôi cuốn vào vực thẳm sa đoạ) để dần huấn luyện con người đi đến chỗ làm chủ lấy chính mình ngõ hầu tự mình lựa chọn và trung thành với nấc thang giá trị làm tiêu chuẩn cho cuộc sống, để trở nên người tự do, bên ngoài không bị ngoại vật chi phối, bên trong không bị dục vọng lôi cuốn nhận chìm. Mới nhìn qua thì hơi mâu thuẫn, nhưng mục đích của răn đe, chính là để hướng dẫn con người từ từ tiến lên trình độ tự điều khiển chính mình không cần ai răn đe nữa. Tại sao như thế? Chính là vì con người có tự do (bên trong) vậy!
Chúng ta có thể nói như thế này: Tất cả vạn vật trừ con người ra đều đạt tới kết cuộc (the end) của mình, thể hiện được chính mình một cách trọn vẹn tuyệt hảo vì chúng đều do luật mặc định chi phối: một tảng đá, trọng lượng bao nhiêu đó, nằm trên một mặt nghiêng với một độ dốc bao nhiêu đó, thì nhất định sẽ lăn xuống với một tốc độ nào đó, và sẽ ngừng ở một điểm nhất định nào đó, vào một thời điểm nào đó. Một nụ hoa nào đó, với độ nắng mưa nào đó, đã được vun xới, bón phân với mức độ nào đó, thì nhất định sẽ nở ra như thế nào đó, và cuối cùng sẽ tàn rụng lúc nhất định nào đó… Nhất nhất mọi sự đều tuyệt hảo, không sai một li, một tấc nào cả! Có lẽ vì vậy mà khi tạo nên mọi sự - trừ con người, Đức Chúa Trời đều thấy là “tốt lành”, vì tất cả đều răm rắp hiện ra trong sự hữu hình của mình cách vẹn toàn, hoàn hảo đúng y như quy luật do bản chất của mình,  thể hiện chính mình một cách tuyệt mức, không hơn được mà cũng không kém được. Nhưng có một điều là chúng không tự thể hiện chính mình, mà hoàn toàn bị thể hiện, bị chi phối theo luật mặc định! Vì vậy, chẳng ai khen một trụ cầu chịu đựng được sức nặng hàng tấn, cũng chẳng ai chê một chiếc đòn gánh gãy vì quá yếu không kham nổi một trọng lượng quá lớn, chẳng ai cười một bông hoa nở muộn, hay chẳng ai hoan hô một chồi non mọc sớm v.v… Cũng vì vậy mà Đức Chúa Trời chẳng phải răn đe khuyến khích, mời mọc hay hăm doạ gì cả, hay không ai mất công hô hào hoặc đe doạ để cho một cội mai vàng nở đúng ngày xuân.
Thế nhưng, với con người thì khác hẳn! Một mặt con người cũng chỉ đạt được kết cuộc của mình, thể hiện được chính mình bằng cách sống đúng theo bản tính trung thực, đích đáng của mình – tức là sống đúng theo phẩm giá con người. Tức là cũng phải theo những quy luật phù hợp với bản tính, với kết cuộc của mình mới đạt được hạnh phúc đích thực của mình, cũng tương tự như vạn vật đều tuân theo các quy luật tự nhiên vậy! Nhưng phước thay, vinh thay, hoặc là khốn thay – những quy luật của con người, không mặc định chi phối con người, mà phải do con người tự nhận thức lấy, tự chọn lấy và tự thực hành lấy! Biết đâu chẳng phải vì vậy mà Đức Chúa Trời đã thấy là “rất tốt lành” sau khi dựng nên con người đó sao (?)
Con người có khả năng tự chọn lấy, tự làm lấy những điều ngược lại với quy luật của mình, và như thế tự đi lệch ra ngoài con đường đúng đắn, và hụt mất cứu cánh hay kết cuộc (the end) của mình, tự huỷ lấy mình, tự đánh mất chính mình: mất linh hồn là vậy đấy! Thiên Chúa vì không muốn con người bị mặc định – và mặc định thì vô tri, vô giác, đâu còn là con người nữa – mà để cho con người hoàn toàn tự do, tự quyết định lấy, tự lựa chọn lấy, để hoặc là tự thể hiện chính mình, đạt được kết cuộc – hạnh phúc thật của mình, hoặc là tự đánh mất, tự đày ải mình, tự mình làm hụt mất kết cuộc hạnh phúc của mình. “Ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, sự phước lành và sự rủa sả. Vậy, hãy chọn sự sống, hầu cho ngươi và dòng dõi ngươi được sống” (Phục truyền 30: 19)
Những giới hạn của Thiên Chúa là những mũi tên chỉ đường cho con người biết đâu là đường sống, còn theo hay không, Thiên Chúa nhường quyền hoàn toàn cho con người TỰ DO quyết định. Những điều răn chẳng những không vi phạm đến tự do con người, mà còn giúp cho con người nhận thức đúng để TỰ mình chọn lấy con đường sống hay con đường chết một cách có ý thức: Tiếng nói lương tâm không phải là một mệnh lệnh độc đoán áp chế, trái lại đó là lời cảnh tỉnh, là tiếng chuông báo động, là mũi tên, bảng hiệu vẽ đường chỉ lối, là lời mời mọc ân cần, âu yếm nhưng nghiêm túc đứng đắn (chứ không phải đường mật quyến rũ, dụ dỗ) để con người tự do mà chọn lựa; con người có toàn quyền tự bịt mắt, bưng tai, ngoảnh mặt lại đi vào chỗ chết mà!
Chẳng những Thiên Chúa không cưỡng bức ép buộc, mà Ngài cũng không hề doạ dẫm: Ngài chỉ nói rõ cho biết là hậu quả sẽ ra sao, rồi mong con người tỉnh ngộ mà thôi. Nếu trong Thánh Kinh có những lời xem ra như doạ nạt, thì cũng như mẹ doạ con vì thương con, chứ bản chất là những lời thiết tha nài nỉ van xin con người hãy tự mình trở lại, của một thân vị có tự do đến một thân vị có tự do, tôn trọng chờ đợi lời đáp trả trong tự do tuyệt đối chứ không hề có gì là cưỡng ép cả! Và có thể nói cả chương trình Cứu rỗi: lựa chọn dân Do Thái, gởi các tiên tri, gởi chính Con Một của Ngài thành lập Hội Thánh cho đến ngày tận thế, cũng chỉ là những phương thế để gởi lời mời gọi tha thiết đến người tình phụ đã tự do chối bỏ Tình Yêu! Ai đã yêu cũng đều biết tình yêu chỉ có thể có được trong tự do mà thôi, vì nếu phạm đến tự do thì là cưỡng hôn chứ đâu còn có tình yêu nữa!
Mari có một vị trí quan trọng trong chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Nhưng rõ ràng Mari không phải là “nạn nhân” của một định mệnh. Thiên Chúa sai Gáp-ri-ên đến thông báo cho Mari thánh ý của Ngài nhưng câu trả lời “xin vâng” hay “xin không” là tùy ở Mari. Thánh Kinh cho chúng ta thấy Chúa Giê-xu không hề chấp nhận hành động của Giuđa Ich-ca-ri-ốt. Há chẳng phải Ngài đã cảnh báo nhiều lần về sự sai lầm của người đó sao (Mathiơ 26:21-25). Nếu Giuđa là công cụ của cái gọi là số mệnh, Chúa Giê-xu đã không phản ứng như thế.
Đọc truyện Kiều, từ bậc trí thức đến kẻ thường dân đều cho là phản ánh tích cực nhất về triết thuyết "thiên mệnh" hay còn gọi là "định mệnh". Từ đó, người ta đã hè nhau than thở, khóc lóc bằng bút mực, suốt trên hai trăm năm, để tỏ ý xót thương cho số phận cay nghiệt của nàng, và đổ riệt cái đại tội ác đức này cho Trời cao (!) Nhưng trong hoàn cảnh đó liệu con người có thể hay có quyền chọn khác đi không? Thúy Kiều có thể chọn lựa khác thay vì “bán mình” để chuộc cha nàng không? Xét trong tất cả các hành vi và ngôn ngữ của nàng Kiều, kể từ khi mới gặp Kim Trọng nhân dịp lễ Thanh Minh, cho đến ngày nàng gieo mình xuống sông Tiền Đường, để phủi sạch nợ trần, đều chứng tỏ cách hết sức rõ rệt: nàng ĐÃ CÓ THỂ có những quyết định khác và kết quả cũng sẽ khác thay vì “thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần” trong cuộc đời 15 năm lưu lạc, ê chề, "sống làm vợ khắp người ta, hại thay thác xuống làm ma không chồng” của nàng.
A-đam đã có thể chọn không nghe theo Ê-va; Giô-sép có thể chọn một người con gái khác làm vợ thay vì Mari, và mỗi một người được Chúa kêu gọi cách đặc biệt này hôm nay có thể từ chối sự mời gọi này, nếu họ muốn. Phật Giáo gọi điều này là mệnh hay là định mệnh tự tạo. Còn trong ngôn từ Cơ-đốc giáo, ta gọi là ý chí tự do hay là sự tự do chọn lựa của con người.
Như vậy, hành động của con người nằm trong chương trình của Đức Chúa Trời. Con người có quyền tự quyết, có quyền nói “vâng” hoặc nói “không” trước lời mời gọi hay cảnh báo của Thiên Chúa. Thế nhưng, liệu rằng chương trình toàn diện của Đức Chúa Trời có triệt tiêu động cơ hành động của con người hay không? Nếu như Ngài đã làm cho chắc chắn điều sẽ xảy ra thì những gì con người chọn lựa có thực sự tạo ra tác dụng gì so với điều sẽ xảy ra không? Liệu có thể “hóa giải” được Thiên Mệnh trên một cá nhân, một cộng đồng, một quốc gia, … qua sự chọn lựa khác đi của con người chăng?
Người viết thích thú với cách trả lời của Erickson cho vấn đề này. Theo đó, nếu Đức Chúa Trời làm cho kết cuộc trở thành chắc chắn, thì chương trình của Ngài cũng bao gồm cả những phương tiện để đi đến kết cuộc này. Công tắc điện không khiến cho bóng đèn phát sáng nhưng nó là công cụ cần yếu để bóng đèn có thể kết nối được với điện – nguồn năng lượng khiến cho bóng tỏa sáng. Thế thì, hành động của con người không thay đổi điều mà Chúa đã định thực hiện. Hành động của con người là phương tiện mà qua đó Ngài làm trọn mục đích của Ngài.
Về một khía cạnh nào đó thì khái niệm tiền định của Đức Chúa Trời  có ý nghĩa tương tự như ý niệm định mệnh của người Hy Lạp khi cho rằng số phận con người là do ý chí của một sức mạnh siêu nhân. Tuy nhiên, điều mà Kinh Thánh nhấn mạnh là ý chí và chủ đích riêng tư của Chúa, trong khi ý tưởng thần hựu (providence) lại bao hàm và cần đến ý niệm tự do của con người. Ý chí của Chúa được thực hiện thông qua ý chí và hành động con người.
Thật bí ẩn, ở chừng mực nào đó mà con người không thể thấu hiểu nổi, thần hựu kết hợp sự tiền định thiêng thượng với tự do con người. Trong Kinh Thánh, con người có thể phản đối ý chí của Chúa hoặc cưỡng chống lại sứ mệnh đã được giao phó, nhưng sau cùng ý chí của Chúa cũng sẽ thắng vượt và con người sẽ phục tùng nó. Dự án của Chúa gạt qua một bên mọi dự án của con người và bắt ý chí con người phục tùng ý chí của Ngài. Nhưng thiên hựu không phải bất biến như định mệnh. Nó dành chỗ cho tự do con người.
Mặc dù được nhà tiên tri lưỡng lự Giô-na của Chúa báo trước thảm họa, dân chúng thành Ninive vẫn được cứu thoát, vì họ biết hối lỗi. Dự định của Chúa là cứu chuộc, chứ không phải kết án. Trí khôn và sức mạnh siêu việt của Chúa đem điều thiện ra từ cái ác, đem sự đón nhận ra từ sự khước từ. Các nhà tiên tri ngoại giáo, trái lại, nói trước những gì bị kết án sẽ diễn ra và không thể diễn ra khác đi được.
Tóm lại,  Đức Chúa Trời có sẵn mục tiêu cho vũ trụ là đưa vạn vật tới mức trọn hảo và cho con người sống với Thiên Chúa trên thiên đàng. Mục tiêu tối hậu này chính là sự tiền định của Chúa. Vì con người không thể tự mình đạt mục tiêu, nên con người cần sự trợ giúp của Đức Chúa Trời. Sự trợ giúp này được gọi là sự thần hựu của Thiên Chúa. Sự thần hựu là sự nâng đỡ trong yêu thương. Khái niệm về mục tiêu và sự thần hựu thường được nhiều người diễn dịch lệch lạc như là một định mệnh. Thực ra mục tiêu chỉ là lời hứa của Đức Chúa Trời  và sự thần hựu chỉ là lời mời gọi hợp tác hướng về một viễn tượng huy hoàng. Mục tiêu “trở nên hoàn hảo để về sống cùng Chúa” là cái đích để hướng tới chứ không phải là một áp chế. Đức Chúa Trời muốn con người, trong ý chí tự do, cộng tác với Ngài để hoàn tất công trình sáng tạo. Quyết định thế nào là tùy thuộc nơi mỗi một chúng ta. Nguyện xin Chúa bởi Thần Linh Ngài cảm động lòng mỗi một người trên dương thế “vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Ngài”. A-men.
(Bài khóa luận của MSB, Môn Thần Học Hệ Thống 1, M.Div, UUC, 9/2008)




[1] Thư Viện Hoa Sen. Phật Học Vấn Đáp, câu hỏi 55. Online. Truy cập ngày 16/9/2008
[2] Millard. Erickson. Thần Học Cơ Đốc Giáo, Tập I. Hà nội: NXB Văn Hóa Thông Tin, 2007, 380-381